Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Độc đáo ngôi làng mang tên Trinh Tiết

(Tinmoi.vn) Trên đường du lịch khu di tích thắng cảnh chùa Hương (Mỹ Đức – Hà Nội) hẳn nhiều người ngạc nhiên khi thấy một ngôi làng cách chùa Hương khoảng 10km bên trên cổng làng có khắc dòng chữ “Làng văn hóa Trinh Tiết”.

Độc đáo ngôi làng mang tên Trinh TiếtCổng làng “Trinh Tiết”

Chuyện kể rằng...
 .Qua tìm hiểu của chúng tôi từ các cụ cao niên trong làng kể lại thì ngày xưa làng Trinh Tiết có tên là Bối Lang, sau đổi tên thành làng Sêu, nổi tiếng khắp xa gần bởi có những người con gái hiền dịu, nết na, xinh đẹp, đảm đang, tháo vát, đặc biệt là đức tính thờ chồng nuôi con. Sở dĩ làng có tên “Trinh Tiết” bởi tương truyền rằng: Phụ thân của Thành hoàng làng Triệu Quốc Bảo là một người “xứ trong” ra đây lập nghiệp rồi xây dựng gia đình. Hai vợ chồng chung sống rất hòa thuận và hạnh phúc. Khi sinh hạ được Quốc Bảo thì bố mất, để lại cảnh mẹ góa con côi.
Mẹ Quốc Bảo là người phụ nữ nức tiếng gần xa về vẻ đẹp trời phú. Chính vì thế khi người chồng quá cố qua đời, có rất nhiều chàng trai giàu có đến ngỏ lời cầu hôn nhưng bà vẫn một lòng thủ tiết. Bà tần tảo nuôi con một mình, nhất quyết không tái giá. Dân làng cảm phục và noi gương bà, từ đó trở đi ai nấy đều dặn lòng mình phải luôn chung thủy với chồng con.
Quốc Bảo là người giỏi võ nghệ, ông đã tập trung, huấn luyện được nhiều người tài để giúp vua đánh giặc, bảo vệ đất nước; trở thành tướng của vua Triệu Quang Phục. Tuổi già, ông lui về quê sống thanh bình, yên tĩnh. Chọn gò đất đầu làng sinh sống, hưởng cuộc sống an nhàn. Sau này, để đền đáp công ơn của ông, khi ông qua đời, dân làng đã chôn cất ông ở gò đất đó và lập đền thờ tôn ông là Thành Hoàng làng.
Thế kỷ thứ XI, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy, nhìn thấy cảnh sắc thơ mộng của làng Sêu nên đã dừng thuyền lên bờ thăm thú. Thấy các thiếu nữ ở đây xinh đẹp, dịu dàng nên vua cũng phải tấm tắc ngợi khen. Các cụ trong làng đã biếu nhà Vua một áo lụa và một áo tơ tằm do chính những thiếu nữ trong làng thêu. Vua rất hài lòng. Nhà Vua rất xúc động khi nghe câu chuyện người phụ nữ thủ tiết thờ chồng nuôi con thành một vị tướng tài, giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, từ đó nhà vua đã đổi tên làng Sêu thành làng Trinh Tiết.

Độc đáo ngôi làng mang tên Trinh TiếtMặt sau cổng làng “Trinh Tiết” vẫn lưu tên cũ là làng Sêu
Phía sau cổng làng Trinh Tiết ngày nay, vẫn còn lưu lại tên làng cũ – làng Sêu. Tên làng Sêu được đặt cho dân làng nhìn thấy mỗi khi ra khỏi làng, điều này thể hiện sự mong muốn gìn giữ nét văn hóa của làng cũ, như đôi câu đối trên cổng làng: ‘‘Làng Sêu quê cũ, chim đậu đất lành, văn vật ngàn xưa, còn lưu mãi - Trinh tiết đời nay, xuân về vận mới, thanh cao muôn thuở, phải là đây”.
Gái trinh tiết và câu chuyện những con đường lát gạch

. Chuyện kể, ngày xưa ngôi làng nằm gọn trên một gò đất. Được phù sa sông Đáy bồi đắp thành một vùng đất màu mỡ ở ven bờ nên dân làng đã rủ nhau ra sinh sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm, diệt lụa, đánh bắt cá ở sông Đáy... Những mặt hàng thủ công do chính những người con gái làng làm ra để bán ở chợ Sêu. Rồi cái tên làng Sêu cũng xuất hiện từ ngày đó.
          Nhắc đến con gái làng Trinh Tiết, ai cũng khen họ đảm đang, tháo vát, thông minh. Những đôi bàn tay khéo léo trồng, cấy nên những cây lúa thẳng tắp, chăm sóc cho những cánh đồng xanh mơn mởn. Bàn tay ngọc ngà quay tơ, dệt lụa kết thành mảnh vải mịn, áo the mượt mà, tấm lụa mềm mại, đẹp đẽ để làm. Các cô gái Trinh Tiết còn biết sáng tạo đặc sản cốm thành hương vị quyến rũ với sự kết hợp của mùi thơm chuối tiêu.... Biết bao chàng trai làng trên xóm dưới đều si mê con gái làng Trinh Tiết.

Độc đáo ngôi làng mang tên Trinh TiếtMột góc chợ Sêu

Từ xưa và cho đến bây giờ những người con gái trong làng Trinh Tiết luôn một mực thủy chung với chồng. Những người không may chồng mất sớm cũng quyết không tái giá mà một dạ thủ tiết, thờ chồng nuôi con. Với những cô gái đi lấy chồng nơi khác, để chứng minh cho tấm lòng son sắt của mình với làng, trước khi đi lấy chồng, các cô gái tự nguyện đóng góp gạch để lát đường làng. Người đi trước làm gương cho thế hệ sau, cứ như thế trở thành một quy ước, lệ làng. Trước khi xuất giá, những cô “gái trinh” phải góp 200 viên gạch để xây dựng đường làng. Nhờ đó mà bộ mặt của làng ngày càng khang trang, đẹp đẽ.

Độc đáo ngôi làng mang tên Trinh Tiết
Độc đáo ngôi làng mang tên Trinh Tiết

Độc đáo ngôi làng mang tên Trinh TiếtNhững con đường lát gạch ‘Trinh Tiết”
Thời đổi mới, lệ làng xưa không còn, những cô gái làng Trinh Tiết đi lấy chồng nơi khác không còn phải góp gạch xây đường làng nữa. Đường ngang ngõ dọc trong làng đang dần được cán nhựa, bê tông hóa; những con ngõ gạch còn lại đang cần sự bảo vệ nếu muốn lưu lại một nét văn hóa đẹp cho con cháu đời sau
Làng Trinh Tiết có gần 900 hộ dân, với 19 dòng họ. Hiện các tập tục, phong tục truyền thống từ nhiều đời trước đã mai một, bởi sự giao thoa về văn hóa đã làm thay đổi khá nhiều trong cách suy nghĩ của con người nơi đây. Tuy vậy, truyền thống về sự Trinh Tiết của người phụ nữ vẫn còn. Dù làng có dân số đông, nhưng mọi người nơi đây đoàn kết giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày. Cùng nhau xây dựng làng để làng ngày càng văn minh hơn.
An Dung – Mạnh Cường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét