Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Độc đáo trảng cỏ Bàu Lạch (Bình Phước)

“Lạch” theo tiếng người dân tộc Stiêng có nghĩa là cỏ, còn “trảng” là khoảng đồng, đất trống theo phương ngữ Đông Nam Bộ. “Trảng” thường có những cỏ kim, cỏ chỉ, cỏ may, hoặc lau, sậy, hay cây bụi thấp như sim, mua, lác… “Bàu” được hiểu như là ao hồ cạn, có nước, với nhiều cây cỏ thân mềm và một số động vật như rùa, rắn, lươn, cá, chim chóc sinh sống.

Độc đáo trảng cỏ Bàu Lạch (Bình Phước)
ảnh minh họa
Từ Đồng Xoài (Bình Phước), theo Quốc lộ 14 về hướng Đắk Nông một đỗi, rẽ phải đến xã Đồng Nai, đi thêm vài cây số, ta sẽ gặp trảng cỏ Bàu Lạch. Bàu Lạch là một trảng cỏ tự nhiên, khá bằng phẳng và rất độc đáo. Nơi đây cách thị trấn Đức Phong của huyện Bù Đăng (Bình Phước) chừng 15 km.
Giữa bạt ngàn rừng nguyên sinh, rừng thưa, rừng tái sinh rậm rạp, bỗng xuất hiện những trảng cỏ kết nối nhau thành một thảo nguyên rộng chừng 500 ha. Cỏ ở đây rất thuần, đa phần là cỏ chỉ, hoặc cỏ kim, cỏ stylo, mọc cao không quá 10 cm.
Những trảng cỏ mướt xanh như tấm thảm  mênh mông, kỳ vĩ, dài thoai thoải trông tuyệt đẹp giữa một vùng thiên nhiên hoang dã.
Các già làng Stiêng ở Bàu Lạch cho du khách biết một vài điều thú vị về  đồng cỏ này như: sát bên trảng cỏ là rừng nguyên sinh, nhưng hai hệ thực vật này không xâm lấn lẫn nhau, dù chỉ là một mét. Chúng có ranh giới rất rõ ràng, điều này đã tồn tại từ xưa đến nay.
Các loài thú nhỏ như nai, thỏ, khỉ, nhím sinh sống và phát triển rất tốt trên đồng cỏ. Người Stiêng quanh vùng hầu như không ai săn bắt chúng. Những kẻ lạ không thể nào vào trảng cỏ này săn trộm được, bởi sự giám sát thầm lặng nhưng rất chặt chẽ của bà con và chính quyền thôn Bàu Lạch.
Bàu Lạch có những hồ nước xen lẫn những trảng cỏ. Trong hồ có nhiều loài cá nước ngọt sinh sống. Hồ nước ở Trảng Lớn rộng và đẹp nhất. Các hồ nước và trảng cỏ nằm trong khu vực rừng cấm nên không có dân cư ngụ, nhiều loài chim, cò bay lượn rất tự nhiên, thỉnh thoảng chúng đậu trên lưng các chú trâu đang ngâm ngập mình trong hồ nước xanh thẳm. Tát, xổ bàu bắt cá thường gắn liền với lễ hội ăn mừng lúa mới diễn ra trong những tháng mùa xuân.
Đến Bàu Lạch vài ngày sẽ là một điều rất thú vị. Mỗi dịp nghĩ hè có rất nhiều đoàn du lịch, du khảo, sinh viên, học sinh đến cắm trại tại đây. Có rất nhiều trò chơi hấp dẫn trên đồng cỏ như: thả diều, cưỡi ngựa, cưỡi voi, chạy việt dã, đốt lửa trại…
Bạn cũng có thể đến với những thôn bản của người Stiêng quanh vùng để tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của bà con dân tộc ở đây. Nếu vào ngay dịp lễ hội, du khách sẽ được thưởng thức những điệu múa, hát trong tiếng chiêng, cồng, khèn bầu với những âm thanh rộn ràng, sinh động giữa hoang sơ rừng núi.
Du khách đi theo lối mòn xuyên rừng để khám phá. Thỉnh thoảng có những tấm biển bằng gỗ đóng trên thân cây ghi hướng dẫn khá rõ ràng lộ trình. Tiếng gà rừng gáy xa xa và tiếng chim hót líu lo vang dài rồi đột nhiên im lặng, rồi lại vang lên.
Càng vào sâu, rừng càng thâm u, vắng vẻ. Đi một hồi lâu, mồ hôi du khách đã ướt áo. Chợt nhiên, không gian như vỡ oà ra với ánh sáng tràn ngập. Một trảng cỏ tuyệt vời như một cánh đồng xanh màu mạ.
Ta sẽ gặp những con  trâu thong thả, nhẫn nha gặm cỏ. Bầy trâu to đùng khi gặp khách lạ có vẻ ngạc nhiên nhìn chăm chú. Theo lời người hướng dẫn, những đồng cỏ như thế này xen kẽ với rừng nguyên sinh cho tới tận đầu nguồn sông Đồng Nai.
Bàu Lạch cách rừng cấm Nam Cát Tiên không xa, cho nên hệ động thực vật ở đây rất phong phú. Địa hình ở miền đất nầy khá đặc biệt, không có núi nhưng lại có rất nhiều đồi đất ba-zan cao trên dưới 400 m. Những dãi đồi thường dài, có nơi thoai thoải, nhưng có nơi rất dốc.
Ở trảng cỏ trung tâm là trảng Bàu Lạch rộng 140 ha, tại đây hiện có một nhà hàng bán thức ăn và giải khát. Chủ nhà hàng cho biết, sau Tết và vào hè, khách đến khá đông, đa phần là ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Khi mưa xuống, nhiều nhà hàng chỉ hoạt động cầm chừng, nhưng tình hình khách, có vẻ khá hơn, do mọi người ngày càng biết đến nơi này nhiều hơn.
Bàu Lạch hiện vẫn còn hoang sơ, trong lành. Những trảng cỏ xanh mơn mởn, non tơ, độc đáo như nàng công chúa ngủ trong rừng. Đây là một danh thắng có một không hai của  miền  Đông, đang chờ được đánh thức./.

.
(theo dulichvn.org.vn )


Trảng cỏ Bù Lạch

Cách trung tâm huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước hơn 20km, ở xã Đồng Nai có một trảng cỏ xanh rờn đến mênh mông được bao bọc giữa những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, như cách biệt với thế giới bên ngoài. Đó là trảng cỏ Bù Lạch, một thắng cảnh mang đậm hơi thở của tự nhiên và luôn sẵn lòng níu chân du khách ghé thăm.

Con đường đến với trảng cỏ Bù Lạch quanh co qua những đèo dốc uốn lượn trong rừng càng thôi thúc trí tưởng tượng của chúng tôi về một bức tranh thủy mặc có cả rừng lẫn trảng cỏ mênh mông giữa một vùng trời đất ngoạn mục. Đường đi ngày càng dốc và nhỏ lại, một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Hoa sim điểm xuyết một màu tím thơ mộng cho những hàng cây bên đường… Trong không gian vắng lặng, tiếng gió rì rào quyện lẫn tiếng chim rừng, một trảng cỏ xanh bỗng nhiên hiện ra như đang gợn sóng, uốn lượn trước mắt rồi trải rộng đến vô tận. Chấm phá trong sự kì diệu ấy là một bàu nước trong vắt, phản chiếu nền trời với mấy đám mây bồng bềnh đang lững thững trôi. Khung cảnh càng trở nên yên bình khi chúng tôi bắt gặp từng đàn trâu đang nhẩn nha gặm cỏ trên trảng cỏ bình yên và rộng lớn. Đằng xa, mấy chú nghé đang nô đùa, làm âm thanh từ những chiếc lon sắt rung rinh dưới cổ thay cho lục lạc vang lên như khúc nhạc trữ tình của núi rừng.


Đồng cỏ xanh xa tít tận chân trời.

Câu cá giải trí ở bàu nước giữa trảng cỏ Bù Lạch.

Bàu nước như một tấm gương phản chiếu giữa trảng cỏ Bù Lạch.

Trên diện tích 500ha, trảng cỏ Bù Lạch thực sự là sản phẩm tuyệt mĩ của tạo hóa nằm giữa chốn thâm sơn cùng cốc với 20 trảng cỏ lớn nhỏ kết nối với nhau. Có trảng rộng chỉ 5 - 10ha, nhưng trảng rộng nhất, đẹp nhất lại lên đến gần 100ha gọi là trảng Lớn. Nét độc đáo ở đây là chỉ có duy nhất một loại cỏ kim đan xen cỏ chỉ mọc là là mặt đất, xanh tốt quanh năm khiến cho du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự sắp đặt đến hoàn hảo của thiên nhiên. Trên từng trảng cỏ rộng, thấp thoáng những khóm hoa dại khoe sắc tím sặc sỡ càng tô điểm cho nền cỏ non xanh mượt. Sau những giờ lang thang trên cỏ, du khách có thể đến gần bìa rừng để thưởng thức những trái sim rừng tim tím với vị chua chua, ngọt ngọt rất lạ.
Trảng này nối tiếp trảng kia, xanh ngút ngàn mà vẫn không lẫn được trong những cánh rừng nguyên sinh cũng đang nối tiếp chạy dài, ôm lấy từng trảng cỏ theo một ranh giới rất rõ ràng suốt bao nhiêu năm qua. Đó là hai hệ thực vật không hề xâm lấn nhau mà như sinh ra để cùng tạo nên một vẻ đẹp kì diệu của tạo hóa.

Chung quanh các trảng cỏ là các làng của đồng bào M’Nông, S’tiêng và Mạ. Các già làng ở đây đều giải thích rằng chữ “lạch” tiếng M’Nông có nghĩa là trảng, trong trảng lại có cái bàu nước nên trảng cỏ Bù Lạch còn có tên là Bàu Lạch. Các già còn luôn ví vùng trảng cỏ rộng lớn này chính là những tấm thảm xanh của trời trải xuống cho các tiên nữ xuống đùa vui vào những đêm trăng thanh. Sau khi vui chơi thỏa thích, các nàng còn khoe làn da trắng ngần với ánh trăng rừng và khỏa mình dưới làn nước lung linh, trong mát…

Vẻ đẹp thanh bình của vùng bàu nước giữa trảng cỏ Bù Lạch.

Những chú trâu nhẩn nha gặm cỏ trên trảng cỏ Bù Lạch

Quăng chài đánh bắt cá trên bàu nước.

Khu vực đệm sinh thái giữa rừng nguyên sinh và trảng cỏ.

Thảng hoặc giữa bãi cỏ mênh mông bỗng mọc lên một vài cái cây lẻ loi, xanh tốt.
Chính sự nguyên vẹn và hoang sơ của thiên nhiên đã biến trảng cỏ Bù Lạch trở thành một địa điểm du lịch sinh thái thú vị. Đến đây, du khách có thể chèo thuyền hoặc tản bộ ngắm cảnh, câu cá, cắm trại, chơi đá bóng trên nền cỏ của trảng… Vào tháng ba âm lịch, thời điểm chuyển giao giữa mùa khô và mùa mưa, tại bàu nước giữa trảng cỏ còn diễn ra lễ hội Đâm Bàu bắt cá. Lễ hội này thường gắn liền với lễ hội ăn mừng lúa mới của đồng bào các dân tộc trong vùng. Trảng cỏ lúc này lại là nơi để mọi người vui chơi thỏa thích, cùng đốt lửa và nhảy những điệu múa của núi rừng. Du khách cũng có thể đến với những thôn bản của người S’tiêng quanh vùng để tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của bà con dân tộc, được thưởng thức những món ăn của người bản địa rất hấp dẫn.

Tham quan khắp nơi, thỏa sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì thú của trảng cỏ Bù Lạch từ mọi góc độ, đã đến lúc mỏi chân, du khách chỉ cần nằm dài trên cỏ, hít căng lồng ngực dưới vòm trời xanh bao la, lặng nghe xung quanh tiếng chim kêu vượn hú giữa núi rừng tĩnh mịch… Lòng bỗng nhiên bình yên, biết bao phiền muộn trong cuộc sống thường nhật bỗng chốc tan biến, nhường lại một không gian mênh mông của trời đất, của trảng cỏ Bù Lạch./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Nguyễn Luân

Nam Tây Nguyên mùa xanh lá

Thiên nhiên chu đáo đến mức tạo ra bạt ngàn rừng nhưng không quên xen vào những trảng cỏ như là nơi "thư giãn" của muôn loài.
1. Sử chở tôi trên chiếc Honda PCX 125 mới mua vài hôm, như cách nói của Sử là tiện thể chạy roda. Tôi thì quá áy náy, vì chiếc xe có giá đến 50 triệu đồng mà chạy roda băng qua những đường lô cao su trơn trượt, nhão nhoét thì khác nào "phá xe". Nhưng Sử an ủi, không sao, một đời ta nhiều đời hắn. Cùng lắm là xe giảm độ bền, cũng là cơ hội để mua xe khác.
Bên hồ Bom Be.
Bên hồ Bom Be.
Tôi biết Sử không nói chơi, vì hai ngày qua, tình cờ được sống với bà con vùng Nam Tây Nguyên này, thấy kinh tế nhà nào cũng khá giả, thu nhập một năm năm bảy trăm triệu đồng là bình thường. Vợ chồng Sử có trên chục hecta cà phê, điều, cũng chỉ là mức trung bình của dân ở đây.
Vừa tìm cách băng qua một đường lô bùn ngập vành xe, Sử vừa nói: "Chút nữa có xe tải chở mủ cao su lui tới thì chiếc PCX 125 này không chạy được. Đất đỏ gặp mưa vừa trơn vừa bám dính. Dân tụi em đi rẫy đều dùng xe Honda 50, 67 cũ mèm, đôn dên, xoáy nòng, chỉnh gió, chỉnh lửa, lột trần chỉ còn khung và máy rồi quấn xích, kích chặt cả hai vành mới trị được loại đất này. Mười tám năm nay em không đến Bù Lạch và rừng già từ lúc ấy dần thành rừng cao su nên có thể lạc đường...".
Thiên nhiên chu đáo đến mức tạo ra bạt ngàn rừng nhưng không quên xen vào những trảng cỏ như là nơi "thư giãn" của muôn loài, ở Tây Nguyên, ở Đông Nam Bộ hay suốt dãy Trường Sơn đều thế. Nhưng trảng cỏ Bù Lạch khác với rất nhiều trảng cỏ tôi đã từng biết trong chiến tranh là cỏ quá thấp, chỉ có cỏ kim đan xen cỏ chỉ mọc là là mặt đất và thi thoảng mới có vài bụi mua cằn cỗi cho những cánh hoa tím rịm.Hơn 10km băng qua rừng cao su, lâu lâu xen kẽ những vạt rừng tự nhiên còn sót lại (hay chưa bị "làm trắng" vì chính quyền đang kiểm soát chặt), quẹo phải, rẽ trái không biết mấy lần, trước mắt là trảng cỏ nối tiếp trảng cỏ - đích đến của chúng tôi. Quả là Sử "định hướng" rất giỏi nên không bị lạc như anh "cảnh báo"!
Trảng cỏ Bù Lạch.
Trảng cỏ Bù Lạch.
Nghe nói đã có lúc lâm nghiệp trồng cây từ rừng bản địa ở trảng cỏ này, chăm sóc rất cẩn thận nhưng chúng không sống được. Có một khác biệt nữa, rất độc đáo, là Bù Lạch có đến 20 trảng cỏ tổng diện tích 500ha, có trảng rộng đến 10ha, tất cả phẳng phiu như sân bóng đá, nối nhau bằng những cánh rừng.
Rừng xanh và trảng cỏ hàng ngàn năm nay "đất ai nấy ở", không xâm lấn nhau mà nếu muốn cũng không thể xâm lấn! Các già làng nơi đây giải thích rằng, dưới các trảng cỏ có một vị thần canh giữ không cho rừng lấn sang để chúng mãi mãi là tấm thảm xanh của trời trải ra cho các tiên nữ xuống đùa vui vào những đêm trăng rồi khỏa mình dưới làn nước trong veo của hồ Bom Be, hưởng chút trần tục trần gian...
Bù Lạch (bù là buôn, Lạch là tên riêng, tức buôn Lạch - tiếng S'Tiêng) đã trở thành khu du lịch từ nhiều năm trước ở huyện Bù Đăng, cũng có đơn vị chủ quản, công ty tư nhân thực hiện nhưng chỉ thu hút được nam thanh nữ tú, những gia đình trẻ quanh Đồng Xoài, Bù Đăng, Bù Đốp trong những ngày lễ, Tết, lâu lâu có dân phượt từ Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Sài Gòn lên cắm trại.
Và như đã có từ bao đời, mỗi năm một lần, người S'Tiêng sống quanh những trảng cỏ này tổ chức lễ hội đâm trâu, lễ hội đâm cá ở hồ Bom Be vào tháng Ba. Thời gian còn lại là vắng lặng.
Không thể bỏ phí mãi một tài nguyên du lịch như Bù Lạch, tháng 6 vừa qua, tỉnh Bình Phước đã công bố dự án Khu phim trường kết hợp khu du lịch sinh thái Trảng cỏ Bù Lạch diện tích 405ha, gồm Khu A (268ha) dành cho phim trường và du lịch sinh thái rừng tự nhiên, du lịch dã ngoại, ăn uống, nghỉ dưỡng ven hồ Bom Be.
Khu B (59ha) là khu văn hóa làng nghề các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Khu Thác Voi (12ha) kết hợp du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, khám phá cuộc sống của đồng bào S'Tiêng, M'Nông và Châu Mạ.
Trở về, Sử chở tôi ngược con đường duy nhất từ ngã ba Minh Hưng rẽ vào Bù Lạch, bên phải quốc lộ 14 nối Bình Dương với Tây Nguyên, chừng 20km, chật hẹp, toàn ổ voi, uốn lượn dốc đèo giữa lớp lớp vườn cà phê và điều. Dù Dự án đã bắt đầu thực hiện tại Khu A nhưng tôi không mấy tin sẽ thu hút được khách du lịch nếu con đường này không được nâng cấp, mở rộng.
Người nhập cư khá giả ở Nam Tây Nguyên thư giãn trên quê hương thứ hai.
Người nhập cư khá giả ở Nam Tây Nguyên thư giãn trên quê hương thứ hai.
2. Đọc cái tựa đề phóng sự này có người sẽ nghĩ Tây Nguyên có những mùa "không xanh lá”. Thưa rằng, đúng vậy. Đó là tình trạng Tây Nguyên mấy chục năm trở lại đây. Khi rừng Tây Nguyên chưa bị "làm cỏ", "tháng Ba (đã là) mùa suối rừng sôi sục", "Tháng Ba sớm sớm mẹ ra rừng theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối" (lời bài hát Tháng Ba Tây Nguyên, của Văn Thắng và Thân Như Thơ, sáng tác giữa những năm 1960).
"Suối rừng sôi" và "mẹ ra rừng tìm nấm mối" thì chỉ có trong mùa mưa và rừng thì không bao giờ thôi xanh. Bây giờ đến cuối tháng Sáu, có năm tháng Bảy, tháng Tám, Tây Nguyên vẫn nắng bụi, dân trồng cà phê, tiêu, điều,... đào giếng sâu hàng trăm mét chưa chắc tìm được nước tưới.
Trên 40.000km2 rừng không còn, theo dự báo của nhiều nhà khoa học, không lâu nữa Tây Nguyên sẽ biến thành sa mạc một phần do trái đất nóng lên, phần quan trọng là do không giữ được nước trong mùa mưa, mà cao nguyên này có độ cao trung bình 800m so với mực nước biển, lại nghiêng về phía Đông.
Nhà văn Nguyên Ngọc là người gắn bó máu thịt với Tây Nguyên suốt hai cuộc chiến tranh giữ nước, đã từng thốt lên: "Những giới hạn quan trọng đến mức sinh tử ở đây đã bị vượt qua: phá sạch rừng, đảo lộn dữ dội cơ cấu dân cư, hủy hoại tất cả các dòng sông lớn, hút cạn nước ngầm, phá vỡ các làng,... để cuối cùng phá nát văn hóa.
Người nhập cư khá giả ở Nam Tây Nguyên thư giãn trên quê hương thứ hai
Ở nơi vốn là một vùng văn hóa vào loại độc đáo và đặc sắc nhất nước, nay chỉ còn văn hóa Tây Nguyên dỏm. Hầu như không còn có thể quay trở lại, và đang thật sự không có đường ra. Nhiều lần tôi tự hỏi: Vì sao? Có ai đến Tây Nguyên để học? Học sự hiền minh bất tận của rừng, và của những dân tộc từng biết cách sống với rừng, nghĩa là với tự nhiên, hàng nhiều ngàn năm nay. Một bài học có thể cho cả nhân loại và nền văn minh đang lúng túng ngày nay". (Nguyên Ngọc và Thomas J. Vallely: "Giáo dục - Giá trị vĩnh cửu của hoà bình". Minh Nguyễn phỏng vấn).
Đọc Nguyên Ngọc, tôi lại nghĩ đến các tổ chức kinh tế quốc doanh, cụ thể là những liên hiệp nông lâm trường bao chiếm gần hết đất đai Tây Nguyên. Như ở Đắk Lắk, đến năm 1985, ba xí nghiệp liên hiệp nông lâm quản lý 90% đất đai toàn tỉnh. Ở Gia Lai và Kon Tum con số đó là 60%.
Tính chung, đến năm 1985, quốc doanh đã quản lý 70% diện tích toàn Tây Nguyên. Sau năm 1993, dù có sự chuyển đổi cơ chế quản lý, nhưng con số này cũng chỉ giảm được 26%. Chính các tổ chức quốc doanh này chủ yếu "làm sạch" rừng Tây Nguyên, phá vỡ toàn bộ quy hoạch đất đai của một địa bàn chiến lược quan trọng nhất nước.
Và tôi không thể không nghĩ đến Sử và đại gia đình của anh. Vốn là dân di cư theo kế hoạch, từ Hải Dương, mấy mẹ con anh định cư ở Nam Tây Nguyên cách nay 22 năm, lúc anh mới qua tuổi thiếu niên. Từ "bến đỗ” của mấy mẹ con anh, bà con xa gần cùng tìm đến, tạo nên một quần thể dân cư mới giữa rừng để phá rừng làm rẫy và nhờ đất đỏ bazan mà làm giàu khá nhanh.
Một thôn, rồi một xã được lập nên, nghe cái tên đã là rất mới: Tân Sơn, nhưng chỉ có vườn cà phê, điều, tiêu, cao su là mới, còn rừng thì biến mất.
Lúc gia đình Sử mới đến (1993), dân Tây Nguyên (số tròn) đã tăng lên 2.380.000 người (từ 1.220.000 người năm 1976, chủ yếu là người dân tộc thiểu số bản địa) với 35 dân tộc (năm 1976 là 18 dân tộc), bây giờ Tây Nguyên đã có trên 5,5 triệu người với gần đủ mặt các dân tộc của Việt Nam, mà đa số là người Kinh, người bản địa như Êđê, Bahnar, Jarai, M'Nông, S'Tiêng... đang trở thành thiểu số trên chính quê hương của họ.
Sử tâm sự: "Tụi em phá rừng là dựa theo các lâm trường, nông trường quốc doanh. Cả trăm mẫu rẫy của thân tộc em ở Tân Sơn một phần là mua lại của nông trường khi người ta làm ăn thất bại, gần như giải thể, chỉ còn bộ khung mấy ông cán bộ giàu sụ nhờ bán gỗ khai thác lậu, và mua lại của người HMông, người Tày, Nùng di dân tự do. Em cũng không biết tại sao huyện Bù Đăng còn lại gần ngàn hecta rừng, nhiều nhất là ở Bù Lạch. Nhưng mà mỗi nơi mỗi khoảnh, không biết rồi đây có giữ được không, vì chỉ cần sơ sẩy chút xíu là trong một vài ngày, rừng sẽ thành rẫy!".
Năm nay, tháng Bảy Tây Nguyên mới mưa nặng hạt, mới tạo nên mùa xanh lá. Suối thì càng sôi sục bào mòn đất đỏ bazan đổ ra biển, nhưng không bao giờ còn cảnh "sớm sớm mẹ ra rừng theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối". Bởi đúng như sự thảng thốt của nhà văn rất đáng kính Nguyên Ngọc: Tây Nguyên bị phá sạch rừng, hủy hoại tất cả các dòng sông lớn, hút cạn nước ngầm...
Theo Phương Hà/Doanh nhân Sài Gòn Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét