Cây tràm, còn được gọi là cây “bách bì” theo sách Đại Nam nhất thống chí. Thân cây tràm có nhiều lớp vỏ xốp và trắng, vươn cao đến 20 mét, đường kính từ 30 - 50cm, có nhiều cây còn lớn hơn thế. Hạt tràm có thể giữ được khả năng nảy mầm trong thời gian khá lâu. Đất bỏ hoang nhiều năm hoặc bị cháy, tràm vẫn nảy mầm và khi đã mọc thành cây con, nó có thể chịu được nước ngập quanh năm và trưởng thành ở độ tuổi từ 25 - 30 năm. Hoa tràm từng chùm trắng xóa mềm mại, mùi thơm dịu như hương sen kín đáo lan nhẹ trong không gian. Đây là thức ăn, là nguyên liệu chủ yếu để tạo nên nguồn mật ong nổi tiếng của rừng U Minh Hạ. Căn cứ vào đặc điểm hình thái, người ta chia tràm ra làm 3 loại là: Tràm phấn, tràm sắn và tràm cườm.
Một góc rừng tràm U Minh Hạ.
Cây tràm trưởng thành - khoảng 30 năm tuổi, cao trên 20 mét và có đường kính khoảng 30cm.
Hoa tràm - nguyên liệu làm nên mật ong nổi tiếng U Minh Hạ.
Cây tràm có nhiều công dụng: làm cột nhà, xả ván, đóng cừ, làm dàn giáo xây dựng… Vỏ tràm xốp làm chất cách âm, cách điện, cách nhiệt rất tốt. Đặc biệt lá tràm, sau khi chưng cất thì tinh dầu tràm chữa được nhiều bệnh. Nhiều thầy thuốc đã dùng nước lá tràm chữa bệnh phỏng rất công hiệu và có thể thay thế được thuốc kháng sinh trong một số trường hợp.
Theo Phó giáo sư Vũ Văn Chuyên và Hoàng Xuân Vinh (đăng trên Báo Nhân Dân) thì tại Hoằng Hóa (Thanh Hóa) trong khi nông dân đang cày cuốc thì đụng phải một ngôi mộ cổ và đã được khai quật để mang về Hà Nội nghiên cứu. Khi mở áo quan, thi thể một người đàn bà có mái tóc đen và dài, hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn. Ngoài ra, còn những chiếc áo lụa, những cuộn bông và giấy bản kèm ở hai bên vẫn chưa mục nát. Trong áo quan vẫn còn một cái túi đựng trầu cau, hơn một chục miếng trầu đã têm và cau trong túi vẫn còn xanh.
Sau khi phân tích các chất có trong áo quan và thi thể người đàn bà, các nhà khoa học cho biết không có các hóa chất thường để ướp xác mà chỉ có mùi thơm. Giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi lấy một ít lụa bọc tử thi, một ít bông và giấy bản trong áo quan đem cất lấy dầu thơm. Sau khi thử nghiệm, các nhà khoa học xác định đây là tinh dầu tràm.
Thổ nhưỡng dưới rừng tràm thuộc loại đất than bùn, dày từ 2 - 5 mét được cấu tạo bằng xác thực vật trải qua hàng triệu năm đã bị chôn vùi trong một lớp bùn lỏng và dần dần đã hình thành một lớp than bùn rắn chắc, ngoài làm phân bón cho cây, nó còn làm được chất đốt dễ cháy và tỏa nhiệt cao. Đây cũng chính là thảm họa gây cháy rừng U Minh dai dẳng vào mùa khô hàng năm.
Khai thác gỗ tràm.
Hầm than tràm.
Hầm than tràm.
Một đặc điểm khá thú vị nữa là nước trong rừng U Minh bao giờ cũng có màu đỏ thẩm giống như nước trà lipton do tinh dầu của các lớp thực vật đặc biệt là lá tràm tạo nên. Nước này có mùi thơm phức mà theo kinh nghiệm dân gian thì người uống sẽ không bị đau bụng và các loài cá đồng thì phát triển tốt, lớn nhanh nhờ dòng nước này - người ta gọi đây là nước dớn U Minh.
Tuy nhiên, đã qua cây tràm, than bùn, nước dớn U Minh chưa được khai thác hết công dụng hay nói một cách khác là tiềm năng chưa được đánh thức. Gần đây tổ chức JICA của Nhật Bản đã có nhiều dự án giúp nông dân chiết xuất tinh chất từ than tràm để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là dự án Nhà máy Chế biến bột giấy và các sản phẩm từ gỗ của Công ty Đồng Hiệp - Australia với diện tích 2,6ha và vốn đăng ký 3 triệu USD tại khu công nghiệp Khánh An sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu là từ gỗ tràm địa phương.
Hy vọng rằng người dân U Minh sẽ đổi đời từ những dự án này.
NGUYỄN THANH DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét