Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Đức Từ Cung - bà Hoàng Thái hậu cuối cùng

Đoan Huy Hoàng Thái Hậu có công với nhà Nguyễn, với Phật giáo ở miền Trung, với làng quê Mỹ Lợi của bà nên được tôn vinh là Từ Cung hay Đức Từ.

Bà Thái hậu xuất thân trong họ Hoàng Văn (hay Huỳnh Văn hay Hoàng Trọng) có nhiều người đỗ đạt và làm quan to gốc ở  làng Mỹ Lợi, Tổng Diêm Trường, huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên Huế như các ông Hoàng Văn Tuyển (1824-1879), đậu Tiến sĩ khoa Tân Hợi (1851), từng làm Tổng đốc Bình Định và Thượng thư bộ Công; ông Hoàng Trọng Nhu, năm 38 tuổi, đậu Cử nhân Khoa Kỷ Dậu (1909). Thân sinh của bà là ông Huỳnh Văn Tích, đậu Tú Tài, làm Tri huyện Hoà Đa (Bình Định), thân mẫu của bà là bà La Thị Sơn.
Tuy gốc gác, xuất thân trong một dòng họ có nhiều người đỗ đạt và làm quan như thế, nhưng hoàn cảnh riêng của bà thì hết sức hẩm hiu. 
Chuyện trong gia đình họ Hoàng Mỹ Lợi kể rằng, ông Tú tài Hoàng Văn Tích tuy đã làm Tri huyện nhưng gia đình rất khó khăn. Ông có với bà La Thị Huân người con trai đầu lòng Hoàng Trọng Khanh, khi sinh thêm người con gái tiếp theo là Hoàng Thị Như [1] ông phải nhờ người chị vợ là La Thị Sơn đến giúp em lo liệu việc nhà.
Không ngờ ông thấy “mía ngon nên bứng cả bụi”, bà chị vợ La thị Sơn có mang với ông và sinh ra bà Hoàng Thị Cúc (ngày 28/1/1890). Sinh con xong, bà Sơn cảm thấy ân hận nên giao con lại cho ông Huyện và bà đi lấy chồng chính thức. Bà Cúc được dì Huân và cũng là mẹ đích, thương yêu nuôi dưỡng tận tình.
Không may ông bà Huyện chết sớm, việc nuôi dưỡng chăm sóc bầy con trao vào tay người con trai cả Hoàng Trọng Khanh. Ông cả Khanh ham chơi, cờ bạc nên đem các bà em gái “bán” cho các nơi quyền quý giàu có để lấy tiền. Bà Hoàng Thị Cúc đoan hậu được “tiến” vào làm Thị nữ hầu hai bà Thánh Cung và Tiên Cung - vợ góa của vua Đồng Khánh.
Theo chuyện kể, trong gia đình họ Hoàng, năm 1913 ông Phụng Hoá Công - con trai cả của hai bà Thánh Cung và Tiên Cung (ông Hoàng cả), tư thông với thị nữ Hoàng Thị Cúc và sinh ra công tử Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.
Năm 1916, Phụng Hoá Công Bửu Đảo được tôn lên làm vua lấy niên hiệu Khải Định, năm 1917, bà được phong Tam Giai Huệ Tần, rồi Nhị Giai Huệ Phi (1918). Vua Khải Định có hàng chục bà vợ, nhưng Huệ Phi Hoàng Thị Cúc được vua Khải Định sủng ái nhất. Cuối năm 1925 vua Khải Định băng hà, con trai bà là Vĩnh Thụy đang học bên Pháp được gọi về nối ngôi lấy niên hiệu là Bảo Đại rồi mới trở lại Pháp học tiếp. Năm 1932, vua Bảo Đại học xong về nước trị vì, tôn phong bà là Đoan Huy Hoàng Thái Hậu (ngày 25/3/1933).
Thời thơ ấu bà không được học, sau khi được tiến vào Tiềm để rồi được chức vị cao dưới thời Khải Định bà đã có ý thức phấn đấu học tập.  Bà đọc và viết được chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Tất cả những nghi lễ cúng kỵ phức tạp trong Nội cũng như ở các lăng miếu bà đều thành thạo.
Trong suốt thời gian con bà tại vị hay lưu vong ở nước ngoài, mọi việc tế lễ của triều Nguyễn đều do bà chủ trì. Dưới thời Ngô Đình Diệm và các chính quyền Sài Gòn sau Diệm, bà bị làm khó khăn mọi mặt nhưng vẫn quyết tâm giữ cho được các lễ cúng kỵ trong nội. Bà đã hết sức cố gắng mới giữ được đội Ba Vũ khỏi tan rã. Nhờ thế mà ngày nay Huế còn có được đoàn ca múa Truyền thống hết sức quý giá.
Từ sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), đền miếu và lăng mộ các vua Nguyễn hư hại nhiều. Chính bà đã đứng ra xây dựng lại Thái Miếu và Hưng Miếu, và sửa chữa nhiều di tích khác. Đối với Phật giáo, bà có nhiều đóng góp mang tính lịch sử.
Sau ngày Bảo Đại “hồi loan” năm 1932, bà đã tác động với Bảo Đại cho Phật giáo ra đời Hội An Nam Phật học và chính Bảo Đại nhận làm Hội trưởng danh dự của hội. Nhờ thế của Bảo Đại, lãnh đạo Hội An Nam Phật Học loại trừ được những người làm tay sai cho Pháp. Người lãnh đạo hội An Nam Phật Học được bà tín nhiệm nhất là Bác sĩ Lê Đình Thám. Đến năm 1934, cũng do tác động của bà, vua Bảo Đại đã “sắc tứ’ cho các chùa Tây Thiên, Tường Vân và Trúc Lâm.
Đặc biệt qua năm 1935, vua Bảo Đại đã nghe lời mẹ (và ông Nguyễn Khoa Tân) đến dự lễ Phật đản tại chùa Diệu Đế và cúng dường 150 đồng bạc Đông Dương cho việc tổ chức lễ Phật Đản.
Hôm ấy, Tam Tôn Cung cúng dường 100 đồng và bà Từ Cung cúng 50 đồng. Những Phật sự như thế chưa bao giờ diễn ra đối với Hoàng gia Nguyễn. Nó đã có một tác động rất mạnh cho việc chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ.
Năm 1936, bà giao cho người anh cả là Hoàng Trọng Khanh cùng với dân làng dựng chùa Phật tại làng Mỹ Lợi quê hương của bà. Bà cũng đã đóng góp nhiều tiền của để tu sửa chùa Bảo Quốc và chùa Tường Vân.
Năm 1951, bà giao cho cô dâu Bùi Mộng Điệp cùng với chú của bà là ông Hoàng Trọng Quang xây dựng chùa Khải Đoan [2] ở Buôn Mê Thuột - ngôi chùa sắc tứ đầu tiên ở Tây Nguyên và cũng là ngôi chùa Sắc tứ cuối cùng của triều Nguyễn.
Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, vào các năm 1968, 1972, 1975, Chính phủ Sài Gòn đưa máy bay ra Huế mời bà vào để tránh bom đạn. Nhưng lần nào bà cũng trả lời rằng:“ Đồng bào còn đây, xã tắc còn đây, sống chết gì tôi cũng ở đây. Xin cám ơn!”
Trong Tết Mậu Thân 1968, mặc cho bom rơi đạn nổ quanh nhà 79 Phan Đình Phùng (Huế), suốt ngày người ta vẫn thấy bà ngồi dưới cầu thang tụng kinh cầu nguyện cho chiến tranh sớm chấm dứt, cầu cho quốc thái dân an.
Đến mùa thu năm 1980, bà bệnh nặng, biết mình không thể sống thêm được nữa, bà cho người mời đại diện Chính quyền thành phố Huế đến và nói: “Tôi vốn xuất thân trong một gia đình nghèo, không có tài sản chi hết. Tất cả những gì tôi có hôm nay đây đều là của nhà Nguyễn. Nay nhà Nguyễn không còn nữa thì đây là tài sản của nhà nước. Tôi xin bàn giao cho các ông”.
Ông Nguyễn Vương, Chánh văn phòng UBND thành phố Huế lúc ấy thay mặt chính quyền cám ơn bà. Nhờ quyết định cuối cùng của bà mà ngày nay nhà 79 Phan Đình Phùng trở thành di tích do nhà nước quản lý - kỷ niệm cuối cùng của bà Hoàng Thái hậu cuối cùng của Việt Nam.    
(Con cháu nội ngoại của bà rất đông nhưng trước khi bà mất, bà không hề cho con cháu một cái chén, một đôi đũa nào. Đầu năm 2.000 vừa rồi, người ta còn được biết bà đã có công giao cho Thị vệ Nguyễn Đức Hoà bí mật giữ cho nhà nước cách mạng hai két sắt ngọc ngà châu báu của các vua Nguyễn để lại mà bà đã chuyển lên Dinh Ba Đà Lạt hồi còn chiến tranh chống Pháp).
Bà mất ngày 3/10/1980, hưởng thọ 91 tuổi. Lăng mộ của bà được táng gần Tư Lăng (lăng Đồng Khánh) làng Dương Xuân, bà được thờ ở nhà riêng của bà trước đây tại 79 Phan Đình Phùng, Huế.
Vì công đức lớn lao của bà đối với nhà Nguyễn, với Phật giáo ở miền Trung, với làng quê Mỹ Lợi của bà nên bà đã được tôn vinh là Từ Cung hay Đức Từ.  
Chú thích:
[*] Nội dung bài viết nầy rút trong tập “700 năm Thuận Hóa Phú Xuân Huế” của Nguyễn Đắc Xuân, Nxb Trẻ, TP.HCM 6/2009
[1] Thân mẫu của nhà soạn kịch nổi tiếng Vũ Đức Duy sau nầy
[2]  Tên chùa Khải Đoan rút từ chữ Khải (vua Khải Định) và Đoan (Đoan Huy Hoàng Thái hậu) Hoàng Thị Cúc
Theo Bee.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét