Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Rừng ngập nước tỉnh Cà Mau - : Thú rừng

Rừng ngập mặn Cà Mau có khoảng 28 loài thú thuộc 12 họ, trong đó có nhiều loài quý hiếm cần được bảo vệ như: Vượn, mèo ri, cáo ngựa, cáo mèo, rái cá, khỉ. Ở phạm vi phóng sự này, chúng tôi chỉ đi sâu vào tìm hiểu hai loài là vượn - hay còn có tên gọi khác là voọc, lọ nồi hay cà khu - và khỉ. Cả hai loài đều rất quý hiếm và có tên trong sách đỏ Việt Nam lẫn thế giới, ở cấp độ bị đe dọa mức nguy cấp.
Voọc hay còn gọi là cà khu, lọ nồi. 
    Cả rừng tràm U Minh Hạ và rừng ngập mặn (rừng đước) đều có khỉ sinh sống-chúng chỉ khác biệt đôi chút. Khỉ ở rừng U Minh Hạ thì bụng xanh, còn khỉ ở rừng ngập mặn thì bụng vàng và đuôi dài. Cả hai loài đều quý hiếm như nhau. Riêng ở rừng ngập mặn còn có voọc (vượn) mà dân địa phương thường gọi là cà khu hay lọ nồi là một loài đặc biệt quý hiếm. 
    Trước ngày giải phóng, rừng ngập mặn Cà Mau có rất nhiều khỉ, cà khu. Những người thợ rừng săn bắt được rất nhiều và mang ra chợ bán công khai - thời ấy chưa có khái niệm động vật hoang dã quý hiếm và cũng chưa có đạo luật nào ngăn cấm săn bắt thú rừng. Phương pháp săn bắt cũng rất đơn giản, có một câu chuyện kể như sau: Những người thợ đốn củi thường mang theo vật dụng, thức ăn dự trữ để dưới xuồng, nhưng sau khi làm xong công việc, trở lại xuồng thì bị bầy khỉ ăn hết thức ăn và còn lấy đi cả vật dụng, tư trang. Nhiều người đã gài bẫy hoặc dùng súng bắn nhưng cũng chỉ được một vài con vì chúng rất tinh khôn. Tình cờ có một người đốn củi nọ như thường lệ mang thức ăn đi theo vào rừng, mà trong thức ăn có món cá kèo kho ớt, sau khi lên rừng đốn củi xong, trở lại xuồng - nơi để thức ăn thì phát hiện hàng chục con khỉ mặt mũi chèm nhèm cứ xoay tròn theo chiếc xuồng, người thợ đốn củi ấy dùng cây đập chết hết đàn khỉ và phát hiện ra do chúng ăn cá kèo kho với ớt bị cay, nên dùng tay dụi theo bản năng và đã dụi tới mắt nên nước mắt, nước mũi trào ra và càng dụi thì càng không thấy đường nên người đốn củi đã dễ dàng giết chết hết bầy khỉ. Chuyện này được phổ biến và nhiều người đã dùng phương pháp này săn khỉ rất hiệu quả.



Đàn khỉ rừng được dẫn dụ ở Khu du lịch sinh thái 184. 
    Từ sau ngày giải phóng đến nay, do diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, do nạn săn bắt tràn lan nên đàn khỉ ở rừng ngập mặn Cà Mau còn lại rất ít, chúng sống theo từng đàn nhỏ ở sâu trong rừng, rất ít khi con người nhìn thấy được chúng.
    Ông Ngô Dũng Liên - nguyên Giám đốc Lâm Ngư trường 184, kể lại: Khoảng năm 1999, trong một cuộc hội thảo về rừng ngập mặn tại Cần Giờ (Tp.HCM), nghe bạn bè giới thiệu về phương pháp dụ khỉ, thấy hay hay nên ông đã về áp dụng thử. Đầu tiên, mua 5 con khỉ, trong đó có một khỉ con, sau một thời gian nuôi nhốt đã thuần, ông đã thả chúng ra và tới giờ cho ăn thì đánh kẻng. Một thời gian thấy có một số khỉ hoang dã ngoài rừng vào cùng ăn với đàn khỉ nhà, nhưng chúng rất nhát, hễ thấy bóng người là chạy trốn vào rừng. Dần dần, thấy có được thức ăn nhưng không bị làm hại, đàn khỉ rừng quen dần với bóng dáng con người. Từ 5 con khỉ nuôi ban đầu, đã dẫn dụ được 10, 20, 30 và hiện nay là khoảng 40 con khỉ rừng. Hiện đàn khỉ này rất dạn dĩ với con người, rất ấn tượng đối với khách tham quan du lịch.
    Ngoài đàn khỉ này ra, ở Lâm Ngư trường 184 còn có một đàn voọc rất quý hiếm, có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, mới chỉ phát hiện được khoảng 3 con, nhưng rất nhát, không dẫn dụ được.
    Khỉ, voọc nói riêng và các loài thú ở rừng ngập mặn Cà Mau hiện nay còn rất ít, nên chúng cần phải được bảo vệ, bảo tồn.
THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét