Rừng ngập mặn Cà Mau có 14 loài tôm. Có những loài sống ở biển nhưng vào các kinh, rạch trong rừng và bãi bồi Mũi Cà Mau sinh sản và khi lớn lên chúng lại trở về với biển cả. Cà Mau được mệnh danh là xứ sở của các loài tôm. Có người còn ví von rằng Cà Mau là mỏ tôm của cả nước và hiện con tôm Cà Mau đang có mặt ở khắp thế giới.
Tôm sú
Thu hoạch tôm công nghiệp
Tôm sú
Thu hoạch tôm công nghiệp
Có thể điểm tên các loài tôm ở rừng ngập mặn như sau: Tôm đất, tôm bạc, tôm tích, tôm giang, tôm sắt, tôm dác giáo, tôm càng xanh… và đặc biệt là tôm sú - một loài tôm có giá trị kinh tế rất cao, đã trở thành mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của tỉnh Cà Mau sang Mỹ, Nhật, châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới.
Ngày nay, nguồn tôm tự nhiên đã cạn kiệt nên ngành nuôi trồng thủy sản - chủ yếu là nuôi tôm phát triển mạnh để đáp ứng cho ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu. Tôm được nuôi theo các hình thức như sau: Nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm sinh thái theo các mô hình: rừng - tôm, lúa - tôm, vườn - tôm. Mô hình rừng - tôm được nuôi nhiều nhất ở huyện Ngọc Hiển, kế đến là Năm Căn, Đầm Dơi và Phú Tân. Mô hình lúa - tôm và vườn - tôm được nuôi nhiều ở Cái Nước, Thới Bình, U Minh. Riêng mô hình nuôi tôm công nghiệp thì năng suất rất cao nhưng chi phí lớn và cũng nhiều rủi ro nên đòi hỏi người nuôi phải có vốn lớn, phải am hiểu kỹ thuật và có nhiều kinh nghiệm.
Từ năm 2000 đến nay, Nhà nước cho phép chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ trồng lúa sang nuôi tôm ở một bộ phận diện tích không phù hợp với trồng lúa nên đã nâng diện tích nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng từ 60.000ha lên trên 200.000ha, đã trở thành tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước và ngành công nghiệp chế biến đứng đầu cả nước với 23 nhà máy chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu và chiếm 1/3 cả nước về sản lượng xuất khẩu ra nước ngoài.
Món tôm càng sốt cà
Tôm tích
Tôm tích
Do diện tích nuôi trồng tăng nên nhu cầu về nguồn con giống rất lớn - khoảng 10 tỷ con mỗi năm, nhưng các trại sản xuất tôm giống trong tỉnh mới chỉ đáp ứng được 50- 60%, phần còn lại phải nhập từ ngoài tỉnh.
Tôm là một món ăn quý và bổ dưỡng từ thời cổ xưa, nó được xếp vào hàng “bát trân” tức là một trong tám món ăn đặc biệt quý để dâng vua gồm: Bào ngư, sò điệp, vi cá, tổ yến, tôm, dê rừng, gân nai, chân yến. Ngày nay con tôm cũng thuộc loại thức ăn cao cấp chẳng những ở nước ta mà còn ở các nước công nghiệp phát triển. Con tôm Cà Mau ngoài mặt hàng đông lạnh xuất khẩu, nó còn có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn và nổi tiếng như: Tôm khô: Luộc tôm chín, phơi khô, đập tróc vỏ. Giống tôm đất làm tôm khô là ngon nhất. Tôm lụi: Tôm tươi lột vỏ, dùng sóng lá dừa xỏ xâu chừng 10 con thành một lụi, phơi khô, khi ăn nướng bằng cồn hoặc lửa than. Món này ít bán ra thị trường, thường để ăn hoặc biếu tặng. Tôm kho tàu: Thường dùng tôm càng xanh, lột vỏ, kho lạt (ít muối) sền sệt, gạch tôm màu cam, trộn lẫn thịt tôm rất bắt mắt, ăn vừa ngọt, vừa bùi, vừa béo.
Ngoài ra còn có các món: Tôm nướng, tôm luộc, tôm rang muối, tôm tái chanh bồ tạt… món nào cũng ngon, cũng bổ dưỡng.
THANH DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét