Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

RỪNG NGẬP NƯỚC TỈNH CÀ MAU - : DƠI QUẠ

Dơi quạ thuộc lớp thú. Đặc tính là thường hoạt động về đêm và khi đậu trên cành cây thì treo ngược đầu xuống đất. Thức ăn chính của chúng là trái cây và mật hoa. Ở Việt Nam đã ghi nhận được 107 loài dơi, thuộc 31 giống, 7 họ. Riêng ở Cà Mau thì phổ biến có 3 giống chính mà dân địa phương thường gọi là dơi quạ, dơi sen và dơi chuột (hay còn gọi là dơi bắt muỗi), trong đó dơi quạ là giống lớn con nhất và thường được săn bắt làm thực phẩm.

Hình ảnh đàn dơi đông đúc đậu oằn các đọt cây như thế này ngày nay gần như không còn ở Cà Mau
    Khoảng những thập kỷ 80 - 90 của thế kỷ 20, ở Cà Mau, các loài dơi nói chung và dơi quạ nói riêng nhiều vô số kể. Chúng ngoài sống ở các cánh rừng, vườn hoang thì chủ yếu là tập trung thành bầy đàn đông đúc, gọi là máng dơi. Cà Mau lúc đó có các máng dơi lớn ở sân chim Đầm Dơi, sân chim Chà Là, Xẻo Đước ở Đầm Bà Tường và khu Vồ Dơi ở rừng U Minh Hạ… Mỗi máng dơi như vậy đông đến hàng vạn con, bay rợp cả góc trời và đậu oằn các đọt cây - chủ yếu là giống dơi quạ với sải cánh hơn một mét và nặng gần 1kg mỗi con.
    Dơi quạ hoạt động chủ yếu vào ban đêm và thức ăn chủ yếu của chúng là trái cây và mật hoa cho nên các chủ vườn cây ăn trái rất khốn đốn với chúng. Bởi chúng ăn thì ít mà phá phách thì nhiều, các chủ vườn phải dùng lưới giăng phủ kín các đọt cây nhưng cũng không ngăn được sự phá phách của chúng.
    Tuy nhiên, ngày nay số lượng dơi quạ còn rất ít, hầu như không còn một máng dơi nào đông đúc như xưa kia. Chúng chỉ còn sống ở các vườn hoang với số lượng vài chục cá thể mỗi nơi, thậm chí các vườn cây ăn trái ngày nay rất nhiều, trái oằn cây nhưng cũng không thấy con dơi nào bén mảng tới. Thời gian qua, chúng đã bị các thợ săn rình rập, sát hại để làm thực phẩm và cả bán ra thị trường vì thịt chúng rất ngon, giàu dinh dưỡng, ăn nên thuốc và trị được nhiều bệnh.
Dơi quạ 
    Ở Việt Nam chưa thấy một công trình nghiên cứu nào về loài dơi được công bố. Gần đây, trên mạng Internet có công bố báo cáo kết quả khảo sát một số loài dơi ở Miền Nam Việt Nam của trường đại học Columbia - Hoa Kỳ thì trong danh sách phân bố có ở Hòn Khoai, Vồ Dơi và Thới Bình. Trong 3 loài được tả là dơi ngựa lớn, dơi ngựa bé và dơi ngựa Thái Lan thì thấy giống dơi ngựa lớn tương ứng với dơi quạ mà dân địa phương thường gọi. Kết quả khảo sát trên cho rằng dơi ngựa lớn được xếp vào những nhóm loài dơi lớn nhất thế giới và đang có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng cao do việc săn bắt của cộng đồng dân cư địa phương cũng như việc mất dần các sinh cảnh cư trú của loài.
    Các báo cáo khoa học cho rằng Dơi nằm trong phụ lục II của công ước CITES (CITES, 2005) nguy cơ đe dọa tuyệt chủng cao và đưa ra đề xuất là cần có sự giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm khắc các nhà hàng hay những cá nhân buôn bán thịt dơi, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân hiểu được tình trạng đang nguy cấp của chúng để giảm thiểu việc săn bắt và ra sức bảo vệ chúng.
    Thiết nghĩ, các nhà khoa học Việt Nam cũng cần có những công trình nghiên cứu về các loài động vật hoang dã quý hiếm để góp phần bảo tồn và phát triển chúng…!
NGUYỄN THANH DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét