Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

KHU ĐA DẠNG SINH HỌC 184

Công ty Lâm nghiệp 184 được thành lập năm 1987 với diện tích rừng và đất rừng 6.500ha, lâm trường đã khoanh vùng lõi 250ha có điều kiện tự nhiên, hội đủ nhiều yếu tố để hình thành khu bảo tồn sinh thái đa dạng sinh học (trong đó có gần 100ha rừng nguyên sinh). Xung quanh là vùng đệm, vùng sản xuất khai thác với mô hình nhà vườn - rừng (rừng đã phủ gần 80% diện tích toàn lâm trường), xen kẽ với các vuông, mương nuôi tôm cá, vườn cây, rẫy trồng hoa màu. Các hộ lâm trường viên nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng theo điều kiện tự nhiên, loại tôm này được gọi là tôm “sạch”, giá bán cao gấp 1,5 lần tôm nuôi công nghiệp, rất được thị trường châu Âu, Nhật Bản ưa chuộng. Được biết, từ năm 2000, Công ty Lâm nghiệp 184 triển khai dự án mô hình nuôi tôm sinh thái rừng - tôm và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho cộng đồng và bảo vệ vốn rừng ngập mặn ngày càng tăng. Phương thức nuôi sinh thái của Công ty Lâm nghiệp 184 là 50% lấy nguồn tôm giống tự nhiên như: tôm đất, tôm bạc, tôm thẻ và các loài thủy sản khác đưa vào kinh, mương, đầm, vuông nuôi dưới tán rừng, còn 50% thả giặm thêm tôm sú giống. Giá bán tôm nuôi sinh thái cho các đơn vị mua tôm nước ngoài cao hơn 20% so với tôm nuôi thường.
    Vùng lõi 250ha không khai thác, kinh doanh rừng được, Công ty Lâm nghiệp 184  quy hoạch nhằm mục đích bảo tồn, phát triển gen, phục vụ nghiên cứu khoa học và du lịch. Hiện có 50 loài cây, hàng trăm loài động vật, đa phần động thực vật đặc trưng của rừng ngập mặn đều có mặt tại đây. Đước nguyên sinh hàng trăm tuổi, đường kính không to bằng cây gỗ ở rừng miền Đông, nhưng theo Giáo sư Tiến sĩ Phan Nguyên Hồng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Việt Nam, thì đước ở vùng Cà Mau sinh trưởng nhanh, sau 40 năm đã tương đương đước ở Ấn Độ 100 tuổi. Dưới chân rừng có nhiều loài bò sát đặc trưng của rừng ngập mặn như: trăn, rắn, rùa, kỳ đà; các loài giáp xác, nhuyễn thể. Ở đây có nhiều loài thú như: khỉ, rái cá... Khỉ nhiều vô kể, tinh nghịch, luôn đùa vui với du khách. Nếu du khách không cẩn thận, chúng sẽ phóng nhanh như chớp từ ngọn đước xuống chộp nón, máy ảnh của khách du lịch rồi nhảy tót lên cây. Chim chóc, dơi cũng rất nhiều, trong đó có các bãi đáp hàng ngàn con. Đặc biệt, theo kỹ sư Đặng Trung Tấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng KHKT rừng ngập mặn Minh Hải (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) thì tại đây có cả loài rái cá lông mũi, voọc bạc (còn gọi là cà khu) nằm trong sách Đỏ thế giới.
    Những năm gần đây, Công ty Lâm nghiệp 184 đã đầu tư kinh phí đáng kể để xây dựng vành đai bảo vệ, hệ thống đường nội bộ, hệ thống đường đua xuồng, phục hồi các mô hình làng rừng thời kháng chiến, nhà trưng bày, nhà sinh hoạt văn hóa, câu lạc bộ, nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống phục vụ khách tham quan du lịch, nghiên cứu khoa học... Do nước ngập hầu như quanh năm cho nên khu du lịch sinh thái có hệ thống cầu xi-măng xuyên rừng dài nhiều cây số.


    Lâm ngư trường 184 không chỉ là khu bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm mà còn là điểm du lịch có sức hấp dẫn rất lớn. Khi đến đây, du khách sẽ được luồn sâu trong rừng để thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng sự phong phú đa dạng của rừng ngập mặn và len lỏi dưới tán rừng bằng những chiếc xuồng thông qua hệ thống kênh đào đan nhau chằng chịt, du khách sẽ thực sự được sống trong môi trường tự nhiên hoang dã phù hợp với đặc trưng sinh thái rừng ngập mặn.
    Khách du lịch trong tỉnh, trong nước và nước ngoài đến tham quan ngày một nhiều (hơn 100.000 lượt khách/năm). Chỉ riêng những ngày hội đua xuồng truyền thống, những ngày lễ, tết cũng đã có hàng chục ngàn du khách về đây.
ĐÀO 
Ảnh: TẤN ĐIỆP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét