Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

U MINH – Điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai

Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Cà Mau, U Minh là vùng đất mới, địa hình tương đối bằng phẳng có diện tích tự nhiên 76.354 ha, phần lớn diện tích tự nhiên của huyện bị ngập nước vào mùa mưa. Một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, tiềm năng thế mạnh về nông - ngư - lâm nghiệp dồi dào. Ngoài diện tích sản xuất nông nghiệp kết hợp nhiều mô hình khác, U Minh còn có một diện tích lớn rừng tràm thuộc các công ty lâm nghiệp và đất vườn nằm trên tuyến sông Cái Tàu và các xã thuộc vùng quy hoạch ngọt hóa như Khánh Lâm, Khánh Hòa, Khánh Tiến thuận lợi cho phát triển vườn cây ăn trái; cùng với một ngư trường biển rộng lớn.
Cửa biển Khánh Hội - U Minh
Săn bắt trăn ở rừng U Minh Hạ
Kênh rạch U Minh
Ven rừng U Minh Hạ 
    Các điều kiện tự nhiên kết hợp với nhau tạo cho U Minh nguồn tài nguyên du lịch sinh thái khá phong phú và hấp dẫn. Rừng tràm U Minh là loại hình sinh thái đặc thù với diện tích có rừng tập trung là 22.448 ha thuộc các công ty lâm nghiệp U Minh I, U Minh II, 30/4 và vườn quốc gia U Minh, có tác dụng điều hòa khí hậu, bảo tồn tính đa dạng sinh học vùng rừng ngập  mặn nội địa. Động vật trong rừng U Minh khá phong phú, một số loài thú định hình từ rất lâu tại đây như: nai, heo rừng, khỉ, rái cá, dơi, quạ... Các loài bò sát phổ biến như: trăn, rắn, rùa, kỳ đà, đặc biệt là ong mật nguồn tài nguyên đặc trưng trên rừng tràm U Minh, đây là sản vật quý có giá trị kinh tế không phải nơi nào cũng có. Ngoài ra còn có một số loài chim quý hiếm như: diệc, vịt trời, cò trắng, cò cọc... Với diện tích lớn rừng tràm thuộc các công ty lâm nghiệp, đây thật sự là nguồn tài nguyên có giá trị tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của huyện. 
    U Minh còn nổi tiếng với vườn dâu Cái Tàu, mặc dù chưa phải là điểm du lịch hoàn chỉnh nhưng đến mùa dâu chín hàng năm huyện U Minh tiếp đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, cùng với hàng trăm ha vườn cây ăn trái khác như cam, quýt, bưởi, nhãn, xoài... đã dần dần định hình thành khu du lịch miệt vườn hấp dẫn. Ngồi dưới những tán vườn cây ăn trái, chúng ta có thể thưởng thức những món ăn dân dã như cá khô bổi, cá lóc nướng trui, mắm đồng và những món ăn đậm đà bản sắc của miền quê sông nước. 
    Một trong những tiềm năng kinh tế lớn khác của huyện U Minh phải kể đến, là nguồn tài nguyên biển, huyện U Minh có bờ biển chạy dài từ khu vực tiếp giáp khu du lịch Hòn Đá Bạc huyện Trần Văn Thời, đến Tiểu Dừa giáp tỉnh Kiên Giang có tổng chiều dài 31km, chiếm 12,23% chiều dài bờ biển của tỉnh Cà Mau, là ngư trường có nguồn tài nguyên hải sản lớn của huyện, với đa dạng các loài thủy tộc có giá trị kinh tế cao. Theo tuyến bờ biển này còn có các cửa sông lớn ăn thông ra biển, như cửa biển Khánh Hội và Hương Mai là những điểm thuận lợi để xây dựng thành các cụm du lịch biển, có sức thu hút du khách.
Sông nước U Minh
Mùa cấy ở U Minh
Ăn ong ở rừng U Minh Hạ 
    U Minh còn được biết đến với một địa danh và con người có truyền thống kiên cường trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là vùng căn cứ cách mạng, nơi đây đã từng là căn cứ đóng quân của Xứ ủy Nam kỳ,Trung ương cục Miền Nam, Quân giới  Tây Nam bộ... là nơi đã che chở cho các đồng chí lãnh đạo hoạt động cách mạng miền Nam, như đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Võ Văn Kiệt, cùng với những địa danh đã đi vào lịch sử như Dớn Hàng Gòn, Kinh Khai Hoang, Nổng Cạn, Dinh Điền...
    Từ trong suốt quá trình khai hoang mở đất để hình thành vùng đất U Minh như hiện nay còn gắn liền với quá trình cộng cư của 3 dân tộc anh em Kinh - Hoa - Khmer đoàn kết gắn bó với nhau, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống vốn có và giao thoa cộng cảm để hình thành nên tính cách, bản lĩnh của con người U Minh: phóng khoáng, chân thật và mến khách
    Trong giai đoạn từ đây đến năm 2010, huyện U Minh sẽ xây dựng hình thành khu du lịch sinh thái vườn - rừng - biển, theo đó các phương án khả thi đang từng bước hoàn thiện và hứa hẹn U Minh sẽ là một địa danh du lịch hấp dẫn trong tương lai.

KHÁNH TOÀN - ANH DUY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét