Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Khám phá 'Vạn Lý Trường Thành' Việt Nam

Trường lũy có độ bền cao, không bị sạt lở, trôi trượt, dù đã hàng trăm năm qua đi. Ở nhiều nơi, lũy cao tới 4m, chân lũy rộng 6m, mặt trên rộng 2,5m. Công trình này có thể ví như “Vạn Lý Trường Thành” của người Việt.


Trường lũy ở Quảng Ngãi được các nhà khoa học trong nước và thế giới công nhận là di tích lịch sử độc đáo, có một không hai ở khu vực Đông Nam Á.


Di tích dài nhất Đông Nam Á
Trường lũy dài khoảng 130 km với hơn 100 đồn bảo vệ, chạy dài qua 8 huyện của Quảng Ngãi và 2 huyện Hoài Nhơn và An Lão của tỉnh Bình Định vừa được công bố, đó là Trường Lũy Quảng Ngãi - Bình Định. Công trình này được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2005.
Theo chính sử, trường lũy được khởi xây từ thế kỷ 17 ở Đàng Trong thuộc chúa Nguyễn. Đến năm 1819, triều Gia Long, nhà Nguyễn thì triều đình sai tả quân Lê Văn Duyệt củng cố và đắp thêm vào lũy. 


Hiện, các cuộc khảo sát cho thấy, nhiều phần của trường lũy được làm bằng đá, phần khác được làm bằng đất và có những đoạn làm bằng đất lẫn đá. Kỹ thuật xếp đá ở lũy đặc biệt được sử dụng cũng khác nhau từ đoạn lũy này sang đoạn khác. Sự đa dạng này xuất phát từ việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ trong cấu trúc của lũy và kỹ thuật xây dựng của những người xây lũy (người H’re bản địa, người Việt và binh lính). Một phần nữa là Trường Lũy được đắp thêm, được sửa sang trong suốt thời kỳ tồn tại.
Một đoạn trường lũy Quảng Ngãi - Bình Định. Ảnh: Báo Quãng Ngãi.

Với kỹ thuật xếp đá khéo léo của người xưa, Trường Lũy có độ bền cao, không bị sạt lở, trôi trượt, dù đã hàng trăm năm qua đi. Ở nhiều nơi, lũy cao tới 4m, chân lũy rộng 6m, mặt trên rộng 2,5m. Công trình này có thể ví như “Vạn Lý Trường Thành” của người Việt dù hai công trình này lại khác nhau cơ bản cả về ý tưởng kiến trúc lẫn chức năng.
Công trình quân sự và con đường giao thương
Thời nhà Nguyễn, lũy thể hiện rõ chức năng quân sự. Đây từng là nơi vào năm 1786, khi quân Tây Sơn kéo từ Thị Nại ra đánh lấy Phú Xuân của quân chúa Nguyễn, họ đã dùng con đường thượng đạo này để di chuyển ra bắc mà không bị cản trở như ở hạ nguồn vì nơi đó có những cửa sông lớn chắn lối.
Tuy nhiên, vào năm 2005, các nhà nghiên cứu thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ và Viện Khảo cổ học đã bắt tay vào khai quật, nghiên cứu Trường Lũy. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đây không chỉ là công trình được xây nên với mục đích phòng vệ, mang yếu tố quân sự, mà còn là con đường giao thương giữa miền xuôi và miền ngược, giữa vùng núi - đồng bằng và miền biển.
Chính vì vậy, ngoài tính cách phòng thủ, trường lũy còn có công dụng là nơi kiểm soát việc giao thương giữa miền xuôi và miền núi bằng cách thu thuế các sản vật trao đổi giữa thượng nguồn và hạ nguồn. Muối là sản vật chính được đem bán lên vùng sơn cước trong khi đó người miền xuôi mua quế, thóc gạo và các lâm sản khác đem xuống miền đồng bằng.
Nhưng, không chỉ có thế, bên trong mỗi đồn có lối giao thông. Và ngay mỗi đồn như vậy đều có con đường giao thương, tức là giao thương giữa miền biển với miền núi. Đó là giao thương rất cần thiết trong đời sống của nhân dân, tức là đưa gạo và các hải sản ở đồng bằng ven biển lên miền núi và các sản phẩm miền núi xuống đồng bằng.
Hành lang giao thương ở miền Trung, trong đó Quảng Ngãi, có 2 chiều, mà chiều Đông - Tây dựa theo các dòng sông. Ở đây, có các cơ quan thu thuế, thời nhà Nguyễn gọi là các sở tuần ty. Các đồn này vừa kiểm soát thu thuế nhưng đồng thời cũng bảo đảm an ninh cho hệ thống giao thương.

Điều đó khẳng định rõ ràng, ngay thời nhà Nguyễn, lũy cũng không thuần túy có vai trò quân sự mà có kết hợp giao thương và giao lưu văn hóa. 
Hội thảo về Di tích lịch sử Trường Lũy Quảng Ngãi
Hội thảo Lịch sử quan hệ kinh tế và dân tộc về Trường Lũy Quảng Ngãi được tổ chức ngày 27/3, tại tỉnh Quảng Ngãi.
Các nhà khoa học đều thống nhất rằng Trường lũy Quảng Ngãi là công trình không chỉ có ý nghĩa lớn về giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, mà còn là đường ranh giới đảm bảo về sự ổn định và hòa bình, nơi giao thương mà còn có giá trị lớn về mặt quân sự, cơ sở để quản lý, tạo mối quan hệ hòa hợp, gắn kết giữa cộng đồng các dân tộc.
Việc phát hiện và nghiên cứu về Trường Lũy Quảng Ngãi mở ra hướng nghiên cứu mới về mối quan hệ mật thiết trên cơ sở hợp tác giữa cộng đồng các dân tộc với nhau trong lịch sử. Trường lũy Quảng Ngãi mang đậm dấu ấn tinh thần Việt Nam, cần được giữ gìn và phát huy tác dụng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Theo TTXVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét