Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Huyền thoại lễ đâm trâu của đồng bào Cơ Tu

Con trâu đối với đồng bào Cơ Tu (Quảng Nam), ngoài  việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, còn là vật để tế thần linh, cúng Giàng (Trời) trong lễ hội đâm trâu những ngày mừng lúa mới, nhà mới, đám cưới, Tết....



Đối với người Cơ Tu, trâu biểu hiện cho quyền lực, uy tín của làng. Lễ hội đâm trâu là dịp đồng bào chung vui, thăm hỏi nhau. Thông qua con vật này, người ta muốn báo với thần linh, Giàng về sức khoẻ, công việc làm ăn của cộng đồng. 
Đầu trâu quay về hướng nhà Gươl, đồng bào đang đổ nước lạnh và băm lá chuối rừng.

Đêm khóc tế trâu
Để cho lễ hội diễn ra tốt đẹp, dân làng phải chuẩn bị trước hai ngày. Đặc biệt, cây cột xờ nur (cột buộc trâu) được trang trí hoa văn rất đẹp. Trước khi dựng xờ nur trước nhà Gươl (nhà cộng đồng), buộc trâu vào cột, già làng cùng dân làng cúng tế, báo với thần linh, Giàng và mời các ngài về chứng giám cuộc đâm trâu này.
Đêm trước buổi lễ, dân làng làm heo, gà để tế lễ. Các già làng mang đầu heo, gà, rượu đến ngay cột xờ nur để tế. Dân làng ăn uống, nhảy múa theo tiếng cồng chiêng đến khuya. Còn các già làng ngồi khóc tế (nơơi) trâu  trắng đêm. Mượn theo hát lý Cơ Tu và tiếng trống đệm theo nhịp 1-2-1… các cụ khóc kể thảm thiết: Bhôông dốch li dôl adô mây châu (Trâu ơi, giờ đã buộc vào neo rồi, trâu phải ra đi).
Đêm khuya ở núi rừng, nghe những già làng khóc tế trâu quá não nề. Thông qua khóc tế, họ kể về nỗi khổ ải do thiên tai, mất mùa không có cái ăn cái mặc. Bệnh tật ốm đau không có tiền mua thuốc chữa…Khóc tế còn biểu lộ tình cảm yêu thương. Thương con trâu cả một đời lam lũ vì con người, nay phải hiến dâng cho thần linh, cho Giàng.
Đêm đó, các Amêế, Amoó (các mẹ, các chị) cũng khóc tế theo, tạo thành một tổng hoà âm thanh kỳ bí giữa đại ngàn. Tôi ngồi bên đống lửa, mà sống lưng cứ nghe lành lạnh và hình dung như đất trời đang gặp gỡ. Dưới ánh trăng rừng, cột xờ nur giữa sân nhà Gươl như vút cao lên, mang theo nỗi lòng của trần gian báo với thần linh: Con người, con vật, cỏ cây… mong muốn mạnh khoẻ, tốt tươi, sống chan hoà, thanh bình.                             

Già làng A Lăng Nam đang biểu diễn khèn Cơ Tu trong ngày hội đâm trâu.

Lễ chính
Trong màn sương, tiếng gà rừng réo gọi bình minh vừa dứt, lễ khóc tế trâu cũng dừng. Từng đoàn người hú gọi, về đứng vây quanh con trâu trong tiếng cồng chiêng inh oang, bập bùng. Sau khi người có quyền lực nhất trong làng đứng bên trâu báo với thần linh và Giàng: giờ phút đâm trâu đã đến! Lúc này đoàn cồng chiêng và múa chính thức biểu diễn. Đây là múa mừng, do đó tiết tấu của cồng chiêng nhanh gọn. Đôi tay trần của phụ nữ Cơ Tu theo nhịp uyển chuyển, truyền cảm cho người xem.
Trước âm thanh cồng chiêng và tiếng hú vang dậy của đoàn người biểu diễn, con trâu hoảng hốt: nó chạy quanh cột xờ nur. Sau 30 phút biểu diễn, giờ phút đâm trâu bắt đầu. Ngoài có uy tín và quyền lực trong làng, người đâm phải là tay đâm chuẩn xác, đúng ba nhát, nhát thứ ba phải trúng tim bên phải .
Già làng Zơ Râm Pó cầm ngọn giáo như có thần linh phù hộ. Phát thứ nhất, con trâu lồng đôi chân trước lên, tiếng gầm của nó như bay qua đỉnh núi A Chinh. Lúc này mặt trời vừa nhô lên. Tiếng hú của đoàn múa cồng chiêng vẫn tiếp tục. Sau một hồi chạy vòng quanh cột, già làng đâm nhát thứ hai. Con trâu chồm lên rồi khuỵ hai chân trước xuống, tiếng gầm của nó yếu dần. Nó cố gượng lên và chạy tiếp quanh cột xờ nur trong tiếng hú vang dậy của dân làng.
Hai hàng nước mắt nó chảy dài, miệng há hốc, nhưng vẫn cứ chạy trong cái vòng định mệnh. Đầu nó sắp xây về hướng nhà Gươl, thì già làng Pó lập tức đâm nhác giáo thứ ba. Đương nhiên, đây là khoảnh khắc sống cuối cùng của nó với trần gian và tiếng gầm của nó còn rất khẽ. Không biết có nằm trong ý đồ của già làng hay vô tình, con trâu trước khi chết quay đầu về hướng nhà Gươl (đây là điềm báo được coi là rất tuyệt vời cho dân làng trong lễ hội đâm trâu).

Khi con trâu nằm xuống, già làng rút ngọn giáo, một vòi máu phun ra theo hình cầu vồng. Lập tức người phụ nữ sẽ mang đến một ống nứa nước suối đổ vào vết thương và người đàn ông băm cuộn lá chuối rừng trên xác trâu. Theo quan niệm của người Cơ Tu, làm như vậy là để tăng thêm lượng huyết ứ và thịt không hao tổn.
Sau khi trâu chết rồi, tiếng hò reo cũng lặng đi. Già làng Zơ Râm Pó đem tấm tút (thổ cẩm), để lên thân nó và lấy rượu, nước, gạo, muối rãi lên đầu. Việc làm này có ý nghĩa chia của cho trâu để linh hồn yên nghỉ bên kia thế giới, còn con người ở lại với trần gian, sống tận hưởng những điều tốt lành.
Con trâu sau đó nhanh chóng được rã thịt. Già làng lấy một ít phần đuôi, gan và vật cúng tung lên cái ổ trên cột xờ nur, toàn bộ lọt vào, không rơi xuống lại đất. Như vậy thần linh, Giàng đã chấp nhận. Lúc này ngoài dân làng Chà Ơi 1, các làng khác trong xã A Vương cũng kéo đến chung vui,  múa hát tưng bừng và ăn mừng cho tới bình minh lên.
Sau một đêm thức trọn, chứng kiến khóc lễ tế trâu thảm thiết và nhìn thấy cảnh đâm trâu, toàn thân tôi tê dại, như bị thôi miên. Con người có tâm linh, có cội nguồn. Riêng đối với người Cơ Tu,  tâm linh, cội nguồn của họ là Giàng và thần linh. Đó là tình cảm, lẽ sống của hơn 50.000 người Cơ Tu đang sinh sống trên vùng đại ngàn Đông Trường Sơn.

Vũ Công Điền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét