Ba khía thường đeo trên chang đước, rễ mắm.
Hằng năm, cứ vào khoảng giữa tháng 10 âm lịch thì ba khía rời khỏi hang, leo lên các chang đước, gốc mắm. Dọc theo những con kinh rạch trong rừng, ba khía lúc nhúc từng chùm, chồng chất nhau lên các rễ cây đước và những cành mắm thấp. Người bắt ba khía chỉ việc hốt mà bỏ vào lu, vào khạp chứ không cần phải bắt từng con. Hiện tượng này gọi là ba khía hội, mỗi năm chỉ một lần và không quá ba ngày. Sau đó chúng rã đàn biến đi, hẹn ngày tái ngộ năm sau, cũng vào thời gian và địa điểm nhất định.
Ngày nay, do diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, do con người săn bắt quá mức nên hiện tượng ba khía hội không còn và con người săn lùng chúng quanh năm suốt tháng mà cao điểm nhất là từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch vì thời điểm này ba khía có nhiều gạch son - ngon nhất. Ba khía muối hay còn gọi là mắm ba khía là món ăn phổ biến nhất, cách làm cũng rất đơn giản: Pha nước muối đến độ nổi hột cơm, ba khía rửa sạch, để sống cho vào nước muối, để độ 4-5 ngày là ăn được. Khi ăn, bóc mai, bẻ từng ngoe, trộn với đường, tỏi, ớt, chanh. Còn cái mai thì lật ngược lại, cho cơm vào trộn với gạch, ăn vừa ngọt, vừa béo, vừa bùi. Ba khía muối là món ăn khoái khẩu thường có mặt trong buổi cơm gia đình của người Cà Mau nói riêng và Nam Bộ nói chung.
Món ba khía rang me.
Ba khía muối - một món ăn phổ biến.
Ba khía muối - một món ăn phổ biến.
Ngoài món ba khía muối, ngày nay người ta còn chế biến thêm nhiều món ăn khác cũng rất hấp dẫn như nướng, luộc, rang me và đặc biệt là giã nát, vắt lấy nước nấu lên ăn với bún rất ngon, rất đậm đà.
Tác giả Trần Thanh Phương trong cuốn Địa chí Minh Hải có trích dẫn lại bài tùy bút “Chuyện con ba khía” của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đăng trên báo Thống Nhất ở Hà Nội vào năm 1957 như sau: “Lúc còn kháng chiến, tôi định khi trở về thành sẽ đề nghị các bạn kỹ sư hóa học phân chất xem trong con ba khía muối có thứ men gì mà làm cho món ăn chỉ có nước ba khía vào tiêu hóa cũng quá nhanh, xong bữa chưa bao lâu đã thấy đói. Trong nghề làm thầy thuốc tôi đã thấy người yếu gan sinh phong ngứa, mày đay, kiêng loại mắm này hay mắm nọ, mà chưa hề thấy ai phản ứng với mắm ba khía bao giờ. Có lẽ vì con ba khía là món ăn ngon, dễ tiêu hóa, lại rẻ?”.
Rừng ngập mặn nước ta nơi nào cũng có ba khía, nhưng có thể nói ở Cà Mau là nhiều nhất và ba khía ngon nhất, nổi tiếng nhất là ở Rạch Gốc - Tân Ân - huyện Ngọc Hiển. Là người Nam Bộ - đặc biệt là người Cà Mau - dù có đi xa đến đâu cũng không bao giờ quên các bữa cơm với món ba khía muối.
NGUYỄN THANH DŨNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét