Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011

Vua Quang Trung cầu hiền

Dựng nước bằng võ công, giữ nước bằng văn trị, chỉ trong 4 năm trị vì, vua Quang Trung (1752-1792) đã có một loạt tân chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng người tài, chấn hưng văn hóa dân tộc… 


Từ 1788-1792, vua Quang Trung đã ban 4 chiếu quan trọng: Chiếu Cầu hiền, Chiếu Dụ các quan văn võ triều Lê, Chiếu Lập học và Chiếu Mở khoa thi. Cả 4 chiếu này đều hướng đến lựa chọn, bồi dưỡng người tài làm nền tảng của triều đại.
Vua Quang Trung. (Ảnh minh họa)
Chiếu Cầu hiền viết: “Dựng nước lấy học làm đầu, trị nước chọn nhân tài làm gốc… Trẫm buổi đầu dựng nghiệp, tôn trọng sự học, lưu tâm yêu mến kẻ sĩ…”. Tuy thế, ông không ưu ái sự học một cách mơ hồ, càng không trọng cái danh hão nhan nhản lúc bấy giờ, mà chú trọng đến thực học, thực tài. Ngay sau khi lên ngôi Hoàng đế, trong kì tổ chức thi hương đầu tiên ở Nghệ An, Quang Trung đã truyền: “Nho sinh và sinh đồ cứ đợi đến kì thi vào thi, hạng ưu thì tuyển vào, hạng kém thì bãi về trường xã học”.
Việc học phải bắt đầu từ cấp xã trở lên. Tư tưởng ấy được vua Quang Trung đưa ra ngay trong Chiếu lập học. Trước thời vua Quang Trung, các xã cũng có trường học, nhưng không đưa vào quy định bắt buộc, nên xã có, xã không. Xuất thân từ nông dân, ông hiểu thế nào là “lấy dân làm gốc”, hiểu sâu sắc cội rễ của quốc gia, dân tộc chính là bắt nguồn từ làng, từ xã. Hơn thế, ông biết tiềm năng của con người rất lớn, chỉ có điều là có điều kiện để phát triển hay không. Những người nông dân chân lấm tay bùn, nếu được học tập cũng có thể trở thành người tài, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Các triều đại trước đều dùng chữ Hán trong các văn bản chính thức. Đến thời Quang Trung, chữ Nôm mới trở thành chữ viết chính thức của quốc gia. Tất cả chiếu chỉ mệnh lệnh, cho đến một bài văn tế… cũng đều dùng chữ Nôm, ý thức dân tộc được khẳng định.

Nam Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét