Chùa Liên Hoa
Chùa Liên Hoa nhìn từ mặt bên
Chùa Liên Hoa nhìn từ mặt bên
Chùa Liên Hoa được thành lập từ năm 1971, lúc đầu chỉ là một am nhỏ do sư cô Chính Nhãn làm trụ trì. Trải qua bao thăng trầm và biến đổi của thời cuộc, các sư trong chùa không ngừng tu tập, làm kinh tế, để có nguồn kinh phí hoạt động trong các phong trào từ thiện và tích lũy để sửa sang lại chùa, tạo một bến đỗ tâm linh thật uy nghi, yên bình cho Phật tử cũng như những người có tâm hướng thiện.
Năm 1993, chùa được trùng tu, sửa chữa toàn bộ. Hiện, chùa đang xây mới ngôi giảng đường với kinh phí hơn 3 tỷ đồng từ sự đóng góp kinh phí của đông đảo tín đồ Phật tử, những nhà hảo tâm gần xa trong và ngoài nước, đáp ứng cho các hoạt động truyền thống hằng năm của chùa: Lễ Phật đản, lễ hội Hoa đăng, đại lễ Vu lan, Nguyên tiêu...
Chùa Liên Hoa với lối kiến trúc thuyền lâm Phật giáo, mặt trước thờ Quan Âm, bên hữu là miếu bà, bên tả là tượng Phật Di Lặc, hai vị Phật thể hiện sự khoan dung, độ lượng, luôn sẵn lòng cứu giúp chúng sinh. Ở cửa chánh điện là vị thần Hộ Pháp, đại diện cho cái thiện, và Tiêu Diệm, người tiêu trừ cái ác... Trung tâm chánh điện thờ Phật Thích Ca, bên tả và hữu là trống chầu, và đại hồng chung; gian giữa, bên tả là Phật Quan Âm, hữu là Địa Trung; gian sau, chùa thờ tổ sư Đạt Ma và Chuẩn Đề...
Tháp sư cố Chính Nhãn - người trụ trì đầu tiên của chùa
Tượng Phật Quan Âm được đặt trang trọng trước sân chùa
Với phương châm “Tất cả vì chúng sinh” nên mọi hoạt động của chùa luôn hướng đến những người lầm đường lạc lối, những số phận nghèo khổ, bất hạnh... Hằng năm, chùa kết hợp với Ban Từ thiện thị xã Bạc Liêu tặng quà người nghèo vào những dịp Tết và lễ Vu Lan, cùng nhiều đợt tặng quà ý nghĩa khác...
Với lời giáo huấn “Tu phải tĩnh là điều trước hết/ Học phải hành là việc đầu tiên”. Hiện tại, chùa đang khuyến khích và tạo mọi điều kiện để bổn Phật tử của chùa hoàn thành chương trình học phổ thông văn hóa của mình, chăm bồi cho thế hệ phật tử sau này, đó là tư tưởng hiện đại xứng tầm với thời cuộc hiện nay, bởi ai trong xã hội mà kém hiểu biết thì sẽ tụt hậu.
Theo lời sư Thiện Trung - Thư ký của chùa, thì ngoài làm công tác từ thiện, các sư ở chùa còn là những nhà “tư vấn” tài ba. Trong cuộc sống, chúng ta đôi khi gặp rất nhiều rắc rối, trở ngại trong công việc cũng như trong tình cảm... Ngoài việc tìm đến chùa thắp hương khấn nguyện cầu bình an, công việc làm ăn được “thuận buồm xuôi gió”, nhiều người thường tìm đến các vị sư để được chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, để tâm của họ được an lành hơn.
Giảng đường mới đang được xây dựng với kinh phí gần 3 tỷ đồng
Với trách nhiệm của những người hướng đạo, giải thích nhiều vấn đề một cách thấu đáo và hợp lý: “Ở hiền thì gặp lành” hay “Gieo quả nào trời trao quả ấy”... Đối với những người lầm đường mới vào chùa tu tập, nhà chùa đã rất khéo léo trong việc nắm bắt tâm lý của họ. Các sư không hỏi về những việc làm đã qua, mà chỉ ra tương lai phía trước, khuyến khích chỉ dạy, để họ không cảm thấy mặc cảm tội lỗi mà yên tâm chánh niệm...
Đạo Phật là một tôn giáo lớn của nhân loại; ảnh hưởng của đạo Phật đối với con người và xã hội, mang ý nghĩa rất lớn trong quá trình tiến bộ của con người, và đã tạo nên nền văn hóa nhân bản theo tinh thần của xã hội Á Đông hơn 2.000 năm qua. Và chùa Liên Hoa, một trong những ngôi chùa lớn của tỉnh Bạc Liêu, đang dần hoàn thiện cả về điều kiện lẫn đạo pháp, nhằm phát tâm thành đến chúng sinh, để cuộc đời luôn lúc nào cũng tươi sáng tốt đẹp và hy vọng trong xã hội sẽ ngày càng bớt đi những cái ác, cái xấu.
Rời chùa Liên Hoa, thế nhưng trong suy nghĩ của chúng tôi luôn nhớ đến ý nghĩa của một đoạn pháp: Vì lòng tham-sân-si nên con người mới gây chiến tranh, hận thù, tạo vũ khí tàn sát nhau. Tại sao không cùng chung nhau dung hòa, xây dựng tình thương, xóa bỏ hận thù. Thay vì công sức tiền tài tạo vũ khí, gây chiến tranh giết hại nhau làm cho đổ máu, làm tan tác, đau khổ. Công sức tiền tài đó để chế tạo ra lương thực, thực phẩm cho thật nhiều đem chia sẻ, nuôi dưỡng nhân loại đầy đủ cho hết đói khổ, không còn tranh giành nhau sẽ bớt gian tham...Và hãy nối vòng tay lớn vun bồi tình thương yêu, chia sẻ sự sống còn...
MỘNG THƯỜNG
MỘNG THƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét