Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Ký sự những nẻo đường Tây Bắc

Mộc Châu, cao nguyên xanh bất tận…


Moc Chau, cao nguyen xanh
Đồi chè Mộc Châu xanh bạt ngàn - Ảnh: Internet

Một hành trình được sống giữa thiên nhiên, hít thở hương vị của núi rừng và chinh phục những đỉnh đèo hiểm trở trên cung đường Tây Bắc, mang đến cho tôi một niềm cảm xúc mãnh liệt.
Kỳ 1: Mộc Châu, cao nguyên xanh bất tận…
Mộc Châu là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, cũng là cửa ngõ Tây Bắc, Từ Hà Nội đi theo quốc lộ 6  khoảng 200km qua các Hòa Bình, Mai Châu…

Khoảng 3 giờ sáng xe đến Mộc Châu, bước ra khỏi xe trong hơi lạnh của cao nguyên. Thoảng trong hơi sương lạnh mùi hăng hắc, khét khét như đi ngang qua 1 đàn bò. Có lẽ đây là mùi đặc trưng ở cao nguyên xanh Mộc Châu bởi nơi đây nổi tiếng có những đàn bò lớn nhất cả nước và đồng cỏ xanh bất tận.
Moc Chau, cao nguyen xanh
Mộc Châu, cao nguyên xanh... 
Tấp xe vào ven đường, nơi có những chị em người đồng bào đang bán táo mèo để hỏi đường đi Thác Dải Yếm, một cô gái trẻ có lẽ là người Thái nhanh nhảu: Anh đi thẳng đường này qua thị trấn khoảng 2 cây số gặp ngã 3 rẽ trái.
Moc Chau, cao nguyen xanh
 
Bởi ở Mộc Châu có 2 thị trấn nằm cách nhau chỉ chừng 4-5km, thị trấn Nông Trường và thị trấn Mộc Châu, đường theo tay cô cái chỉ là đi vào thị trấn Mộc Châu, ngay cửa ngõ vào thị trấn là một đoạn đường như cổng trời hun hút với vách núi dựng đứng hai bên.
Dưới chân thác Dải Yếm
Đường vào Thác Dải Yếm chính là Quốc 43, xuất phát từ điểm giao với QL 6 và nếu đi thẳng sẽ tới cửa khẩu Lóng Sập (Pa Háng) giao với nước bạn Lào.
Moc Chau, cao nguyen xanh
 
Thác Dải Yếm thuộc địa phận xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, còn có tên gọi khác là ‘thác Nàng”, “thác Bản Vặt”. Sở dĩ thác mang tên là Dải Yếm vì theo truyền thuyết, xưa kia có một đôi trái gái yêu nhau ở Mường Sang. Chẳng may chàng trai bị nước lũ cuốn trôi, cô gái lao ra cứu thì cũng bị dòng nước cuốn đi và yếm của cô bị mắc lại vào núi nên mới thành thác Dải Yếm ngày nay, đến tận nơi mới thấy thác đẹp đúng như các dải yếm trắng đang nhẹ nhàng phất phơ buông xuống từ trên núi cao.
Để vào thác, bạn phải đi bộ xuyên qua cánh rừng thưa. Ấn tượng về nơi này là một khung cảnh hoang sơ, u tịch và huyền bí đến mê mẩn. Xuống vài bậc tam cấp, sau khúc quanh, khoảng không gian mở ra trước mặt và dòng thác từ trên cao như dải lụa mềm đổ xuống lòng sông, một bản giao hưởng của miền sơn cước với những tiếng ầm ầm, xì xèo của dòng nước đổ hòa lẫn với tiếng chim hót, vượn kêu, gợi về quá khứ của thuở khai thiên lập địa.
Đài tưởng niệm Đồn Mộc Lỵ
Dù đã bao năm trôi qua nhưng những dấu vết một thời súng đạn vẫn còn vương vất nơi đây, thấy tôi hỏi thăm kỹ về lịch sử của đồn, người trông giữ đài tưởng niệm say mê kể lại câu chuyện hào hùng và bi tráng một thời, ông còn nhặt lên rất nhiều đầu đạn và các đồ lặt vặt khác còn vương lại mặc dù đã hơn nửa thế kỷ đã trôi qua.
Moc Chau, cao nguyen xanh
 
Cách đó khoảng 500m, nằm phía bên kia đường là bia tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến, nơi đây bia đá khắc ghi sự hi sinh của các chiến sĩ đoàn quân Tây Tiến, tấm lòng cao đẹp của đồng bào các dân tộc ở Mộc Châu đã đùm bọc các chiến sĩ Tây Tiến trong cuộc cách mạng lịch sử của dân tộc.
Chia tay bia Tây Tiến, vẫn trên đường ngược trở về thị trấn Mộc Châu, bạn sẽ gặp Động Sơn Mộc Hương hay còn gọi là Hang Dơi, gần trung tâm thị trấn, ngay QL6. Động Sơn Mộc Hương còn được mệnh danh là Tây Thiện Đệ Nhất Động. Cửa động nằm giữa lưng chừng núi, do vậy chúng ta phải leo theo con đường lát đá từ dưới chân núi lên. Đây cũng là địa điểm để bạn có thể thử sức khỏe cũng như khả năng leo trèo của mình.
Moc Chau, cao nguyen xanh

Sau một buổi khám phá động, “xuống núi” tôi cảm thấy đói, và tấp vào một quán ven đường để nghỉ ngơi, thưởng thức các đặc sản trứ danh nơi đây: cá suối, bê chao, lặc lè (mướp nhật) cùng với vài chai beer ướp lạnh,… để lấy lại năng lượng và những mệt mỏi dường như tan biến để lại tiếp tục cuộc hành trình đến điểm mới.
Rừng thông Bản Áng
Rừng Thông Bản Áng được ví như 1 Đà Lạt thu nhỏ, nằm trong cụm các điểm du lịch ở Cao Nguyên Mộc Châu, bản Áng. Khu vực rừng thông có hồ nước đẹp, phẳng lặng và trong xanh.
Moc Chau, cao nguyen xanh
 
Rừng thông Bản Áng yên bình thơ mộng. Vào buổi chiều tôi tìm đến với rừng thông Bản Áng, ngay từ cổng vào là những nếp nhà sàn san sát. Gởi xe ở cổng và đi dạo một vòng quanh bờ hồ, hồ nước thật yên tĩnh và phẳng lặng, xung quanh bờ hồ là những đồi thông yên bình hoang sơ, một dãy các quán hàng bán những món ăn ẩm thực của người Thái. Ở đây, bạn có thể thuê một nhà sàn để ở lại hoặc có thể dùng bạt trại cắm trại trong rừng thông, giải chiếu nhâm nhi những miếng gà nướng, cá nướng, bên chén rượu ngô nồng hoặc lon beer mát lạnh.
Moc Chau, cao nguyen xanh
 
Một cảm giác như sống cùng thiên nhiên, khi thì lang thang vào rừng thông, khi thì xuống đồng ruộng, khi thì đi dạo quanh hồ, khi thì lênh đênh trên những chú vịt, sự kết hợp tài tình giữa vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, đồng ruộng cùng hồ nước phẳng lặng đã làm cho hồ rừng thông có vẻ đẹp rất đặc biệt và nên thơ, làm say lòng người lữ khách.
Thảo nguyên xanh bất tận
Sáng sớm hôm sau khi mặt trời còn chưa kịp mọc, tôi đã vội vã dậy chuẩn bị hành trình để đi thăm thảo nguyên. Từ thị trấn Nông Trường hỏi vào đường vào nông trường theo tỉnh lộ 104, chỉ cần chạy vài km là đến tiểu khu nông trường, sau vài khúc cua của con đường nhựa nhỏ ngoằn nghèo hiện ra trước mắt tôi là bình nguyên xanh mướt, một vùng cỏ xanh mênh mông trải dài như vô tận, thi thoảng xen kẽ là những khoảnh ngô (bắp) trồng xanh mướt rì rào trong gió sớm.
Moc Chau, cao nguyen xanh
 
Moc Chau, cao nguyen xanh
 
Theo con đường tiếp tục đi vào sâu bắt gặp những mái nhà lưa thưa và nhà nào cũng có những đàn bò đốm trắng đen đang gõ sừng lộc cộc trong chuồng, đây chỉ là những hộ dân chăn nuôi bò đơn lẻ bên cạnh những trang trại lớn tạo thành nơi có đàn bò sữa lớn nhất trong cả nước, với khoảng hơn 10 ngàn con bò hiện nay.
Nếu cứ tiếp tục đi theo TL 104 thì chúng ta sẽ đến Ngũ Động Bản Ôn, đồi chè hình trái tim và nông trường Mộc Châu.
Nhắc tới đây, có lẽ cũng nhiều người đã biết đến một món ngon đặc biệt ở Mộc Châu, đó là món bê chao: “Những chú bò non (bê) ở Mộc Châu khi mới sinh ra khoảng 1 tuần tuổi được xác định giới tính, nếu là bê cái sẽ giữ lại nuôi để lấy sữa, còn bê đực không cho sinh sản sẽ bị loại. Khi bê con bị loại, người dân ở cao nguyên Mộc Châu đã biến nó thành một món ăn giàu chất dinh dưỡng, ngon và hấp dẫn - món bê chao. Cách chế biến món bê chao không cầu kỳ, thịt bê được xắt thành từng miếng nhỏ, đem ướp sả, gừng, gia vị rồi chao qua dầu sôi. Vì thịt bê còn non nên món ăn mềm, mang vị ngọt, không ngấy, không béo Bê phải chao trên lửa to để thịt không ngấm mỡ. Lửa to thì dầu phải ngập miếng thịt để tránh “sống trong, chín ngoài”. Độ chín của gừng, sả ướp cùng thịt bê cũng là một yếu tố để đánh giá tay nghề đầu bếp. Bê chín, gừng, sả cũng vừa vàng ươm, thơm nức mà không khét, cháy” (theo dulichmocchau.org).
Moc Chau, cao nguyen xanh
 
Men theo con đường mòn xuyên qua các luống chè, thấy một cảm giác thoải mái Có người từng nói đồi chè ở Mộc Châu là cảnh đẹp thiên nhiên điều này không thể phủ nhận, cũng có người nói đồi chè ở Mộc Châu là nét đẹp nhân tạo cũng chẳng sai bởi chính những bàn tay của những con người nơi đây sau quá trình vun trồng đã tạo ra những đồi chè với nhiều hình dáng đẹp lạ mắt.

Bản Luông và món ăn đặc sản của người Thái


Ban Luong, mon an dac san cua nguoi Thai


Đang rảo bước trong chợ Bản Luông bỗng một mùi thơm như cá nướng cùng vị nồng nồng, cay cay hằng hắc rất lạ bay đến. Tò mò dến xem và hỏi thăm người quen thì biết đó là “Pa Pỉnh Tộp”, món ăn đặc sản của người Thái. Để chế biến được món “Pa Pỉnh Tộp”, người ta dùng cá chép, cá trắm hoặc cá trôi khoảng vài lạng được mổ dọc sống lưng để nguyên nội tạng, bỏ mật và nhồi vào bụng cá cùng các loại gia vị gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng… vào tẩm ướp cho ngấm đều.

Tôi đến Điện Biên vào một chiều tháng 3, thời tiết khá nóng bức. Đi dạo một vòng qua vài đường phố, sau khi ghé thăm tượng đài chiến thắng, tôi hỏi đường đi về Mường Thanh, được chỉ dẫn tôi tìm ra đường Thanh Luông, dọc theo hai bên đường Thanh Luông chính là cánh đồng Mường Thanh vang danh sử sách.
Bát ngát Mường Thanh
Vào thời điểm này cả cánh đồng phủ một màu xanh bát ngát của lúa non đang thì con gái, hương lúa thơm ngát, ngào ngạt hòa quyện trong gió, xa xa những cánh cò trắng đang đậu hoặc bay lượn lả lướt trên cánh đồng. Từ Thanh Luông có thể nhìn thấy tượng đài chiến thắng xa xa nằm trên ngọn đồi D1 ngay trung tâm thành phố Điện Biên.
Ban Luong, mon an dac san cua nguoi Thai
 Cánh đồng Mường Thanh 
Cánh đồng Mường Thanh cũng là cánh đồng lớn nhất ở Tây Bắc, khi nghĩ đến Tây Bắc hẳn ai cũng nghĩ đến ruộng bậc thang bởi địa hình ở đây chủ yếu là đồi núi. Nhưng cánh đồng Mường Thanh lại bằng phẳng nằm giữa lòng chảo Điện Biên và rộng lớn với diện tích hơn 140km2, chiều dài hơn 20km, chiều rộng trung bình 6km. Đây chính là kho lúa gạo của Điện Biên với chất lượng gạo thơm ngon nổi tiếng. Từ đặc sản gạo Điên Biên, đã có rất nhiều món ngon được chế biến như xôi nếp nương, bánh dày.
Ban Luong, mon an dac san cua nguoi Thai
 Cánh đồng Mường Thanh nhìn từ trên cao
Ở vùng đất giáp biên giới này, đất đai cũng khá khô cằn sỏi đá nhưng không vì thế mà lại thiếu các loài cây hoa trái. Tôi ghé thăm các gia đình ở đây thấy trong vườn nhà ai cũng có khá nhiều các loại cây trái, như mận đào nhãn sum suê um tùm, các cây bưởi đang mùa bung hoa nở nhụy để chuẩn bị cho ra những trái bưởi ngon khi mùa hè về, những luống rau cải trồng quanh năm tươi tốt. Vào tháng 3, cũng là mùa mận đào kết trái sau 2 tháng Tết nở hoa, trong các vườn nhà bà con ở Mường Thanh, mận đào trĩu cành chờ chín.
Ban Luong, mon an dac san cua nguoi Thai
Đào trong vườn ở Mường Thanh 
Gắn liền với với những thăng trầm của lịch sử Điện Biên Phủ, góp phần không nhỏ trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, và từ đó chúng ta được biết đến Mường Thanh qua các vần thơ của cố thi sĩ Tố Hữu:
"Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng..."
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giữ lại không gian xanh bát ngát này cho chúng ta. Ngày nay cánh đồng Mường Thanh vẫn giữ nguyên vẻ đẹp đơn sơ và thanh bình yên ả.
Bản Luông và đặc sản của người Thái
Khi hoàng hôn gần buông xuống, tôi theo chân người quen đi vào chợ bản Luông. Đây là bản của người Thái sống xen kẽ với người Kinh. Chợ xem như là trung tâm của bản, họp tự do hàng ngày và hàng hóa được bày bán hai bên ven đường, buổi chiều nóng là thế, đến tối trời bắt đầu lạnh lạnh.
Đang rảo bước trong chợ bỗng một mùi thơm như cá nướng cùng vị nồng nồng, cay cay hằng hắc rất lạ bay đến. Tò mò dến xem và hỏi thăm người quen thì biết đó là món “Pa Pỉnh Tộp” của người Thái. Để chế biến được món “Pa Pỉnh Tộp”, người ta dùng cá chép, cá trắm hoặc cá trôi khoảng vài lạng được mổ dọc sống lưng để nguyên nội tạng, bỏ mật và nhồi vào bụng cá cùng các loại gia vị gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng… vào tẩm ướp cho ngấm đều.
Sau đó, người ta gập đôi lại, cho cá vào một đoạn tre để kẹp chặt, nướng trên than củi đã hồng. Món ăn này nhất thiết không được thiếu “mắc khén”, một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Người nướng cá phải rất khéo léo để làm sao cho cá chín, không bị ám khói mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên của cá. Miếng cá chín vàng đều, tỏa mùi thơm cay cay của mắc khén, vị béo ngọt của cá, vị cay của các loại gia vị nơi đầu lưỡi khiến du khách ăn một lần mà nhớ mãi.
Ban Luong, mon an dac san cua nguoi Thai
 Món Pa Pỉnh Tộp nổi tiếng trong chợ Bản Luông, một món ăn đặc sản của người Thái
Dĩ nhiên là tối hôm đó tôi được đãi món “Pa Pỉnh Tộp” cùng “Mắc khén” với rượu ngô nồng. Ngoài ra một đặc sản khác là món “Măng đắng” cũng được chủ nhà chiêu đãi, măng đắng là sản vật rừng ở Điện Biên được đồng bào người Thái thường đi rừng hái về. Mới lúc chiều khi chủ nhà mang măng đắng ra vòi nước để lột vỏ ngoài và rửa để luộc thì tôi chưa hình dung được mùi vị thế nào, đến khi được thưởng thức, lột bỏ lớp vỏ ngoài đến khi chỉ còn ruột măng trắng nõn, chấm cùng với mắc khén và ăn, tôi cảm mới cảm nhận được mùi thơm ngọt như bắp ngô non và vị đắng nhẹ ở ngay đầu lưỡi nhưng rất dễ chịu và dễ ăn.
Ban Luong, mon an dac san cua nguoi Thai
 Măng đắng – sản vật rừng ở Điện Biên
Tối hôm đó, sau một ngày rong ruổi và trong men rượu say nồng tôi ngủ thiếp đi trong hơi lạnh của đất trời Điện Biên, ngoài cánh đồng Mường Thanh gió thổi ngọn lúa rì rào, trong vườn nhà tiếng lá xào xạc và văng vẳng bên tai tiếng vo ve như của hàng đàn muỗi đói kiếm ăn đêm.
Mường Phăng trắng rừng hoa ban nở Đến Điện Biên mà không chiêm ngưỡng hoa Ban quả là một thiếu sót vô cùng lớn. Tuy nhiên theo lời người dân ở đây thì được biết bây giờ ở đường phố Điện Biên không còn nhiều hoa ban như ngày xưa nữa.
Nhưng may mắn cho tôi vào ngày hôm sau khi lặn lội vào Mường Phăng để thăm cậu em làm thầy giáo tận trong bản xa thì gặp được nhiều cánh rừng có rất nhiều hoa ban đang nở. Đến một đoạn đường đèo có lẽ nhiều hoa ban nhất tôi dừng lại để chụp ảnh thì gặp được một đôi bạn trẻ cũng đang say mê tạo dáng chụp ảnh cùng hoa ban. Được biết tôi từ xa tới chàng trai nhiệt tình giới thiệu đây là điểm ở Điện Biên còn được nhiều hoa nhất.
Ban Luong, mon an dac san cua nguoi Thai
Hoa ban nở trắng rừng Mường Phăng
Xong tôi lại vội lên đường, vào tới bản trời cũng đã xế trưa. Tôi tranh thủ vào thăm hầm chỉ huy của tướng Giáp. Trong bữa cơm trưa thân mật cùng với vợ chồng cậu em tôi lại được thưởng thức các đặc sản của núi rừng Tây Bắc: nếp nương, măng đắng, gà đồi và lợn bản.
Cảm nhận cuộc hành trình của mình luôn tuyệt vời và thú vị với những trải nghiệm thật khó quên với phong cảnh đẹp của núi rừng, sự đón tiếp nồng nhiệt của mọi người và thưởng thức các món ngon và lạ.

Thám hiểm dọc đường đèo Ô Quy Hồ hùng vĩ


duong deo O Quy Ho hung vi

Nằm dọc theo quốc lộ 4D, cách thị trấn Sapa khoảng từ 12 đến 20 cây số đi về hướng Lai Châu là cụm các điểm du lịch chinh phục khám phá thiên nhiên gắn liền với rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn. Trên chặng đường này, niềm vui như tăng gấp bội khi có những người bạn đồng hành cùng chinh phục các đoạnđường đèo Ô Quy Hồ hùng vĩ và hiểm trở.

Thưởng thức cá Tầm ở Thác Bạc
Thác Bạc là địa danh nổi tiếng nằm trong cụm các điểm du lịch ở Sapa, nhưng có lẽ ít ai để ý rằng nơi đây có nguồn thủy sản đặc sắc cá tầm và cá hồi.
Chỉ mất khoảng nửa tiếng từ trung tâm thị trấn Sapa, vượt qua đoạn đường khoảng 12 cây số đường ngoằn nghèo nhưng khung cảnh xung quanh tuyệt đẹp và nên thơ với một bên là những vách núi đá dựng đứng cao vời vợi, một bên là thung lũng Mường Hoa sâu hun hút, hai bên đường là những giàn su su xanh mướt mát của người dân xã San Sả Hồ, huyện Sapa.
duong deo O Quy Ho hung vi
 Dọc đường đi đến Thác Bạc là những vách núi cao, những giàn su su
Thác bạc nằm ngay bên đường QL 4D, có độ cao ước chừng khoảng 200m đổ từ trên đỉnh núi cao. Đứng dưới chân thác nhìn lên cảm giác dòng nước trắng xóa đổ ào ạt như từ trên trời xuống, có thể nhìn thấy thác bạc từ xa ở nhiều góc độ khác nhau như từ núi Hàm Rồng ở thị trấn Sapa hay lầu chuông ở Trạm Tôn, khi đó thác bạc nhìn như một dải lụa bạc trắng nổi bật giữa nền xanh của núi rừng.
duong deo O Quy Ho hung vi
 Thác bạc
Cũng ngay dưới chân thác bạc phía xuống dưới lưng chừng thung lũng là nhà hàng Thác Bạc, cũng là trung tâm giống cá Hồi và cá Tầm, trạm nghiên cứu thủy sản nước lạnh lớn nhất của cả nước, với nguồn nước được dẫn từ thác Bạc về.
duong deo O Quy Ho hung vi
Cá Tầm nuôi trong hồ nước lạnh 
Buổi trưa hôm đó, trước khi tiếp tục hành trình các điểm tiếp theo, tại nhà hàng thác Bạc tôi đã tự dùng vợt bắt một con chú cá Tầm khoảng 4kg, sau đó được nhà bếp chế biến các món: cá Tầm sống mù tạc, cá Tầm nướng muối ớt và lẩu cá Tầm với măng cho một bữa trưa ngon lành với rượu táo mèo cùng với những người bạn đồng hành hôm đó trong thời tiết mát lạnh giữa lưng chừng sườn núi nhìn xuống Thung Lũng Mường Hoa tươi đẹp.
duong deo O Quy Ho hung vi
Cá Tầm nướng... 
Băng rừng Hoàng Liên Sơn đến với thác Tình Yêu
Từ thác Bạc, mất khoảng 2 cây số đường đèo dốc cao và uốn lượn hiểm trở là đến Trạm Tôn, là trạm kiểm lâm nằm ngay trên QL4D. Từ đây bạn sẽ thực hiện hành trình băng rừng khoảng 3 cây số để vào đến thác Tình Yêu. Đầu tiên theo con đường lát đá xuyên qua một cánh rừng trúc, sau đó tiến sau vào rừng rậm với thảm thực vật đa dạng và phong phú. Qua khỏi cánh rừng rậm bạn sẽ gặp dòng suối Vàng trong vắt, mát lạnh. Đi ngược dòng suối Vàng sẽ đến với thác Tình Yêu.
duong deo O Quy Ho hung vi
Lối nhỏ lát đá xuyên qua cánh rừng trúc 
duong deo O Quy Ho hung vi
 Suối Vàng trong rừng Hoàng Liên
Rừng quốc gia Hoàng Liên nổi tiếng với nhiều loài thực vật quý hiếm, trên đường đi tôi bắt gặp rất nhiều cây thảo quả. Và đặc biệt là có những cây lá phong đỏ rực cả 1 góc trời, những chiếc lá đỏ rơi xuống vương vất như muốn níu chân người.
duong deo O Quy Ho hung vi
Lá phong vương vấn bước chân người 
Thác Tình yêu có độ cao gần 100m. Thác bắt nguồn từ đỉnh Phan Si Păng rồi mang theo hơi lạnh của núi rừng chảy qua nền địa hình cao, dốc đổ xối xả, ào ạt xuống dòng suối Vàng tung bọt trắng xóa. Nhìn từ xa, bạn sẽ thấy dòng thác giống hình một chiếc nón, ẩn nấp thấp thoáng sau từng lớp nước mỏng chảy ở hai bên rìa thác là một thảm thực vật rừng xanh tốt; dưới chân thác, con suối Vàng óng ánh nghiêng mình uốn lượn với hai bên bờ là những thảm cỏ xanh mượt trải dài dưới chân những bụi trúc gai...
duong deo O Quy Ho hung vi
 Thác Tình Yêu đẹp như tranh vẽ...
Trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ
Đèo Ô Quy Hồ hay còn gọi là đèo Hoàng Liên Sơn, cũng có người gọi là đèo Mây,  là một trong số những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam, có chiều dài khoảng gần 50 cây số đi vắt ngang qua dãy Hoàng Liên Sơn nối liền 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai.
duong deo O Quy Ho hung vi
Tác giả Ngô Xuân Bằng - Những khúc dốc và cua tay áo hiểm trở trên đèo Ô Quy Hồ
Đèo có tên gọi là Ô Quy Hồ là bởi trước đây hay hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn liền với truyền thuyết về thác Tình Yêu - là nơi gặp gỡ của một nàng tiên trời và chàng tiều phu tên Ô Quy Hồ. Tuy nhiên vì không được sự đồng ý của nhà Trời mà đôi trái gái này không thể tới được với nhau. Cuối cùng vì nhớ người yêu, nàng Tiên trời đã hóa thành loài chim lông vàng bay quanh đỉnh núi kêu 3 tiếng Ô Quy Hồ da diết khôn nguôi.
Cũng có nhiều người gọi là đèo Mây bởi quanh năm nơi đây luôn có mây bao phủ, nhất là những buổi chiều sau khi hoàn thành hành trình chinh phục đỉnh đèo Ô Quy Hồ và trên đường trở lại thị trấn Sapa bạn sẽ thấy mây trắng kéo đến phủ đầy thung lung Mường Hoa, bạn sẽ có cảm giác như đang đứng bồng trên mây ngàn.
duong deo O Quy Ho hung vi
 Trên đỉnh đèo quanh năm luôn có mây bao phủ
Đỉnh đèo Ô Quy Hồ hay còn gọi là cổng trời Sapa cách trạm tôn khoảng 2 cây số. Là điểm cao nhất của đường bộ Việt Nam. Là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của các tỉnh miền núi phía Bắc. Từ đỉnh đèo nhìn về hướng Lai Châu là chập chùng núi non và các thung lũng xanh mướt, con đường QL4D nối tiếp từ đỉnh đèo đi xuống nhìn như những sợi chỉ uốn lượn vắt vẻo và bổi bật trên các sườn núi xanh ngắt.
duong deo O Quy Ho hung vi
 Đường đèo Ô Quy Hồ hùng vĩ nhìn từ trên cao
Thông tin lưu ý thêm cho bạn:
Các món ăn uống mà bạn có thể thưởng thức khi thăm quan các điểm du lịch trên: Cơm lam, thịt lợn bản, gà đồi, chim sẻ, hạt dẻ, nước chè (trà) ngọt, rượu táo mèo.
Khi đi chuyển bằng xe máy: bạn nhớ mang theo giấy phép lái xe máy bởi trên cung đường này thường có CSGT chặn lại kiểm tra bằng lái vì phải đảm bảo bạn có bằng lái để có thể lái xe trên cung đường hiểm trở này. Bạn cũng không nên đi với tốc độ cao, và phải luôn để ý xe ngược chiều phía trước vì đường đèo hẹp có nhiều khúc cua dốc ngược.

Vườn Địa Lan, 'chốn địa đàng' trên núi Hàm Rồng

Đăng Bởi  - 
nui Ham Rong, vuon dia Lan

Vườn Địa Lan là một điểm dừng chân trên núi Hàm Rồng, mang vẻ thâm trầm với những phiến đá đầy rêu phong theo năm tháng, những nhánh lan vàng như điểm khuyết cho mảng màu xám tối nơi đây...

Vườn Địa Lan hay chốn địa đàng?
Có lẽ, hẳn ai đã đến Sapa thì đều biết đến núi Hàm Rồng, một địa điểm du lịch nổi tiếng bởi cảnh đẹp và khí hậu ôn hòa mát mẻ. Trải nghiệm trên từng bước chân, vượt lên từng phiến đá để lên tới đỉnh của Hàm Rồng tức là bạn đã vượt qua khá nhiều cung bậc cảm xúc với cảnh trí nơi đây.
Vườn Địa Lan là một điểm dừng chân trên núi Hàm Rồng, mang vẻ thâm trầm với những phiến đá đầy rêu phong theo năm tháng, những nhánh lan vàng như điểm khuyết cho mảng màu xám tối nơi đây.
Buổi sáng, khi ghé chân nơi đây tôi chọn một góc nhỏ để thưởng thức chén trà nóng trong không gian u tịch huyền bí, trong vườn tiếng chim hót líu lo, xen giữa tiếng lá nhẹ xào xạc theo làn gió đưa; mơ màng ngắm nhìn những bước chân bâng khuâng của du khách trên những phiến đá gập ghềnh trên lối nhỏ, và dường như ai cũng bước nhẹ, nói khẽ, cười duyên như sợ làm ta vỡ bầu không khí tĩnh mịch của chốn đây. Cảm giác như trôi về quá khứ xa xưa nơi chốn địa đàng thuở khai thiên lập địa của loài người.
nui Ham Rong, vuon dia Lan
Bên tách trà nóng buổi sáng ở Vườn Địa Lan
nui Ham Rong, vuon dia Lan
Cảnh vật u tịch huyền bí gợi nhớ thuở khai thiên lập địa
Hẹn hò nơi sườn núi
Từ thị trấn Sapa hướng về thung lũng Lao Chải theo con đường mang tên rất thơ mộng Mường Hoa, đường đi hẹp, bám theo sát sườn của núi Hàm Rồng, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Đi được khoảng vài cây số đã thấy phía bên tay phải hiện ra bức tranh phong cảnh đẹp vô cùng. Trong ánh nắng chiều nhạt chiếu rọi từ trên cao tỏa xuống làm cho thung lũng sáng rực và trong trẻo, để tầm mắt có thể nhìn rõ những thửa ruộng bậc thang xanh ngát, những mái nhà của đồng bào xa xa cheo leo trên các vách núi.
nui Ham Rong, vuon dia Lan
 Hoàng hôn buông xuống thung lũng Lao Chải
Dĩ nhiên tôi không thể bỏ lỡ bức tranh này, và dừng lại vội vàng chộp lại khoảnh khắc đó như sợ mặt trời sẽ lặn, ánh nắng sẽ tắt nhanh và thung lũng sẽ chìm trong bóng tối. Bỗng nhiên giật mình nghe tiếng sột soạt của cỏ cây gần đó, theo phản xạ nhìn sang tôi bắt gặp một hình ảnh vô cùng lãng mạn, cheo leo trên sườn núi một đôi bạn trẻ người H’Mông đang ngồi ngắm thung lũng, cô gái tựa vào vai chàng trai và cả hai thì thầm to nhỏ bằng tiếng H’Mông nên tôi cũng không rõ được họ nói gì, chỉ thấy sau đó họ cười khúc khích rất hạnh phúc rồi lặng lẽ tựa vào nhau một cách rất tự nhiên ngắm nhìn hoàng hôn đang dần buông nơi thung lũng.
nui Ham Rong, vuon dia Lan
Và những thảm ruộng bậc thang 
Bước chân đã đi qua nhiều nơi trên vùng Tây Bắc, tôi thấy rằng tình yêu của các bạn trẻ ở đây không có những buổi cà phê hẹn hò, không có điện thoại nhắn tin, gọi điện như các bạn ở trên phố, nhưng tình yêu của họ thật đẹp. Nơi hẹn hò của các bạn là sườn núi, nơi có thể tựa vào vai nhau ngắm nhìn những thảm ruộng bậc thang quyến rũ, bước đi trên đỉnh núi khi sương sớm còn mịt mờ mà người dân nơi đây thường gọi là “đi trong mây”. Dắt tay nhau chạy giữa thung lũng đầy hoa dại, đấy là thiên đường tình yêu có thật!
nui Ham Rong, vuon dia Lan
 Nơi hẹn hò của trai gái là các sườn núi cao…
Bãi đá cổ ở Tả Van
Tôi đến tới bãi đá cổ cũng vào lúc chiều khá muộn, lúc này trời mịt mù sương giăng lối, con đường có nhiều đoạn trơn trượt khó đi. Mây mù giăng lối hạn chế tầm nhìn, thung lũng Lao Chải bị phủ kín bởi một màu trắng đục của mây mù, che hết màu xanh của những thảm ruộng bậc thang ban chiều.
Người dân ở bản Tả Van rất hiếu khách và nhiệt tình, các em bé ở đây tận tình dẫn chúng tôi men theo lối bờ cỏ xuống sâu thung lũng, đến từng phiến đá và kể cho chúng tôi tên của mỗi phiến đá và ý nghĩa của chúng.
nui Ham Rong, vuon dia Lan
Bãi đá cổ ở bản Tả Van, Sapa
nui Ham Rong, vuon dia Lan
Những đường nét hoa văn khắc trên các phiến đá cổ
Theo tìm hiểu, bãi đá cổ Sapa mang nhiều giá trị lịch sử bởi những phiến đá ở đây có các đường nét hoa văn kỳ lạ với nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết,... có những rãnh tròn khá giống biểu tượng mặt trời, có hình nam nữ giao phối - biểu tượng sự sinh sôi, và rất nhiều những vạch kẻ lạ mắt. Những câu chuyện huyền bí về lời nguyền được khắc trên bãi đá cổ cũng đã thu hút du khách khi khám phá vùng đất nguyên sơ này.

Thông tin thêm cho bạn:
Đường đi vào bản Tả Van, Lao Chải rất hiểm trở và khó đi, vì đường hẹp mà lại cheo leo vách núi, một bên thung lũng sâu vì vậy bạn tránh đi vào những ngày có nhiều sương mù sẽ làm khuất tầm nhìn. Bạn cũng không nên đi vào chiều muộn vì đường về khá xa và tối tăm.

Kỳ thú tắm tiên ở Tú Lệ


Tu Le, tam tien
Tắm tiên ở Tú Lệ - Ảnh: Readzo

Đối với khách phương xa cái tên Tú Lệ như tên của một người con gái nghe rất kiều diễm, và đây chính là tên một thị trấn thuộc huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái. Cách Hà nội chừng 250km về phía Tây Bắc, theo QL 32, thung lũng Tú Lệ là một trong những điểm dừng chân thú vị và đặc biệt có một suối nước nóng để du khách có thể tắm tiên cùng với các sơn nữ nơi đây.

Thưởng thức xôi nếp Tú Lệ
Tôi đến thị trấn Tú Lệ vào đúng giữa trưa, thị trấn nhỏ dân cư bao gồm chủ yếu là người Thái, sau đó là người Mông sống xen kẽ với người Kinh, bám dọc theo QL 32 kéo dài khoảng 3-4 cây số.
Dọc theo thị trấn là rất nhiều hàng, quán. Dừng chân ở nhà hàng Phố Núi để ăn trưa, mặc dù là một thị trấn nhỏ miền sơn cước nhưng nhà hàng Phố Núi ở đây cũng khá khang trang và lịch sự. Thực đơn có vẻ như có một công thức chung cho tất cả mọi quán xá, nhà hàng: Xôi nếp Tú Lệ, gà đồi, gà đen, lợn mán...
Xôi nếp Tú Lệ vốn đã nổi danh từ xưa, nay trong tiết trời hơi se lạnh nhìn đĩa xôi nóng còn bốc khói, các hạt nếp dài, căng mẩy, nhìn trắng và trong veo rất ngon mắt. Khi ăn vị xôi không gây ngán vì không béo mà rất dẻo và không bị dính bị ướt, nhai kỹ thấy rất bùi. Mùi hương của xôi thì rất thơm. Thưởng thức xôi nếp Tú Lệ cùng với thịt lợn nướng và măng ngọt xào – một loại măng thân nhỏ như măng trúc, có vị ngọt nhẹ, giòn, mùi hương thanh thanh, là đặc sản rừng chỉ có ở Yên Bái.
“Truyền thuyết kể rằng xa xưa tổ tiên người Thái được các vị tiên giáng trần ban cho một loại thóc giống với lời dặn phải tìm nơi khí hậu, đất đai phù hợp gieo trồng để có loại lúa nếp thơm ngon đặc biệt. Vâng lời, người Thái đã du cư khắp các vùng Tây Bắc tìm đất gieo hạt mà không nơi nào như ý.
Chỉ đến khi gặp thung lũng phì nhiêu dưới chân đèo Khau Phạ, nhờ dòng nước mát trong từ con suối Mường Lống nuôi dưỡng, giống lúa nếp “trời ban” ấy mới khoe hết những phẩm chất của mình. Người ta còn kháo nhau gạo nếp Tú Lệ phải ngâm và đồ bằng nước suối trong vắt chảy ra từ những con suối đầu nguồn trên đỉnh Khau Phạ mới là thứ xôi nếp ngon nhất…” (theo wikivietnam.net)
Tu Le, tam tien
 Xôi nếp Tú Lệ
Thăm Bản Lìm Mông
Sau buổi trưa, tôi hỏi đường đi vào bản Lìm Mông. Cách thị trấn chừng vài cây số, từ QL 32 rẽ vào 1 con đường nhỏ lát bê tông, bắt đầu là một cái dốc thả sâu xuống thung lũng chúng ta đã tới bản Lìm Mông, là bản của người Mông sống gần dòng suối Mường Lống. Dòng suối này được bắt nguồn từ phía núi Khau Phạ, chảy dài xuyên qua thung lũng Tú Lệ, đoạn chảy qua bản Lìm Mông đẹp như một bức tranh thủy mặc. 
Tu Le, tam tien
Suối Mường Lống đoạn chảy qua bản Lìm Mông đẹp như tranh thủy mặc
Người dân ở bản có vẻ nhút nhát trước người lạ, nhưng khi hỏi thăm và bắt chuyện thì rất thân thiện và nhiệt tình. Cũng như hầu hết mọi bản làng ở vùng Tây Bắc, cuộc sống ở đây cũng lam lũ, vất vả. Trẻ em từ nhỏ đã phải phụ giúp gia đình làm việc đồng áng, ruộng nương nhưng không vì thế mà các em mất đi nét hồn nhiên vui tươi.
Tu Le, tam tien
 
Tu Le, tam tien
 Nụ cười hồn nhiên của trẻ em ở bản Lìm Mông
Tu Le, tam tien
Thung lũng bản Lìm Mông 
Tắm tiên ở suối nước nóng 
Sau khi chia tay bản Lìm Mông, cũng là lúc trời ngả về chiều tôi chợt nhớ ra ở Tú Lệ còn nổi tiếng vì có suối nước nóng và người Thái ở Tú Lệ đến nay vẫn giữ một nét sinh hoạt truyền thống hồn nhiên và độc đáo: tắm suối. Mỗi khi chiều xuống, sau một ngày lao động vất vả, các cô gái Thái lại kéo nhau xuống dòng suối Tú Lệ chảy quanh, trút bỏ xiêm y và trở thành những nàng tiên giữa trời đất.
Hỏi thăm người dân chỉ đường tôi quay ngược lại về phía thị trấn, đi qua trung tâm thị trấn chừng 2 cây số, sau đó tôi hỏi thăm tiếp một cô gái người Thái thì được biết suối nước nóng chỉ cách đó có vài chục mét.
Xuống tới suối tôi mới ngỡ ngàng rằng cô gái hồi nãy cũng đi tắm suối, suối nước nóng có nguồn từ chân núi chảy đổ ra dòng suối Tú Lệ,  người dân nơi đây đã xây một cái hồ (bể) có diện tích khoảng 6mx4m để chặn nước nóng lại và mọi người sẽ tắm chung trong đó. Vì có người lạ nên cô gái hồi nãy tìm một góc khuất nơi bờ suối để cởi bỏ “xiêm y” và quấn khăn lên người sau đó trở lại hồ rồi từ từ thả mình xuống làn nước ấm. Không gian như cô đọng lại và trong cảnh chiều tà bên bờ suối tôi chợt nhớ tới mấy câu thơ của Phạm Bá Chiếu:
“Chiều nghiêng rót nắng vàng pha suối vắng
Cây pha xanh, mây pha trắng, hoa pha hồng
Em tắm cả xanh, vàng, trong, hồng, trắng
Cho ngọc ngà càng ngà ngọc trắng trong”
Tu Le, tam tien
Tắm tiên ở Tú Lệ - Ảnh: readzo 
Không lâu sau đó, đã có thêm rất nhiều nhiều người dân trong bản cả nam và nữ, và trẻ em cùng kéo tới và một cách rất tự nhiên họ trút bỏ quần áo rồi xuống tắm.
Lữ khách tới đây cũng có thể cùng tắm, các chàng trai cũng được phép tắm chung, được hòa mình vui đùa giữa thiên nhiên, nghỉ ngơi hay thư giãn, tuy nhiên tuyệt đối phải giữ khoảng cách và không được có những hành vi xấu, nếu không sẽ bị trai bản và chính quyền trừng phạt.

Thông tin lưu ý:
Đến Tú Lệ, bạn nên thưởng thức các món ăn đặc sắc như xôi nếp Tú Lệ, gà đồi, gà đen, măng ngọt, lợn mán.
Ngoài ra du khách tới đây có thể mua cốm Tú Lệ rất thơm ngon về để làm quà cho người thân. Cốm Tú Lệ có thể để ăn chơi hoặc làm chả cốm rất ngon.

Những mùa vàng còn sót lại ở Mù Cang Chải


Mu Cang Chai

Buổi chiều, sau khi rời suối nóng Tú Lệ đầy vấn vương tôi tiếp tục hành trình lên Mù Căng chải, để đến Mù Cang Chải, vẫn theo QL 32 và phải vượt qua đèo Khau Phạ, đây cũng là một cung đường đèo hiểm trở, dài gần 50 cây số vượt qua đỉnh núi Khau Phạ. Do đèo thường mịt mù sương phủ và đỉnh đèo núi như nhô lên trên biển mây, trong tiếng dân tộc Thái, Khau Phạ có nghĩa là Sừng Trời (chiếc sừng núi nhô lên tận trời), hay đôi khi còn được hiểu là Cổng Trời.

 
Mu Cang Chai
Bắt đầu hành trình vượt đèo Khau Phạ 
Cung đường đèo quanh co đôi khi qua những đoạn mịt mù sương và hơi lạnh từ những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ, một nét đặc trưng trong cung đèo này là và những triền ruộng bậc thang của các dân tộc H'Mông, Thái. Và rải rác trên đường, thi thoảng bắt gặp các căn nhà sàn đơn sơ cheo leo bên sườn núi và cảnh bà con dân tộc đeo gùi đi bộ dọc trên đường, làm cho hành trình vượt qua cung đèo dài cũng trở nên ấm áp.
Mu Cang Chai
 Những bước chân bền bỉ trên đèo Khau Phạ
Khi lên gần tới đỉnh đèo, một nhà hàng tọa lạc ngay chân núi với bốn bề hùng vĩ, ngay một khúc cua dốc đầy ngoạn mục. Nhà hàng mang cũng mang tên “Khau Phạ” với lối vào có hai hàng hoa Chuông vàng rực rỡ như ấm áp đón chào lữ khách phương xa.
Mu Cang Chai
 Nhà hàng “Khau Phạ” nơi đỉnh đèo
Mu Cang Chai
Lối vào nhà hàng “Khau Phạ” rực rỡ hai hàng hoa Chuông. 
Đây cũng là địa điểm dừng chân lý tưởng cho lữ khách để nghỉ ngơi thư giãn, và thưởng thức các đặc sản nơi núi rừng. Nếu nghỉ qua đêm thì nơi đây sẽ cho bạn một trải nghiệm vô cùng thú vị khi hít thở hương vị của núi rừng, để lắng nghe rừng già khuya vắng giữa muôn trùng mênh mông.
Đỉnh đèo Khau Phạ cũng là một trong tứ đại đỉnh đèo ở miền núi phía Bắc, với độ cao trên 1500m so với mực nước biển. Nơi đây cũng là một di tích lịch sử ghi nhớ ngày thành lập đội du kích Khau Phạ vào tháng 10 năm 1946.
Mu Cang Chai
 
Mu Cang Chai
Trên đỉnh đèo Khau Phạ 
Mùa vàng sót lại ở Mù Cang Chải
Thị trấn Mù Cang Chải là huyện lỵ của huyện cùng tên, nằm ở phía tây tỉnh Yên Bái, giáp với tỉnh Lai Châu cách Hà Nội 300 cây số theo QL 32, thị trấn Mù Cang Chải nằm gọn trong lòng một thung lũng. Hành trình vượt qua đèo Khau Phạ trải dài theo huyện Mù Cang Chải có thể thấy đây là một miền đất còn rất nghèo nàn, hoang sơ nhưng lại rất giàu có về vẻ đẹp của thiên nhiên qua những thửa ruộng bậc thang mà vẻ đẹp của nó và tiềm năng còn đang bỏ ngỏ. Gần đây các thửa ruộng bậc thang nơi đây đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam xếp hạng là danh thắng quốc gia từ năm 2007.
Thời điểm tôi đến Mù Cang Chải thì mùa gặt đã đi qua, nhưng may mắn thay vẫn còn một vài nơi vẫn còn lúa chín. Buổi sáng hôm đó trời khá đẹp, từ thị trấn Mù Cang Chải lần mò theo một con đường men theo sườn núi để lên tới đỉnh, từ đó có thể ngắm nhìn bao quát cả thị trấn Mù Căng chải trong tầm mắt, và ở đây các thửa ruộng lúa chín vàng cheo leo nơi sườn núi, và một điều rất thú vị là lúa thì ở tận trên cao, mà nhà ở thì ở tận bên dưới.
Mu Cang Chai
Các thửa ruộng lúa chín vàng cheo leo nơi sườn núi 
Ra khỏi trung tâm thị trấn, là thung lũng trải rộng mênh mông với dòng suối trong lành chảy xuyên qua những thửa ruộng, dưới chân núi là những căn nhà sàn đơn sơ mộc mạc của đồng bào nơi đây.
Mu Cang Chai
 Thung lũng Mù Cang Chải
Kỳ vỹ ruộng bậc thang giữa núi rừng
Mùa đã đi qua nhưng những thửa ruộng bậc thang mãi còn ở lại, phơi ra nét đẹp kỳ vỹ giữa núi rừng, đây chính là thành quả lao động cải tạo qua hàng trăm năm của người dân nơi đây, để biến những quả đồi ngọn núi xưa kia chỉ là bỏ hoang hoặc trồng thuốc phiện nay thành những thửa ruộng bậc thang vô cùng đẹp mắt, như những kiến tạo thật hoàn hảo bởi bàn tay của những kiến trúc sư tài ba lỗi lạc nhất.
Mu Cang Chai
Kỳ vỹ những thửa ruộng bậc thang
Buổi chiều là hành trình khá vất vả, chật vật để len lỏi theo những con đường đất đỏ vô cùng khó đi, có khi là vượt qua suối, khi thì cheo leo bám theo các sườn núi cao để vào thăm các bản ở rất sâu của các xã Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn.
Mùa này cũng là mùa bà con bắt đầu đổ nước vào các thửa ruộng bậc thang để chuẩn bị cho mùa cày cấy sau. Trong ánh chiều tà ở La Pán Tẩn, những ô ruộng loang loáng nước phản chiếu một màu trắng bạc, xa xa khói lam chiều bảng lảng gợi cho du khách một niềm bâng khuâng khó tả khôn nguôi.
Mu Cang Chai
 
Mu Cang Chai
 Ruộng bậc thang La Pán Tẩn mùa đổ nước
Để vào bản Dế Xu Phình, bạn phải vượt qua một con suối, rồi theo một con đường đèo nhỏ vắt vẻo lưng chừng núi đi sâu vào chừng 5 cây số là đến bản Dế Xu Phình, nơi đây là một bản nghèo nằm trên đỉnh núi cao với những thửa ruộng bậc thang hùng vỹ và thường xuyên có mây mù bao phủ, người dân ở đây tuy có cuôc sống nghèo khó nhưng quanh năm được hưởng bầu không khí trong lành mát mẻ.
Chia tay Dế Xu Phình cũng kết thúc cuộc hành trình chiêm ngưỡng kỳ quan ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, trong tôi vẫn còn đọng lại mãi hình ảnh của các em bé ở Dế Xu Phình hồn nhiên nô đùa trong mây trời mù mịt, nơi các căn nhà sàn đơn sơ trên đỉnh núi cao.
Mu Cang Chai
 Trẻ em vui chơi trên những đỉnh núi cao ở bản Dế Xu Phình
Thông tin lưu ý:
Thời điểm đi Mù Căng Chải: Nếu muốn xem lúa xanh thì các bạn nên đi vào tháng 7, còn nếu muốn xem các thảm ruộng bậc thang vàng rực rỡ thì nên đi vào tháng 9. Nhưng bạn phải đặt phòng trước vì thời điểm này khách sạn ở đây thường bị cháy phòng.
Các địa điểm tham quan: Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Cầu Ba Nhà (Có ruộng bậc thang hình Mâm Xôi)

Đi qua những vùng đất 'thần tiên' Hà Giang


Ha Giang

 Hà Giang có một vẻ đẹp mà không nơi nào trên đất nước Việt Nam có được, và có những vùng đất tựa như chốn thần tiên...

Hà Giang là tỉnh nằm ở cực Bắc của Việt Nam, có địa hình khá phức tạp, với nhiều ngọn núi đá cao hùng vĩ, thung lũng sâu và nhiều sông suối hẹp. Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu Hà Giang mang nhiều sắc thái ôn đới. Chính vì yếu tố địa lý và khí hậu như vậy đã mang lại cho Hà Giang một vẻ đẹp mà không nơi nào trên đất nước Việt Nam có được, và có những vùng đất đi qua như chốn thần tiên.
Sông Lô - Hạ Long lạc giữa miền Cao Nguyên Đá
Từ thành phố Hà Giang, theo QL 4C tiếp tục ngược về hướng bắc là hành trình đi lên cao nguyên đá Đồng Văn. Mở đầu cung đường lữ khách sẽ đi qua vùng đất thấp dọc theo thung lũng Sông Lô đoạn chảy qua huyện Vị Xuyên.
Quả thật, sông Lô đẹp như sử sách thi ca từng viết về nó, là nguồn cảm hứng dạt dào cho biết bao thế hệ thi nhân để từ đó đã cho ra đời những áng thi ca bất hủ, bởi chính vẻ đẹp giữa nơi Núi rừng âm u, thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu (Trường Ca Sông Lô – Văn Cao), hoặc Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát - Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca (Tố Hữu)

Ha Giang
Sông Lô – đẹp như vịnh Hạ Long trên cạn
Tôi đến với sông Lô lần đầu, vào buổi sáng cuối thu se lạnh dòng sông nhẹ nhàng êm ả và mờ biếc, dọc theo con đường quốc lộ ven theo dòng sông có đoạn cạn nước trơ ra đáy sông với vô vàn sỏi đá, có chỗ đáy sâu trũng nước đọng lại thành những hồ nhỏ trong xanh, bên cạnh là những khe đá nước chảy nghe róc rách, có đoạn thì nước vẫn vơi đầy trong xanh hiền hòa uốn lượn qua các dãy núi đá vôi, nhìn giống như một phần vịnh Hạ Long trên cạn, một Hạ Long lạc giữa miền cao nguyên đá.
Cổng trời Quản Bạ và núi đôi Cô Tiên
Tạm chia tay sông Lô tiếp tục hành trình là đến trung tâm xã Minh Tân, một xã của huyện Vị Xuyên. Qua khỏi trung tâm xã vượt qua cầu Minh Tâm là cửa ngõ bắt đầu vào vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Từ đây lữ khách sẽ phải vượt qua đèo Pắc Xum dài khoảng 20 cây số để lên cổng trời Quản Bạ.
Đèo Pắc Xum tuy không dài nhưng ngoằn nghèo uốn lượn, đường dốc ngược và nhiều khúc cua khuỷa tay. Ô tô, xe máy xuôi ngược ỳ ầm, nhẫn nại vượt đèo leo dốc. Khi lên đến trên cao nhìn xuống đường đèo như một sợi dây thừng lắt léo vòng vèo giữa thảm xanh chập chùng của núi và bồng bềnh của mây ngàn cảm giác như lạc giữa chốn thần tiên, như được thăng hoa vì tay có thể chạm vào mây, vành tai chạm vào làn khí mát lạnh trong lành. Từ đây nhiệt độ cũng bắt đầu xuống thấp khoảng 18 - 20 độ C làm 2 lớp áo không che nổi cái lạnh tái tê. Và bất chợt khi làn mây vừa bay đi, cách đó không xa hiện ra là hình ảnh của 1 bé trai đang cõng em gái, cả 2 anh mong manh trong bộ áo quần đơn sơ đã cũ, đứng ngóng nhìn xa xăm xuống phía sườn núi nơi có mẹ đang làm dưới nương ngô. Đơn sơ, mộc mạc nhưng rất thân thương.
Ha Giang
 Đèo Pắc Xum bồng bềnh giữa mây ngàn
Ha Giang
Đơn sơ, mộc mạc nhưng rất thân thương 
Cổng trời Quản Bạ mở ra giữa hai sườn núi đá dựng đứng, cao ngất trên độ cao 1500m so với mặt nước biển, nơi đây quanh năm mây phủ và là nơi cao nhất để ngắm toàn cảnh núi non xung quanh. Dưới chân đèo là thị trấn Tam Sơn sầm uất nhất tỉnh Hà Giang và núi đôi Cô Tiên tròn trịa, đầy quyến rũ trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng.
Ha Giang
 Núi đôi Cô Tiên tròn trịa đầy quyến rũ
Núi đôi cô Tiên gắn liền với truyền thuyết về chuyện tình của chàng trai H’Mông có tài đàn môi và nàng tiên nữ Hoa Đào. Họ phải lòng nhau qua tiếng đàn môi da diết và nên vợ nên chồng, rồi sinh một bé trai kháu khỉnh. 
Tuy nhiên Ngọc Hoàng phát hiện đã bắt nàng về, thương chồng ở hạ giới một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ nên Hoa Đào đã để lại cặp nhũ của mình dưới hạ giới để cho con bú. Đôi nhũ căng tròn nuôi con nàng khôn lớn theo tháng ngày, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn đến lạ thường. “Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, các loại hoa trái như đào, mận, lê, hồng,… có hương vị thơm ngon kỳ lạ, rau trái thì luôn xanh tươi, lúa ngô tươi tốt. Nước mắt khóc thương chồng con của nàng đã biến thành dòng sông Miện xanh ngắt, mơ màng trôi trên biển đá tai mèo, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại.”
Sông Miện – Dòng sông cổ triệu năm
Vượt qua những cung đường tuyệt đẹp để đến huyện Quản Bạ, rồi từ đây tiếp tục chao mình qua hàng trăm khúc cua xoắn lượn mượt mà để đến với Đông Hà - một xã người Mông nằm giữa núi rừng Quản Bạ. Cung đường Quản Bạ - Yên Minh trở nên yên bình hơn nhưng cũng không kém phần hùng vĩ khi dọc theo hai bên đường một bên là núi đá cao sừng sững, một bên là dòng Sông Miện yên bình êm ả với dòng nước trong xanh in dáng núi chập chùng và lòng sông chứa đầy sỏi đá. 
Đấy cũng là nét đặc trưng chung của các dòng sông miền Tây Bắc. Tuy nhiên, nét rất riêng của của dòng Sông Miện là tạo hóa đã khéo sắp đặt ban tặng dòng sông dồi dào sản vật nên cuộc sống người dân cũng theo đó mà ấm no trù phú hơn. Trong khi nhiều vùng đất khác của Hà Giang còn trong cơn khát, ruộng đồng khô khan thì nơi đây lại những cánh đồng ngô xanh mướt, trải dài tít tắp đến tận chân núi, rồi len lỏi phủ đầy cả những khe đá.
Ha Giang
 Sông Miện – Dòng sông cổ triệu năm
Theo tìm hiểu, hàng trăm triệu năm trước, cả vùng địa đầu tổ quốc Hà Giang còn chìm trong mênh mông biển cả. Trải qua nhiều chuyển động kiến tạo của bề dày lịch sử địa chất, biển bao la hóa núi cao sông dài và sông Miện cũng hình thành từ đó.
Ngày nay, nơi các bản Mông ở các xã Đông Hà - Cán Tỷ xa xôi, cuộc sống ấm no đang nảy nở bên dòng sông từ triệu năm xưa.
Yên Minh, 'Đà Lạt' của xứ Bắc
Tiếp tục vượt qua bao nhiêu ngọn núi cao, nhẹ nhàng băng qua bao thung lũng sâu thẳm, rồi lại nhẫn nại leo lên đỉnh dốc để tới một vùng đất cao nơi hai bên đường chào đón lữ khách là những hàng cây lá kim xanh rì, và những rừng thông rì rào gió thổi như reo vui giữa trời. Tôi như bắt gặp một Đà Lạt đang vi vu giữa miền cao nguyên đá. Bắt đầu từ đây thi thoảng trên đường lữ khách sẽ bắt gặp những căn nhà trình tường của người dân tộc Pu Péo cửa khóa hững hờ, vách đất vàng ươm, mái lợp ngói âm dương. Đấy chính là vùng đất Yên Minh, vùng đất xanh và lạnh giá trong hành trình chinh phục cao nguyên đá của khách lữ hành.
Ha Giang
 Yên Minh – thông ngàn reo giữa trời
Thông tin lưu ý:
Hành trình từ Hà Giang đi Cao Nguyên Đá là 1 hành trình dài với đường đèo hiểm trở, để đi từ điểm dừng này đến điểm dừng khác phải vượt qua nhiều ngọn núi cao, nhiều thung lũng sâu thẳm. Nếu đi bằng ô tô thì nên thuê tài xế ở bản địa vì sự an toàn. Nếu “phượt” bằng xe máy cần chuẩn bị phương tiện sửa chữa cơ bản, luôn đổ đầy xăng, và luôn vững tay lái trên mọi đoạn đường.
Ngô Xuân Bằng – Trưởng phòng ERP, Công ty TP Ân Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét