Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh chống Pháp

Từ ngã ba Vũng Tàu, Quốc lộ 51 nối liền thành phố Biên Hòa với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Con đường huyết mạch này chạy xuyên qua hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai. Mộ Nguyễn Đức Ứng nằm bên trái Quốc lộ khoảng 250m, cách huyện lỵ Long Thành khoảng 7km về phía nam. Di tích thuộc địa phận ấp Suối Cả, xã Long Phước, huyện Long Thành.
​Đây là ngôi mộ kiên cố, uy nghi, kiến trúc hình kim tự tháp cụt. Theo lời truyền tụng của người dân địa phương, phần mộ là nơi chôn cất Nguyễn Đức Ứng cùng 27 nghĩa binh hy sinh trong cuộc đánh trả quân Pháp xâm lược năm 1861.
Trên phần mộ, một tấm bia còn hằn dòng chữ Ice ropose Nguyễn Đức Ứng. Lãnh binh de L Armeé Imperiale Tự Đức Décede le 26 Decembre 1861. Nguyễn Đức Ứng là một võ tướng của triều đình nhà Nguyễn đã hy sinh trên mảnh đất Long Thành trong buổi đầu thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, thế kỷ XIX. Đây là một trong những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử nước nhà trước sự xâm lăng của phương tây. Quân đội triều đình liên tục bị đánh bại trước đội quân thiện chiến và trang bị hiện đại của Pháp.
Ngày 17 tháng 12 năm 1861, trước sức tấn công của quân Pháp vào thành Biên Hòa, đại quân của triều đình bỏ chạy. Một ngày sau khi khởi chiến, quân Pháp chiếm thành Biên Hòa. Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng chỉ huy đoàn quân tổ chức tuyến phòng thủ Ký Giang – Long Thành. Ông thu nạp tàn quân và liên lạc với nghĩa quân Long Thành, bố trí lực lượng ngăn chặn bước tiến của quân Pháp từ hướng Biên Hòa xuống Bà Rịa.
Sáng ngày 21 tháng 12 năm 1861, tại lũy Ký Giang, quân Pháp gặp phải sự kháng cự của nghĩa quân do Nguyễn Đức Ứng chỉ huy. Đến 14 giờ, cùng ngày, đoàn quân do Nguyễn Đức Ứng chỉ huy bị tổn thất nặng nề và bản thân Nguyễn Đức Ứng bị trọng thương. Quân ta vừa cầm cự chiến đấu, vừa cùng nhân dân địa phương điều trị vết thương cho Nguyễn Đức Ứng, do vết thương quá nặng Nguyễn Đức Ứng đã ra đi vĩnh viễn trước sự tiếc thương của đồng bào, đồng đội trên mảnh đất Long Thành.
Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh hy sinh trong cuộc chiến đấu đánh trả quân Pháp xâm lược ngày 26-27 tháng 12 năm 1861.
Sau khi Nguyễn Đức Ứng và các nghĩa binh anh dũng hy sinh, nhân dân Long Thành tìm cách đưa thi hài Ông và các nghĩa binh về an táng trong ngôi mộ chung trên một khu đất cao của khu rừng nguyên sinh, ngay căn cứ kháng Pháp của Ông thuộc xã Long Thuận (nay là xã Long Phước, huyện Long Thành). Theo quan niệm phong thuỷ truyền thống thì ngôi mộ nằm trên gò đất hình lưng quy, vị thế cát địa, ảnh hưởng tốt cho sự an cư lạc nghiệp của dân chúng cư trú trong khu vực. Cũng từ đây, mảnh đất này trở thành nơi yên nghỉ ngàn đời của Ông và các nghĩa binh hy sinh vì Tổ quốc, có thể coi như là nghĩa trang liệt sĩ đầu tiên của huyện Long Thành.
Do cuộc sống khi đó rất khó khăn, đồng thời cũng để che mắt bọn thực dân, người dân Long Thành an táng Ông và các nghĩa binh yên nghỉ dưới lòng đất, rồi đắp lên trên một ngôi mộ đất, dựng trước mộ một tấm bia đá trên khắc hàng chữ Hán tên Nguyễn Đức Ứng, với dòng lạc khoản “ Thân thời” (bên trái) “ Thập nhất nguyệt nhị thập lục nhật” (bên trái).
Dần dần quanh khu vực mộ Ông có nhiều người đến sinh sống, hình thành nên xóm Ông Vong. Sau đó người dân dựng một ngôi miếu nhỏ, diện tích khoảng 9m2, cột gỗ đặt trên tảng đá xanh, vách ván, mái lợp ngói âm dương trong khu rừng ngay phía sau ngôi mộ để lấy chỗ thờ cúng Ông và các nghĩa binh chu đáo. Ngôi miếu hiện nay không còn nhưng bốn viên đá tảng dung để kê chân cột và nền ngôi miếu, cùng với cây dầu cổ thụ lúc trước ở cạnh miếu thờ Ông và các nghĩa binh vẫn còn trong khu vườn của gia đình Ông Lê Xuân Bạc (Ba Bạc), ngay phía sau mộ phần của Ông.
Mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh chống Pháp được trùng tu vào các năm 1936, năm 1996 và năm 2010. Kiến trúc xây dựng trong tổng thể khu đất tuân theo định hướng chung, nêu bật được ý tưởng “con nhà võ”. Mái ngói nhà bia và đền thờ mang dáng mái đặc trưng của cung đình Huế, triều đại nhà Nguyễn.



Mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa quân đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 2754/QĐ-BT ngày 15/10/1994.
Sau khi trùng tu tôn tạo năm 2010 khu mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh toạ lạc trên khu đất cao ráo với tổng diện tích là 27.402m2,diện tích trong hàng rào hiện hữu là 3.837m2 (trong đó diện tích xây dựng là 1.262m2), diện tích đất tạo khoảng lùi xây dựng là 4.571m2 và đất chừa đường đi cạnh hông ngoài khu đất là 570m2. Khu mộ có vị trí như sau:
Bắc giáp: Khu đất trồng tràm, tre trúc và nhà vườn
Nam: giáp quốc lộ 51
Đông giáp: Vườn tràm và ruộng lúa
Tây giáp: Đường mòn - con đường đi lại trong xã Long Phước.
Nhìn tổng thể, toàn khu mộ được bố trí theo một trục chính, lấy theo trục mộ Nguyễn Đức Ứng ra đến quốc lộ 51 hình thành nên khu đất với bề ngang là 65m,được chia đều ra hai bên theo trục chính. Tổng thể khu mộ được bố trí thành năm khu có vị trí như sau:
  • Cổng tam quan.
  • Khu nhà đón tiếp khách : diện tích 5.204m2
  • Khu trồng cây lưu niệm: diện tích 2.084m2
  • Khu nhà bia,đền thờ : diện tích 6.438m2
  • Khu mộ chính : diện tích 6.502m2
Ngày lễ giỗ được tổ chức thường niên trong hai ngày 26 và 27 tháng 11 âm lịch, hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng, tháng 7 (Vu lan), tháng 10 (Thượng ngươn), Ban quy tế mộ và gia đình ông Lê Xuân Bạc đều sắm lễ vật hương đăng, trà quả đem ra mộ dâng lên Đức Ông và các nghĩa binh. Từ năm 2004 đến nay, vào lúc 23 giờ đêm 30 Tết Nguyên Đán đến rạng sáng ngày mùng 1 có rất nhiều bà con trong và ngoài xã Long Phước đến mộ dâng hương xin Ông ban phúc, ban lộc, phù hộ làm ăn may mắn trong năm mới. Đây là nét văn hoá mới cần được duy trì và phát huy trong hiện tại và tương lai tại khu di tích mộ Nguyễn Đức Ứng và 27 nghĩa binh chống Pháp ở huyện Long Thành.
Vì vậy vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cần được coi là môt hoạt động khoa học, đòi hỏi những kiến thức chuyên sâu, sự phối hợp chuyên ngành và phải tuân thủ những nguyên tắc cao nhất của bảo tồn là giữ được tính nguyên gốc của di sản gắn với những điều kiện lịch sử, kinh tế -xã hội cụ thể của từng thời kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét