Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Ăn Tết, lai rai chuyện nhậu xưa và nay

Ngữ nguyên của “nhậu” là uống. Uống rượu thì gọi là nhậu rượu, nhưng ngộ cái là uống nước, hay uống cà phê không ai nói “nhậu nước”, “nhậu cà phê” bao giờ.
1. Nhưng vì sao dân nhậu đã cắt đi tiếng “rượu”, chỉ nói “nhậu”?
Đơn giản, vì “rượu” (tửu) là một loại thức uống riêng dành cho việc lễ, rất thiêng liêng (“vô tửu bất thành lễ” – lễ không rượu thì không phải là lễ, mà rượu dùng trong “lễ” thì chỉ mang tính tượng trưng. Dấu tích thấy trong khai rượu đã chứng minh rất rõ điều đó: chỉ một cái nhạo cỏn con và một cái chung bé tí! Người được mời chỉ cần nếm môi là đủ!). Vì nhậu chơi không phải là “việc lễ” nên họ không dám lạm dụng trong những trường hợp say xỉn phàm tục. Rất chi là văn hóa!
Xưa người làm rượu phải tuân thủ những chuẩn mực rất nghiêm ngặt. Như thế mới có được “rượu ngon” hay “rượu nồng” vừa trong, sạch vừa ngọt, thơm. Bậc quân tử chuộng dùng rượu trong việc lễ, cho nên rượu, trước hết là một phạm trù sinh hoạt văn hóa của dân tộc. 

Hơn ai hết, dân nhậu vẫn biết rất rõ rằng: 

Say sưa nghĩ cũng hư đời, 
Hư thời hư vậy, say thời cứ say. 
Đất say đất cũng lăn quay, 
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười? 

Say chẳng biết phen này là mấy! 
Nhìn non xanh chẳng thấy, lại là say. 
Quái! Say sao say mãi thế này? 
Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh. 

Thê ngôn tuý tửu chân vô ích, 
Ngã dục tiêu sầu thả tự do (*)

Việc trần ai, ai tỉnh ai lo, 
Say tuý luý nhỏ to đều bất kể. 
Trời đất nhỉ, cái say là sướng thế! 
Vợ can chồng, ai dễ đã chừa ngay? 
Muốn say lại cứ mà say! 

------------------

(*) Vợ can, say thật vô ích; chồng không nghe, mà rằng: Ta muốn giải sầu nên cứ mặc sức uống, tức vẫn uống, vẫn say. 
--------------

Hẳn Tản Đà muốn nhắc đến một giai thoại về Lưu Linh?

Không sai! Lưu Linh được các tín đồ của ông tôn phong là “tổ nhậu”. Từ cổ chí kim chưa từng nghe ai uống rượu nhiều bằng! Ông là một trong bảy nho sĩ kết thân nhau, sùng chuộng thuyết hư vô, khinh miệt hết thảy những gì mà thời đó gọi là lễ nghĩa, pháp chế. Rủ nhau đến rừng trúc ở Sơn Dương (tỉnh Hà Nam, Trung quốc), mượn đàn hát, rượu thơ để giải sầu (trốn tránh trách nhiệm vì vận mệnh nước Ngụy đương lúc ngã nghiêng – năm Cảnh Nguyên thứ 2). Người đương thời gọi họ là “Trúc lâm thất hiền” (!?).
Khô cá lóc xẻ
2. Ngày Tết mà thiếu rượu là thiếu đi một phần đáng kể trong sinh hoạt văn hóa truyền thống (ngoại trừ những dân tộc/ tôn giáo cữ rượu).
Vì vậy ai cũng chuẩn bị sẵn rượu, ngay cả những bà vợ rất ghét nhậu, quý ông cũng không ngán, vẫn cụng ly thoải mái, bởi trong mấy ngày này không bà vợ nào muốn có chuyện gây cãi lôi thôi trong gia đình. “Mặt lớn mặt nhỏ” chỉ tổ xui cho cả năm. Thành ra, chính quý bà đã chuẩn bị sẵn nào nem bì, lạp xưởng, nào khô cá lóc, khô cá sặc rằn, nào dưa chua củ kiệu…, toàn mồi bén, để giúp quý ông “đưa cay” vui vẻ với bạn bè.
Khô cá sặc rằn

Nhà nào cũng đầy ắp những thức món “chuyên đề” về Tết. Thế là những bữa tiệc thân mật gia đình được dọn ra, đâu đâu cũng la liệt rượu, mồi, vừa ngập tràn tình cảm vừa vô cùng “hoành tráng”, bởi có thể nói nhà ai cũng sáng trưa chiều tối không bao giờ vắng khách.
Thật vậy, nếu trên bộ ván bóng loáng, bên chung trà sen, trà lài nghi ngút khói, các cụ vẫn say sưa nhắc chuyện “hồi nẵm”, thì ngoài sân, các cháu bé đang hớn hở trong bộ quần áo mới, tay không rời miếng bánh, miếng kẹo, và các cô gái đương xuân vẫn mãi nhỏ nhẻ đề tài mứt ngon, trái ngọt… thì cánh thanh niên không thể không vui vẻ bằng cách nâng ly thể hiện cao nhất “tình thương mến thương”. Họ cười cười nói nói vô cùng rôm rả nào “chúc mừng sức khỏe”,  “chúc mừng năm mới”, để rồi sau đó “rượu vào lời ra”… Tất nhiên chỉ toàn những lời nói vui, hoặc những câu nói tếu, để cùng cười. Tết mà!
Rượu thuốc ngâm con tắc kè
Đáng tiếc là không ít các ông anh đã lợi dụng sự tử tế của các bà vợ  mà mang nợ, đã nghèo lại nghèo thêm, thậm chí tự làm mất uy tín chính mình.
Rượu thuốc ngâm con mối chúa
3. Lên bàn nhậu, họ nhập đề trực khởi:
“Gặp nhau khao một ly”, “ngồi ghế đế một ly”, “cầm đũa dũa một ly”. Thế là đã “vào ba…”. Rồi thì tất cả hãy chuẩn bị để sẽ được “thưởng” hoặc bị “phạt”. Những câu nói bắt vần như vậy vẫn được tiếp tục như, “nói mãi, đãi một ly”, ai sợ “không nói, uống vói một ly”…
Thôi thì đủ cả, kiểu nào cũng “dính”. Có người uống không trôi, hớp vô một ngụm phải lấy hơi “nhấn” vào! Họ bắt đầu hát tuồng “Mạnh ai” (rượu vào lời ra, mạnh ai nấy nói), gì chẳng ra gì, cứ lè nhè, lập nhập, có khi “xổ nho chùm”! Các cụ đằng hắng “dằn phèn”. Vài cô gái từ bàn bên kia bước sang tế nhị nhắc nhở. “Giựt dây dụi” như vậy là cần thiết và đúng lúc, nhưng hoàn toàn vô ích, phản tác dụng là khác, bởi dường như chỉ làm cho họ cao hứng thêm. Một “đại ca” đứng lên xin phép được làm “chủ xị” một vòng. Tất nhiên được duyệt. Thế là mừng khấp khởi, bèn rót đầy ly cạn, liền uống cạn ly đầy (vì “uống, nói mới tin”) rồi đề nghị “đánh nhanh rút lẹ”.
Cả bàn hoan hô: “Luật công xi (ty) cầm ly uống trước”; “Người trước uống sao, người sau uống vậy”. Đại ca bèn “khoả ngộp” liền một lúc ba ly! Xong, “xây vòng”. Ai “kê táng” (còn chừa một chút) phải uống lại ly mới, coi như “bất”. Luật công xi cũng rất dân chủ, ai cảm thấy không tiện ngồi mút mùa thì có quyền rút trước, nhưng phải thượng tôn luật… nhậu: “Vào ba ra bảy (ly)” Thành thử bàn tiệc vẫn đảm bảo đủ sĩ số. “Trận đánh” trở nên quyết liệt. “Em” nào “thọ tiển” thì được quyền “tiêu diêu miền cụp lạc”…
Đến lúc nầy hầu như “khẩu đại bác” nào cũng bắt đầu phóng pháo, nhểu nhảo tùm lum, văng tung toé lên quần lên áo, nước mắt nước mũi tuôn chảy ròng ròng…
Nhậu, cho dù là không “quậy” đi nữa mà uống quá chén kiểu bất kể chết có nên không? Có phải đó là hành vi làm phá vỡ cấu trúc văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc không? Hỏi tức trả lời.

Đáng mừng là hiện nay phần nhiều đều có ý thức “văn hóa giao thông”: trong người đang có rượu, bia “quá nồng độ cho phép” thì không bao giờ dám lái xe, vì như vậy là “liều” – nếu không làm phiền các thầy thuốc ở bệnh viện, chí ít cũng làm phiền Cảnh sát giao thông!

 Hơn lúc nào hết, Tết là về nguồn, là dịp tập hợp con cháu tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cũng là dịp chúc mừng nhau trong ngày vui đoàn tụ. Nhưng ăn Tết mà say bí tỉ như vậy sao vui!
Nguyễn Hữu Hiệp (Dân Việt) 

Nhậu nhẹt miền Tây bi hài ký

Miền Tây nổi tiếng với làng rượu Gò Đen, được xem là đặc sản của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.
Đám tiệc nhậu, buồn nhậu, vui nhậu, không vui không buồn cũng nhậu, và nhậu đã trở thành câu xã giao của những người thích…nhậu. Ở khắp nơi, vùng nào cũng có dân nhậu và kiểu nhậu khác nhau. Thậm chí có một số dân nhậu còn tự đặt cho mình một tiêu chí nhậu rạch ròi, xem đó là nét văn hóa đặc trưng và đẳng cấp riêng. Nhưng chung quy lại, dân miền Tây có hai dạng nhậu: nhậu ghiền và nhậu… tình nghĩa. Nhưng dù nhậu kiểu gì chăng nữa, thì khi rượu đã ngấm vào người thì dù là dân nhậu “sỉ” hay nhậu “lẻ” cũng “ngả nghiêng” theo những cơn say.

Thịt chuột, thịt dơi là 2 món đặc sản và cũng là món "nhắm" của dân nhậu miền Tây Nam bộ.
Thịt chuột, thịt dơi là 2 món đặc sản và cũng là món "nhắm" của dân nhậu miền Tây Nam bộ.

Cái từ nhậu ra đời từ bao lâu trong ngôn ngữ Việt không ai biết, chỉ biết rằng, nơi nào cũng có nhậu. Lý do để nhậu thì bát ngát trời xanh: vợ sinh con... nhậu, sinh nhật nhậu, nhà có đám cưới nhậu, đám giỗ nhậu, kể cả đám tang ma cũng... nhậu, bạn bè gặp nhau... nhậu, trúng mùa ... nhậu, kể cả giận vợ cũng….nhậu. 

Nói chung nhắc đến nhậu là có hàng tỷ lý do để bắt đầu cuộc nhậu. Ở miền Tây, vùng lúa gạo trù phú nên từ xưa, cái nghề nấu rượu gạo đã phổ biến khắp nơi. Họ nấu rượu để bán và cũng kết hợp lấy hèm nuôi heo. 

Miền Tây nổi tiếng với làng rượu Gò Đen, được xem là đặc sản của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Theo tài liệu nghiên cứu, rượu đế Gò Đen phát triển từ thời Pháp thuộc. Thời ấy, thực dân Pháp cấm ta nấu rượu để độc quyền sản xuất rượu công-xi (Régie). Nhưng vì rượu Tây không phù hợp với khẩu vị của người dân vùng quê nên người dân mới lén nấu rượu ta.

Để tránh tai mắt của thực dân Pháp, người dân đã lén ra tận đồng vắng để nấu rượu. Khi nấu xong, họ đựng rượu vào bong bóng heo hoặc bong bóng trâu và đem giấu vào đám đế ngoài đồng chờ đem đi bán. Vì vậy, cái tên rượu đế Gò Đen được đặt từ ấy và lưu danh đến bây giờ. Sau này, việc nấu rượu được nới lỏng và được cấp phép nên có rất nhiều hãng được ra đời, nổi tiếng nhất là rượu đế Hai On. Còn một số gia đình khác dù không được phép nấu rượu nhưng vẫn nấu vì gạo sẵn, củi thừa tận dụng việc nấu rượu để lấy hèm phục vụ cho việc chăn nuôi, nên có dạo, nhà nhà nấu rượu, người người uống rượu.

Hai On đã trở thành người quá cố từ rất lâu nhưng một số lão nông tri điền vẫn còn nhớ slogan về rượu của ông, “rượu là một thứ nước diệu kỳ. Khi ta mừng vui uống rượu với ai, người đó sẽ được chia niềm vui. Khi ta buồn, rượu san sẻ bớt nỗi niềm cho người đối ẩm”. 


Nhưng một số người quan niệm rằng, “một mình ta với chai rượu không thể gọi là nhậu. Đã là nhậu ắt phải có ít nhất một hoặc hai người đối ẩm để cùng cụng ly. Đã là nhậu thì phải có mồi đưa cay, cho dù mồi chỉ là một trái cóc xanh. Một khi nhậu thì phải có luật nhậu. Tuy thứ luật ấy bất thành văn nhưng các “nhậu sĩ” đều thuộc lòng và tuân thủ. Luật nhậu chỉ có giá trị thi hành ngay trong cuộc nhậu, tan cuộc, luật hết hiệu lực”. 

Ông Năm T. (57 tuổi, ngụ thị trấn Cái Tắc, TP. Cần Thơ) tuy không phải là bợm nhậu nhưng nhóm “chiến hữu” của ông lại có một luật nhậu riêng: khi nào trong chén không còn mồi, ly không còn rượu thì người nhậu mới có thể kiếu ra về trước. Nhưng khi đã chấp hành đúng luật thì những chiến hữu khó lòng mà dứt ra để về trước, bởi vừa thấy mồi trong chén vơi, rượu nốc hết 100% thì chủ xị lại nhanh tay “tiếp tế” lương thực, cũng như rượu đã đến vòng. Cứ thế, một khi đã tuân thủ luật thì dù luật nhà vợ có đưa ra cũng không bằng luật của dân nhậu.

Nhậu thì không cần lý do, miễn hội đủ 3 yếu tố: con người, rượu và mồi. Thiếu một trong 3 thứ ấy, không gọi là nhậu. Cái “ý hợp” căn bản nhất để thành bạn nhậu là có máu nhậu và hợp ý. Như cụ Nguyễn Khuyến xưa từng bảo, “rượu ngon không có bạn hiền. Không mua không phải không tiền không mua”. Nếu chỉ có 2 người thì thường “cáp độ” một người lo phần mồi, một người lo phần rượu. 

Còn trong đám tiệc có đông người, thì dân nhậu thường chọn mặt “cáp độ” thành từng mâm, từng bàn. Không có ranh giới rõ rệt nhưng trước đây gần như dân nhậu vùng giáp biển thường uống rượu bằng chén và chén ai nấy uống. Còn vùng ven sông Cửu Long lại uống bằng ly xây chừng; bao nhiêu người cũng chỉ có 1 ly uống chung. Dần dà cái điều luật uống chung 1 ly lan rộng và phổ biến. 

Nếu có ai đó ngồi chung mâm, chung bàn mà từ chối ly uống chung, đòi uống ly riêng, xem như phạm luật, không đáng ngồi cùng hội. Trong tiệc nhậu có từ 3 người trở lên thường có một “chủ xị”. Vì “3 ông nhậu và 1 cái đầu vịt có thể trở thành cái chợ”, nếu không có “chủ xị” thì mạnh ai nấy nói, mạnh ai nấy uống sẽ không có kỷ cương, luật nhậu nữa. Trong cuộc nhậu, lệnh của chủ xị cao nhất, cao hơn lệnh vợ con. Chủ xị không hẳn là người lớn tuổi nhất trong bàn nhậu mà là người “có tài, có đức”. “Tài” trong trường hợp này phải hiểu là tửu lượng và “đức” phải hiểu là công bằng. 

Có thời, dân nhậu gọi chủ xị là trọng tài nhưng bất ổn. Bởi trọng tài thì chỉ cần công bằng chứ không cần tửu lượng cao. Bất ổn nên dân nhậu quay về gọi người giữ luật cuộc nhậu là chủ xị. Vì sao chủ xị cần tửu lượng cao? Nếu tửu lượng yếu, chỉ sau vài “vọng”, chủ xị quắc cần câu nhìn 1 ly hóa 2 sẽ không giữ được thăng bằng cán cân của luật nhậu. 

Chủ xị có quyền “khui chai”, tức uống ly đầu tiên. Ly khui chai, chủ xị uống “lấy ngấn”, có nơi còn gọi là uống “lấy chừng”. Nếu chủ xị “lấy ngấn” nửa ly thì khi đến lượt, các "nhậu sĩ" chỉ được quyền uống nửa ly. Nếu “lấy ngấn” nguyên ly, các thành viên sẽ uống nguyên ly khi đến lượt. Một lượt uống đủ vòng, gọi là “vọng”. Mỗi một “vọng” chủ xị sẽ uống “lấy chừng” khác nhau. 

Khi nửa ly, khi nguyên ly, khi “cưa hai vọng trái” (tức uống nửa ly, chừa nửa ly cho người ngồi cạnh bên trái), khi “cưa hai vọng phải”, khi “bắn bổng” với người đối diện. Chủ xị uống sao, các thành viên phải uống y vậy. Đó cũng là cách để các thành viên chú ý để giảm bớt sự ồn ào trong tiệc nhậu. Nếu trong bàn nhậu có một thành viên nào đó uống yếu phải xin chủ xị “gia giảm”, xét thấy điều đó không ảnh hưởng cuộc nhậu, chủ xị có quyền bỏ qua khi đến “vọng” của kẻ “yếu cơ”. 

Nếu thích người nào đó, thành viên có quyền xin phép chủ xị cho “bắn bổng, bắn bỏ”, tức xin uống riêng một ly không tính vào “vọng”, khi đến “vọng” vẫn phải uống. Nếu chủ xị thấy rượu ít, người đông sẽ không cho “bắn bổng, bắn bỏ” mà “bắn bổng tính vọng”, có nghĩa là khi đến “vọng” không được quyền uống tiếp. 

Dù ngả nghiêng, nhưng chủ xị vẫn phải luôn… tỉnh táo để làm nhiệm vụ. Nếu phát hiện ai đó tìm cách trốn luật sẽ phạt. Trong luật nhậu, hình phạt chỉ có duy nhất 1 hình thức: bắt uống thêm ngoài vọng. Phạt uống thêm nửa ly hoặc nguyên ly tùy theo mức độ vi phạm. Chủ xị có quyền tìm đủ cách để phạt. Nói nhiều hơn uống: phạt; chửi thề: phạt; chưa tới vọng mà giành uống: phạt; phá mồi: phạt… 

Tuy nhiên, dân "nhậu sĩ" mà phạt bằng hình thức cho uống rượu thì chẳng khác đốt pháo cho lân múa? Ông Tám, ngụ Long An phân trần: “Phạt bằng rượu rất hợp lý, hợp tình. Khi mới uống ly đầu tiên, ông nào cũng nghiêm chỉnh, nhưng chỉ cần vài ly thì bao “tính nết” bắt đầu lộ ra hết. Có ông thì ăn nói lung tung, có ông quậy, có ông lại thích khích bạn nhậu….Nếu không có “chủ xị” dàn xếp thì lớn chuyện. Thôi thì phạt cho hắn say mèm, lăn quay ra đất ngủ vùi, khỏi có cơ hội quậy”. 
Với người miền Tây Nam bộ, nhậu là phương cách tạo cảm tình hiệu quả nhất. Nhưng đó chỉ là một trong những ý chí trước khi tỉnh, còn khi ngà say thì chưa dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra...
Với người miền Tây Nam bộ, nhậu là phương cách tạo cảm tình hiệu quả nhất. Từ chối lời mời nhậu cũng giống như lời tuyên bố “bặt giao”. Hai gia đình xóm giềng sát ranh nhau, ghen ghét nhau vì chuyện xích mích nào đó, không thèm nhìn mặt nhau, nếu chủ hộ bên này mời chủ hộ bên kia nhậu, có nghĩa là chủ nhà bên này muốn xí xóa mối tị hiềm. Chủ nhà bên kia nhận lời nhậu, có nghĩa là chuyện mếch lòng đã được bỏ qua. Nhưng đó chỉ là một trong những ý chí trước khi tỉnh, còn khi ngà say thì chưa dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra. 

Mới đây, gia đình ông Tư Rớt (53 tuổi, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) và người hàng xóm đã khiến mọi người một phen không nhịn được cười. Số là, ông Rớt và người hàng xóm có hiềm khích từ trước vì chuyện cái ranh đất. Sau nhiều tháng đứng bên giậu mồng tơi chửi đổng, đánh chó đuổi gà, tuy chưa có chuyện “động thủ” nhưng tình hình càng trở nên căng thẳng. Thấy xóm giềng không có bao nhiêu nóc gia mà lại xảy ra xung đột nên ông trưởng ấp mới đứng ra hòa giải. 

Dân miền Tây vốn dĩ ăn nói huỵch toẹt, thích dỗ ngọt nên sau vài câu thấu lý, đạt tình, xóm giềng “tối lửa, tắt đèn” có nhau thì ông Tư Rớt và người hàng xóm cũng bắt tay làm hòa. Để ăn mừng sự hòa thuận này, ông tổ trưởng đứng ra tổ chức tiệc nhậu để mời 2 người đàn ông trụ cột gia đình qua nhậu. Để chứng tỏ lòng thành, mỗi nhà người mang rượu, người mang mồi cùng góp niềm vui chung. Khi uống vài ly, ông Tư Rớt đã mạnh miệng nói lời xin lỗi anh hàng xóm. Mỗi lần kể ra “cái lỗi”, ông Tư Rớt lại xin chịu phạt 1 ly. 

Sau khi phạt qua, phạt lại hết 2 lít rượu chuối hột, ông Tư Rớt và ông hàng xóm lại so kè nhau chuyện lỗi của ai nặng hơn. Từ tiệc nhậu ăn mừng “hòa bình lặp lại”, ai ngờ chưa đầy 1 giờ đồng hồ đã biến thành trận chiến đấu khẩu, ông tổ trưởng làm trọng tài lúc này cũng say bí tỉ không thể can ngăn. Sau một lúc cãi nhau, ông Tư Rớt đứng lên hất luôn bàn nhậu. Tức giận, ông hàng xóm nhảy bổ vào đạp một phát khiến ông Tư Rớt ngã nhào. Đến lúc này, 2 bà vợ không biết chuyện gì xảy ra, mạnh ai nấy bênh vực chồng, dẫn đến trận đấu khẩu giữa hai bà nội trợ. Rốt cuộc, vì nhậu mà 2 gia đình tiếp tục xảy ra xung đột. 

Có lúc dân nhậu không nhậu vì chia sẻ niềm vui, nỗi buồn mà là nhậu để so kè tửu lượng cao thấp. Cách nay vài năm, 4 anh công nhân bốc vác gạo ở nhà máy xay xát của ông Hai L., ở Trung An, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ phải nhập viện vì ngộ độc rượu. Số là trong lúc nghỉ trưa, thay vì về nhà ăn cơm cùng vợ con, 4 người đã cao hứng rủ nhau nhậu. Trong lúc nhậu, 2 người trong nhóm đã hứng chí so kè với nhau xem tửu lượng của ai cao hơn. 

Thế là 1 can 7 lít rượu trắng được đặt trước mặt, 2 trong nhóm 4 người thi nhau uống trong sự cổ vũ nhiệt tình của 2 người bạn. Vì lo mãi nốc rượu mà quên “xơi mồi”, khiến 2 người bị xuất huyết bao tử lăn đùng ra ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu. Sau trận nhậu đó, 2 anh công nhân được bạn bè đặt cho biệt danh “thằng 7 lít”. Giờ, dù vẫn chưa cai được rượu nhưng khi có ai khích bác rủ nhậu kình là 2 anh công nhân lắc đầu chào thua. 


Trường hợp anh P. ở xã An Ninh Đông, Đức Hòa, Long An vì so kè rượu mà đã phải về “chầu ông bà” ở cái tuổi ngoài 40. P. thuộc loại nghiện rượu. Sáng sớm, P. ra quán cóc ven xóm kêu chủ quán bán một ly xây chừng để “súc miệng”. Thấy ngứa mắt, một anh hàng xóm nói khích, “Nhìn mặt mày đi ngang lò rượu đã thấy xỉn lăn quay, bày đặt súc miệng, ngứa mắt quá!”. 

Bị chọc quê, P. lớn tiếng thách, “dám uống với tao không mà nói?”. Thế là P. và anh hàng xóm “cáp độ” bằng cách chỉ nhậu rượu, không cần mồi, gọi là uống khan. Ai thua sẽ trả tiền rượu, chung thêm 1 bao thuốc lá Hero. Chưa đầy nửa giờ, 5 lít rượu trắng cạn sạch. Đến ly rượu cuối cùng, anh hàng xóm lăn quay ra sùi bọt mép, mắt trợn ngược. 

Mọi người tức tốc đưa anh ta vào bệnh viện Đức Hòa cấp cứu, trong khi anh P. thì ngất ngưởng đi về nhà ngủ. Đến chiều, người nhà gọi mãi mà không thấy P. tỉnh dậy nên cũng đưa anh ta ra bệnh viện. Đến tối, P. đã tử vong vì ngộ độc rượu do cấp cứu chậm. Còn anh hàng xóm phải nằm viện đến một tuần sau mới hồi phục sức khỏe. Kẻ thắng cuộc đã chết, kẻ thua cuộc giờ nghe nhắc đến rượu thì thề đoạn tuyệt với ma men. 

Nhắc đến nhậu phải kể đến hội nhậu “anh hùng Lương Sơn Bạc” ở thị xã Tân An, Long An, với gần 20 thành viên. Nhóm nhậu này thường hay tụ tập ở một quán cà phê cóc ven kênh Bảo Định. Xuất xứ của hội này là vào khoảng năm 1990, có một tay bác sĩ giỏi vì buồn chuyện gia đình, chuyện công việc nên cứ mỗi sáng trước khi vào làm, anh ta hay ra quán cà phê cóc uống… rượu thay cho cà phê. 

Một thời gian sau, một vài tay nhậu khác nhìn thấy cũng đến làm quen và ngồi nhậu chung bàn, thế là thành hội. Nhóm này nhậu không cần mồi ngon, đôi khi là gói xôi, bịch đậu phộng hay trái cóc và mỗi người “súc miệng” bằng 1 xị đế là đủ nạp năng lượng để làm việc. Sau khi tan sở, nhóm lại hẹn giờ tụ họp, mỗi người kẹp nách một chai 3 xị đến nhà một chiến hữu nào đó để hàn huyên chuyện đời. Luật nhậu của hội này là “3 không, 3 phải”. 

Cụ thể 3 phải là: phải đem theo 3 xị rượu, phải có mồi, phải có địa điểm cụ thể. Còn 3 không là: không nhậu bằng tiền của vợ con, mà phải tự làm việc kiếm tiền; say xỉn không quậy phá xóm giềng; không rủ rê các chiến hữu khác mà không thông báo trước với thành viên trong hội. Hơn 20 thành viên của hội đều có việc làm, người làm bác sĩ, người bán củi, người hớt tóc… đủ thành phần và ai cũng tự tạo thu nhập cho mình. Nhưng có điều, hầu hết chỉ làm vừa đủ sống, bởi làm ra bao nhiêu đều đổ vào rượu hết nên không còn dư dả. 

Việc không rủ rê nhậu là kinh nghiệm “xương máu” của hội này. Vì lúc đầu, mọi người gặp bạn hay rủ đi nhậu. Cứ vô tư rủ mà không biết tính nết vợ con của bạn nên đã nhiều lần xảy ra chuyện dở khóc, dở cười. Có một lần hội đang nhậu, bỗng xuất hiện bà vợ của một người mới nhập hội, đứng tru tréo chửi, “mấy ông nhậu cứ nhậu, đừng rủ rê, lôi kéo để chồng tui còn phải làm lo vợ con”. 

Sau nhiều trận bị mấy bà vợ quậy tới bến, nên các ông trong hội đã ra luật “3 không, 3 phải” để đưa hội vào nền nếp như thế. Sau thời gian tồn tại gần 20 năm, đến nay hội nhậu “Lương Sơn Bạc” đã giải tán, bởi năm nào cũng có ít nhất 1 chiến hữu hy sinh vì… rượu. Có người bị xơ gan cổ trướng, bệnh tim mạch, người bị tai nạn giao thông… Để tưởng nhớ bạn nhậu, khi hay tin có chiến hữu mất, những người bạn nhậu đến viếng tang bằng cách kẹp nách 3 xị rượu đến trước quan tài uống để tiễn đưa lần cuối. Dù gia đình tang gia khó chịu nhưng vì “nghĩa tử là nghĩa tận” nên họ cũng không dám phiền hà gì với hội nhậu “có 1 không 2” này. 

Cách nay 2 tuần, gia đình bà Chín D., ngụ Ô Môn, TP.Cần Thơ cũng lao đao cũng vì… rượu. Chỉ còn 2 ngày nữa là đến lễ vu quy của đứa con gái thứ hai của bà. Vì đám cưới ngay mùa mưa và mùa nước nổi nên bà Chín D. đã tính trước mọi chuyện và đã mượn sân của người em chồng tên Mười O., nhà sát vách để dựng rạp, đãi khách cho rộng rãi, sạch sẽ. Sau khi đã dựng rạp xong, gia đình nấu mâm cơm đãi họ hàng và hàng xóm đến làm giúp. Vì ngày vui nên trong nhà lúc nào cũng có rượu, thịt ê hề nên xong bữa cơm ai cũng ngà say. 

Ông Mười O. cũng về nhà nằm ngủ, vừa mới chợp mắt bỗng dưng nhà cúp điện. Đang say rượu, mà trời lại nóng nực khiến ông Mười O. nổi quạu đi kiểm tra nguồn điện mới phát hiện người hàng xóm tự ý ngắt điện (vì nhà ông Mười O. câu điện ké hàng xóm – PV) nhà ông để nhường nguồn điện tiếp tế cho nhà bà Chín D. Nghĩ là bà Chín D. chơi xỏ mình, sẵn có rượu trong người nên ông Mười O. đã chửi bới ỏm tỏi và đùng đùng buộc bà Chín D. phải tháo rạp xuống không cho mượn sân nữa. 

Chẳng những thế, ông Mười O. còn đi mua hàng rào B40 về rào lại ranh nhà không cho ai bén mảng qua nhà, kể cả những người đến dự đám cưới. Mặc dù hàng xóm đã hết lời năn nỉ nhưng Mười O. đã cương quyết không thèm dự đám cưới và cũng bặt giao tình nghĩa anh em. Báo hại, ngày vui của con gái cũng là ngày hai anh em ông Mười O. trở mặt. Dù không bén mảng qua đám cưới nhưng ông Mười O. mượn rượu say, đứng bên hàng rào chửi xiên, chửi xỏ khiến những người đến dự đám cưới ai cũng ngán ngại. 

Bởi vậy mới biết, dù là rượu tình, rượu nghĩa, rượu xã giao và có luật rõ ràng nhưng có ai dám chắc rằng, khi rượu đã thấm vào cơ thể có ai làm chủ được lý trí, làm chủ được hành động của mình. “Rượu vào lời ra”, dù dân "nhậu sỉ" hay "nhậu lẻ" gì một khi đã say xỉn thì khó mà đoán trước được việc gì xảy ra. Nếu dân nhậu biết liều lượng, biết dừng đúng mực thì tiệc nhậu sẽ trở thành cuộc vui đúng nghĩa chứ không phải “tàn cuộc” theo nghĩa đen của nó.
Kỳ Anh (Dòng Đời) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét