Người Ơ Đu tính thời gian trong năm bắt đầu từ ngày có tiếng sấm (Tết Chăm Phtrong) đầu tiên. Đây là tập tục cổ xưa của các dân tộc thiểu số quen sống bằng nghề trồng trọt.
Ngoài lễ đón sấm đầu năm (Chăm Phtrong), người Ơ Đu còn ăn Tết Nguyên Đán, tổ chức lễ rước hồn lúa và ăn cơm mới. Song đối với tộc người Ơ Đu, lễ mừng tiếng sấm năm mới là lễ hội lớn - ngày Tết lớn nhất trong năm, bà con tổ chức rất long trọng, giết trâu, mổ lợn ăn uống linh đình khắp các thôn làng, ngõ xóm... Tết Chăm Phtrong thường diễn ra khoảng một tháng trước Tết Nguyên Đán.
Phong tục đón Tết Chăm Phtrong của người Ơ Đu khá độc đáo và đặc sắc. Điểm nổi bật trong ngôi nhà của đồng bào trong dịp Tết Chăm Phtrong đó là trang trí bàn thờ. Bàn thờ ma nhà và bàn thờ thổ công được trang hoàng lộng lẫy, sặc sỡ với các loại giấy ngũ sắc (người Ơ Đu rất sợ lửa vì vậy họ kiêng kị đối với màu đỏ) trang trí khắp khu vực bàn thờ trong những ngày Tết.
Theo tập quán truyền thống, nhà nào cũng mổ một con gà trống thiến để xem chân gà với quan niệm dự đoán những điều may rủi cho năm mới của gia đình.
Sau khi cúng tổ tiên, người ta đem chân gà về nhà cộng đồng nhờ thầy mo làm lễ thăm chân gà. Đồng bào xem chân gà để cầu mong một năm mới ấm no, hạnh phúc. Các cụ già trong gia đình thường nghe sau khi có tiếng sấm đầu tiên con vật gì sẽ kêu trước.
Trong ngày Tết Chăm Phtrong, mỗi gia đình đều phải mổ một con lợn dù to hay nhỏ để cúng tổ tiên. Khi mổ lợn, gia chủ mời dân làng tới dự và ăn Tết cùng gia đình. Đây là dịp gia chủ cảm ơn bà con lối xóm trong một năm đã giúp đỡ gia đình và là dịp để mời dân làng uống rượu.
Một số nghi lễ trong dịp Tết Chăm Phtrong được tổ chức ở nhà cộng đồng.
Nghi lễ đầu tiên trong ngày Tết Chăm Phtrong là phong sắc, phong tước cho các chức sắc trong bản như trưởng họ, già làng, các chức sắc trong giới thày mo và đổi tên cho những người đàn ông đã trưởng thành (có con cháu đầy đàn). Sau lễ phong sắc là lễ bỏ tang.
Những nhà có người chết trong năm thì mời thầy mo về nhà làm lễ tiến linh hồn người chết về với tiên tổ, đồng thời tiến hành làm nghi lễ bỏ tang cho người góa bụa, sau lễ mừng tiếng sấm họ có thể đi bước nữa.
Sau lễ bỏ tang thì đồng bào tiến hành làm lễ nhập họ, đặt tên cho đứa trẻ sinh trong năm. Những đứa trẻ sinh trong năm, đến ngày Tết Chăm Phtrong được các thầy mo đến nhà làm lễ nhập họ và chính thức đặt tên.
Lễ đón mừng tiếng sấm năm mới thường kéo dài cho đến khi xong xuôi mọi công việc quan trọng trong bản thì lễ hội mới kết thúc, nói chung diễn ra từ 5 đến 7 ngày.
Người Ơ Đu tổ chức Tết Chăm Phtrong theo từng vùng, từng cụm dân cư. Khoảng những năm 50 (thế kỷ XX) về trước đồng bào Ơ Đu khắp nơi thường tụ họp về Xốp Pột (Kim Đa, Tương Dương, Nghệ An) để vui hội Chăm Phtrong, vì theo họ nghĩ vua của người Ơ Đu đã từng đóng đô ở đó. Họ giết trâu, mổ bò, lợn, uống rượu cần, ca hát, nhảy múa, chơi các trò chơi như đánh khăng, chọi gụ, chọi gà, đi kà kheo... rất từng bừng. Ngoài lễ đón sấm đầu năm (Chăm Phtrong), người Ơ Đu còn ăn Tết nguyên đán, tổ chức lễ rước hồn lúa và ăn cơm mới.
Sau cách mạng Tháng Tám, các dân tộc được sống bình đẳng, dồng bào Ơ Đu quy tụ về sinh sống ở bản Xốp Pột, Kim Hòa, xã Kim Đa, một vài hộ sinh sống rải rác ở bản Tạ Xiêng, xã Kim Tiến (5), bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng (Tương Dương, Nghệ An). Tuy nhiên, thế hệ con cháu tộc người Ơ Đu ở vào thời điểm đó kể cả người già nhất cũng đã quên hết ngôn ngữ, phong tục tập quán của mình.
Năm 2006, để nhường mặt bằng cho việc xây dựng công trình thủy điện Bản Vẽ, đồng bào Ơ đu ở Xốp Pột, Kim Hòa lại tiếp tục cuộc thiên di lịch sử về sinh sống tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Hiện nay, dân số của tộc người Ơ đu ở Tương Dương khoảng hơn 600 người.
Người Ơ Ðu không có nhạc cụ riêng biệt mà họ sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của người Khơ Mú, Thái như: sáo, khèn, chiêng, trống; thuộc các làn điệu dân ca Khơ Mú, Thái (xuối, nhuôn, lăm, tơm).
Người Ơ Đu quan niệm về thế giới bên kia gần giống như người Thái, ngoài các then như Then Luông, Then Vi, Then Bắc còn có thêm Then Na cai quản ruộng nương. Họ cho rằng những người bị hổ ăn thịt, hay chết hoặc mất tích trong rừng không phải do ma rừng bắt mà Then Na bắt đi làm lính hầu trông coi ruộng nương.
Người Ơ Ðu sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước. Mỗi năm họ chỉ làm một vụ: phát, đốt, gieo hạt từ các tháng 4-5 âm lịch, thu hoạch vào các tháng 9-10. Công cụ làm rẫy gồm rìu (xoải), dao (pa đa), lưỡi hái (hep),... Ngoài lúa là giống cây trồng chính, còn trồng sắn, bầu, bí, ngô, ý dĩ, đỗ; nghề hái lượm và săn bắn vẫn có vị trí quan trọng trong đời sống. Chăn nuôi trâu bò, lợn gà, dê khá phát triển.
Trâu, bò dùng làm sức kéo, kéo cày, lợn gà sử dụng trong các dịp cưới, nghi lễ tínngưỡng, cúng ma... Ðan lát đồ gia dụng bằng giang, mây, một phần tiêu dùng, phần để trao đổi. Thời xa xưa người Ơ Đu có nghề dệt vải, thêu thùa, may vá khá phát triển.
Hiện nay, sau bao cuộc thiên di nhưng tư liệu sản xuất, cũng như đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày, trang phục cổ truyền của nhóm Ơ Đu ở Tương Dươg không còn nữa. Người Ơ Đu ở Tương Dương bây giờ ăn mặc theo kiểu người Thái, người Kinh. Còn nhóm Ơ Đu ở bản Khạp, Muang Khoun (Lào) vẫn giữ được nghề dệt vải và tự may lấy trang phục.
Nếp nương vẫn là loại lương thực chính của người Ơ Đu, mỗi vụ, mỗi gia đình thường trồng vài ha lúa nương, ngoài ra họ còn trồng ngô, sắn. Người Ơ Đu thích ăn xôi đồ (nếp trộng với một ít sắn, hay ngô hoặc đậu), khi mất mùa, đói kém người ơ đu vào rừng kiếm củ nâu, củ mài thay cơm. Phương tiện vận chuyển duy nhất của người Ơ Đu là chiếc gùi (ga đế), có dây đeo bên trán. Chiếc gùi truyền thống được đan bằng giang rất chắc chắn và được trang trí hoa văn rất đẹp.
Người Ơ Đu ở nhà sàn. Kiến trú nhà ở của người Ơ Đu thường có 4 mái, lớp bằng nứa hoặc tranh, đầu nhà quay vào núi, cột chôn, một ngôi nhà thường có 4-8 cột, tương ứng với nhà 1 hay 3 gian. Khi dựng, bao giờ người Ơ Đu cũng dựng cột chính (cột góc ma nhà ở) trước, sau đó mới đến các cột khác theo thứ tự từ trái sang phải từ trên xuống dưới.
Thời hưng thịnh, người Ơ Đu sống độc lập, không xen kẽ với bất kỳ dân tộc nào. Họ chỉ giao du với người Thái, Khơ Mú, hay người Kinh khi có nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa. Sau bao biến động của lịch sử, ngày nay do số lượng dân số ít, sống xen kẽ với người Khơ Mú và Thái cho nên các mặt quan hệ xã hội văn hóa của họ chịu nhiều ảnh hưởng hai dân tộc này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét