Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Tục cúng gà trống mùng 3 tiễn ông bà ở miền Tây

Theo quan niệm của người miền Tây quê tôi, sau khi đã rước ông bà về ăn Tết ngày 30 tháng Chạp, đến ngày mùng 3 phải làm mâm lễ long long trọng để tiễn ông bà. Trong mâm lễ thiêng liêng ấy, không thể thiếu chú gà trống choai được chọn lựa kĩ càng.
Năm nào cũng thế, cứ sáng sớm mùng 3 tầm 4 giờ, má tôi giục chúng tôi dậy thật sớm để chuẩn bị làm mâm cơm để cúng cho kịp. Chúng tôi đứa nấu cơm, đứa nấu canh, đứa xào thịt … rồi xếp ra 1 cái mâm để đối diện với bàn thờ chính giữa nhà. Xong xuôi, má tôi mang gà trống đã luộc sẵn để ở giữa bàn rồi thắp nhang khấn nguyện.

Theo lời má, mâm lễ ngày mùng 3 phải có đầy đủ các món ăn và đặc biệt là phải có con gà trống. Con gà này phải được chuẩn bị từ trước, tầm 1 kg, không để gà quá to hay quá nhỏ, chỉ tập tọe biết gáy là vừa. Không nên mua gà ở chợ mà phải tự nuôi, tự chăm sóc thì lễ cúng ông bà mới càng thêm ý nghĩa.
Gia đình quây quần bên mâm lễ cúng ông bà ngày mùng 3 (ảnh minh họa; nguồn: Internet)
Trong lúc đợi má khấn nguyện trước mâm lễ, anh em chúng tôi đứng ra 2 bên và chờ đợi nhang cháy hết để “thưởng thức” chú gà trống choai đang được trưng bày đẹp mắt trên bàn. Khi nén hương tàn, ba tôi  tung gạo và muối ra bốn phương tám hướng rồi hóa vàng các loại tiền, vàng, hàng mã để ông bà làm "lộ phí". Chúng tôi chỉ đợi có thế, mang con gà xuống bếp, chị tôi xé thịt trộn với rau răm, chia cho mỗi đứa 1 phần. Má tôi nói, ăn gà cúng mùng 3 sẽ được ông bà, tổ tiên phù hộ, ban nhiều may mắn trong suốt 1 năm.
Con gà trống choai phải tự nuôi, tự chăm sóc thì mới có ý nghĩa (ảnh minh họa; nguồn: Internet)
Theo thông lệ, ngày mùng 3 người dân quê tôi làm mâm cơm từ sớm, lúc mặt trời chưa ló dạng. Sau lễ cúng tiễn ông bà, con cháu quây quần nhau đông đủ trong bữa cơm “đặc biệt” của gia đình. Món ăn “khoái khẩu” đối với chúng tôi trong ngày ấy không gì khác hơn là gà trống luộc; anh em cứ tranh nhau ăn, ba má tôi thấy thế nên cũng nhường. Điều đọng lại trong tôi về món ăn này là con gà trống nhà tôi, được má tôi chăm sóc cẩn thận chờ đợi đến ngày mùng 3. Đến giờ tôi mới hiểu ra, món gà luộc ấy được làm nên từ chính tấm lòng của má đối với ông bà, nên ăn vào cảm thấy thân thương, nghĩa tình, ấm áp.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, đầu óc con người bận rộn với những suy nghĩ lo toan về cuộc sống mưu sinh. Nhưng đối với người dân quê tôi, những tục lệ ý nghĩa về những ngày Tết thì vẫn luôn còn mãi, thử thách với thời gian và không hề phôi pha. Tục cúng ngày mùng 3 tiễn ông bà là 1 tục lệ tốt đẹp ở quê tôi theo hàm nghĩa "có trước có sau chu đáo với người đã khuất.
Hoàng Lê (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét