Xóm Chín Chủ nằm ở ngã ba sông - nơi hợp lưu giữa hai sông La Thọ và Cổ Cò thuộc thôn Đông Hồ, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - nép mình bên những lũy tre cạnh cánh đồng lúa xanh mướt trông thật yên ả, thanh bình.
Thế nhưng, xóm nhỏ chỉ 9 hộ dân sinh sống này lại có một lịch sử lẫy lừng khi có đến 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 17 liệt sĩ, 7 thương binh...
Ông Lê Văn Nuôi, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đông Hồ, cho biết vì cả xóm chỉ có 9 hộ dân nên mới mang tên là Chín Chủ. Thật ra, sau ngày đất nước thống nhất, người dân Chín Chủ đã dời đến khu vực cao ráo hơn, cách nơi cũ chừng 400 m.
Khu Di tích lịch sử tại xóm Chín Chủ Ảnh: QUỲNH CHÂU
Theo nữ thương binh Lê Thị Mai ở xóm Chín Chủ, người dân nơi đây dù không phải bà con họ hàng nhưng sống với nhau rất gắn bó, nghĩa tình. Cả 3 thế hệ trong suốt 2 cuộc kháng chiến ở xóm “nấu cơm chung, ăn chung” để bám trụ, quyết giữ đất. Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương từng đứng chân ở đây để chỉ đạo phong trào cách mạng.
“Chín Chủ chỉ rộng khoảng 1,5 km2 nhưng bị bao vây bởi 10 đồn địch, ngày đêm bị đánh phá ác liệt. Xóm làng bị bom cày đạn xới, người dân bị bắt bớ tù đày nhưng 9 gia đình vẫn “một tấc không đi, một ly không rời”. Ngay cả bọn trẻ 10-12 tuổi cũng tập hợp thành đội du kích vừa chăn trâu vừa đánh giặc” - bà Mai nhớ lại.
Bà Nguyễn Thị Tân, nguyên Phó Ban Binh vận xã Điện Thắng (cũ), khẳng định với người dân Chín Chủ nào địch cũng cho là Việt Cộng nên gặp mặt là chúng bắt bớ, tra tấn, bắn giết không nương tay. “Nhưng người đi trước ngã xuống thì lớp con cháu lại đứng lên, càng thêm vững vàng, kiên cường. Bà con Chín Chủ đã rút ra bài học “2 chung, 1 riêng” để tồn tại. Đó là ăn cơm chung, đấu tranh chung nhưng ngủ riêng để tránh tổn thất nhiều khi bị địch tấn công” - bà Tân kể.
Ông Nguyễn Duy Hưng - nguyên Thường vụ Đặc ủy Quảng Đà, nguyên Bí thư quận Nhất, TP Đà Nẵng - xúc động: “Vùng đất máu lửa này đã cưu mang tôi và nhiều anh chị em trong những ngày chiến tranh ác liệt. Nếu không có bà con Chín Chủ thì chúng tôi khó mà sống sót được trước kẻ địch”.
Với ông Bùi Hồng Khanh - nguyên Trưởng Ban Quân sự quận 4, TP Đà Nẵng; nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng - trong quãng thời gian sát cánh cùng người dân Chín Chủ, có những câu chuyện về sự mưu trí của bà con mà ông nhớ mãi. Một hôm, địch kéo về xóm bắt dân đánh đập dã man nhưng bà con vẫn một mực không khai gì. Đến ngày thứ 3, chúng cho một bộ phận rút lui, còn bọn ác ôn và lính quận ở lại phục kích. Lúc này, ở bên kia sông La Thọ, anh em du kích thấy địch rút thì đợi trời tối kéo vào xóm. Để cứu nguy, bà con liền lùa trâu bò ra rồi thắp đuốc đi tìm và lu loa: “Mấy ông mang súng ống lỉnh kỉnh làm trâu bò sợ, sổng chuồng chạy mất rồi”. Lực lượng du kích bị đánh động đã thoát được trận địa phục kích của địch.
Lần khác, ông Bùi Hồng Khanh và một cán bộ núp dưới hầm bí mật ở bụi chuối sau nhà mẹ Trần Thị Môn. 12 giờ, địch kéo vào phục kích ngay trên miệng hầm. “Trước tình thế nguy cấp, mẹ Môn bày kế đến gặp tên thông dịch viên, bảo cần đốn cây chuối trên miệng hầm để băm cho heo ăn, nhờ nói 3 lính Mỹ đi chỗ khác. Thế là mẹ Môn vừa đốn chuối vừa dậm lên miệng hầm báo hiệu cho chúng tôi có địch” - ông Khanh cảm phục.
Đại tá Võ Kế - nguyên TRƯỞNG CÔNG an quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng - tâm sự: “Gia đình chị A, anh Cồn, anh Xoài... ở gần sông, nhà cửa bị đốt phá phải ở dưới hầm. Tài sản của họ chỉ còn những chiếc ghe nhỏ thủng lỗ chỗ do đạn địch bắn, thế mà đêm đêm vẫn đưa cán bộ, thương binh qua sông. Cả xóm đều nhường phần hầm trú ẩn bom đạn cho bộ đội khi dừng chân chuẩn bị những trận đánh. Nhờ người dân Chín Chủ mà lực lượng cách mạng đã có những chiến thắng oanh liệt tại mảnh đất này”.
Theo ông Lê Văn Nuôi, lẽ ra Chín Chủ có đến 10 mẹ Việt Nam anh hùng chứ không phải 9. “Lúc đó, gia đình mẹ Nguyễn Thị Giao cũng về sống nhờ nhà người dân xóm Chín Chủ trong suốt 2 cuộc kháng chiến để hoạt động cách mạng. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình mẹ Giao mới dời ra ở riêng” - ông giải thích.
Trong số các bà mẹ Việt Nam anh hùng ở xóm Chín Chủ trước đây, duy nhất mẹ Nguyễn Thị Giao hiện còn sống. Đã bước sang tuổi 94 nhưng khi nhắc lại xóm nhỏ vang danh này, người mẹ của 4 liệt sĩ vẫn kể rành rọt nhiều câu chuyện thời lửa đạn. Dù 4 người con đã hy sinh nhưng mẹ Giao vẫn tiếp tục động viên 5 con còn lại lên đường chiến đấu.
Ông Lê Văn Nuôi cho hay năm 2013, nhiều cơ quan, đơn vị và các nhà hảo tâm đã góp sức xây dựng Khu Di tích lịch sử tại xóm Chín Chủ. “Đây là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho hôm nay và con cháu mai sau” - ông nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét