Bên chung trà mừng Xuân, chúng ta thử "truy tìm lý lịch" một loài hoa mà hầu hết các sách đều ghi “không biết hoa gì”.
Như chúng ta đều biết, văn nghiệp của nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi (cũng là nhà bác học, chính trị, quân sự thiên tài) là vốn quý của dân tộc. Không kể những tác phẩm đã thất truyền, chỉ nói riêng về thơ, gần 400 bài, với nhiều đề tài khác nhau còn lưu truyền đến ngày nay.
Ông đã cảm tác không dưới mười bài về mai và đề cập đến loài hoa này trong hàng chục bài khác. Ở đó có một bài mang tựa "Hoa Trường An" mà hầu hết những sách sưu tập thơ văn Nguyễn Trãi ở phần chú thích đều ghi "không rõ hoa gì".
Nhưng qua nội dung và những điển tích trong bài thơ mà chính tác giả đã có dùng nơi khác, cũng như điển tích "Tin mai" cho thấy hoa trường an là loài hoa mà ta thường gọi là mai tứ quý, tức hồng mai, vì khi cánh hoa đã rụng thì đế mai màu vàng biến sang sắc đỏ, ôm lấy hạt màu đen.
Chúng ta đọc lại bài thơ ấy:
"Ấy chẳng Tây Thi thì Thái Chân
Trời cho tốt lạ mười phần
Ngày chầy điểm đã phong quần đỏ
Rỡ tư mùa một thức xuân".
Tìm hiểu nghĩa của cụm từ "Rỡ tư mùa" và vài điển tích:
- Rỡ tư mùa là bốn mùa đều có hoa rực rỡ.
- Tây Thi là người con gái đẹp thời Xuân Thu. Câu Tiễn đem dâng vua Phù Sai là người đã đánh bại mình, để xin hàng. Phù Sai mắc kế Câu Tiễn, say đắm Tây Thi, không lo việc nước, khiến nước Ngô suy yếu. Câu Tiễn kéo quân đánh diệt, trả được thù.
- Thái Chân là hiệu của Dương Quý Phi, vợ của Đường Minh Hoàng, cũng là trang quốc sắc của nước Trung Hoa ngày trước. (Nguyễn Trãi cũng đã dùng điển Thái Chân ở bài «Thơ mai» trong câu «Đáy nước ngờ là mặt Thái Chân»).
Rõ ràng nội dung bài thơ ca tụng hoa mai, cụ thể là mai tứ quý, mà cái hồn của loại mai này chính là công chúa Nhất Chi Mai. Phải chăng dụng ý của tác giả đã gián tiếp so sánh: nhan sắc tuyệt trần của người đẹp Việt Nam này có thua chi Tây Thi hay Dương Quý Phi nổi tiếng bên Tàu!
Nhưng tại sao đầu đề không ghi "Hoa mai" mà là "Hoa Trường An"? Lại điển tích.
Chúng ta còn nhớ, sách Kinh Châu ký có chép Lục Khải ở Giang Nam, gặp lính trạm bèn bẻ một cành mai, gửi trạm đem về cho Phạm Việp là bạn thơ còn đương ở Trường An và kèm theo một bài thơ:
"Chiết mai phùng dịch sứ
Ký dữ Lũng Đầu nhân
Giang Nam vô sở hữu
Liễu tặng nhất chi xuân"
(Bẻ cành mai nhờ lính trạm đưa
Gửi cho người bạn ở Lũng Đầu
Giang Nam không có đồ gì lạ
Mới tặng một cành xuân gọi là).
Ba chữ “nhất chi xuân” ở câu thứ tư cũng được hiểu là “nhất chi mai”. Riêng ở Việt Nam do điển tích Hồ Quý Ly đời Trần, nhất chi mai là loài hoa hoàn toàn khác với nhất chi mai ở Trung Hoa.
Từ điển tích này cho phép chúng ta suy luận: nhân đón mừng năm mới, từ Giang Nam, Lục Khải gửi một cành mai về tặng cho bạn là Phạm Việp ở Trường An. Nhận được cành mai do lính trạm đưa, cảm động, và do thấy đây là giống mai lạ (vì ở Giang Nam không có vật gì lạ hơn giống mai này), Phạm Việp đem trồng, bốn mùa đều trổ hoa rất đẹp, tưởng chừng như lúc nào cũng là mùa xuân (nên cành mai ấy cũng được gọi cành xuân). Từ Trường An, loại mai ấy được nhân giống rất nhanh, vì dễ trồng nhờ có nhiều hạt. Do vậy, loại mai tứ quý ấy còn có tên hoa trường an.
Như vậy, ở góc độ thơ ca xưa đã cho ta một cách hiểu rõ hơn về lý lịch của một loài hoa - hoa trường an - mai tứ quý.
•
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét