Hằng năm cứ mỗi độ Tết đến xuân về, bao giờ ba tôi cũng tẩn mẩn chăm chút mâm ngũ quả sao cho đẹp mắt để dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông bà. Ngoài các loại trái cây: dừa, mãng cầu, đu đủ, chuối, xoài, thơm..., quả phật thủ ít khi nào vắng mặt trong mâm.
Tên gọi loại quả này dựa theo cảm quan về hình dáng vì giống bàn tay Phật đang chắp lại, nên gọi là Phật thủ (tay Phật). Có lẽ vì thế mà phật thủ là một trong những loại trái cây được nhiều người dùng trong mâm ngũ quả để thờ cúng trong dịp đầu năm.
Những muỗng phật thủ trong veo khi vào trong miệng có vị thanh ngọt làm dịu dần cái cảm giác rát họng, ho và đờm cũng tan biến theo... - Ảnh: Hòa Nhơn |
Quả phật thủ có thể dùng ăn tươi hoặc làm mứt rất ngon. Khi còn xanh, quả này có công dụng trị ho và tan đờm rất hay. Mỗi lúc thấy ba ho khù khụ, mẹ lấy quả phật thủ rửa sạch ngâm với nước muối nhạt khoảng 30 phút, sau đó để khô và thái mỏng cho vào bát. Tiếp đến, mẹ rót mạch nha đổ vào xâm xấp những lát phật thủ rồi đem chưng cách thủy, khi thấy lát phật thủ trong veo thì nhấc ra. Những muỗng phật thủ trong veo khi vào trong miệng có vị thanh ngọt làm dịu dần cái cảm giác rát họng, ho và đờm cũng tan biến theo...
Dù chưa hiểu hết công dụng của quả phật thủ, nhưng thấy ba nhấm nháp những lát phật thủ thấm đượm mùi mạch nha, mấy chị em tôi ai cũng thòm thèm. Mẹ nói, cái này chỉ dành cho những người bị cảm nắng hoặc ho hen, nếu thích các con vẫn có thể ăn, nhưng một đứa chỉ được 3 lát là tối đa. Khỏi phải nói, chúng tôi khoái chí thế nào. Và sau mỗi lần được nếm món này, trong bụng đứa nào cũng thầm mong... ba ho dài dài để còn được “hưởng sái”. Đó là hồi con nít.
Giờ đây, rong ruổi theo dòng đời chị em mỗi người mỗi ngả, nhưng khi những cánh én chao liệng báo hiệu xuân về, chúng tôi lại có dịp đoàn tụ, nhìn quả phật thủ trên mâm ngũ quả, ai cũng bùi ngùi, xúc động khi nhớ lại cảm giác nếm những lát phật thủ trong veo trong bát mạch nha của mẹ...
Hòa Nhơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét