(Công lý) - Tết Nguyên đán gắn với nhiều lễ nghi và tục lệ như cúng tất niên, cúng đưa ông bà, cúng “Tết ông Công ông Táo”, “Tết giếng”…Và trong những ngày tết, nông dân cũng không quên con vật gắn bó với cơ nghiệp của mình nên có cúng "Tết bò".
Ở Phú Yên ngày nay, tục “Tết bò” vẫn được duy trì và mang đậm bản sắc văn hóa nông nghiệp của một huyện thuần nông, vẫn còn nhiều hộ dân chăn nuôi bò.
“Tết bò” thường được bắt đầu vào mùng 4 hoặc mùng 5 Tết. Buổi sáng, gia chủ phải thức dậy thật sớm để quét dọn chuồng trại, đặt một chiếc bàn nhỏ trước hướng chuồng để bày lễ cúng.
Người lao động chân chất và mộc mạc nên lễ cúng Tết bò cũng rất đơn sơ. Tùy vào số lượng bò trong chuồng mà bày đúng số bánh tét để cúng và không quên đèn, gạo muối và hương hoa. Cúng xong phải rải gạo muối lên mái lợp chuồng để cầu cho bầy gia súc năm mới no khỏe, không bệnh tật và gắn bó giúp ích cho con người.
Ông Nguyễn Trung, năm nay đã 82 tuổi tại thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân cho biết: “Từ hồi còn nhỏ tôi đã thấy ông bà có tục cúng Tết bò. Bây giờ mình cũng làm theo, hơn nữa nhà quê con bò là cả gia sản, là đầu cơ nghiệp, làm vậy cũng như cảm ơn con vật gắn bó gần gũi với mình”.
Ông Nguyễn Nhịn, thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) đang thực hiện nghi lễ cúng “Tết bò” - Ảnh: Quốc Thanh
Nhiều người cao niên ở trên địa bàn kể, ngày xưa nhà nhà thường gói riêng từng loại bánh để cúng “Tết bò”. Bò đực bánh tét, bò cái bánh chưng, nghé con có phần bánh nhỏ. Bây giờ có đơn giản hơn, cũng tùy số lượng bò trong chuồng mà cúng bánh, cho đủ phần. Cúng xong dán mấy phong giấy đỏ lên cột chính của chuồng để trâu bò luôn được bảo vệ, phát triển đều đều.
Trong những ngày đầu năm mới, “Tết bò” là việc làm thể hiện tình cảm gắn bó giữa người với con vật giúp ích cho mình, mang tính nhân văn sâu sắc trong phong tục cổ truyền của người Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét