Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Mùng 9 Tháng Giêng Ta: Cúng Trời, Vía Ngọc Hoàng


vb_cung_troi_via_ngoc_hoang-large-contentSáng ngày mùng 9, món đường đổ khuôn đặc trưng để cúng Trời được bán khắp nơi, kể cả trong tiệm bán than, cũi (đường Bãi Sậy, quận 6)

SAIGON (VB) -- Xưa nay, theo tín ngưỡng dân gian của người Hoa lẫn người Việt, trong mùa Tết nguyên đán hằng năm bà con mình chọn ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch để cúng Trời, cũng là lễ vía Ngọc Hoàng Thượng đế. 
Rạng sáng mùng 9 thì người ta bắt đầu cúng vía Trời mà thời gian cúng tốt nhất là lúc mặt trời chưa mọc. Về lễ vật, theo cách cúng đơn sơ nhưng phổ biến thì chỉ gồm nhang, đèn cầy, hoa, trà (hay nước lã). Tuy nhiên, cách cúng Trời/Ngọc Hoàng thật đầy đủ, đúng theo bài bản cổ truyền thì vẫn được những gia đình khá giã – nhất là người Hoa trong vùng Chợ Lớn - thực hiện nghiêm chỉnh, tức cúng đủ “lục lễ” gồm “hương, đăng, hoa, trà, quả, phẩm”. 
Ngoài 4 món cúng thông thường (như vẫn dùng ở các nghi thức cúng quảy khác) là nhang, đèn cầy, hoa cúng và trái cây, trà cúng Trời phải là loại trà khô, được để ra thành 9 chung (hoặc chén nhỏ). Đặc biệt về món “lễ” cuối cùng là “phẩm” (phẩm vật), cúng Trời phải là các loại đồ khô (như: bột khoai, bột bán kim, nấm mèo, đông cô, táo tàu, bùn tàu, tàu hủ ki, phổ tai.v.v…), với số lượng tính theo số lẻ, là 5, 7 hay 9 loại tùy theo gia chủ. Đi kèm theo “phẩm” là đồ vàng mã thì nhất thiết phải có ‘vàng’ thọ, ‘vàng’ ông trời, một cặp thùng giấy (giống thùng xách nước, một cái màu vàng kim, một cái màu bạc), một cặp mía màu vàng (còn nguyên ngọn) và đường đổ khuôn. Món đường cúng Trời/Ngọc Hoàng là loại đường mía, được thêm màu vàng, đỏ hay hồng, sau đó nấu đổ vào khuôn thành hình tháp lục giác, kỳ lân, hay lý ngư, thỏi vàng… Một số bà con đã mua sẵn món đường đổ khuôn này ngay từ những ngày đi chợ cận Tết để sắm sửa, trang trí cho bàn thờ trong nhà. Và đến sáng ngày mùng 9, đúng ngày vía Trời, món đường đổ khuôn lại được bày bán rộng rãi ở các chợ và những tiệm bán nhang đèn, đồ thờ phượng… 
Trước đó, vào đêm mùng 8, trong dân gian lại có lễ cúng Sao. Tương truyền là các vì sao trên trời đều là các vị thần tiên, và vào ngày này thì các vị có lệ hội tụ tại Thiên đình để mừng khánh đản (vía) Ngọc Hoàng Thượng đế. Nhưng theo một cách hiểu khác của nhiều người, cúng Sao cũng là cúng ngôi sao bổn mạng của mỗi người, nên trước mùng 8 Tết, khi đi lễ chùa cúng Phật, nhiều bà con đã xin “đăng ký” nhờ nhà chùa cúng sao, cầu an lành cho gia đình mình. Sau khi ghi ra đầy đủ tên, tuổi của mọi thành viên trong nhà và nộp cho nhà chùa, ai nấy tùy hỉ cúng vào thùng phước sương…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét