Trong diễn trình lịch sử của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, cổ thành Biên Hòa là một dấu chứng gắn liền với những sự kiện quan trọng. Trong lý lịch di tích thành Biên Hòa của Nhà Bảo tàng Đồng Nai thực hiện, phần nội dung đã nêu khá đầy đủ những chi tiết này. Và có lẽ, chúng ta đồng thuận những trích dẫn, ghi chép hầu hết từ trong tư liệu của Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn hay Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức.
Theo một số tư liệu, chúng ta biết rằng, cổ thành Biên Hòa được bắt đầu xây dựng vào năm 1834. Tư liệu cho biết như sau: Tháng 6, năm 1834, xây đắp thành đất tỉnh Biên Hòa, 4 mặt thành đều dài 70 trượng, cao 4 thước 3 tấc, dày 1 trượng, mở 4 cửa. Đào hào rộng 2 trượng, sâu sáu thước. Quan Khâm sai Đoàn Văn Phú chịu trách nhiệm trong việc trù tính việc làm. Vua Minh Mạng đồng ý cho việc chọn lấy 1.000 dân trong hạt đứng ra xây đắp, số dân làm thành được hậu cấp cho tiền gạo.
Ngoài ra còn có một số tư liệu khác cũng nhắc đến thành Biên Hòa với một số chi tiết khác như: có dựng 1 kỳ đài, mỗi cửa ra vào đều có bắc cầu đá ngang qua hào để làm lối ra vào, hào rộng 4 trượng, sâu 6 thước, tường thành dày trượng. Một số giả thuyết cho rằng, thành Biên Hòa được xây dựng trên dấu tích cũ của một thành trì của dân Lạp Man (Chân Lạp). Theo tác giả Lương Văn Lựu thì đời Gia Long vào năm 1816 thì thành Biên Hòa đã được xây. Trước tiên, thành Biên Hòa đắp bằng đất, sau này, xây bằng đá ong.
Cổ thành Biên Hòa là một công trình phòng thủ quân sự của triều Nguyễn ở vùng đất Biên Hòa. Hệ thống bố phòng ở Biên Hòa lúc bấy giờ còn có các trạm, lũy, tấn, đồn thủ tại các nơi xung yếu. (Cũng cần nói thêm: tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ gồm phủ Phước Long và 4 huyện: Phước Chánh, Phước An, Bình An, Long Thành. Đối chiếu với địa giới hiện nay thì nó bao gồm các tỉnh hiện nay như: Biên Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và một phần đất của các quận, huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận). Ngoài chức năng của một trung tâm các hoạt động nhiều mặt của xã hội đương thời, cổ thành Biên Hòa đóng góp rất quan trọng trong việc bố phòng, trấn an vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai. Thành Biên Hòa là điểm chỉ huy của các cuộc trấn áp đối với sự nổi dậy phá hoại của các tộc người miền núi không tuân phục triều Nguyễn, triều Nguyễn gọi chung là man sách.
Sự biến động này không chỉ làm đau đầu triều Nguyễn mà còn làm cho trăm dân của Biên Hòa lâm vào nạn chiến tranh. Chính từ sau ” sự kiện “ Lê Văn Khôi, 3 năm sau, vua Minh Mạng thấy việc xây thành Biên Hòa “ là công trình trọng đại”, chuẩn cho xây thành Biên Hòa và sai phái trách nhiệm cho nhiều vị tướng quân. Tầm quan trọng của thành Biên Hòa không chỉ bó hẹp trong tỉnh Biên Hòa mà còn của chung khu vực Đông Nam Bộ. Điều này thể hiện sự phân công của vua Minh Mạng đối với các vị quan ở Bình Thuận, Gia Định cùng được điều trông coi.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, bởi xu thế chủ hòa của một số danh tướng đương thời nên đại quân được tăng cường đến, sung quân tại chỗ của Biên Hòa đã không ngăn được bước tiến của quân thù. Cả thành Biên Hòa rơi vào tay giặc và bắt đầu cho thời đọan lịch sử đau thương dười sự thống trị ngoại xâm từ Tây phương. Trong sự kiện này, thành Biên Hòa luôn luôn được đánh giá có một vị trí chiến lược quan trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của giai đọan lịch sử này, nhưng phải cần nhắc rằng, một địa thế quan trọng trong thời điểm lịch sử này là thành Biên Hòa đã không được sử dụng đúng với tầm của chính nó.
Khi thực dân Pháp tái chiếm Biên Hòa, lực lượng vũ trang yêu nước Biên Hòa phối hợp với một số đơn vị khác ở miền Đông Nam Bộ tấn công vào thị xã Biên Hòa vào đầu năm 1946. Trận đánh lịch sử này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp của nhân dân Biên Hòa nói riêng và Nam Bộ nói chung. Tinh thần trận đánh cỗ võ mạnh mẽ cho phong trào tham gia kháng chiến, bất hợp tác với giặc của nhiều tầng lớp nhân dân. Diễn biến trận đánh này chúngta có thể tìm hiểu chi tiết trong nhiều sách sử của Biên Hòa – Đồng Nai, trong lý lịch hồ sơ di tích này. Đây là trận tấn công đầu tiên của lực lượng cách mạng ở Nam Bộ vào một thị xã kể từ khi thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai.
Tôi mạo muội nói dông dài như thề để có cái nhìn về cổ thành này như thế nào cho thật khách quan. Qủa vậy, qua những tư liệu trên, chúng ta nhận thấy rõ những điểm này:
- Về tên gọi, thành Biên Hòa có nhiều tên gọi theo cách dân gian như: thành Cựu, thành Kèn, thành Xăng đá. Tên gọi thành Kèn, thành Xăng Đá gắn với thời Pháp xâm lược, chiếm lấy thành làm nới tập trung quân lính. Thành Cựu tôi nghĩ là người dân Biên Hòa gọi từ khi vua Minh Mạng cho xây thành mới. Có hai vấn đề đặt ra tại đây: thành Cựu do người dân gọi để chỉ thành do Gia Long cho xây từ năm 1816 (?) hoặc cũng có thể để gọi thành bằng đất do Minh Mạng cho xây năm 1834. Như vậy, cái tên gọi thành Cựu chỉ xuất hiện trong hai mốc sau: năm 1834 hoặc năm 1838.
- Thành Biên Hòa được xây dựng từ tháng 6 năm 1834. Ban đầu, thành được đắp đất với một quy mô vừa phải. Đến năm 1838 mới được xây bằng đá ong. Kiến trúc hiện tồn như tường thành và một số cấu kiện kiến trúc khác là của di tích cổ thành xây dựng cách đây 170 năm.
- Trải qua nhiều biến cố, thành Biên Hòa có nhiều thay đổi. Âu đó cũng là số phận chung của vạn vật trong biến đổi dời thay của thời cuộc, xã hội con người. Tổng thể quy mô thành Biên Hòa nguyên khởi không còn được bảo vệ. Đợt thu hẹp đầu tiên là khi quân Pháp chiếm đóng năm 1861, chu vi thành Biên Hòa được thu hẹp chỉ còn 1/ 8. Những cấu kết kiến trúc xây dựng sau này trong phạm vi cổ thành dầu đã bị thu hẹp cũng là những dấu tích có giá trị trong diễn tiến lịch sử của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.
- Cùng với hệ thống bố phòng khác, thành Biên Hòa là một công trình kiến trúc quân sự trung tâm có vị thế chiến lược của vùng Đông Nam Bộ trong chính sách trị an của nhà Nguyễn ở phía Nam của Tổ quốc. Dấu tích cổ thành Biên Hòa ngày nay có giá trị phản ánh được một trong những chiều kích lịch sử trong diễn trình lịch sử của Biên Hòa – Đồng Nai. Ngày nay, trong các thành trì chung của nhà Nguyễn ở Nam Bộ, thành Biên Hòa có lẽ là duy nhất còn để lại những dấu tích cấu kết kiến trúc lớn, khá đặc sắc.
- Chúng ta cũng đừng quên rằng cổ thành Biên Hòa được xây dựng là một đóng góp to lớn của các thế hệ tiền nhân tại Biên Hòa. Trong buổi đầu khởi xây dựng thành bằng đất (năm 1834/ 1.000 người) và xây bằng đá ong (năm 1838/ 4.000 dân) có tổng cộng 5.000 lượt người dân tại Biên Hòa tham gia xây dựng. Đó là thành quả lao động của người dân Biên Hòa – Đồng Nai xưa. Vật liệu xây dựng thành Biên Hòa năm 1838 là vật liệu tại chỗ của Biên Hòa. Loại đá ong với những tảng lớn (hiện nay còn lại một số cạnh tường thành) cho thấy chúng được khai thác, vận chuyển khá kỳ công mà người dân Biên Hòa đã thực hiện. Theo một tài liệu thống kê những năm đầu thế kỷ XX, thì Biên Hòa có hằng trăm chỗ khai thác loại đá ong này nhưng đặc biệt là các làng: Bình Đa, Nhựt Thanh, Tân An, Tân Bản, Bình Dương,, Long Điềm, Phước Tân, An Lợi, Bình Ý, Tân Mai, Vĩnh Cửu, Tân Phong, Bình Thành, Long Thuận, Phước Long, Phước Kiển. Nhân đây xin được nói thêm rằng, trước đây khi nhà Nguyễn tiến hành xây thành Bát Quái tại Gia Định có ba lớp bảo vệ thì lớp trong cùng được xây bằng loại đá ong Biên Hòa (cao 13 thước), chân tường dày 7 trượng 5 thước).
Chúng tôi xin tóm lược dẫn lại một cách tính mà tác giả là Nguyễn Đình Đầu nêu trong Địa chí Thành phố Hồ Chí Minh (Nxb Tp.HCM 1987). Qua nhiều tư liệu (Sách Quan chế của Paulus Của năm 1888, Tự điển Tabert năm 1838 – từ điển này sử dụng tư liệu của một từ điển do Bá Đa Lộc và Hồ Văn Nghị soạn từ trước năm 1790) đã phỏng đoán rằng thước dùng ở Gia Định là thước mộc, quy đổi 1 thước mộc dài 0m487. Nhưng loại thước này chỉ dùng cho đến năm 1805. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi đặt hiệu là Gia Long đã lấy thước cũ thời Lê để định chuẩn chung cho cả nước phải sử dụng, đó là “ quan mộc xích “, thước này dài 0m424.
Tôi thiết nghĩ rằng, thước này vẫn được dùng trong thời vua Minh Mạng. Thành Biên Hòa xây dựng trong thời Minh Mạng nên cách tính, ghi chép theo định chuẩn thước này. Như vậy, khi lấy chuẩn, 1 trượng bằng 4m24, 1 thước bằng 0m424, chúng ta sẽ lược đổi được những thông số về thành Biên Hòa như sau: chu vi 338 m (khoảng 1.433,12 m), tường cao 8 thước 5 tấc (khoảng 3, 604 m), dày 1 trượng (khoảng 4,24 m), hào rộng 4 trượng (khoảng 16,96 m), sâu 6 thước (khoảng 2,544 m). Ý kiến này chúng tôi nêu như một sự tham khảo và rất mong được sự giúp đỡ cho biết thêm của các nhà nghiên cứu.
*
Trên những cơ sở dữ liệu trên, tôi thiết nghĩ dấu tích kiến trúc cổ thành Biên Hòa hiện tồn trong nội ô Biên Hòa hiện nay (phường Quang Vinh) là một di tích lịch sử cần được bảo vệ, tôn tạo và phát huy trong đời sống hiện tại. Sự tồn tại của những dấu tích kiến trúc này là một điều may mắn và tự hào cho địa phương, các nhà quản lý, chuyên ngành trong công tác bảo vệ. Mọi sự so sánh đều khập khiểng nhưng nhân đây, tôi cũng muốn có đôi lời về sự kiện liên quan đến thành cổ Thăng Long trong một khía cạnh. Cổ thành Biên Hòa không có bề dày như hoàng thành của vùng kinh kỳ Thăng Long. Nhưng phải mất thời gian và công sức, phải khai quật từ lòng đất mới tìm thấy vết tích hoàng thành; trong khi ở Biên Hòa, dấu tích lộ thiên trên mặt đất. Diễn trình của vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai chỉ hơn 300 năm có lẻ thì thành Biên Hòa tồn tại 170 năm. Các di tích vật thể loại hình thành trì thời Nguyễn ở Nam Bộ hầu như không còn để lại dấu tích kiến trúc như thành Biên Hòa. Vì vậy, khi bảo vệ di tích này, đây sẽ là một loại hành di tích độc đáo của cả Nam Bộ và có thể phát huy tác dụng hiệu quả cao giá trị của chúng trong các hoạt động liên quan.Nhưng chúng ta bảo vệ như thế nào ? Đó chính là câu hỏi không kém phần quan trọng. Theo tôi được biết, việc bảo vệ di tích này còn có những chỗ “ vướng nhau “ trong công tác quy hoạch đô thị. Khi xã hội phát triển bao giờ cũng có những vấn đề nảy sinh giữa công việc bảo vệ di sản và phát triển mà quan trọng là phát triển đô thị, khi nguồn đất là yếu tố cần thiết. Gía trị di sản là vô cùng quan trọng nhưng không phải vì thế mà nó cản trở cho sự phát triển; song cũng không phải vì phát triển bằng mọi giá mà chúng ta phá bỏ giá trị di sản. Những thiệt hại về kinh tế chúng ta có thể khắc phục được dù có mất nhiều thời gian nhưng giá trị di sản thi không thể. Vì vậy, qua một số tư liệu chúng tôi tham khảo, một số nơi khi tiến hành quy hoạch phát triển, công tác điều tra di sản thường được thực hiện trước. Đối với di tích thành cổ Biên Hòa, chúng tôi đề nghị giữ nguyên hiện trạng của di tích trong hồ sơ khoanh vùng bảo vệ. Như thế, có nghĩa một số chi tiết về quy hoạch đô thị liên quan đến di tích thành Biên Hòa cần được điều chỉnh. Hẳn mọi công dân của Biên Hòa sẽ rất vui sướng khi thấy thành phố Biên Hòa phát triển với những quy hoạch khoa học, hiện đại. Và người dân sẽ càng tự hào hơn nữa khi trong đô thị hiện đại ấy bảo lưu những giá trị di sản độc đáo của nơi mình đang sống. Một khoảng của chiều kích lịch sử gắn liền với công sức của tiền nhân, những sự kiện lịch sử được hiển hiện trong lòng một đô thị mới và giá trị di sản ấy được giữ gìn cho muôn đời sau dù cuộc sống, xã hội có phát triển đến mức nào.
Di tích thành cổ Biên Hòa được bảo vệ sẽ làm phong phú thêm danh mục di tích của thành phố Biên Hòa và là một loại hình di tích độc đáo. Trong tương lai, chắc chắn thành phố Biên Hòa sẽ phát triển hơn hiện tại. Hiện nay, thành phố Biên Hòa đã là đô thị loại II trải qua 11 năm (1993 –2004). Hoạt động văn hóa thành phố này chắc chắn sẽ phát triển theo hướng tích cực và tất yếu phù hợp với sự phát triển chung của địa phương. Vì vậy, di tích thành cổ Biên Hòa sẽ có cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát huy hơn. Tôi cũng mạo muội nêu lên ý này: Chúng ta có thể tôn tạo, sử dụng những cấu kết kiến trúc trong phạm vi di tích thành Biên Hòa thành Bảo tàng và hình thành một điểm sinh hoạt văn hóa của thành phố Biên Hòa. Bộ sưu tập súng thần công, đại bác hiện nay tại Bảo tàng Đồng Nai chuyển về đây trưng bày sẽ tăng thêm ý nghĩa, giá trị của chúng. Nội dung cấu kết trưng bày tại di tích sẽ rất phong phú khi thể hiện lịch sử vùng đất Biên Hòa và tôn vinh những danh tướng có công với xứ sở này. Đây cũng có thể được xem như một Võ miếu – vốn di tích là thành trì quân sự, trong khi chúng ta đã xây dựng một công trình vănhóa - Văn miếu.
Ths Phan Đình Dũng
Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Ảnh: Phạm Hoài Nhân
Thành cổ Biên Hòa
Du khách đi Nha Trang khi gần đến trung tâm thành phố sẽ qua một nơi gọi là Ngã ba Thành, vì vậy khi dạo chơi ở thành phố Biên Hòa sẽ ngạc nhiên khi nghe nói: Tới Ngã ba Thành rồi!
Ồ, ở Biên Hòa cũng có Ngã ba Thành, nhưng đó là Thành Kèn (chứ không phải thành Diên Khánh ở Nha Trang). Gọi là ngã ba Thành vì nơi đó có một ngôi thành cổ, rất cổ - có thể coi là cổ nhất của Nam bộ. Thành cổ Biên Hòa nằm ngay giữa thành phố Biên Hòa hiện đại. Bơ vơ. Điêu tàn. Thành cổ nằm ở đường Phan Chu Trinh, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa. Nếu bạn không chú ý, bạn sẽ không thấy thành cổ mà chỉ thấy siêu thị, chợ, và những tòa nhà mới xây to đẹp, còn thành cổ thì nằm khiêm tốn, khuất sau cổng của... Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Đồng Nai. Vết tích còn lại là một vòng thành được xây dựng bằng đá ong, bên trong có ngôi nhà kiến trúc theo kiểu Pháp. Thành cổ ở đó, như một lão già sắp tàn hơi, nằm nghiền ngẫm sự đời qua bao thế kỷ, và nhìn đám hậu sinh đang xôn xao giữa chốn phồn hoa.
Thành cổ Biên Hòa được xây dựng từ năm nào?
Theo thư tịch cổ, từ thế kỷ 14-15, thành do dân Lạp Man xây đắp bằng đất với tên gọi "Thành Cựu". Thời nhà Nguyễn, thành được xây dựng lại trên nền Thành Cựu, có mở rộng hơn, với tên gọi thành Biên Hòa. Theo tác giả Lương Văn Lựu viết trong Biên Hòa sử lược, thì "Thành được xây dựng vào năm Gia Long thứ 15 (tức 1816) tại địa hạt thôn Bàn Lân (thôn Tân Lân) huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa cũng với tên gọi là "Thành Cựu" do dân Lạp Man xây đắp bằng đất. Chu vi thành dài 338 trượng, cao 8 thước 5 tấc, dày 1 trượng. Hào xung quanh rộng 4 trượng, sâu 6 thước. Thành có 4 cửa và một kỳ đài (phía chánh điện). Mỗi cửa ngõ có bắc một cầu đá ngang qua hào để làm lối lưu thông ra vào". Thành được xây theo hình cánh cung, đến năm Minh Mạng thứ 18 (tức 1837), Thành Cựu được xây dựng lại bằng đá ong và đổi tên thành Thành Biên Hòa.
Khi Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam bộ, Thành Biên Hòa trở thành nơi phòng ngự, phản công địch của quan quân nhà Nguyễn. Tháng 12-1861, Thành Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp. Trong thời gian chiếm đóng, quân đội Pháp tiến hành xây dựng lại, thu gọn chu vị thành còn 1/8 so với trước và gọi là thành "Xăng đá", phiên âm từ tiếng Pháp Soldat - nghĩa là "Thành Lính". Hào phía đông được lấp đất lại xây cất phố xá và một số doanh trại, biệt thự, nhà thương... trong nội thành cho sĩ quan cao cấp và quân đội Pháp ở. Buổi sáng lính thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên dân địa phương còn gọi là Thành Kèn.
Những tài liệu nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước đều cho biết, Thành Biên Hòa có một vị trí rất quan trọng trên nhiều mặt. Đây là ngôi thành cổ duy nhất ở Đồng Nai còn sót lại trên đất Nam bộ. Nơi đây đã ghi dấu ấn nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong cuộc khai phá đất Đàng Trong thời chúa Nguyễn, cũng như giai đoạn chống Pháp và Mỹ sau này.
Việc phát triển du lịch ở Biên Hòa chưa tốt lắm, trong các tour du lịch Đồng Nai cũng không thấy điểm đến là Thành Kèn - và hơn nữa, nếu bạn ham vui thì đến đây rất buồn chán. Nó cứ bùi ngùi như "Nền cũ lâu đài bóng tịch dương". Nhưng tôi xin bạn, nếu có dịp ghé đến Biên Hòa, hãy bỏ chút thời giờ đến đây đi. Bởi vì có thể ngày nào đó Thành cổ Biên Hòa hoặc sẽ sụp đổ, hoặc sẽ được trùng tu lại mới mẻ hơn, và bạn đến đây sẽ không còn cảm giác: |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét