Hiện nay, di tích tọa lạc trên đường 30/4, gần Quảng trường Sông Phố, thuộc phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa. Đây là công trình kiến trúc được xây dựng năm 1936 do viên chủ tỉnh Biên Hòa người Pháp Bolen chủ trương. Nơi đây được dùng làm chỗ hội họp của hương chức, hội tề địa phương thời bấy giờ.
Kiến trúc của di tích khá độc đáo, được xây dựng bởi những nghệ nhân về nghề xây dựng, gốm của Biên Hòa. Trong tổng thể của di tích, nổi bật lên những mang trang trí về nghệ thuật gốm, điêu khắc gỗ. Những bức phù điêu gốm với đề tài truyền thống xã hội Việt Nam được thực hiện công phu, sắc sảo. Những mảng kiến trúc gỗ được thể hiện sự tinh tế, chúng vừa thể hiện hiệu quả tính công năng sử dụng vừa làm tăng vẻ đẹp kiến trúc bởi nghệ thuật điêu khắc trang trí.
Di tích này ghi dấu một sự kiện lịch sử quan trọng của cách mạng Biên Hòa. Nơi đây, vào ngày 23 tháng 9 năm 1945, Hội nghị cán bộ tỉnh Biên Hòa quyết định thành lập Tỉnh ủy đầu tiên sau khi giành được chính quyền vào tháng Tám năm 1945. Đồng chí Hà Huy Giáp – đại diện Xứ ủy Nam Kỳ đã đến dự.
Hội nghị này đã đề ra những chủ trương và nhiệm vụ trọng yếu cho việc chính quyền đi vào hoạt động hiệu quả những ngày đầu đất được độc lập: Gấp rút xây dựng và củng cố chính quyền các cấp, ổn định đời sống nhân dân; Vận động các nhà tư sản, công chứ cũ tham gia xây dựng cuộc sống mới; trả tự do cho tù chính trị, phóng thích một số tù thường phạm; Bãi bỏ những sắc thuế bất công; Dự trữ lương thực để kháng chiến chống Pháp; Xây dựng lực lượng vũ trang; Xây dựng chiến khu kháng chiến….Đây là một trong những sự kiện quan trọng của Biên Hòa trong thời kỳ đầu giành độc lập và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai.
Di tích Nhà hội Bình Trước được xếp hạng cấp quốc gia theo quyết định số 2307/QĐ của Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao ngày 30 tháng 12 năm 1991.
Phan Đình Dũng & Nguyễn Thành Lợi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét