(TNO) Một người lính đã biến đảo vắng thành điểm du lịch hấp dẫn ở huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), vừa thu hút khách du lịch vừa trở thành tiền đồn để góp phần gìn giữ chủ quyền.
Mặt tiền đảo Cô Tô con. Nhà sàn được thượng úy Lộc dựng lên để làm du lịch
|
Cô Tô con thuộc huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), nằm cách đảo Cô Tô lớn chừng 1 km. Đảo có những bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp với những bãi cát trắng trải dài. Muốn đến Cô Tô con, nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch, du khách phải mất hơn một giờ đi tàu cao tốc xuất phát từ bến tàu ở huyện Vân Đồn ra đảo Cô Tô lớn, rồi từ đây mất hơn 20 - 30 phút đi xuồng máy mới đến nơi.
Lính đồn ra đảo làm du lịch
Thượng úy Lê Quý Lộc công tác ở huyện đội Cô Tô từ năm 2009. Năm 2011, anh Lộc sang Cô Tô con công tác. Xong việc, thấy bãi biển quá đẹp, anh cùng đồng đội xuống tắm. Lên bờ, bụng đói cồn cào nhưng tìm mãi Lộc mà không có gì để lấp đầy cái bụng đói cồn cào. Ý tưởng làm du lịch ở Cô Tô con bắt đầu lóe lên trong đầu người lính xuất thân từ vùng quê lúa Thái Bình đam mê chăn nuôi, trồng trọt và làm du lịch.
Đảo Cô Tô con có những bãi biển với những bờ cát trằng hút khách du lịch
|
Đàn heo nuôi trên đảo
|
“Tắm xong lên bờ anh em bảo giờ biển đẹp thế này, cảnh vật thơ mộng thế kia. Mọi người ước gì có tô mì tôm giá 50.000 đồng cũng mua nhưng vô vọng. Lúc đó trên đảo hoang vu lắm. Lâu lâu mới có người đi biển ghé vào tránh mưa bão. Đó chính là lý do tôi có ý tưởng làm du lịch ở Cô Tô con”, anh Lộc nói.
|
Nói là làm, về thị trấn, thượng úy Lộc xin đơn vị ra đảo vừa canh giữ đảo kết hợp với trồng trọt, chăn nuôi, sau đó mới tính đến chuyện làm du lịch. Cũng may lãnh đạo huyện đội đồng ý. Ra đảo việc đầu tiên của Lộc là sửa lại căn nhà để che nắng che mưa. Sau đó anh bắt tay vào chăn nuôi bò, dê, heo (lợn) và gà. Heo được Lộc lặn lội mua giống heo mán tận miền núi tỉnh Hòa Bình, còn bò, dê, gà đưa giống từ đất liền ra. Đến nay, chỉ riêng chăn nuôi, Lộc đã có “cơ ngơi” kha khá với 10 con bò, 100 con dê, 60 con heo rừng và hơn 1.000 con gà.
Để phát triển du lịch, Lộc đào hai giếng nước và xây bể nước dự trữ, lắp máy phát điện và hệ thống điện năng lượng mặt trời. Lộc cất công vào đất liền mua nhà sàn gỗ đưa ra đảo sửa sang lại để có chỗ cho khách nghỉ ngơi.
Anh tự mình xây 8 nhà tắm, 4 nhà vệ sinh ở trên đảo. Ngoài thời gian canh gác ở đảo, Lộc sắp xếp thời gian xin đơn vị học nấu ăn 6 tháng ở Hòn Gai để biết cách chế biến các món ăn.
Bếp Hoàng Cầm, cá làng chài
Đến nay, dịch vụ du lịch ở Cô Tô con phục vụ khách khá chuyên nghiệp. Du khách ra đảo sau khi ngắm cảnh, chụp hình, tắm biển… sẽ được phục vụ đồ ăn ngay lập tức. Heo, bò, gà… được nuôi trên đảo, còn đồ hải sản tươi sống đánh bắt từ dưới biển lên.
Nướng heo phục vụ khách du lịch
|
Bếp trưởng Lộc có hai món sở trường để “dụ” khách là cơm nấu bằng bếp củi, theo kiểu “bếp Hoàng Cầm” cho nhiều cháy khiến khách ở thành thị rất thích và canh cá nấu kiểu làng chài không hề cho gia vị mà chỉ có muối cộng với lá chua rừng. Một món không thể thiếu trong bàn nhậu là cá nướng ướp với lá bong mật hái trên đảo.
Buổi tối, chương trình tour trên đảo sẽ được chàng “Robinson” thiết kế: khách sẽ đi câu mực, đánh lưới bằng thuyền thúng, bắt ghẹ đá, còng gió…, sau đó sẽ đốt lửa trại nướng ăn tại biển. Đêm đến, nếu không thích ngủ trong nhà sàn du khách sẽ được phát ghế bố, gối, mùng, mền ngủ theo “kiểu bộ đội” ngay cạnh bãi biển để tận hưởng không khí thiên nhiên trong lành.
Nướng heo phục vụ khách du lịch
|
“Cô Tô con có hai eo biển rất đẹp, nước cạn và trong xanh, tắm rất an toàn. Đặc biệt ở cửa bãi Ngọc Trai, khi mặt trời lặn nước từ màu xanh đổi sang màu hồng tạo ra cảm giác huyền bí, lung linh, huyền ảo. Đảo cũng đón rất nhiều cặp vợ chồng ra đây chụp ảnh cưới”, anh Lộc nói.
Thiên nhiên ưu đãi cộng với sự mến khách của người “chủ đảo” đã ngày càng thu hút khách đến với Cô Tô con. Năm 2013, đảo đón khoảng 3.000 khách nhưng năm 2014 đón hơn 8.000 khách. Thống kê cứ 10 người ra đảo Cô Tô lớn (thị trấn Cô Tô) thì có 6 khách ghé Cô Tô con. Đa phần khách đến Cô Tô con từ 30.4 kéo dài đến sau lễ 2.9.
Khách đến quá đông, mình chàng “Robinson” làm không xuể, phải kêu thêm người em con chú ra phụ. Ở dịp cao điểm đông khách, anh còn phải thuê hẳn một bếp trưởng có thâm niên 10 năm ra đảo nấu nướng phục vụ khách.
“Nếu báo trước, khách ra sẽ có đồ ăn ngay, còn không xuống tắm biển lên sẽ có đồ ăn. Lúc đông khách, tôi phải thuê 18 người ra đảo phục vụ mới kịp. Khách càng ngày càng đông, có người đã ra đảo tới 3 lần vẫn muốn quay lại”, anh Lộc tâm sự.
Hiện tại hệ thống nhà sàn trên đảo có 6 phòng riêng, 4 phòng tập thể với sức chứa lên tới 150 người. Mỗi khách nghỉ qua đêm chỉ cần bỏ ra 60.000 đồng/người. Dự tính Lộc sẽ mở rộng trang trại chăn nuôi, xây dựng thêm nhà sàn và làm các chòi lá sát bờ biển để phục vụ khách. Anh còn có ý tưởng nuôi ngựa bạch để khách có nhu cầu cưỡi ngựa chụp ảnh, đặc biệt dành cho các đôi lứa chụp hình cưới.
Đón tết ở đảo
Những ngày đông khách chóng qua đi. Mùa đông đến, mưa gió bão bùng triền miên, đảo hầu như không có khách. Lúc này trông Lộc chẳng khác gì chàng Robinson một mình sống giữa đảo hoang.
Nhà sàn được dựng lên phục vụ khác nghỉ qua đêm ở đảo
|
5 giờ sáng, anh có nhiệm vụ đi hết một vòng Cô Tô con rộng chừng 5 km2 với làm nhiệm vụ bảo vệ đảo. Sau đó anh mới về “đại bản doanh” làm những việc, xây cất, tính toán cho mùa du lịch tới. Lộc kể có năm mưa bão to, bầy heo rừng chui vào nhà kho tìm chỗ trú ẩn rồi xơi luôn mấy bao gạo dự trữ khiến mấy ngày anh không có gạo nấu ăn và phải “cầu cứu” đồng đội chi viện lương thực.
Thượng úy Lộc – “chàng Robinson” ở đảo Cô Tô con
|
Buồn nhưng thích nhất vẫn là những ngày giáp tết. Dịp này, những ngư dân đánh bắt cá gần Cô Tô con về hết khiến cá kéo về đảo nhiều vô kể. Lộc kể sáng đầu tiên chứng kiến cảnh từng đàn cá kéo vào cách bờ chừng 1-2 m, búng nước mù trời, anh dường như không tin vào mắt mình. Lộc cùng với vợ đem lưới ra thả. Cả mùa tết gia đình Lộc bắt được chừng vài tạ cá, chủ yếu cá chỉ vàng. Cá sau đó được làm sạch, phơi khô rồi đem bán cho khách kiếm thêm thu nhập.
Trung Hiếu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét