Nếu muốn tham gia những lễ hội độc đáo đầu xuân, du khách đến Quảng Bình xem hội đập trống hay Lạng Sơn xem hội Ná Nhèm (mặt nhọ) và tham gia nhiều trò chơi dân gian đặc sắc.
Vào ngày 15 tháng giêng hàng năm, lễ hội Ná Nhèm (trong tiếng Tày có nghĩa là "mặt nhọ") diễn ra ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn. Thực chất đây là nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng làng và là lễ hội cầu an, cầu mùa đầu năm mới.
Điều đặc biệt là khi tham gia lễ hội, nam giới trong làng sẽ bôi nhọ lên mặt, thể hiện khuôn mặt giặc "Sấc Tài Ngàn" và tham gia đánh trận giả, tái hiện sự tích đánh giặc giữ làng của cha ông. Dân làng tin rằng làm như thế sẽ đánh lạc hướng những linh hồn ma giặc, qua lễ hội sẽ không còn ma nào biết ai đã diễn lại hình dạng và sự thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây họa cho họ cùng gia đình.
Lễ hội diễn ra từ rạng sáng cho tới lúc trời tối, bắt đầu bằng các nghi thức trang trọng gồm: Tế lễ Thành hoàng làng và lễ rước quân từ đình Làng Mỏ đến miếu Xa Vùn. Tại đám rước, ông Mo, ông Hội và 4 người rước ngai không phải bôi mặt nhọ. Riêng hai ông Chánh tướng phải lấy thuốc nhuộm cho răng đỏ giống với lũ giặc khi xưa.
Theo tín ngưỡng của làng, khi tái hiện tích truyện giữ làng khi xưa, việc bôi mặt nhọ sẽ giúp dân làng tránh được điều không may xảy đến trong năm mới. Ảnh: Chân Dung
|
Ngoài ra, lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian đặc sắc như: Trò đánh trận tập và cống hiến lễ vật, trò Sỹ - Nông - Công Thương, kén dâu kén rể, đánh đu, đánh cờ....
Lễ hội Đập Trống, Quảng Bình
Đập trống là một lễ hội của người Ma Coong tại Bố Trạch, miền Tây Quảng Bình, diễn ra vào ngày 16 tháng giêng hằng năm. Theo truyền thuyết, lễ hội bắt nguồn từ việc loài khỉ vàng thường xuyên phá hoại mùa màng của người Ma Coong. Để đuổi khỉ ác, đồng bào nơi đây chung sức làm một chiếc trống lớn rồi khiêng lên rẫy, thay nhau đánh suốt ngày đêm. Tiếng trống làm rung chuyển cả núi rừng khiến khỉ vàng vô cùng sợ hãi, cắm đầu chạy mãi, không dám quay trở lại quấy phá dân bản nữa. Tại đêm hội, trai làng thi nhau đập trống để cầu mưa thuận gió hoà, ngô lúa tốt tươi, người người khỏe mạnh.
Đặc biệt dịp này mọi người có thể hẹn hò, tình tự “hợp pháp” với nhau một đêm ở trong rừng. Ảnh: Phamphuthep
|
Lễ hội đập trống còn là ngày hội của các đôi yêu nhau hay đang tìm hiểu bởi đêm hội, trai gái có dịp hò hẹn với nhau ở trong rừng mà không sợ bị cha mẹ, dân làng cấm đoán. Sau khi tìm hiểu nhau, nếu ưng cái bụng thì họ cùng nhau ước hẹn để chọn ngày đẹp về bên nhau xây dựng hạnh phúc gia đình.
3. Lễ hội chùa Hương, Hà Nội
Có 4 tuyến tham quan khu thắng cảnh Hương Sơn. Ảnh: Hoàng Việt
|
- Thời gian: Ngày mồng 6 tháng giêng là khai hội và kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Cao điểm của lễ hội là từ rằm tháng giêng đến 18/2 âm lịch.
- Hoạt động: Hàng năm, mỗi độ xuân về trên núi rừng Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, hàng triệu Phật tử cùng du khách bốn phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãn cảnh non tiên cõi Phật.
4. Lễ hội đền Cổ Loa, Hà Nội
Hội được tổ chức nhân ngày kỷ niệm Thục Phán nhập cung. Ảnh: Huỳnh Mai
|
- Thời gian: Lễ hội Cổ Loa được tổ chức hàng năm, từ ngày 6 đến 16 tháng giêng
- Hoạt động: Hát ca trù, hát tuồng, buổi tối đốt pháo hoa. Trong những ngày hội, nhân dân quanh vùng cùng khách thập phương đến xem rất đông. Lễ hội khép lại với nghi thức tế tạ trời đất, mọi người ai nấy ra về trong niềm phấn khởi sau một chuyến du xuân thú vị.
5. Lễ hội đền Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội
Theo truyền thuyết, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn là nơi dừng chân cuối cùng trước khi Thánh Gióng về trời. Ảnh: Phạm Hùng
|
- Thời gian: Diễn ra vào mồng 6 tháng giêng hằng năm, trong ba ngày.
- Hoạt động: Lễ hội diễn ra với đầy đủ các nghi lễ truyền thống nhằm tưởng niệm và nhớ ơn người anh hùng làng Gióng đã có công đánh giặc cứu nước.
6. Hội Lim, Bắc Ninh
Lễ hội tổ chức trên địa bàn huyện Tiên Du. Ảnh: Ducvinhtravel
|
- Thời gian: Chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm.
- Hoạt động: Hội Lim là lễ hội đặc sắc của vùng quan họ, đến hội, du khách không chỉ được lắng nghe những câu hát quan họ say đắm lòng người, từ hát mời trầu, gọi đò đến con sáo sang sông, giã bạn mà còn được tham gia nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, nấu cơm...
7. Hội Đền Trần, Nam Định
Hội được mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ảnh: Hưng Hà
|
- Thời gian: Lễ hội ở đền Trần thường diễn ra trong ba ngày, từ 13 đến 15 tháng giêng âm lịch hàng năm.
- Hoạt động: Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin hoặc mua tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp.
8. Lễ hội bà Chúa Kho, Bắc Ninh
Lễ hội thu hút phần lớn những người làm kinh doanh, buôn bán ở khắp miền Bắc. Ảnh: Thành An
|
- Thời gian: Tổ chức vào ngày 14 tháng giêng âm lịch tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh.
- Hoạt động: Tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống, tổ chức hát Quan họ tại các lán trại, tại cửa đình, cửa chùa, gia đình các nghệ nhân, trên sân khấu và hát Quan họ dưới thuyền… Bên cạnh đó, ban tổ chức lễ hội còn tổ chức thi dệt cửi, thi cờ người, tổ tôm điếm và các trò chơi dân gian: Đu tiên, bịt mắt bắt dê, đập niêu, chọi gà, kéo co…
9. Lễ hội chọi trâu Hải Lựu, Vĩnh Phúc
Đây được xem là lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam. Ảnh: Khương Việt Hà.
|
- Thời gian: Diễn ra vào ngày 17 tháng giêng hàng năm tại xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.
- Hoạt động: Gồm 2 phần là tế lễ và thi chọi trâu. Sau đó, du khách có thể mua thịt trâu chọi sau trận đấu.
10. Lễ hội làng Thổ Hà, Bắc Giang
Lễ hội suy tôn Thành Hoàng làng được ổ chức tại Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên. Ảnh: Vietyen.gov
|
- Thời gian: ngày 20 - 22 tháng giêng âm lịch hằng năm.
- Hoạt động: Hội gồm có lễ rước, tế lễ, hát chầu văn, diễn tuồng, bơi thuyền hát quan họ trên sông, đấu vật, cờ tướng, chọi gà… Làng có đoàn tuồng cổ, cũng là nơi duy nhất ở Bắc Giang còn lưu giữ được nghệ thuật tuồng cổ đến ngày nay.
Lê Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét