Năm nào cũng vậy, khi các ngày lễ chính của Tết đã qua đi, đến mùng 7 tháng Giêng là đình Thanh Khê làng tôi lại long trọng tổ chức lễ khai sơn với quan niệm xua đi những rủi ro trong năm cũ để đón năm mới với nhiều thuận lợi, may mắn hơn.
Trước khi bắt đầu lễ tế chính thức, mọi người trong chức sắc (còn gọi là Ban trị sự đình) tề tụ đông đủ về đình để lo đầy đủ các lễ vật chuẩn bị “Khai sơn” vào lúc 12 giờ trưa ngày mùng 7 tháng Giêng. Những người dân làng tôi dù không nằm trong hương chức đình cũng tụ hội về về đình cùng với Ban trị sự tiến hành lễ khai sơn sao cho thật long trọng.
Đúng 12 giờ trưa, khi có 1 hồi trống vang lên báo hiệu đã đến giờ hành lễ. Mâm lễ vật gồm có xôi, bánh, hoa, quả, rượu… đặc biệt phải có cái đầu con heo nằm chính giữa mâm. Khi Chánh bái (một chức sắc lớn nhất trong đình) thắp hương khấn nguyện thì cũng là lúc các hương chức trong đình cùng nhau đọc theo lời của Chánh bái.
Mọi người đứng xung quanh mâm lễ cũng chắp tay khấn nguyện cầu cho năm mới gặp nhiều may mắn, bình an.
Thường thì “hành lễ” chỉ kéo dài khoảng 1 giờ, sau đó mọi người lấy chiếc tàu (loại bè được kết bằng thân cây chuối), trang trọng đặt mâm lễ vật rồi mang ra thả xuống sông. Theo phong tục lễ, mọi người xếp thành 2 hàng dài nối đuôi nhau, tiếp tục đọc bài khấn rồi cùng nhau thả chiếc tàu mang mâm lễ trôi nhẹ trên dòng sông phái trước đình làng. Lúc này đây, Chánh bái có nhiệm vụ đánh 3 hồi trống âm vang động cả xóm làng.
Theo quan niệm của dân làng, 3 hồi trống ấy báo hiệu thời khắc mọi người sẽ bắt tay vào chuyện đồng áng, ruộng nương.
Với sự tò mò của mình, đám trẻ làng tôi đua nhau chạy theo chiếc tàu có mâm lễ phẩm đang được đoàn rước nghiêm cẩn từ từ thả trôi nhè nhẹ xuống dòng sông. Khi bè chuối đã trôi dần xa, có đứa nghịch ngợm còn dùng đất ném theo, làm cho cái đầu heo trên tàu lắc lư, chao đảo; vậy là đám trẻ lại có dịp cười vang thỏa thích.
Theo những người cao niên ở làng tôi kể lại, lễ vật trên chiếc tàu được đan kết bằng thân cây chuối ấy là để cúng chứ không được ăn. Dân làng quan niệm rằng, nếu ai không tin tưởng “đụng” vào mâm lễ ấy thì sẽ gặp những điều không may mắn trong suốt 1 năm. Vì đó là những lễ vật mà dân làng tế cho Thủy Thần (còn gọi là Thần Nước) cầu mong mua may bán đắt khi trao đổi hàng hóa bằng phương tiện ghe xuồng.
Giờ đây, người dân làng đình Thanh Khê quê tôi vẫn luôn giữ tục lệ cúng "Khai sơn" tại đình làng như vậy và luôn được tiến hành một cách trân trọng, trang nghiêm. Chính quyền địa phương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi và có nhiều biện pháp để duy trì và phát triển lễ hội "Khai sơn" sao cho phù hợp với tục lệ và nét văn hoá truyền thống vốn có của đình làng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét