Năm nào cũng vậy, mỗi khi Tết đến xuân về, đồng bào dân tộc Thái trắng Tây Bắc lại tất bật, náo nhiệt đón năm mới. Cách đón năm mới của đồng bào cũng rất riêng và độc đáo.
Tết đến xuân về, tại các gia đình đồng bào Thái trắng Tây Bắc, ai nấy đều hối hả sửa sang lại nhà cửa, quét dọn, trang trí và sắp xếp lại đồ đạc làm cho ngôi nhà của mình đẹp mắt, ấm cúng.
Những nồi rượu ủ từ lá men rừng cũng được bà con chưng cất suốt cả ngày đêm cuối tháng Chạp. Tất cả các công việc đồng áng hay nương rẫy được khẩn trương kết thúc để nhìn lại những thành quả của một năm lao động sản xuất.
Cách đón năm mới của đồng bào cũng rất riêng và độc đáo, mang đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình. |
Đặc biệt, ngày Tết của đồng bào Thái trắng Tây Bắc không thể thiếu các loại bánh truyền thống như bánh chưng được gói từ gạo nếp, nhân đỗ, thịt lợn. Nhưng bánh chưng của đồng bào không phải như bánh tét miền Nam hay bánh vuông miền Bắc mà là những chiếc bánh chưng gù.
Bánh bỏng, được làm từ xôi nếp, phơi khô rán. Còn “khảu tắt”, một loại bánh đặc trưng được chế biến từ gạo nếp ngâm, ăn ngon được nhiều người ưa chuộng chỉ có ở người Thái.
Làm bánh ngày Tết không chỉ đơn thuần là món ăn truyền thống mà còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ, chu đáo của phụ nữ dân tộc Thái.
Bà Lò Thị Viễn ở Bản Chăm, xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: “Muốn cho bánh ngon trước hết ta phải chọn gạo nếp dẻo, hạt đều, không lẫn hạt tẻ rồi ngâm từ tối hôm trước và sáng hôm sau đồ rồi trải qua các công đoạn giã, lăn, cắt, phơi, tẩm đường …”.
Ngày 30 Tết, ngay từ sáng sớm nhà nào cũng mổ một con lợn. Bốn chân và đầu đuôi để cúng tổ tiên, phần nạc làm thịt sấy, ba chỉ ướp muối, còn phần vừa mỡ vừa nạc làm lạp sườn, làm nem thính... Tất cả các món ăn truyền thống không chỉ ăn ngay trong mấy ngày Tết, mà còn treo gác bếp để ra giêng.
Nhà nào có nhiều thịt, để được lâu được coi là Tết to. Các món ăn truyền thống được các mẹ, các chị khéo tay chế biến với mắc khén (Tiêu rừng), ớt bột, thảo quả, hương thơm quyến rũ.
Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ cùng ngồi quây quần bên mâm cỗ. |
Với đồng bào Thái trắng, mâm cỗ cúng tổ tiên được đồng bào rất coi trọng. Ngoài mâm cỗ thủ và bốn chân lợn, bánh trái ngày Tết, dân tộc Thái còn có “bók piếng”, tức là một loài hoa bông nhỏ màu trắng không héo để thờ cúng trên bàn thờ quanh năm và hai cây mía (cả lá) dựng hai bên bàn thờ.
Theo quan niệm của người Thái, hai cây mía tượng trưng cho chiếc thang để tổ tiên về ăn Tết cùng với con cháu. Nói về tục cúng lễ tổ tiên ngày Tết, ông Nông Văn Miên, Bản Chăm, xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: “Nhà nào cũng sắm đầy đủ lễ theo truyền thống: các loại bánh trái hoa quả, có thủ lợn, xôi, rượu…
Việc thờ cúng tổ tiên ngày Tết của dân tộc Thái vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa thể hiện sự sung túc, no đủ, đồng thời thể hiện lòng thành con cháu nhớ về cội nguồn, tổ tiên. Khi thu mâm cỗ hoá vàng thì mời anh em bản mường về chung vui bữa cơm đầu xuân, năm mới...”.
Tết đến xuân về, khắp bản trên mường dưới, bà con quây quần bên nhau nghe tiếng tính tẩu hòa với điệu khắp dân ca da diết, cùng thưởng thức món ngon truyền thống, mời nhau những chén rượu nồng, chúc cho mọi người khỏe mạnh, bản mường yên vui.
Theo Thúy Ngoạn/VOV.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét