Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Thơm ngon vị bánh gai Nam Định ngày Tết

Ngoài những đặc sản nổi tiếng như nem nắm Giao Thủy, gỏi nhệch Nghĩa Hưng, bánh cuốn, phở bò... Nam Định còn có một đặc sản khác mà người dân nơi đây thường làm vào mỗi dịp Tết đến Xuân về để thưởng thức, biếu tặng nhau, đó là bánh gai.
Với rất nhiều người dân trong tỉnh, những người con xa xứ cũng như du khách, bánh gai Nam Định là món quà không thể thiếu mỗi lần về thăm quê. Mỗi dịp Tết đến, ngoài gói bánh chưng theo phong tục truyền thống, nhiều gia đình còn gói bánh gai làm quà, mời khách tới chơi nhà như một cách "khoe khéo" đặc sản quê hương cũng như tay nghề gói bánh của gia chủ.
Chị Bích Thủy (trái ảnh) ở xã Nam Hồng, huyện Nam Trực đang làm bánh gai.
Nguyên liệu làm bánh gai gồm bột nếp, mật mía, lá chuối, đậu xanh, thịt mỡ, vừng, dừa nạo thành sợi và không thể thiếu lá gai. Lá gai sau khi thu hoạch được rửa sạch, băm vụn rồi mang luộc chín, vắt khô trộn với mật ủ từ 5 ngày đến 1 tuần cho ngấm.

Bột nếp làm bánh cũng phải là một đặc sản khác của địa phương: gạo nếp Hải Hậu. Trước đây khi chưa có máy nghiền bột, người ta cho gạo nếp vào cối xay rồi rây mịn. Trộn phần lá đã ngâm mật với bột rồi nhào nhuyễn, công đoạn này dân gian gọi là "vật bột", nếu thấy khô thì cho thêm nước ấm, càng nhào kỹ, bột bánh càng dẻo, dai và thấm đều màu đen của lá gai.
Những chiếc bánh đầu tiên đã hoàn thành.
Phần nhân của bánh gai là một hỗn hợp tạo nên vị thơm ngon đặc biệt cho bánh và cũng là bí quyết riêng của nhiều gia đình. Thông thường, đỗ xanh được xay vỡ đôi, ngâm nước rồi đãi tách vỏ, sau đó cho vào chõ đồ chín, đổ ra mâm để nguội. Trộn đường kính, va-ni vào đỗ rồi giã nhuyễn.

Mỡ lợn làm nhân bánh là loại mỡ khổ, được thái hạt lựu, nắm đỗ thành từng nắm bằng quả cam nhỏ, ở giữa cho vài ba miếng mỡ lợn và dừa nạo sợi, đắp bột bánh bao quanh sao cho độ dày bột bánh khoảng 5-7 mm là vừa. Rắc vừng rang lên mâm rồi lăn đều cho phủ khắp bánh. Thao tác này vừa giúp tăng độ thơm ngon, vừa chống dính giúp dễ dàng khi bóc bánh.

Lá chuối gói bánh gai cũng phải lựa chọn kỹ càng, gồm hai loại: lá gói và lá bọc. Theo chị Bích Thủy, ở xóm Hồng Phong, xã Nam Hồng (Nam Trực) thì một bí quyết nữa đó là gói bánh gai càng dầy lá càng ngon. Lá gói bánh phải là lá chuối tây, phần lá gói chỉ hơi úa vàng, lớp lá bọc hơi ngả vàng nâu. Sau khi bọc lá vào viên bánh, người ta ấn nhẹ để dàn mỏng bánh rồi gấp cuộn lại sao cho mỗi chiều bánh vuông vức, dài đều khoảng 10 cm là đẹp.

Luộc bánh cũng có bí quyết riêng, lửa phải đều, xếp bánh vào nồi, đổ ngập nước đun tới lúc sôi thì thắp một nén nhang để... tính giờ. Nồi bánh sôi khoảng 2 tuần nhang là đã chín, vớt ra rổ để ráo nước rồi người chủ gia đình, thường là người ông, người cha trịnh trọng bày một đĩa lên ban thờ, thắp nến nhang mời gia tiên về ăn Tết cùng con cháu.
Chu Hồng Châu (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét