Người xưa có phép chơi tranh trong ngày Tết hết sức độc đáo. Từ nội dung đến vị trí treo tranh, thậm chí ngày giờ “lên tranh” đều áp dụng theo nguyên tắc rất nghiêm chuẩn, trân trọng và đậm ý nghĩa nặng về hoài bão, do đó không thể không kỹ càng chọn lọc.
Chơi tranh ngày Tết là một mỹ tục của nhân dân. Nó đã được định hình từ rất lâu đời. Cứ mỗi dịp đón chào năm mới, cũng như mâm ngũ quả, cặp liễn đối, tấm thiếp xuân… đâu đâu cũng vậy, dù nhà nghèo người ta cũng cố sắm cho được dăm ba tờ tranh lẻ, hay một vài bộ tứ bình, đem treo lên cho vui cửa vui nhà.
Người xưa có phép chơi tranh trong ngày Tết hết sức độc đáo. Từ nội dung đến vị trí treo tranh, thậm chí ngày giờ “lên tranh” nhứt nhứt đều áp dụng theo nguyên tắc rất nghiêm chuẩn, trân trọng và đậm ý nghĩa nặng về hoài bão, tâm linh, do đó không thể không kỹ càng chọn lọc.
Tranh dân gian "Bịt mắt bắt dê" (Nguồn: st)
Những mẫu tranh Tết được người xưa ưa chuộng là loại tranh dân gian in trên giấy dó theo lối in mộc bản cổ truyền. Màu sắc thì theo ngũ hành, có 5 màu chính là đỏ, vàng, trắng, xanh, đen… đều là nguyên liệu có sẵn từ thiên nhiên mà pha chế ra thành hàng chục màu khác với độ đậm nhạt theo ý muốn. Nơi sản xuất chủ yếu tại các làng Nam Dự Thượng (huyện Thanh Trì), Bình Vọng (Hà Đông), Sen Hồ (Bắc Giang) nhưng nổi tiếng hơn cả là làng Hồ (Đông Hồ). Nội dung mang đầy hồn tính dân tộc như:
Tranh Vũ Đinh Thiên Ất (không rõ sự tích 2 vị này) có kèm câu “Khử bạo trừ hung, phù nguy cứu nạn” dán tại cổng chính, gọi “môn thần”.
Tranh “Trấn trạch” chú gà trống đang dương oai diễu võ như một dũng tướng, đang trong tư thế phùng xòe, sẵn sàng diệt trừ kẻ xấu, quyết không để chúng lọt vào nhà dán lên vào chiều ngày cuối năm.
Tại cửa nhà thì có tranh “Tiến tài, tiến lộc”, vẽ hai ông lão mũ áo chỉnh tề, đối diện nhau, một ông trao cuốn thư, đề chữ “tiến tài”, một ông trao trái đào đề chữ “tiến lộc” dán trong đêm trừ tịch.
Trên vách là tranh Lợn, Gà, Cá chép, Con dơi, Thầy đồ cóc, Ngư tiều canh độc, Canh nông vụ đồ, Mục đồng thổi sáo trên lưng trâu… nói lên những lời chúc tụng, mơ ước đất nước thanh bình.
Giữa nhà là nơi dành cho các bức thuộc đề tài lịch sử như Hai Bà Trưng cưỡi ngựa, Bà Triệu cưỡi voi, Đinh Tiên Hoàng đứng trên lưng rồng… ngưỡng kính và đề cao truyền thống đấu tranh, yêu nước.
Đặc biệt, bàn thờ là nơi tôn trí tranh chân dung các đức Phật Di Lặc, Thích Ca, Quan Âm… “thượng tranh” trước ngày cúng rước Ông Bà.
Riêng tranh thờ “Thổ công vị” (thần Bếp) thì thay trước ngày đưa ông Táo về trời (hăm ba tháng chạp). Các tranh “Thần hổ”, “Chư vị”, “Bà mẹ sanh” cũng được thay mới vào dịp cuối năm dán ở cửa buồng, hoặc ngay ở cửa nhà.
Về “tranh bùa yểm” (Bát quái, Tứ tung ngũ hoành…) thì treo dán tại cửa giữa, hoặc treo trên đọt cây nêu tuốt trên trời cao vào sáng ngày mùng một Tết.
Đành rằng tranh nào cũng đẹp, cũng hồn nhiên hóm hĩnh đáng yêu, nhưng như đã nói, không vì thế mà quá dễ dãi, tranh gì cũng mua, cũng treo dán trong mấy ngày hệ trọng thiêng liêng đầu năm đầu tháng. Chính vì vậy mà các tranh thuộc loại hớ hênh như tranh Hứng dừa, hoặc chế giễu như tranh Đánh ghen, Đa thê đều phải bị ế. Và đối với loại tranh tôn vinh thần thánh, nếu thần nào cũng “lên hương” vào dịp này thì “thần Bạch My” không ai buồn nhớ đến, nhất là nhà có đàn bà, con gái ngoại trừ những “ả lầu xanh” vì với họ, “Nghề này, thì nhớ ông này Tiên sư” (Kiều Tú Bà nói với Kiều) Bạch My là… tổ nghề.
Đó là “phép chơi tranh” mộc bản của người xưa rất phổ biến ở miền Bắc nước ta trước 1945. Thời Pháp thuộc, do có trường Mỹ thuật Đông dương, nên từ sau khóa đầu tiên 1925 - 1930 ngành hội họa chuyển mình, bước sang giai đoạn mới. Với chất liệu sơn dầu, các loại tranh vẽ theo lối trừu tượng, lập thể, kỹ hà… ra đời, nhưng chỉ xuất hiện tại những cuộc triển lãm. Cho đến sau Cách mạng tháng Tám hầu hết các họa sĩ đều tập trung sáng tác theo trường phái ấn tượng, hiện thực. Nhờ bám sát thực tiễn đời sống lao động và chiến đấu, một số tác phẩm đã gần gũi với quần chúng hơn. Tuy nhiên do đặc điểm nhất định của loại tranh này, và cũng do kỹ thuật in ấn lúc bấy giờ còn nhiều hạn chế, nên nó không đến được tận từng nhà như loại tranh in mộc bản.
Ở miền Nam dù sao cũng có điều kiện hơn nên ngoài loại tranh sơn dầu, còn có không ít dòng tranh khác được giới tạo hình các nước cảm phục. Nổi bật nhất là dòng tranh lụa, tiêu biểu là tranh của họa sĩ Thuận Hồ (tức Hồ Tấn Thuận, sinh 1920, người Long An); dòng tranh sơn mài, tiêu biểu là tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, có bức rất hoành tráng, được xem là “quốc bảo”, không thể không là niềm kiêu hãnh của Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam.
Tuy nhiên, với các loại tranh này do giá thành quá đắt nên phần lớn chỉ xuất hiện trong các gia đình “thế gia vọng tộc”. Còn ở nông thôn, nếu so với cái thuở vang bóng một thời của tranh mộc bản miền Bắc, thị trường tranh Tết miền Nam nhộn nhịp không kém nếu không muốn nói là hơn nhiều, bởi không nhà nào không chơi tranh, mà “cái nết” của họ như ai nấy đều đã biết, hễ chơi thì phải “chơi tới bến”, “còn chơi hết thôi”!
Phổ dụng là loại tranh in ốp-sét trên giấy trắng thường (nên giá rất bình dân), còn đề tài thì bao quát chứ không nhất thiết chỉ là xuân, là Tết. Có nghĩa, bên cạnh những bức tranh lẻ vẽ mâm ngũ quả, Phước Lộc Thọ, nhành mai, hoặc tranh tứ bình Mai Lan Cúc Trúc… còn có tranh truyện như Vân Tiên Nguyệt Nga, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa, Trần Minh khố chuối, Sự tích đức Phật Thích Ca… mỗi bộ 4 tấm, mỗi tấm 3 tranh. Dưới mỗi tranh đều có đôi dòng diễn giải nội dung. Người thưởng ngoạn cho dù đã nắm biết cốt truyện, khi đọc vẫn thích thú và thường hay “giảng giải” cho người khác nghe. Con trẻ trong nhà qua đó cũng cảm nhận được đạo lý nhân quả, lẽ phải lẽ trái.
Nếu tranh mộc bản ở miền Bắc được thể hiện bởi những đường nét ngây ngô, ngộ nghĩnh, hàm chứa triết lý ý nhị và ít giới thiệu tên tác giả tranh dân gian thì, tranh miền Nam đa phần đều minh họa những tác phẩm “truyện thơ”. Để giữ bản quyền và cũng nhằm “chịu trách nhiệm” với người thưởng ngoạn, hầu hết các bộ tranh truyện vừa nói đều có nêu rõ tên (và năm vẽ) của người họa sĩ.
Sẽ rất thiếu sót nếu nói đến tranh miền Nam mà không đề cập đến những loại tranh “khuôn mặt thục” với chất liệu toàn bông gòn “chạm nổi” hình hai chú thỏ đối xứng; tranh “phù điêu” làm bằng vải lụa có dặm chỉ kim tuyến hình chim loan chim phụng với những câu “Loan phụng hòa minh”, “Gia đình hạnh phúc”. Và đặc biệt hơn hết là loại “tranh kiếng” (sơn vẽ ngược ở phía sau tấm kiếng). Có 3 nơi làm tranh này, nổi tiếng trước nhất là ở Thủ Dầu Một, chuyên về tranh sơn thủy, được vẽ theo mô thức truyền thống: có núi cao mây gợn, in trên nền trời là những cánh cò bay lả thong dong, dưới sông ông câu nhàn thản trên “chiếc thuyền con bé tẻo teo”, xa tít là vài cánh buồm no gió, rồi thì nào là hoa cỏ, con đường làng, cây da trăm tuổi… Tất cả phản ánh sự tĩnh lặng quê hương mến yêu, đất nước thanh bình. Cũng có loại tranh tín ngưỡng (Quan Thánh, Thổ Thần, Tài Thần); và tranh trang trí cho những xe bán hoành thánh, hủ tiếu… rong ruổi khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và các đô thị miền Nam.
Nhưng đi sâu vào lòng quần chúng hơn hết là “tranh kiếng Bà Vệ” (một địa danh thuộc Cù lao ông Chưởng, huyện Chợ Mới, An Giang). Đó là loại tranh bình dân, được sản xuất đại trà tại làng nghề Bà Vệ từ những thập niên đầu thế kỷ XX, sau lan rộng các xã quanh vùng, nhiều nhất là 2 xã Mỹ Luông, Long Điền.
Đã là tranh Tết tất không thể thiếu “chữ Tết”. Đó là những câu lời mang nội dung chúc mừng, mong ước như Cung chúc tân xuân, Chúc mừng năm mới, Tân niên vạn phúc, Tân xuân vạn hạnh… Mừng xuân, đón Tết mà nhận được những lời chúc tốt lành như thế, hạnh phúc biết dường nào!
Tất cả, cho dù đề tài thuộc loại lịch sử, trang trí, tranh truyện hay tranh thờ, thể hiện đơn giản hay cầu kỳ đều mang tính giáo dục chân thiện mỹ rất cao, đặc biệt là toát lên tinh thần đạo lý, mà tư tưởng chủ đạo là nêu gương trung hiếu tiết nghĩa vốn đã ăn sâu vào tâm não ngàn đời dân tộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét