Ngày Tết, người Dao ở Làng Công (Sông Lô, Vĩnh Phúc) nô nức tổ chức các lễ hội, hát điệu Sọong cô truyền thống và chếnh choáng trong men rượu bên mâm cỗ đầy ắp.
Những ngày cận Tết, không khí ở thôn Thành Công rộng ràng hơn bao giờ hết, với việc chuẩn bị thực phẩm, hoa quả, bánh, xếp thành mâm cỗ đầy dâng lên tổ tiên. Đây là địa phương duy nhất trên địa ban tỉnh có người Dao tập trung sống thành làng bản.
Cùng với dòng chảy của thời gian và sự phát triển của địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của người Dao ngày càng được nâng lên phong tục đón Tết cũng ngày càng văn minh.
Cũng như người Kinh và các dân tộc khác, đồng bào dân tộc Dao ở Thành Công rất coi trọng tâm linh và nghi lễ thờ cúng trong dịp Tết Nguyên đán. Có lẽ vì thế, mâm cỗ cúng dịp này được mọi gia đình chuẩn bị kỹ lưỡng, thịnh soạn hơn.
Theo tập quán, cứ vào ngày rằm tháng Chạp (ngày 15/12 Âm lịch), làng tổ chức Lễ “Chạp Làng” theo nghi thức, mỗi một hộ cử một người đàn ông trong gia đình đại diện đem theo lễ vật là một con gà hoặc 4-5 quả trứng vịt, khoảng ¼ lít rượu, 3 lạng gạo tập trung về nhà trưởng bản để tổ chức sắp cỗ cúng cảm tạ trời đất, thần linh, tổ tiên đã giúp nhân cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làm ăn gặp nhiều may mắn, người người khỏe mạnh, có một năm mới an lành.
Sau Lẽ Chạp làng, bắt đầu từ ngày 20-30 (tháng 12 Âm lịch), các gia đình cùng tại bàn thờ nhà mình.
Ngày Tết, người Dao tổ chức trò chơi bịt mắt bắt dê và hát Sọong cô. |
Ông Dương Quỳnh Hương, Bí thư Chi bộ thôn Thành Công cho biết trước đây phải đến 23-24 tháng Chạp người Dao mới ăn Tết. Song những năm gần đây, do điều kiện kinh tế, các gia đình khá giả hơn, có “của ăn, của để”, nên từ ngày 19-20 tháng Chạp, mọi người trong thôn đã bắt đầu ăn Tết. Theo lệ, những gia đình giữ bàn thờ Tổ được cúng Tết trước, các gia đình con cháu mới ra ở riêng cúng sau. Với các gia đình người Dao, việc chuẩn bị tươm tất mâm cỗ cúng là rất quan trọng, trong đó, thịt lợn, bánh dày là hai món ăn không thể thiếu trong dịp Tết.
Ông Hương chia sẻ, nếu trước đây ba nhà chung nhau mổ một con lợn, thì ngày nay, do chăn nuôi phát triển, đời sống bà con trong thôn được nâng lên, dù to hay bé mỗi nhà đều mổ một con lợn. Như bao dân tộc khác, qua mâm cỗ cũng, bà con người Dao thể hiện nét đặc trưng văn hóa của dân tộc mình, cùng bày tỏ sự biết ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ độ trì cho con cháu làm ăn thuận lợi và sức khỏe dồi dào. Một mâm cỗ cũng vào Tết gồm có chiếc thủ lợn, kèm theo lá gan lợn (điều đặc biệt là lợn phải do gia đình nuôi theo cách truyền thống); 3 con gà trống đem luộc cả con và bánh dày làm bằng bột gạo nếp thơm, nhân bánh làm từ đỗ xanh giã nhuyễn.
Sau đó, sắp thành ba lễ đặt ở bàn thờ; trong đó, bàn thờ chính để cúng trời đất, thần lửa, thần linh; ban thờ thứ hai thờ cúng linh hồn những người được tôn là ông tổ của dòng họ mà khi còn sống, họ có chức sắc, uy tín và được ít nhất 12 dòng họ khác trong dân tộc Dao công nhận; bàn thờ thứ ba thờ cúng tất các các linh hồn người đã mất của dòng họ không phân biệt nội ngoại, gái trai.
Theo đó, các gia đình có bàn thờ Tổ phải mời được 3 thầy cúng đến giúp việc cúng vào ngày Tết. Vì vậy, hàng năm khoảng tháng 7 âm lịch, các gia đình phải đăng ký với các thầy cúng để được xin xếp lịch cúng vào dịp Tết cho gia đình mình.
Tuy nhiên, sau bữa cúng vào Tết, bà con lại tiếp tục bắt tay vào lao động, sản xuất. Ngoài thời gian sản xuất đó, buổi tối, các gia đình tập trung đủ mọi thành viên để nghe ông bà, cha mẹ dạy dỗ con cháu học chữ Nho, học hát, học sách cúng, cùng nhau ôn lại những thành quả năm qua làm được và đến ngày 30 tháng Chạp mới chính thức nghỉ Tết.
Chiều ngày 30 Tết, các gia đình có bàn thờ Tổ sẽ cử người lên núi cao lất khoảng 2 lít nước từ đầu nguồn đem về cất để sử dụng làm nước cúng cho cả một năm.
Bên cạnh đó, tìm hái cành hoa dó (cây dó mọc trên núi xưa kia thường bóc vỏ cây làm thành giấy) với ước mong mọi thành viên trong gia đình luôn minh mẫn, sáng suốt và chọn nhặt vài miếng đá màu đỏ ở dưới suối (theo tiếng Dao gọi là Lập Pấy Trị) rửa sạch, đem về đựng vào túi vải treo cùng gánh hoa dó trước cổng nhà, cầu mong luôn sung túc, đầy đủ về vật chất để mùng 1 Tết làm lễ, đem về coi như Lộc đầu năm. Đồng thời, thịt từ 1-3 con gà trống theo cách mổ moi, không cắt đứt rời chân, làm sạch để sống; đến sáng mùng 1 Tết (khoảng 4-5h), chủ nhà dậy thắp hương cũng lễ, sau đó cùng 2-3 người khách đem bó đuốc (tượng trung cho thần lửa), một cây nỏ có tên ra trước nhà bắn tên nỏ lên trời để xua đuổi tà ma và quay về hái cành lộc đã chuẩn bị sẵn trước cổng đem về đặt lên bàn thờ, thay chén nước cũ, đặt giấy lễ và cũng tổ tiên, sau đó, hóa giấy, đem số gà để lễ xuống hơ trên ngọn lửa giấy đang cháy xin tổ tiên và sắp thành cỗ đặt lên bàn thờ; một đĩa còn lại để cả nhà cùng ăn, thể hiện sự đoàn kết, vui vẻ, sung túc cho một năm mới.
Điều đặc biệt trong ngày Tết của người Dao là trong suốt thời gian từ ngày 20 tháng Chạp năm trước đến hết Rằm tháng Giêng năm sau, trên bàn thờ của mỗi gia đình luôn có cây đèn dầu được thắp sáng bởi người Dao rất kiên kỵ để ngọn đèn tắt và không cho ai xin lửa của gia đình mình trong những ngày Tết, tránh những điều xúi quẩy trong năm. Từ trưa ngày mùng 1 đến mùng 2 đàn ông trung niên và thanh niên tổ chức đến chúc Tết trưởng bản, sau đó chia thành từng đoàn đi chúc các gia đình trong thôn và cùng tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao vui vẻ.
Mâm cỗ ngày Tết năm nay của người Dao Thành Công cũng đủ đầy hơn, niềm vui rạng rỡ, ánh lên trên từng gương mặt. Nhâm nhi bên chén rượu đầy, thưởng thức món thịt lợn thơm phức, bánh dày dẻo thơm, bên vườn nhà hoa đào đang chớm nở, Xuân đã về trên bản Thành Công.
Theo Văn Vượng/Báo Vĩnh Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét