Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Tinh tế trang phục của người Dao Thanh Phán

Giống như các dân tộc anh em khác, người Dao Thanh Phán cũng có trang phục, phong tục tập quán riêng mang ý nghĩa văn hóa lịch sử sâu sắc. Đặc biệt là truyền thống phụ nữ cạo đầu, đội mũ xếp cùng với bộ trang phục được thêu cầu kỳ đẹp mắt.
Độc đáo tục cạo tóc, đội mũ xếp
Với người Dao Thanh Phán, phụ nữ đến tuổi trưởng thành sẽ cạo đầu và đội mũ xếp gắn liền với phục trang hàng ngày. Không ai rõ, phong tục này có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu, chỉ có câu chuyện truyền miệng trong dân gian rằng trước kia ở một bản làng xa có trưởng bản là một người phụ nữ trung tuổi rất uy tín trong làng.
Một hôm, bà ngồi gội đầu bên mương nước gần nhà, cậu con trai nhỏ mang cơm ngồi ăn bên cạnh, vô tình những sợi tóc của mẹ bay vào bát cơm khiến cậu bé nuốt phải, bị hóc không kịp cứu nên đã qua đời. Cậu bé mất đi khiến bà mẹ thương nhớ khôn nguôi và ân hận vô cùng. Từ đó bà lệnh cho phụ nữ trong làng đến 18 tuổi phải cạo đầu để tránh tai nạn đáng tiếc và vị trưởng bản đã cạo đầu làm gương cho dân làng. Từ đó tục cứ truyền đi khắp các bản làng người Dao khác và truyền đời cho các thế hệ sau. Cùng với đó là bộ trang phục gắn thêm mũ đầu xếp tạo nên nét văn hóa rất đặc trưng và độc đáo của người dân tộc này.
Cầu kỳ, tinh xảo trong trang phục truyền thống
Người Thanh Phán có quy định bất thành văn rằng nếu con gái đến tuổi trưởng thành không tự may được bộ trang phục truyền thống sẽ không được lấy con trai người dân tộc khác. Nên ngay từ nhỏ những em gái đã được mẹ dạy cho cách mua len, chọn vải, dạy cho đường tà nếp chỉ để thêu thùa, may vá để gìn giữ trang phục truyền thống và cũng để các em có thể tự do tìm hiểu và xây dựng gia đình với những người con trai mà các em lựa chọn. 

Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao rất cầu kỳ, gồm nhiều bộ phận cấu thành với kỹ năng thêu xen kẽ tỉ mỉ và tinh tế. Thêu áo thì họa tiết là hai bên vạt phía trước ngực với chiều rộng 10cm x 30cm được thêu đối nhau; Hoa văn họa tiết chủ yếu hình sóng nước, hình núi, hình chữ vạn…

Thêu quần thì các họa tiết được bố trí phía dưới cùng của hai bên ống quần có độ dài 30cm. Đây cũng là điểm thêu nhiều hoạ tiết hoa văn nhất trong bộ trang phục với biểu tượng: hoa sỏi pẻng, hình cây sâm, cây chân chó… (những cây đặc trưng của nơi đồng bào Dao sinh sống).

Trang phục nội y được thêu trên tấm vải vuông giữa có thêu hình mặt trời 8 cánh, xen giữa các tia sáng mặt trời là hình núi đồi, các họa tiết hoa văn cây cỏ cách điệu xen kẽ xung quanh.

Thắt lưng là một đoạn vải màu trắng sáng bản rộng từ  5-7cm có độ dài 70- 80cm thường được thêu các họa tiết hoa văn hình hoa, cây cỏ, sông nước.
Người Dao trong trang phục truyền thống (Nguồn ảnh: Phương Thuý)
Đặc biệt trong trang phục của phụ nữ Dao Thanh Phán mũ xếp đội đầu làm cầu kỳ và tốn nhiều thời gian, công sức hơn cả. Chiếc mũ có hình phương vuông cao khoảng 30cm, mỗi một chiếc mũ được cấu tạo bởi 110 - 120 tấm vải được thêu viền màu đỏ và xếp chồng lên nhau, xen giữa các tấm vải là lần xốp mềm (thường thì phụ nữ trẻ làm mũ cao hơn người già). Lúc đi rừng thì mũ được quấn thêm một lần vải đó hoa bên ngoài để tránh bụi bẩn.

Với cô dâu trong ngày cưới sẽ kèm thêm chiếc khăn đội đầu được thêu kỹ lưỡng hơn và đẹp hơn. Đây là chiếc khăn vuông có chiều dài 50cm x 50cm được thêu kín từ ngoài vào trong, ở giữa có buộc vài sợi chỉ đảo có sỏ hạt cườm màu bằng nhựa. Đây là trang phục thêu mang nhiều tâm huyết nhất và cũng được đánh giá là đẹp nhất trong tổng thể các trang phục của người Dao.
Mỗi trang phục của người Dao Thanh Phán đều được thêu kỳ công và tỉ mỉ. Những hoa văn thể hiện lòng yêu quê hương, bản làng nơi họ sinh ra và mối giao hòa của họ với thiên nhiên, đất trời. Những kỹ năng thêu thùa đều được rèn luyện từ nhỏ nên họ thành thục và điêu luyện với đường kim mũi chỉ và chủ yếu thêu vo bằng tay mà không cần kẻ vẽ, tạo hình từ trước.
Bộ trang phục của người Dao Thanh Phán không chỉ chứa đựng bản sắc dân tộc mà còn thể hiện sự khéo léo, tư duy, sáng tạo và khả năng thẩm mỹ của những người phụ nữ của dân tộc này.
Minh Ngọc (Dân Việt) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét