Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

Câu chuyện các đời Chúa Bầu lập riêng một bờ cõi

Trong suốt thời kỳ Nam Bắc triều và Trịnh Nguyễn phân tranh, nhiều cát cứ nổi lên các nơi. Nhiều người biết đến chúa Trịnh, chúa Nguyễn, thế nhưng chúa Bầu trấn giữ cả vùng Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái suốt 2 thế kỷ thì không phải ai cũng biết.
Câu chuyện bắt đầu từ Vũ Văn Uyên vốn là một võ sĩ quê ở làng Ba Động, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Vào thời vua Lê Chiều Tông đất nước loạn lạc, giặc giã nổi lên khắp nơi, Vũ Văn Uyên phạm phải tội giết người nên trốn đến trấn Đại Đồng, Tuyên Quang.
Bấy giờ tù trưởng ở Đại Đồng không được lòng dân, dân oán thán khiến tình hình rất lộn xộn. Là người giỏi võ nghệ, Vũ Văn Uyên giúp đỡ người dân chống cường hào, dần dần được nhiều người đi theo, Vũ Văn Uyên đánh bại và tiêu diệt tù trưởng, làm yên lòng dân, làm chủ cả một vùng rộng lớn gồm các tỉnh  Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang ngày nay.

Vũ Văn Uyên lập một cõi riêng ở vùng Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang. (Ảnh từ wikipedia.org)

Lúc này tại triều đình rất rối ren, Trịnh Tuy, Nguyễn Hoằng Dụ, Trần Chân làm phản. Vua Lê Chiêu Tông ở thế suy yếu, muốn có thêm thế lực ủng hộ mình, nên phong cho Vũ Văn Uyên làm Khánh Bá Hầu.
Vũ Văn Uyên chọn vùng đất Nặm Ràng (tức Phố Ràng, tỉnh Lào Cai ngày nay) là nơi quy tụ các đầu mối giao thông để xây dựng căn cứ. Năm 1527 Vũ Văn Uyên huy động người dân trong vùng xây thành Nghị Lang (còn gọi là thành Bầu hay phủ Bầu), thành được xây trên đỉnh đồi Tấp giữa thung lung Phố Ràng.
Đến năm 1533 thì thành được xây dựng xong, biến nơi đây trở thành căn cứ kinh tế, quân sự vững chắc lúc bấy giờ.
Trong thành có lầu chỉ huy, có xưởng rèn vũ khí, có xưởng đúc tiền, có trại lính, có khu gia binh, trường học…

chúa Bầu
Thành cổ Nghị Lang. (Ảnh từ ditichlichsuvanhoa.com)

Đặc biệt trong thành có chùa Phúc Khánh với quy mô lớn nhất vùng sông Chảy, trở thành trung tâm tín ngưỡng, giáo hóa và nâng cao chuẩn mực đạo đức, đời sống tinh thần cho người dân.

Chúa Bầu
Sân trước chánh điện đền Phúc Khánh. (Ảnh từ wikipedia.org)

Ngoài thành Nghị Lang, Vũ Văn Uyên cho xây dựng một số thành khác như thành Trung Đô (Bảo Nhai – Bắc hà ngày nay), thành Bảo Hà, thành Nghĩa Đô…. tạo thành một hệ thống phòng thủ vững chắc.
Trong khi Vũ Văn Uyên xây dựng được một một “vương quốc riêng” để người dân yên vui an cư lạc nghiệp, thì tại triều đình, các phe phái vẫn tranh đoạt quyền lực. Đến năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua lập ra nhà Mạc. Vũ Văn Uyên cát cứ cả vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa không theo nhà Mạc.
Trong số những người trung thành với vua Lê, không theo nhà Mạc có Hữu Vệ Điện Tiền Tướng quân An Thanh Hầu Nguyễn Kim. Ông tìm được con cháu nhà Lê là Lê Duy Ninh tôn làm làm Vua, hiệu là Lê Trang Tông.
Nguyễn Kim qua Ai Lao (Lào ngày nay) mượn đất Sầm Châu chiêu mộ quân sỹ. Vũ Văn Uyên ủng hộ đưa quân đến giúp đỡ, thế nhưng quân nhà Mạc lúc này rất mạnh, Vũ Văn Uyên phải cho quân rút về Đại Đồng để củng cố lực lượng.

Khu tưởng niệm nhà Mạc xã Ngũ Đoan – Kiến Thụy – Hải Phòng. (Ảnh qua mactrieu.vn)

Vua Mạc cho quân ngược sông Hồng tiến đánh Đại Đồng. Vũ Văn Uyên không giao chiến vội, cho quân Mạc vào sâu rồi mai phục tiêu diệt, giành được chiến thắng. Nhà Mạc thất bại phải đồng ý cho Vũ Căn Uyên cát cứ cả vùng đất này.
Thời kỳ Nam – Bắc triều, Nguyễn Kim xây dựng quân đội ngày càng mạnh, làm chủ vùng phía Nam, đem quân tiến đánh nhà Mạc. Vũ Văn Uyên cùng em mình là Vũ Văn Mật đưa quân phối hợp tiến vào Thăng Long đánh nhà Mạc.
Năm 1557 Vũ Văn Uyên qua đời mà không có cón nối dõi, em trai là Vũ Văn Mật lên thay, xưng là Gia Quốc Công.
Vũ Văn Mật dời căn cứ từ thành Nghị Lang sang xây thành đắp lũy trên gò Bầu. Từ đó nhân dân thường gọi ông là “Chúa Bầu” hoặc “Vua Bầu”. 
Từ đó các đời sau hùng cứ một vùng ở thành Bầu đều được gọi chung là chúa Bầu

.Khi cuộc chiến Nam Bắc triều diễn ra, cuộc sống người dân các nơi rất cơ cực, giặc cướp nổi lên như ong. Thế nhưng tại vùng đất của Chúa Bầu, cuộc sống người dân rất sung túc, lương thực dư dả cung cấp cho cả đội quân của Nam Triều.
Vũ Văn Mật chọn vùng Đại Đồng, Tuyên Quang làm trung tâm, đồng thời chia ra làm 11 doanh gồm: Huyện Phú (Phúc) Yên có doanh Phú (Phúc) Yên; châu Thu Vật có doanh Yên Thắng; châu Lục Yên có doanh Yên Bắc; châu Vị Xuyên có doanh Bình Di, Bình Man, Trấn Uy, Yên Biên, Nam Dương; châu Đại Man có doanh Nghi; châu Bảo Lạc có doanh Bắc Kiệm và Trung Mang. Mỗi doanh đều xây thành đắp lũy
Gần Bình Ca, Vũ Văn Mật cho xây thành Bầu trên khu đồi nằm lọt trong vòng cung hình chữ U được tạo bởi dòng chảy của sông Lô. Vũ Văn Mật đã lợi dụng khe đất trũng để đào một đoạn sông nối liền hai đầu chữ U với ý định lấy sông làm hào bao bọc, che chở thành.
Thành Bầu được xây dựng vững chắc ở nơi địa lý thuận lợi. Vì thế mà suốt mấy chục năm, nhà Mạc cho đắp thành ở Tuyên Quang, theo dòng sông Lô tiến đánh thành Bầu mà không sao hạ nổi.
Chúa Bầu
Đồi Bông Hạ – một trong nững nơi xây dựng thành Bầu xưa kia. (Ảnh từ xuanay.vn)
Vũ Văn Mật xây dựng Đại Đồng thành trung tâm trù phú, dân cư đông đúc và giàu có. Vua Lê Anh Tông đã phải cho đắp đường từ Thiên Quang tới Hưng Hóa, Tuyên Quang để nhận lương thực từ Đại Đồng.
Theo sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Qúy Đôn thì Vũ văn Mật cho quân xuống chiếm nhiều Phủ của nhà Mạc, nhưng sau đó nhà Mạc cho quân phản công, Vũ Văn Mật cho quân rút về giữ các vùng đất của mình.
Sau khi Vũ Văn Mật mất, con là Vũ Công Kỷ lên thay, được phong là Nhân Quốc Công. Năm 1573, Trịnh Tùng nắm binh quyền ở Nam Triều phong Vũ Công Kỷ làm hữu tướng, chúa Vũ Công Kỷ nhiều lần đem quân đánh nhà Mạc lập được công lớn.
Chúa Bầu
Đền thờ Chúa Bầu tọa lạc trên đồi Tấp. (Ảnh từ baodaklak.vn)
Năm 1578, tướng nhà Mạc là Mạc Ngọc Liễn đem quân đánh chúa Bầu ở vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa, nhưng bị quân chúa Bầu đánh bại phải rút quân về.
Vũ Công Kỷ mất con là Vũ Đức Cung lên thay, được phong là Hòa Thắng Hầu.
Năm 1593, Trịnh Tùng đem quân đánh bại nhà Mạc, chiếm được thành Thăng Long. Vua Lê Thế Tông trở về kinh thành, nhà Mạc phải rút về phía Bắc. Vũ Đức Cung cùng 2.000 quân đến kinh thành mang theo nhiều vàng bạc quy thuận vua Lê.
Chúa Bầu
Phủ chúa Trịnh.. (Ành từ wikipedia.org)
Thế nhưng sau 3 đời Chúa Bầu chăm lo phát triển kinh tế xã hội dựa trên niềm tin tín ngưỡng, thì các đời Chúa Bầu sau này chỉ lo cướp phá các nơi, khiến cơ nghiệp dần dần suy tàn.
Những năm 1594, 1595, Vũ Đức Cung làm loạn cho quân tiến đánh các nơi, đánh cướp thuế mỏ bạc, Trịnh Tùng phải đưa quân đánh dẹp. Vũ Đức Cung sai người đem vàng bạc về kinh xin chịu tội và được vua Lê tha cho.
Sau khi Vũ Đức Cung mất, con trai là Vũ Công Ứng lên thay. Vì các đời Chúa Bầu trước có nhiều công lao với nhà Lê nên Vũ Cung Ứng được phong là Thụy quân công (Đại Việt sử ký toàn thư chép là Thuần quân công).
Vũ Công Ứng thấy mình ở nơi xa xôi với kinh thành, nên ngầm liên kết với nhà Mạc, tự ý xưng Vương. Lúc này chúa Trịnh đang lo đối phó với chúa Nguyễn ở phía Nam lên làm ngơ chuyện này. Sau đó Vũ Công Ứng bị thủ hạ giết chết (có sách cho rằng bị trộm giết), con trai là Vũ Công Tuấn lên thay.
Theo “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục”, Vũ Công Tuấn liên kết với nhà Mạc, tự xưng là Tiểu Giao Cương Vương, chạy sang Vân Nam nhờ nhà Thanh giúp sức. Nhà Thanh nhân cơ hội này chiếm một số vùng đất của Đại Việt mà suốt đời hậu Lê không đòi lại được.
Trước sự làm phản của Vũ Công Tuấn, năm 1699, triều đình nhà Lê cho bắt và hành hình. Các đời Chúa Bầu đến đây cũng chấm dứt sau hai thế kỷ.
Cũng như các thời đại khác, các đời chùa Bầu ban đầu rất chăm lo phát triển kinh tế, quân sự, thúc đẩy tinh thần xã hội dựa trên tín ngưỡng, vì thế mà kinh tế sung túc, rất được lòng dân. Đại Đồng từng trở thành nơi trù phú giàu có nổi tiếng, cung cấp lương thực cho quân Nam Triều của Vua Lê đánh nhà Mạc
Thế nhưng các đời Chúa Bầu về sau không còn quan tâm việc mang việc mở mang phát triển văn hóa, kinh tế, các đời Chúa chỉ lo đánh nhau, vơ vét cướp bóc ở bên ngoài, chống lại triều đình chứ không chăm lo đến đời sống người dân, vì thế mà dần dần bị tàn lụi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét