- Trần Hưng
- •
Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, có những dòng họ nổi tiếng bởi nhiều người đậu tiến sĩ, trong đó phải kể đến dòng họ Vũ ở Mộ Trạch, Hải Dương, với nhiều người trong họ cùng đỗ đạt và làm quan trong Triều.
Nguồn gốc họ Vũ làng Mộ Trạch
Truyền thống khoa bảng của dòng họ Vũ bắt đầu từ đời ông Vũ Hồn. Theo bản Ngọc Phả ở Miếu thờ cụ tổ Vũ Hồn làng Mộ Trạch thì vào thời nhà Đường ở phủ Thường Châu (Trung Quốc) có một người được trao y bát nối nghiệp nhà là Vũ Công Huy, là người hiển đạt, làm quan cho Triều đình.
Có lần ông Vũ Công Huy đến An Nam vãn cảnh, khi đến trang Mạn Nhuế, thuộc huyện Thanh Lâm, trấn Hải Dương, thì thấy một khu đất có địa thế phong thủy rất tốt, sơn thủy bao quanh, long hổ cùng chầu. Ông Vũ Công Huy liền về nhà mang hài cốt tổ tiên đến chôn vào khu đất ấy tại xứ Đống Già (tức Đống Rờm).
Thuở ấy ở trang Mạn Nhuế có người con gái vừa tròn 18 là Nguyễn Thị Đức, tính tình đoan trang. Vũ Công Huy thầm nghĩ rằng: Phúc địa sinh phúc nhân quả là không sai. Ông bèn mượn hồng điệp tìm mai mối cầu hôn. Hai người kết tóc se tơ thành vợ chồng và từ đó ông Vũ Công Huy ở nơi quê nhà của vợ.
Sau khi kết hôn hơn một năm, một lần Nguyễn Thị Đức nằm mộng thấy một Thần nhân đem đến quả đào tiên cho nuốt lấy. Tỉnh dậy bà kể lại với chồng, ông cho đó là điềm lành. Khi hai vợ chồng về bắc quốc thì phát hiện bà đã mang thai.
Ngày bà Nguyễn Thị Đức sinh con, có đám mây vàng hình tròn như chiếc tán che phủ trước sân, rủ xuống tới đất.
Cũng theo ghi chép từ cuốn Ngọc Phả thì đứa trẻ sinh ra có “thiên tư tuấn tú, khí chất hiên ngang, mày vua Nghiêu, mắt vua Thuấn, lưng vua Vũ, vai vua Thang, dáng vẻ thật lạ thường. Ông bèn đặt tên cho con là Hồn. Bảy tuồi Hồn đi học; sách vở xem qua một lượt là nhớ hết. Mười hai tuổi đã tinh thông văn chương, qua cửa Trình, Chu, học lực vượt hơn họ Âu (Âu Dương Tu), họ Tô (Tô Đông Pha), thi tài cùng ông Lý (Lý Bạch), ông Đỗ (Đỗ Phủ). Lại còn dốc chí cung tên hay đọc binh thư, tinh thông văn võ, rõ là bậc anh tài.”
Năm 16 tuổi Vũ Hồn dự khoa thi, vào đến tận thi Đình. Vua Đường xét Vũ Hồn là bậc kỳ tài, học vấn tinh thâm, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, phong cho làm chức quan Lễ bộ tả thị lang.
Vũ Hồn trở về vinh quy bái tổ, rồi quay lại Triều đình làm quan, sau 2 năm được thăng lên làm Đô đài Ngự sử. Năm 825 Vũ Hồn nhận mệnh của vua Đường lấy tên là Hàn Thiều nhậm chức Thứ sử Giao Châu; năm 841 được phong làm An Nam Đô hộ Kinh lược sứ.
Sau Vũ Hồn ghé đến trang Mạng Nhuế làm lễ bái yết mộ tổ, nhận thấy nơi đây “sơn thuỷ hữu tình, long trầu hổ ấp, nội sào ngoại sào, tả phù hữu bật, năm con ngựa chầu đằng trước, bảy ngôi sao chiếu đằng sau, thần đồng đứng hai bên, bảng bút bày sẵn thật là nơi đất phát tổ Tiến sĩ. Ngài bàn vẽ thành địa đồ”.
Sau đó Vũ Hồn xin vua cho từ quan rồi đón mẹ già về quê ở An Nam sinh sống. Là bậc kỳ tài về phong thủy, Vũ Hồn “cho thiết lập một lâu đài ở Thượng khu, trang Khả Mộ làm nơi phụng dưỡng mẹ già và khuyến bảo nhân dân chuyên làm điều lợi trừ việc hại. Dân điều có lễ nghĩa, nhà nhà giàu thịnh; đấy là công đức của ngài vậy. Dân đều chịu ơn đó và coi ngài như mặt trăng, mặt trời”.
Sau khi Vũ Hồn mất, mộ được táng theo ngôi kim huyệt. Các con của Vũ Hồn một chi ở Mộ Trạch, một chi thì về Tàu, cả hai chi ấy khoa bảng đều hiển đạt cả.
Theo “Công dư tiệp ký”, đời vua Lê Hy Tông, Thượng thư Hoàng Công Bao đi sứ nhà Thanh, có một ông già họ Vũ đón đường hỏi thăm về con cháu Vũ Hồn ở nước Nam. Khi được biết ở nước Nam con cháu Vũ Hồn đều hanh thông con đường khoa bảng, nhiều người đỗ đạt làm quan to, ông cụ vui lắm liền nói rằng: “Họ Vũ tôi ở Thiên triều đời nào cũng có người đỗ đạt, mà hiện nay đang được thịnh vượng”.
Trong sách “Họ Vũ – Võ, tổ tiên, hậu duệ” thống kê lịch sử khoa bảng từ năm 1075 – 1919 có ít nhất 126 người họ Vũ đỗ tiến sĩ, trong đó có 26 người ở Mộ Trạch. Trong đó có thể kể đến như Thượng thư đến 5 bộ là Vũ Hữu, Tể tướng Vũ Duy Chí.
Thượng thư 5 bộ Vũ Hữu
Vũ Hữu được biết đến là người sống có đạo nghĩa, lễ phép. Ông thi đỗ Hoàng Giáp vào năm 1463 thời vua Lê Thánh Tông, năm ấy ông 20 tuổi. Được nhiệm làm quan ông đã lập kỷ lục khi làm Thượng thư đến 5 bộ.
Vũ Hữu được biết đến là người rất giỏi toán, ông đã lập ra phép “đại thành toán pháp” nhằm giúp người dân đo đạc ruộng đất, nhà cửa.
Có chuyện kể rằng, năm ấy cửa Đoan Môn, Đại Hưng và Đông Hoa được xây từ thời nhà Lý lâu ngày nên bị đổ. Vua Lê Thánh Tông sai sửa lại, bèn cho gọi Vũ Hữu đến mà nói rằng: “Trẫm nghe nói ngươi giỏi tính. Nay trẫm cho trùng tu các cửa thành, vậy ngươi thử tính xem phải dùng hết bao nhiêu gạch đá”.
Sau khi đo đạc và tính toán ông tâu lên Vua số gạch đá cần để xây dựng, Vua cho lấy đúng số gạch ấy cho thợ xây dựng thì vừa đủ, không sai chút nào. Sự việc này khiến nhà Vua phải khen Vũ Hữu đúng là bậc thần toán, rồi sai tặng ông 100 mẫu ruộng tốt.
Tể tướng Vũ Duy Chí
Mẹ của Vũ Duy Chí được biết đến là một người rất nhân đức, không chỉ sẵn lòng giúp đỡ mọi người, mà nhặt được của bao giờ cũng tìm trả, nên được nhiều người biết đến. Sau bà nằm ngủ mơ thấy mình ôm lấy đám mây ngũ sắc, rồi dần sinh được 5 người con, cả 5 người đều thành danh.
Con cả là Tự Khoái làm đến Tả thị lang thời chúa Trịnh Tạc, con thứ hai là Bạt Tụy đỗ Hoàng giáp làm quan đến Tự khanh, con thứ ba là Duy Chí làm Tể tướng, con thứ tư là Phương Đại làm quan đến Thượng thư, con thứ năm là Cầu Hối thi đỗ Tiến sĩ được bổ nhiệm làm quan.
Khi chúa Trịnh Tạc lên ngôi phải lo đối phó với chúa Nguyễn ở phương Nam, nhà Mạc ở phương Bắc. Vũ Duy Chí phò tá Chúa lập nhiều công lao, được Chúa tin cậy.
Vào dịp Tết Nguyên Đán năm nọ, chúa Trịnh truyền cho các quan văn võ sau khi chầu vua Lê xong phải để nguyên y phục sang chầu ở phủa Chúa. Vũ Duy Chí liền tâu rằng:“Nhà chúa xưa nay vẫn một niềm tôn phù hoàng gia. Vậy lễ ngày hôm nay chỉ nên mặc áo thanh cát, không nên vội dùng triều phục, sợ trái chế độ cũ.”
Ý kiến “phù Lê” rõ ràng của ông khiến nhà Chúa phải thu hồi lại quy định này. Nếu không phải ông mà là một người khác tấu với Chúa lời này thì có thể đã bị rơi đầu rồi.
Khi ông về hưu, chúa Trịnh Tạc làm đôi câu đối lên cờ tặng ông:
Nhất đại tông thần Tiêu tướng quốc,
Lưỡng triều nguyên lão Triệu Hàn vương.
Lưỡng triều nguyên lão Triệu Hàn vương.
Ý ví ông như các bậc trọng thần như Tiêu Hà phò Hán cao tổ Lưu Bang, như Triệu Phổ thời Tống Thái Tổ.
Ông mất năm 1678 thọ 75 tuổi, được truy tặng là Thái phó.
Nói về họ Vũ làng Mộ Trạch, cuốn “Đăng khoa lục sưu giảng” mô tả rằng:
“Họ Vũ làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Khoa giáp rất thịnh, thường mỗi khoa hai ba người đỗ cùng khóa, anh em chú cháu làm quan đầy triều. Thời bấy giờ các quan triều nói đùa rằng: các ông họ Vũ bàn việc họ, việc làng tại triều đình à?”
Trần Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét