Chỉ cần thoáng nghe hương vị của những chiếc xe sắn hấp dừa, của những bếp than sắn nướng, một khoảng trời thương nhớ lại ùa về với món bánh chập chập mộc mạc, chân phương.
Lâu, rất lâu rồi! Những ngày tôi còn ở cùng với ba má nơi vùng núi cao xứ Quảng. Ngày ấy quê tôi còn nghèo lắm. Nhà ai cũng cố gắng tích trữ nhiều lúa, khoai và đặc biệt là bột sắn để mùa đông tới trong những ngày lạnh lẽo có cái để ăn thêm. Thực đơn bột sắn của má cũng chỉ loanh quanh món bánh chập chập, ấy vậy mà mỗi khi làm bánh cả nhà quây quần, vui đáo để.
Trong chái bếp sưởi ấm cả gian nhà, ba kể từng câu chuyện xua tan hơi lạnh ùa vào từng đợt theo tiếng cửa cọt kẹt. Còn má lom khom ngồi làm bánh chập chập.
Thật ra việc làm bánh chập chập đã được chuẩn bị rất lâu. Bắt đầu từ vạt rẫy ba má dành riêng để trồng sắn. Những cây sắn cao đung đưa trong gió, trở thành nơi chơi ẩn nấp, trốn tìm, bán đồ hàng… Đến ngày sắn già, chị em tôi xúm xít rủ nhau phụ với ba má đi nhổ sắn.
Sắn được cạo sạch đất, để nguyên củ bán cho thương lái hoặc bóc vỏ cắt miếng phơi khoảng vài nắng cho thật khô, xong cho tất cả vào bao cất kỹ trên giàn bếp. Phần nhiều sắn khô được má dùng để hấp trong nồi cơm trong ngày giáp hạt thiếu thốn. Số còn lại, má mang đi xay nhuyễn để dành làm bánh chập chập.
Bánh chập chập tuy dễ làm nhưng đòi hỏi sự khéo léo. Chỉ cần lấy ít bột sắn đã xay nhuyễn trước đó nhào với nước. Bột sắn phải nhào thật đều tay, lượng nước vừa đủ sao cho hỗn hợp bột không bị khô cũng không quá nhão, vừa đủ độ kết dính, nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bánh.
Sau đó, lấy ít bột viên tròn trong lòng bàn tay rồi ép mạnh hay đập hai tay lại với nhau để tạo thành cái bánh mỏng, nhỏ chừng như cái bánh quy. Tên bánh “chập chập” cũng xuất phát từ động tác này mà ra.
Nấu nước sôi rồi cho bánh vào luộc, đến khi bánh nổi lên mặt nước là vừa chín. Vớt bánh ra, phi thơm dầu phụng với nén củ, cho bánh vào đảo đều tay để bánh khỏi dính lại với nhau. Có thể nêm muối, gia vị cho vừa ăn hoặc để nguyên, chấm với mắm cái cá cơm tùy theo khẩu vị của từng nhà.
Củ sắn vốn đắng và nồng là vậy nhưng với bàn tay khéo léo, người dân quê tôi lại cho ra những món ăn, không chỉ nuôi lớn bao phận người mà bây giờ còn trở thành món quà vặt thơm thảo. Và dù có đi đến phương trời nào, có thưởng thức cả trăm thức ngon vật lạ, lòng vẫn muốn tìm về với hương vị chập chập dân dã quê nhà.So với các loại bánh thông thường, bánh chập chập có nét hấp dẫn riêng, vị bánh hơi dai, hương thơm nhẹ nhàng, không còn nồng mùi nhựa sắn. Vùng trung du quê tôi, một thời gian dài gạo thiếu nhưng sắn thì thừa. Bột sắn cần bao nhiêu cũng có. Nhà nhà, người người làm bánh ăn điểm tâm hay làm món quà vặt mời khách phương xa, vậy mà miệng luôn khen, lòng thấy hả hê, đầu gật gù: “Ngon, ngon thật!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét