Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Những ngôi Đình cổ ở TP. Hồ Chí Minh

Theo tiến trình phát triển, đình ở Sài Gòn – Gia Định ra đời là sản phẩm văn hóa của cộng đồng người Việt trên hành trình Nam tiến. Đối với người Nam bộ, đình từng là nơi thể hiện hầu như toàn bộ thế giới quan và nhân sinh quan của người lưu dân xa xứ…
Đình Chí Hòa
Nét đặc trưng  của Đình làng Nam bộ
Trong quá trình Nam tiến, cư dân từ miền ngoài vào khai khẩn vùng đất hoang Nam bộ và việc lập đình, xây miếu là một dạng thức tín ngưỡng bản địa được các lưu dân xác lập trên vùng đất mới. Dù có một số khác biệt so với tín ngưỡng truyền thống, nhưng cơ bản nó đã đáp ứng được nhu cầu về tâm linh của con người, đó là cầu mong được bình an vô sự giữa chốn nước đỏ, rừng xanh này.
Vì lẽ đó, với người Nam bộ, đình có ý nghĩa cao trọng không khác “vật thiêng”, có quyền lực mạnh mẽ vô song, không cưỡng lại được. Cho nên, với tư cách là một biểu tượng văn hóa, đình làng từng thể hiện nhu cầu tinh thần gần như độc tôn gắn với đời sống xã hội. Đình có vai trò “trung tâm” tổ chức các hoạt động văn hóa hết sức cuốn hút, là nơi chủ yếu thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của người Việt lưu lạc một thời.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đình làng luôn gắn bó với đời sống tâm linh của cả cộng đồng, trở thành một sản phẩm, một biểu tượng văn hoá, là chốn linh thiêng và là linh hồn của cả cộng đồng cư dân làng xã. Từ trong đình làng nhân dân muốn gửi gắm niềm tin, ước vọng về cuộc sống hạnh phúc, thanh bình. 
Không giống như những ngôi đình làng ở miền Bắc là một kiến trúc gỗ đồ sộ, gồm 5 đến 7 gian, ngôi đình làng Nam bộ thường là một quần thể kiến trúc gỗ, gồm nhiều ngôi nhà sát liền nhau theo kiểu sắp đọi và thường được xây dựng ở vị trí cao ráo, tiện việc đi lại, ít bị chi phối bởi thuật phong thủy.
Ngôi đình chính thường có kết cầu gồm ba hoặc nhiều nếp nhà tứ trụ, cùng kiểu cùng cỡ, bố trí theo kiểu "trùng thềm điệp ốc". Mái đình thường lợp ngói âm dương hoặc ngói ống kiểu Trung Quốc.
Cổng đình thường có trụ cột, trên có mái lợp ngói, hoặc trên hai trụ có đặt cặp lân bằng sành tráng men. Bình phong nằm chính giữa phía trước sân đình. Mặt bình phong thường đắp nổi hoặc vẽ cảnh cọp vàng đứng bên gộp đá lởm chởm.
Sân đình thường có đàn thờ Thần Nông, có nơi lập đàn tế chung với thần Thần Đất gọi là đàn Xã Tắc. Hai bên đàn thường là các miếu thờ Chúa xứ Sơn quân, miếu thờ Hội đồng hoặc miếu thờ một trong các Nữ thần như: Năm Bà ngũ Hành, Chúa Xứ Nguyên Nhung, Linh Sơn Thánh Mẫu, Chúa Tiên, Chúa Ngọc...
Đình Chí Hòa
Theo tiến trình phát triển của đình làng người Việt, đình ở Sài Gòn – Gia Định ra đời là sản phẩm văn hóa của cộng đồng người Việt trên hành trình Nam tiến. Đối với người Nam bộ, đình từng là nơi thể hiện hầu như toàn bộ thế giới quan và nhân sinh quan của người lưu dân xa xứ… Việc lập đình, xây miếu là một dạng thức tín ngưỡng bản địa được các lưu dân xác lập trên vùng đất mới.
Nét đặc trưng tín ngưỡng văn hóa này được lưu giữ ở nhiều ngôi đình cổ, tiêu biểu là đình Chí Hòa, hiện tọa lạc trên đường Cách mạng tháng Tám thuộc phường 13, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. Đình Chí Hòa là một trong những ngôi đình cổ xưa, ôm trọn trong mình 320 năm thăng trầm của lịch sử Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh.
Toạ lạc trên một khu đất rộng ở số 475/77 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, đình Chí Hòa vẫn giữ được nét cổ kính uy nghiêm, giữa màu xanh thiên nhiên kỳ vĩ, giữa khu dân cư sầm uất của một quận đang trên con đường đô thị hoá. 
Ngược dòng lịch sử, thuở đầu khai hoang lập ấp, vùng đất này có tên gọi là thôn Tân Hưng. Đến năm 1836, thôn Tân Hưng đổi thành thôn Hòa Hưng. Đến năm 1910, theo quy hoạch mới của chính quyền thực dân Pháp, làng Hòa Hưng thuộc tổng Dương Hòa Thượng, tỉnh Gia Định. Địa danh Chí Hòa nằm trong thôn Hòa Hưng trong đó có đại đồn Chí Hòa và tên đình làng Chí Hòa ra đời theo tên địa danh này.
Theo lời kể của các bậc cao niên ở đây, đình Chí Hòa ngày trước có cây đa cổ thụ 3 người ôm không xuể. Năm 1980, cây đa bị đốn, cảnh quan đình bị thay đổi nhiều. Qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nay, đình Chí Hòa có diện tích (32,8x15m), kiến trúc theo hình chữ Tam, ôm chánh điện là hai dãy nhà gọi là Đông và Tây lang (còn gọi là tả, hữu mục).
Từ cổng Tam Quan đầu tiên được xây dựng bằng gạch uốn cong, trên mái gắn một cặp lưỡng long tranh châu bằng gốm men xanh ngọc và đến bức bình phong được ốp vào một lớp gốm sứ có phù điêu hoạ tiết, mặt ngoài có bàn thờ và tượng đắp nổi Thần Hổ, hai bên có tượng Kỳ Lân phủ phục… 
Trong đền, nổi bật nhất là sân khấu bằng gạch, xi măng (mặt trước quay về chính điện); hai bên sân khấu có bức tranh tô nhiều màu diễn tả lại ngôi trường và lớp học của cụ Võ Trường Toản...
Ở khu chánh điện - nơi thờ "Thành hoàng bổn cảnh", nhìn từ bên ngoài nóc có hình "lưỡng long chầu nguyệt" với hai phụng bằng sành sứ lâu năm nằm kẹp hai bên. Bốn đầu đao của mái là bốn đầu rồng…
Theo một số tài liệu còn để lại tại đình thì phần kiến trúc này cho thấy, vì đình Chí Hòa đã được sắc phong nên đầu đao là đầu rồng có chân xòe 3 móng thể hiện thứ bậc Trung Đẳng Thần của vị Thành Hoàng đình. Bước vào bên trong chánh điện có bức hoành phi ghi 4 chữ "Thần Minh Chánh Trực" cùng với hàng cột gỗ lim đen bóng cao 4m chống đỡ giàn kèo thượng lương ở trên đã có trên 150 năm.
Chưa có tài liệu nào xác định Đình Chí Hòa được xây dựng từ năm nào, nhưng có nhiều chứng cứ lịch sử khẳng định, ngôi đình này được hình thành từ sau khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược và thiết lập làng xã cho lưu dân người Việt.
Đình Chí Hòa 
Nhìn tổng quan, kiến trúc đình Chí Hòa vẫn giữ nguyên được kiến trúc Việt Nam là dàn trải theo phương ngang, không lấy chiều cao làm trọng, hoà nhập với thiên nhiên một cách hữu tình và nhờ vẻ đẹp tự nhiên mà tôn lên nét đẹp kiến trúc công trình. Các yếu tố nhân tạo trong tạo hình đã được khai thác triệt để tạo cho ngôi đình thêm uy nghiêm, độc đáo.
Vẻ đẹp bên ngoài của đình Chí Hòa không chỉ có nét đẹp cổ kính mà còn phải kể đến sự rực rỡ, qui mô của bộ mái đình. Đó là kiểu kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố hiện đại và truyền thống. Đình Chí Hòa là biểu tượng đặc trưng của đình làng Nam bộ với kiến trúc Đình xây trên nền cao 5 tấc, lợp ngói âm dương, đầu đao đính đuôi rồng, trên nóc có tượng lưỡng long tranh châu bằng gốm xanh quí hiếm. Có bình phong, các bàn thờ Thần Nông, Thần đất, Ngũ hành nương nương…
Nhìn từ ngoài thấy rõ 3 phần: võ ca, chánh điện và Đông - Tây lang. Bộ vì kèo với kỹ thuật xây dựng chêm, nêm hết sức tinh vi. Trên nền kiến trúc độc đáo của Đình Chí Hòa, nghệ thuật trang trí đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tôn tạo thêm vẽ đẹp nguy nga và cổ kính cho khu di tích. 
Trước hết phải kể đến nghệ thuật khảm gốm men xanh. Từ những mảnh gốm tự nhiên, các nghệ nhân đã tạo thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo: Rồng, Lân, Phụng, Cá chép… Bên cạnh đó là những đường nét tự nhiên thanh thoát bay bổng của những bờ mái và cũng như thế bằng nghệ thuật chạm trổ tinh vi mà bốn cây cột ở tiền điện vừa đảm nhận chức năng kiến trúc vừa thể hiện vai trò trang trí độc đáo. Trên thân hai cây cột cuốn thư chạm hình Cúc - Phụng; Mai - Điểu làm cho cấu trúc của đình vừa thanh thoát bay bổng vừa uy nghiêm tráng lệ.
Nổi bật trong chính thất đền là các bộ liễn treo trên cột phía trong chứa các nội dung văn tự qua bộ chữ Hán cẩn xà cừ rất quí, cộng thêm các bức hoành treo trước võ qui, đông và tây lang đều có niên đại trên 100 năm. Thêm vào đó là các bao lam với nghệ thuật chạm trổ tinh vi hình tứ linh hoặc mai, lan, cúc, trúc bố trí hỗ trợ vừa cách điệu vừa chịu lực cho bộ vì kèo và cột, tạo nên bức tranh phù điêu hết sức kỳ vĩ…
Nhiều cổ vật quí hiếm hiện đang được lưu giữ và trưng bày trong chánh điện gồm: 2 bộ lỗ bộ đầu bịt đồng, cán gỗ mun, ngựa thần, cặp hạc, bộ bát bửu, chiêng trống, bộ tàn lọng, áo mão, cân đai, võng điều và long xa đều là vật vô giá được bố trí trong chánh điện theo đúng cung cách thờ cúng. Đặc biệt, đình Chí Hòa hiện còn lưu giữ hộp gỗ mun thân tròn đầu vuông, dài 4 tấc, trong đó có đựng bản sắc phong của vua Tự Đức phong cho đình Chí Hòa. 
Hầu hết các bàn thờ bài trí "đông bình, tây quả", giữa hương án, lư đồng. Tất cả hiện vật thờ cúng thuộc quí hiếm, với sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại tạo nên một không gian mờ ảo trên những đường trang trí tuyệt mỹ càng làm tăng thêm sự trang nghiêm, u nhã vốn có của một cơ sở tín ngưỡng cộng đồng.
Trải qua những thăng trầm và nhiều biến cố của lịch sử, Đình Chí Hòa còn ghi lại nhiều sự kiện văn hóa lịch sử của đất Gia Định xưa. Vào khoảng những năm 1785 đến 1789, trong khuôn viên của đình đã diễn ra lớp học do cụ Võ Trường Toản đứng lớp. Từ lớp học này đã xuất hiện nhiều nhân vật nổi tiếng như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh...
Trong đình có một bộ liễn xưa do các học trò của cụ Võ Trường Toản làm để tặng thầy, bên trên có khảm hai câu như sau:
Sanh tiền giáo dưỡng đắc nhân vô tử như hữu tử
Một hậu lưu danh tại thế, tuy vong giã bất vong.
Có nghĩa là:
Lúc sống, dạy dỗ được người, dầu không con cũng như có con.
Khi qua đời, tuy đã mất nhưng tiếng tăm vẫn còn tại thế.
Trong thời kỳ chiến tranh, Đình Chí Hòa cũng là nơi che giấu cán bộ Cách mạng hoạt động bí mật. Như phong trào yêu nước tự phát xảy ra vào năm 1915 - 1917 tại đình gọi là Thiên - Địa Hội. Ngoài ra tại Đình, dưới bệ sân khấu có hầm bí mật được lực lượng Thanh niên Tiền phong sử dụng trong một thời gian.
Tại TP. Hồ Chí Minh, đình Chí Hòa được xếp hạng nhất trong tất cả các Đình hiện có và cũng đứng đầu danh sách 10 Đình Chùa cổ và lâu đời nhất của Thành phố. Giá  trị lịch sử - văn hoá của ngôi đình thể hiện sự ghi dấu những tâm tư tình cảm và cảm niệm cuộc sống, vũ trụ của người dân phương Nam, sự khao khát một nền hoà bình, quốc thái dân an và ước mơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngôi Đình cổ kính này từng được vua Tự Đức đời thứ 5 ban sắc phong năm Nhâm tý – 1852 và được Bộ VHTT cấp bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1996.
Từ mái đình này, tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết xóm ấp được củng cố và phát triển bền vững theo tháng năm. Hàng năm, vào dịp đại lễ kỳ yên, người dân nơi đây lại cùng nhau ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công lập làng, lập đình. Âu đó cũng là đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của  dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay.

Đình Bình Đông

Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia Đình Bình Đông là địa điểm hoạt động Công hội bí mật Sài Gòn – tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam do đồng chí Tôn Đức Thắng thành lập.
Nhà tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Nhà văn Sơn Nam từng nói “Có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó vào cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ. Bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, một dạng lưu dân tập thể”. Cho nên “lập làng ở đâu dựng đình ở đó” là nét văn hóa tâm linh đặc trưng của những con dân đất Việt.
Trong tâm thức văn hóa người Việt, đình làng chính là nơi lưu giữ hồn quê, là nơi hội tụ của cộng đồng làng xã, và những nét văn hoá cổ truyền của người Việt thông qua các hình thức tín ngưỡng, lễ hội, mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Được hình thành, phát triển  trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, hình ảnh “cây đa, bến nước, sân đình” trở thành linh hồn của làng quê Việt Nam.
Đình làng ở Nam Bộ nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng có thể không sánh với đình làng ở các tỉnh phía Bắc về giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội nhưng vẫn chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử rất riêng và quan trọng hơn nó còn là chứng tích đối với chặng đường khai dân, lập ấp, và phát triển của vùng đất phương Nam, của tiến trình mở mang, giữ gìn bờ cõi. 
Bàn thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong Nhà tưởng niệm
Với mỗi làng quê, ngôi đình được xem là "địa chỉ đỏ" của mỗi người dân, đặc biệt trong những dịp hội làng, hay mỗi khi có việc làng. Giá trị về mặt tâm linh của các ngôi đình càng trở nên linh thiêng, trang trọng nhưng rất đỗi gần gũi, nhất là khi mỗi ngôi đình lại chứa đựng những câu chuyện của riêng mình.
Cũng như các ngôi đình trong cả nước, những ngôi đình cổ ở Thành phố Hồ Chí Minh còn là nơi “tụ binh dấy nghĩa”, là nơi hội họp, bàn thảo kế sách kháng chiến của những người cách mạng, là nơi ghi lại dấu ấn của nhân dân đứng lên giành chính quyền, trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Không chỉ là những giá trị văn hóa, đình Bình Đong còn chứa đựng những giá trị lịch sử vô giá, gắn liền với tiến trình bảo vệ bờ cõi của dân tộc, của công cuộc đấu tranh giữ nước của người Sài Gòn – Gia Định. Tại đây, năm 1920, đồng chí Tôn Đức Thắng  từ hải ngoại trở về Sài Gòn và bí mật thành lập Công hội đỏ phát triển mạnh trong đội ngũ công nhân nhằm đoàn kết chống tư bản đế quốc. 
Lúc này ông Ka Hiêm là hội viên đình Bình Đông đã có sáng kiến sử dụng ngôi đình làm cơ sở của Công hội đỏ. Năm 1925, trên cương vị là lãnh đạo tổ Công hội đỏ thuộc Nhà đèn Chợ Quán, ông Ka Hiêm tổ chức nhiều cuộc họp tại đình và các tài liệu đều được cất giấu dưới khám thờ.
Đình Bình Đông là di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia
Năm 1920, trở về Sài Gòn, bằng tình cảm yêu mến, sự giác ngộ về Cách mạng tháng Mười Nga và Nhà nước Xô Viết cùng với những kinh nghiệm trong tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đặc biệt là nghiệp đoàn ở Pháp, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng với những người bạn chiến đấu thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật Sài Gòn. Đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam, đánh dấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân Việt Nam từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức.
Theo nhiều tài liệu còn lưu trữ, trong thời gian từ năm 1925-1928, đồng chí Tôn Đức Thắng đã đến Đình Bình Đông để dự, tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Công hội. Tại đây, Bác Tôn đã thuyết giảng về Chủ nghĩa Mác, lòng yêu nước cho các công nhân nòng cốt của Hội.Nhờ vào địa thế của Đình nằm ở một cù lao khá hoang vắng, nổi tiếng linh thiêng nên lính Pháp rất e ngại, không dám đến gần. Vì thế, trong khoảng thời gian 3 năm này, ngay tại Đình, đồng chí Tôn Đức Thắng đã chỉ đạo nhiều hoạt động của Công hội mà không bị địch phát hiện. Hơn thế nữa, các mật thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được chuyển từ nước ngoài về và các sách báo tuyên truyền cho Chủ nghĩa Marx cũng đều được cất giấu rất an toàn ngay chính tại chánh điện của Đình Bình Đông.
Vào những năm 1926-1927, Công hội tại Sài Gòn là cơ sở vững chắc cho sự hình thành và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, không chỉ ở Sài Gòn mà trên cả xứ Nam Kỳ. Khi Kỳ bộ Nam Kỳ thành lập, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn, phụ trách phong trào công nhân.
Với chức trách được giao, đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần tích cực thúc đẩy việc truyền bá Chủ nghĩa Marx-Lenin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho sự ra đời đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.
Sau này, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Đình Bình Đông tiếp tục là nơi liên lạc, chuyển vũ khí vào nội thành và cũng là nơi bộ đội miền Nam đặt súng bắn vào Tòa hành chánh quận 7 của chế độ cũ năm 1968.
Bình phong
Để tưởng niệm thời kỳ hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại thành phố Sài Gòn xưa, một số hình ảnh và kỷ vật của Người đã được sưu tầm và trưng bày tại nhà truyền thống nằm trong khuôn viên đình Bình Đông. Bên trong Nhà tưởng niệm là bàn thờ và di ảnh Bác Tôn được đặt trang trọng, ngoài ra còn trưng bày các hình ảnh, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Trước khu Nhà tưởng niệm còn đặt tượng bán thân Bác Tôn bằng đồng tôn nghiêm.
Từ khi Nhà tưởng niệm Bác Tôn được xây dựng (năm 1991), người dân càng thêm tự hào hơn, thường xuyên đến đình thắp hương, tưởng nhớ đến cống hiến của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng với Cách mạng Việt Nam và thế giới. Qua những tư liệu quý giá này, thế hệ hôm nay hiểu hơn về công ơn của Bác Tôn đối với đất nước và càng tôn kính Bác vì những đóng góp của Người trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc.
Đình Bình Đông được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1997. Một ngôi đình thờ thần và cũng là một cái nôi cách mạng. Với ý nghĩa đó, những giá trị văn hóa lịch sử của Đình Bình Đông sẽ mãi trường tồn cùng năm tháng, sẽ được bảo tồn, truyền đạt và phát huy cho thế hệ hôm nay và mai sau về nét đẹp văn hóa truyền thống, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của lớp lớp cha, ông đã quên mình đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đình Bình Đông được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng những giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội của một vùng đất phía Tây Nam thành phố Hồ Chí Minh vẫn được lưu giữ  nguyên vẹn ở đây.

Đình Minh Hương Gia Thạnh

Ngoài ý nghĩa là một chứng tích của ngôi làng đầu tiên ở Chợ Lớn, là nơi thờ tự hương hỏa của người Minh Hương, đình Minh Hương còn có giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm khắc gỗ mang phong cách Việt Nam thế kỷ XIX.
Trong lịch sử khẩn hoang ở Nam bộ, sự đóng góp của người Minh Hương mà tổ phụ là những người Hoa đã sang định cư tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 17 từ xưa đến nay về kinh tế, văn hóa là đáng ghi nhận. 
Đình Minh Hương Gia Thạnh là ngôi đình do người Minh Hương xây dựng từ năm 1789. Đây là một trong những ngôi đình cổ của vùng đất Sài Gòn – Gia Định, thờ nhiều danh nhân có công với đất nước, là một di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia. 
Sài Gòn xưa, TP.Hồ Chí Minh hôm nay là nơi tập trung người Hoa đông nhất nước ta. Người Hoa có mặt ở Sài Gòn từ những năm cuối thế kỷ 17 với nhiều đợt di dân từ Trung Hoa xuống phía Nam. Họ vốn là những nông dân nghèo khổ, binh lính và một số quan lại phong kiến rời bỏ quê hương vượt biển tìm đất mưu sinh. 
Từ năm 1679 chúa Nguyễn đã cho phép các đoàn người Minh sang định cư ở Nam bộ. Người Hoa đến Sài Gòn-Gia Định với nhiều đợt di dân, định cư, trong đó có một bộ phận của nhóm Dương Ngạn Địch vốn là người Quảng Đông đã đến định cư ở vùng Biên Hòa (Đồng Nai), thành lập làng Thanh Hà. Đến năm 1789, nhóm cư dân của làng Thanh Hà chuyển từ vùng Biên Hòa về hợp nhất với bộ phận cư dân người Hoa cũ ở Phiên Trấn (là tên gọi cũ của Sài Gòn – Gia Định) lập nên làng Minh Hương. 
Tượng của Trịnh Hoài Đức, 1 trong 2 người Minh Hương làm quan đến chức Thượng thư được thờ trong Đình
Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của một địa danh, là nơi cư ngụ của một bộ phận lưu dân người Hoa có mặt ở Sài Gòn – Gia Định từ những ngày đầu khai hoang mở đất. Hương ước của làng Minh Hương còn ghi, năm 1789 là năm chính thức lập "Minh Hương xã", mặc dù từ năm 1698, một số con cháu người Minh Hương đã ngụ cư ở Phiên Trấn.  
Sau sự kiện này, những người Hoa ở Minh Hương đã đóng góp xây dựng ngôi đình làng làm nơi thờ cúng tổ tiên và là nơi làm việc của chức sắc. Đến năm 1808, vua Gia Long ban cho tên "Gia Thạnh đường", nên từ đó đình có tên là Minh Hương Gia Thạnh.
Đình Minh Hương Gia Thạnh hiện tọa lạc tại số 380 đường Trần Hưng Đạo, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. 
Đình Minh Hương Gia Thạnh được xây dựng theo kiến trúc kiểu nhà năm gian, vì kèo gỗ, mái lợp ngói ống, tường gạch. Đình được thiết kế gồm võ ca, chính điện và hậu điện. Bên phải võ ca có miếu Ngũ Hành.
Mái ngói của đình được trang trí hình lưỡng long tranh châu, cá hóa long, tượng ông Nhật bà Nguyệt, phù điêu trích tuồng tích Trung Hoa... 
Từ ngoài nhìn vào chúng ta có thể thấy rõ mái ngói của đình được trang trí hình lưỡng long tranh châu, cá hóa long, tượng ông Nhật bà Nguyệt, phù điêu trích tuồng tích Trung Hoa... được chạm khảm gốm hết sức công phu, tinh xảo.  
Tính đến nay, Đình Minh Hương Gia Thạnh đã qua 3 lần trùng tu vào các năm 1839, 1901 và 1962. Qua các lần trùng tu, mặc dù kiến trúc ngôi đình có ít nhiều thay đổi nhưng nhìn chung vẫn thể hiện rõ nét sự giao thoa văn hóa Việt – Trung. Nổi bật của lối kiến trúc này là thủ pháp sử dụng những mô-típ trang trí có tính biểu tượng.
Với thủ pháp này, nhiều đề án trang trí có tính biểu tượng đã được sử dụng. Theo quan niệm của người xưa, đứng đầu Tứ linh là con rồng với nhiều lớp nghĩa. Lớp nghĩa đầu tiên của Rồng là biểu tượng cho mây, mưa, sấm, chớp với tâm thức cầu mưa của cư dân nông nghiệp, sau khi tiếp thu văn hóa Trung Hoa thì con rồng mang biểu tượng cho uy quyền của bậc quân vương. 
Việc sử dụng rất nhiều mô-típ rồng ở đây với nhiều kiểu chạm khắc tinh vi, là biểu tượng làm tăng “uy quyền” của các chư vị Thành Hoàng làng cũng như nhiều bậc khai quốc công thần được thờ phụng ở đây. 
Chính điện của đình xây trên nền cao, phía trước trang trí ba bao lam chạm lộng các đề tài tùng - hạc, mai - điểu, liên - áp, giỏ cua, giỏ trái cây
Trên nền kiến trúc độc đáo của Đình Minh Hương Gia Thạnh, nghệ thuật trang trí đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc tôn tạo thêm vẽ đẹp nguy nga và cổ kính của đình. Trước hết phải kể đến nghệ thuật chạm khắc tinh xảo trên các dụng cụ điêu khắc bằng gỗ. Nổi bật là bộ khung gỗ kết cấu kiểu kẻ chuyền và các cột gỗ kê trên chân đế bằng đá tạo cho đình thêm nét cổ kính. 
Bộ khung gỗ kết cấu kiểu kẻ chuyền và các cột gỗ kê trên chân đế bằng đá tạo cho đình thêm nét cổ kính
Trên cột và các đà ngang treo nhiều hoành phi, câu đối, phần lớn được làm từ đầu và giữa thế kỷ 19. Đặc biệt có những mảng điêu khắc gỗ, những đôi hài, nón đội hành lễ của các vị tiên hiền lại có những bức tranh vẽ lại câu chuyện người Minh Hương vượt biển, diện kiến xin trú ngụ và được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong của Đại Việt chấp nhận (như Trần Thượng Xuyên ở Đồng Nai, Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho, dâng đất như Mạc Cửu ở Hà Tiên). Đình còn lưu giữ những bộ lư gốm Cây Mai, làm tăng thêm vẻ độc đáo và trầm mặc của nghệ thuật gốm phương Nam.

 Đình Phong Phú 

Không chỉ nổi tiếng nhờ được xây dựng lâu đời, bày trí đẹp với những bức hoành phi, câu đối… sơn son thiếp vàng rực rỡ, đình Phong Phú còn nổi tiếng vì đây là một cái nôi cách mạng.
Cổng đình Phong Phú
Đình Phong Phú là một ngôi đình cổ, được xây dựng vào thời nhà Nguyễn thế kỷ XIX, thờ Thành Hoàng làng Phong Phú thuộc tổng An Thủy, huyện Ngãi An, tỉnh Biên Hòa. Đến thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An chuyển sang thuộc tỉnh Gia Định, và đến năm 1955, dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, Chính phủ Việt Nam cộng hòa đổi tên huyện Ngãi An thành quận Thủ Đức. Sau ngày 30/4/1975, quận Thủ Đức đổi thành huyện Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định chia tách huyện Thủ Đức thành 3 quận, là quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9. Từ đó đến nay, Đình Phong Phú nằm trên địa bàn phường Tăng Nhơn Phú thuộc địa bàn Quận 9.  
Đình Phong Phú tọa lạc trên vị trí khá cao ráo và rộng rãi, nhiều cây cối thâm u, cảnh quan trang nhã tạo được không khí linh thiêng. Chung quanh có tường rào bao bọc với hai lớp cổng ra vào. Một bình phong “ông hổ” trấn ngay ở lối vào chính, ngăn đuổi tà ma xâm phạm. Tiếp theo là bàn thờ thần nông, cũng như nhiều đình Nam bộ, bàn thờ thần nông không có mái che và cũng không có cốt tượng.
Vào lớp cổng thứ hai là tượng bạch mã cao khoảng 2,5m, dáng mạo phương phi hùng dũng. Từ đây có hai lối đi men theo tường và lát gạch. Dọc lối đi là những am thờ Ngũ Hành nương nương, Thổ Địa, Thần Tài, thờ Bà Chúa khai sanh…
Bạch Mã trấn cổng đình
Về mặt kiến trúc, phần chính điện của đình Phong Phú được xây cất theo kiểu nhà tứ tượng, tức mái đình tựa vững trên bốn cột trụ chính, mái hình bánh ít. Từ bốn trụ chính đó, các mái phụ của đình được tiếp tục mở rộng bằng hệ thống cột trụ. Đây là kiểu kiến trúc quen thuộc và xuất hiện khá sớm ở vùng đất Nam bộ. 
Cột đình được làm bằng những thân gỗ lim to hàng người ôm, trải qua bao biến cố đến nay bốn trụ chính của đình vẫn còn khá vững chắc. Bên trong đình tất cả các bức hoành phi, câu đối đều được sơn son thếp vàng rực rỡ. Các họa tiết trang trí vẫn là những đề tài quen thuộc ở các đình miền Nam như: long, lân, quy, phụng, bát tiên, cá hóa rồng… được chạm khắc tinh vi. 
Đối diện phía trước chánh điện là một võ ca khá rộng rãi. Đây là nơi hằng năm vào các dịp lễ cúng đình, các đoàn hát đến biển diễn cho thần và dân làng xem. 
Mặt tiền đình Phong Phú
Đặc biệt, đình Phong Phú là đình duy nhất thờ tượng thần Thành Hoàng trong khi các đình khác ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ thờ bài vị. Tượng thần đặt giữa Long đình trong khám cao 2,5m, bệ tượng cao 1m. Chung quanh khám thờ được trang trí bằng những bao lam gỗ chạm lộng rất đẹp. Hai bên bàn thờ Thần là bàn thờ Tả ban, Hữu ban, là những tướng sĩ đi theo hộ vệ thần. Lui về phía sau sát vách tường, hai bên có bàn thờ Tiên hiền và Hậu hiền, là những người có công khai lập và đóng góp công sức cho làng Phong Phú.
Theo sách Gia Định xưa và nay của tác giả Huỳnh Minh, đình Phong Phú vốn thờ ông Đỗ Thành Nhân làm Thành hoàng làng. Ông là một vị tướng tài ba của Nguyễn Ánh trong những năm bôn tẩu đã có thời gian hoạt động ở vùng Phong Phú và các làng trên đất quận 9 ngày nay. Về sau, nghi ngờ Đỗ Thành Nhân làm phản, vua Gia Long đã giết hại ông. 
Sắc phong cho Thành hoàng đình Phong Phú
Còn theo một số cụ già ở Phong Phú, thì đình làng thờ một vị tướng của Tây Sơn có tên là Nguyễn Hóa làm Thành hoàng. Rất tiếc, qua bao cuộc thăng trầm, các sắc phong của đình đã bị thất lạc, tiêu hủy, nay chỉ còn bài vị ghi mấy chữ quen thuộc như nhiều ngôi đình khác ở Nam bộ là “Thành hoàng bổn cảnh”, và một chữ “thần” to ở phận hậu cung là nơi thờ chính của đình.
Đình Phong Phú không chỉ là nơi thờ cúng thần của làng, mà qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình đã trở thành một căn cứ cách mạng. Việc lấy đình làm điểm tựa, làm nơi tập hợp quần chúng để đấu tranh với kẻ thù, đặc biệt trong đình có hầm bí mật để nuôi dấu cán bộ cách mạng trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp và là cơ sở cách mạng thời chống Mỹ đã nói lên tấm lòng yêu nước của người dân luôn hướng về cách mạng.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, đình Phong Phú trở thành nơi luyện tập của lực lượng thanh niên vũ trang của địa phương. Từ tổ chức thanh niên vũ trang, sau chuyển sang thành bộ đội địa phương trực thuộc đại đội 15 do đồng chí Thái Văn Lung chỉ huy.
Hoành phi "Hộ quốc tý dân" (Bảo vệ đất nước, che chở nhân dân)
Dân làng và hội đình đã góp lương, góp tiền nuôi bộ đội và mua vũ khí trang bị cho đơn vị. Trận đầu tiên, xuất phát tại sân đình, bộ đội đã tiêu diệt gọn một đồn Nhật ở Thủ Đức, thu 5 súng trường.
Cũng từ đình Phong Phú năm 1946, chi đội 6 của đại đội 15 đã tiêu diệt tên ác ôn chỉ huy lính Phá “Ách râu” và đánh bị thương bọn lính lê dương ở bót Dây Thép. Giặc Pháp đã hèn hạ trả thù, sát hại 44 người dân làng vô tội trước cổng đình Phong Phú trong chưa đầy một ngày sau đó. Năm 1948, dân làng Phong Phú đã tiêu thổ đình ủng hộ kháng chiến.
Giá trị nổi bật tại đình Phong Phú là các sự kiện lịch sử cách mạng diễn ra liên tục tại đây trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Võ ca
Đình Phong Phú là điểm tựa, niềm tin, thôi thúc lòng yêu nước của bá tánh trong vùng tạo thành phong trào cách mạng. Dưới thời chống Mỹ, đình Phong Phú là trạm dừng chân của cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng trong lòng địch. Dựa vào sự che chở của nhân dân và sự ủng hộ của ban Hội đình, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã ẩn nấp nhiều ngày trong hầm bí mật của đình để hoạt động xây dựng phong trào cách mạng.
Hầm bí mật ở đình Phong Phú là sáng kiến của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Bá vẫn còn được lưu giữ đến hôm nay. Căn hầm bí mật được đặt ngay dưới bàn thờ ở chánh điện. Đây cũng là điểm đặc biệt làm nên dấu ấn riêng cho đình Phong Phú.
Theo các cụ cao niên trong vùng kể lại, mỗi lần có địch phục kích đón bắt cán bộ, người dân lại đốt một ngọn đèn hoặc một bó nhang lớn nơi bàn thờ thiên ở cổng vườn làm hiệu cho cán bộ biết trốn vào trong lòng bàn thờ. Nếu nguy hiểm thật sự thì sẽ chui xuống hầm theo lối ngầm dẫn ra ngoài rừng. 
Một ngôi miếu trong đình
Những thùng “phước sương” trong đình cũng là nơi nhận tiền bạc đóng góp của dân làng cho cách mạng. Giặc biết, tìm cách niêm phong, giữ chìa khóa nhưng các cụ trong Hội đình xé niêm phong, phá ổ khóa lấy tiền đóng góp trong thùng gửi ra chiến khu cách mạng...
Nhiều cụ trong Hội đình vì ủng hộ, che chở cho cán bộ cách mạng, bị giặc tù đày, tra tấn dã man nhưng các cụ vẫn không khai, ra tù trở về các cụ lại tiếp tục ủng hộ cách mạng, kháng chiến chống Mỹ - Ngụy. 
Căn cứ vào những ghi chép còn sót lại và các lời kể của dân làng, đình Phong Phú được xây dựng vào khoảng cách nay ngót 150 năm về trước, khi những lưu dân từ miền Bắc, miền Trung đến đây khai hoang lập ấp. Số phận của đình cũng trải qua nhiều long đong gắn cùng lịch sử dân tộc và đất nước. 
Năm 1937, đình có lần trùng tu lớn, từ mái lá tranh tre được thay bằng ngói âm dương, tường xây gạch. Năm 1948, dân làng hưởng ứng chủ trương tiêu thổ kháng chiến đã kéo đổ đình, không cho giặc Phá làm nơi trú ngụ. Năm 1952 đình được khôi phục lại nhưng với quy mô nhỏ hẹp. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 đình lại bị tàn phá nặng nề do bom đạn giặc Mỹ. 
Ngũ hành Thánh mẫu
Dù ngày nay đã được trùng tu, sửa chữa tạo vẻ uy nghi và rực rỡ hơn xưa song các chi tiết và cách bài trí theo phong cách tái cổ. Sau ngày đất nước thống nhất, bên cạnh chánh điện được xây dựng thêm một nhà truyền thống để trưng bài một số hình ảnh, tư liệu về quá trình tham gia cách mạng của hội đình và một số nhân vật địa phương có công với cách mạng.  
Cũng như các đình miền Nam, hầu hết hiện vật bày trí trong đình đều sử dụng hai màu vàng và đỏ. Theo quan niệm kinh dịch, màu vàng thuộc yếu tố hành Thổ tượng trưng cho đất nên  là màu quý nhất, kế là màu đỏ, xét theo ngũ hành, màu đỏ là màu chỉ sự sáng suốt.
Về nghi lễ thờ cúng thì đình vẫn thừa kế cung cách cúng kiếng, bày trí lễ vật, chọn ngày hành lễ hàng năm, những nghi thức được trân trọng giữ gìn, lòng tôn kính Thành Hoàng được tôn trọng mà không sa vào mê tính, dị đoan. Bài trí thờ cúng trong đình được sắp xếp có thứ tự, nề nếp và trở thành tập quán có chọn lọc theo tôn ti trật tự dẫn con người đến Lễ, Nghĩa, Liêm, Sĩ, biết điều hay lẽ phải, tương thân tương ái.
Đình Phong Phú được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1993
Ngày lễ trọng đại trong năm là lễ Kỳ Yên, diễn ra trong 3 ngày, từ 14 đến 16 tháng 11 âm lịch hàng năm. Lễ không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc về tâm linh, mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu quê hương, đất nước. Đây là dịp mà nhân dân địa phương và các nơi tụ về cúng viếng rất đông. 
Trong khuôn viên đình Phong Phú gần đây còn được xây thêm Đài tưởng niệm ghi công các liệt sĩ của phường hy sinh trong các thời kỳ chống quân xâm lược. Mỗi dịp lễ Kỳ yên, hay vào các ngày lễ trọng, chính quyền địa phương và bà con bá tánh gần xa lại về đây chiêm bái vong linh Thần hoàng cùng hương hồn các vị tiền bối cánh mạng đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. 
Đó là niềm tự hào của mọi người mà Hội đình Phong Phú biết vận dụng để nhắc nhở lớp đi sau "Uống nước nhớ nguồn", và đó cũng là một nét văn hóa biểu lộ sự đoàn kết thương yêu nhau tạo nên một tập quán tốt đẹp trong tinh thần đoàn kết dân tộc.
Cổng đình Phong Phú nhìn từ phía sân đình
Đình Phong Phú được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Là một trong những ngôi đình lớn, nổi tiếng trên địa bàn thành phố, mỗi năm đình Phong Phú đón hàng ngàn lượt khách thập phương đến tham quan cúng tế. 
Với những đóng góp của hội đình cho công cuộc giải phóng dân tộc và việc bảo tồn nếp sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, đình phong Phú đã được công nhận là di tích văn hóa lịch sử quốc gia từ năm 1993.
Văn Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét