Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2019

Sài Gòn xưa: Hủ tiếu, bánh bao Cả Cần

Quán Cả Cần nằm thoáng đãng trên khoảng diện tích rộng rãi giữa hai ngả giao thông của đường Hùng Vương, phía trước công viên Văn Lang – Quận 5. Quán lúc nào cũng đông khách và không ít người vẫn cho rằng quán hủ tiếu Cả Cần chính là quán hủ tiếu của Bà Năm Sa Đéc, nghệ sĩ cải lương nổi tiếng một thời, vợ của học giả đáng kính Vương Hồng Sển. Nhưng thật ra ông Trần Phấn Thắng đã mất mới là người mở quán hủ tiếu Cả Cần. Và ông “Cả Cần” đã “nhập khẩu” toàn bộ “công nghệ” chế biến bánh bao, hủ tiếu từ Mỹ Tho lên, chứ hoàn toàn không liên quan gì đến hủ tiếu Sa Đéc.

Chuyện quán Cả Cần

Ông Bà Cả Cần xuất thân từ công chức Việt Nam Cộng Hòa. Bà người gốc Bến Tre, nấu ăn rất ngon. Ông có tài ăn nói duyên dáng và khả năng ngoại giao bạn bè rất rộng. Từ sự kết hợp đó, ông bà quyết định bỏ nghề công chức ra mở quán Hủ Tiếu và Bánh Bao Mỹ Tho.
Lúc đầu quán hủ tiếu Cả Cần đặt tại ngã tư Công Lý và Trương Quốc Dung. Trước năm 1975, nếu ai đi lại con đường ra sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không thể không thấy cái Bánh Bao to tướng trước khi băng qua cổng xe lửa, đó chính là quán Cả Cần.
Sài Gòn xưa - Hủ tiếu, bánh bao Cả Cần
Sở dĩ quán mang tên Cả Cần, do ông Thắng lấy tên người bạn thân đã mất là Cần, để nêu lên khẩu hiệu “Có Cả Cần Cần Chi Có Cả” cho quán hấp dẫn thực khách.
Sau thời gian ngắn thì Quán Ông Cả Cần thành công rất nhanh nhờ tài nấu ăn của bà và tài ngoại giao của ông. Cũng vì quen biết giới văn nghệ sỹ thời đó nên ông Thắng liên hệ với Bà Năm Sa Đéc, mượn nghệ danh làm tên quán thứ hai ở Ngã Tư Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Trãi (Chợ Lớn).
Ai có đến quán Bà Năm Sa Đéc (của ông Trần Phấn Thắng) thì đều biết quán này nằm giữa đường gần như chắn ngang con đường Nguyễn Trãi chạy từ Sài Gòn ra. Vì thế khoảng thập niên 70, ông Thắng bị Đô Trưởng lúc đó là Đỗ Kiến Nhiễu (nghe đâu cũng gốc Mỹ Tho) bắt tháo dỡ. Ông theo vụ kiện đến cùng, kết cục thì ông Thắng thắng và quán vẫn còn tồn tại như ngày nay. Nhưng vì vụ kiện này mà Bà Năm Sa Đéc rút tên ra. Quán mang tên MỸ TIÊN . Mỹ Tiên là tên cô con gái lớn của ông Thắng.
Sài Gòn xưa - Hủ tiếu, bánh bao Cả Cần
Ông bà Cả Cần.
Khi Sài Gòn bị chiếm, gia đình ông Thắng định cư ở Canada, tới những năm 1990 trở về Sài Gòn, mở lại quán hủ tiếu Cả Cần.
Ông Thắng mở quán hủ tiếu Cả Cần hiện nay, cùng địa điểm với người kinh doanh quán ăn khác, nên chỉ phục vụ hủ tiếu Cả Cần một buổi, thời gian này là buổi sáng. Trên tờ thực đơn của hủ tiếu Cả Cần có ghi dòng chữ Việt và Anh “SÁNG VÀ CHIỀU KHÁC NHAU – MORNING AND AFTERNOON DIFERENT ..”

Hủ tiếu Cả Cần

Rất dễ nhận đâu là hủ tiếu Cả Cần thứ thiệt: Vào ăn hủ tiếu cả Cần, chỉ có hai thứ là hủ tiếu khô và hủ tiếu nước. Hủ tiếu Cả Cần chế biến theo hủ tiếu Mỹ Tho, bằng sợi bánh hủ tiếu Mỹ Tho. Theo nhận xét của nhiều người, hủ tiếu Mỹ Tho là thứ hủ tiếu ngon nhất của miền Nam, vốn từ hủ tiếu của người Triều Châu (người Tiều). Nên thường thấy, chủ các quán hủ tiếu Mỹ Tho danh tiếng xưa nay là người Việt gốc Hoa, tuy vậy các lò sản xuất bánh hủ tiếu Mỹ Tho đều do người Việt phụ trách. Có hai nơi chuyên sản xuất bánh hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng, ở thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công, cung cấp cho các quán chế biến hủ tiếu Mỹ Tho ở khắp các nơi, trong đó có hủ tiếu Cả Cần.
Sài Gòn xưa - Hủ tiếu, bánh bao Cả Cần
Xe hủ tiếu của người Hoa.
Bánh hủ tiếu Mỹ Tho mà hủ tiếu Cả Cần sử dụng chế biến tô hủ tiếu phục vụ khách là loại bánh khô, chế biến từ các loại gạo như Nàng Thơm – Nàng Út, và Nàng Thơm Chợ Đào, loại gạo đặc sản của Cần Đước – Long An, nức tiếng là loại gạo thơm từng được dùng tiến các vua triều Nguyễn, có nhiều người cho rằng, vào ăn hủ tiếu Cả Cần nên gọi tô hủ tiếu khô.
Ăn hủ tiếu khô sẽ được thưởng thức thứ nước sốt rất đặc biệt của quán hủ tiếu Cả Cần. Thứ nước sốt này có vị chua và ngọt, nằm dưới lớp xá xíu, sườn non, tôm luộc, thịt bằm. Trộn đều tay cho nước sốt hòa lẫn với bánh hủ tiếu rồi ăn, sẽ thấy hương vị đặc sắc của tô hủ tiếu, để biết vì sao hủ tiếu Cả Cần đã nổi tiếng tại Sài Gòn trên nửa thế kỷ.
Sài Gòn xưa - Hủ tiếu, bánh bao Cả Cần
Có một thời gian hủ tiếu cả Cần chỉ phục vụ khách vào buổi chiều, nay đổi buổi sáng. Tô hủ tiếu nước bình thường có sườn non – xá xíu – thịt bằm và vài lát chả cây, với giá cao hơn đôi chút giá tô hủ tiếu ở các quán khác. Nhưng lần nào cũng vậy, miếng sườn non trong tô hủ tiếu Cả Cần là thứ sườn non ở chỗ ngon nhất của bẹ sườn heo, được hầm vừa chín tới, thịt không rã rục cũng không bị cứng. Nếu khách gọi tô hủ tiếu đặc biệt, sẽ có thêm tôm luộc và vài khoanh dồi chiên như trong món cháo lòng. Một tô hủ tiếu Cả Cần đặc biệt có giá trên dưới 70,000 đồng.
Đặc biệt từ lúc quán hủ tiếu Cả Cần ra đời, đã gắn liền tô hủ tiếu với cái bánh bao. Một thời gian dài bánh bao Cả Cần cũng được hiểu là bánh bao Bà Năm Sa Đéc, chúng tôi thấy nhiều người ghé quán hủ tiếu Cả Cần để mua bánh bao; cũng có thực khách ăn xong tô hủ tiếu, gọi cái bánh bao ăn thêm.

Bánh bao Cả Cần

Bánh bao Cả Cần là thứ bánh bao đặc chất của người miền Nam, sản xuất ở Sài Gòn trước 75, khác với bánh bao của người Hoa. Bánh bao Cả Cần không trắng như bánh bao gốc của người Hoa, mà hơi hẩm, vì không dùng bột tẩy. Vị bánh bao bùi hơn, ăn không dính răng, nhân bánh bao hoàn toàn là thịt băm, không pha lẫn cá và dầu mỡ như bánh bao của người Hoa.
Sài Gòn xưa - Hủ tiếu, bánh bao Cả Cần
Bánh bao Ông Cả Cần được hấp trước mặt khách hàng tại quán Túp Lều Lý Tưởng.
Bánh bao Cả Cần nổi tiếng ở Sài Gòn từ trước 75. Nhân bánh bao Cả Cần gồm tôm – thịt – trứng muối – nấm đông cô; giá cao hơn giá bánh bao nhiều nơi khác. Loại bánh bao đặc biệt của quán Cả Cần lên tới trên 30,000 đồng, cao gần gấp đôi bánh bao các nơi. Bánh bao Cả Cần thơm ngon, tuy nhiên cũng không vượt trội bánh bao nhiều nơi khác, nhất là bánh bao ở Mỹ Tho.
Từ nhiều năm nay, Sài Gòn có nhiều nơi sản xuất bánh bao (không kể bánh bao của người Hoa), với những thương hiệu không thể nhớ hết. Bên cạnh những xe bán bánh bao mang biển hiệu: bánh bao Singapore, bánh bao Đài Loan, bánh bao Malaysia… thì bánh bao Cả Cần vẫn cứ đông khách như mọi khi. Và cho tới ngày nay, thương hiệu “Cả Cần” đã đi vào lịch sử ẩm thực của Sài Gòn.
Dựa theo bài viết đăng trên Saigonxua.org và Fanpage Saigonxua
Độc giả quan tâm có thể ghé thăm Fanpage để tìm hiểu về Sài Gòn xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét