Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Tâm thức về nước qua lễ cúng nước giọt của người Jrai: Lễ cúng thần Nước - Biểu tượng sự kết nối cộng đồng

TS. Trung Thị Thu Thủy ( Học viện Chính trị Khu vực III Đà Nẵng) 


Nơi nào có nước nơi đó có sự sống con người 

Trong tâm thức của các nhóm Jrai ở Gia Lai, nước có vai trò vô cùng quan trọng nên bao giờ khi chọn một khu đất mới cho làng, việc đầu tiên của những già làng là tìm cho được nguồn nước tốt. Vì vậy, trong lời nói hằng ngày người Jrai thường truyền nhau: hmâu ia hmâu mơnuih, hmâu rông hmâu plơi (Tạm dịch: Nơi nào có nước nơi đó có sự sống con người, nơi nào có nhà rông nơi ấy là làng.)

IMG_8791-1200x800
Nước có vai trò quan trọng trong đời sống người Jrai. Ảnh minh họa
Gia Lai một tỉnh nằm trong vùng Trường Sơn - Tây nguyên, là nơi sinh sống của dân tộc tại chỗ Jrai thuộc nhóm ngữ hệ Mã lai - Đa Đảo (Malayo - Polynésien). Đến năm 2015, theo điều tra trên địa bàn tỉnh Gia Lai, người Jrai có 85.502 hộ; 425.187 khẩu với 5 nhóm tộc người: Jrai Tơ buăn; Jrai Aráp (Hráp); Jrai Hdrung; Jrai Chor; Jrai Mthur; cư trú trải dài từ thành phố Pleiku đến các huyện: Chư Pah, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.
Lịch sử của người Jrai gắn liền với từng dòng thác róc rách tạo ra âm thanh núi rừng hùng vĩ và trắng xóa đong đưa qua lại trong gió như suối tóc của những nàng H’bia trong huyền thoại. Quá khứ của họ gắn bó mật thiết với từng con suối nhỏ róc rách chảy lượn quanh các chân đồi và thung lũng tạo nên những đường viền chia cách đất với trời, phân ranh thế gíới con người với thế giới thần linh. Mặc dù sống giữa rừng già với những dãy núi cao bao quanh, người Jrai có một cái nhìn về nước rất gần gũi và nước đã chiếm giữ một vị trí quan trọng trong đời thường và đời sống tâm linh của họ.
Hằng năm dân làng đều tổ chức lễ thức này để cầu cho một năm bình yên; để mong cho một vụ mùa bội thu; để ước vọng cho sự trường tồn của cộng đồng. Như nguồn nước không ngừng tuôn chảy kia. Vô tận. Mà đi đến tận cùng tâm thức, đó là sự ứng xử của con người với thiên nhiên một cách nhân văn nhất. Trong dịp này dân làng cùng nhau sửa sang lại nước giọt của làng, tổ chức cúng tế Thần Nước (Yang ia), nguồn của sự sống con người.
Nước quan trọng là vậy, con người trân quý tự nhiên là vậy, nhưng mỗi nhóm tộc người Jrai lại có những cách thức thể hiện rất riêng.
Người Jrai Aráp làng Kép, xã Ia Phí, huyện Chư Păh thường cúng nước giọt (ngă yang ia) vào thời điểm tháng 4, tháng 5 (blan pak, blan lima) hằng năm (theo lịch Jrai) sau khi cả làng đã làm xong cỏ lúa. Đó là khoảng thời gian mở đầu cho một chu kỳ nông lịch, một năm mới đầy hứa hẹn. Bởi người dân quan niệm thần Nước sẽ hài lòng trước sự thành kính của con người mà ban cho một năm yên bình; thóc lúa đầy kho; dịch bệnh tránh xa. Thời gian tổ chức lễ chỉ trong một ngày nhưng thời gian chuẩn bị của dân làng thường khoảng 1 tháng. Khi đó mỗi gia đình sẽ đóng góp ngày công, nguyên vật liệu, và tiền.
Từ sáng sớm, già làng đã đánh hồi chiêng tập hợp dân làng ở nhà rông phân công nhiệm vụ. Nhóm thì dọn dẹp tại nhà rông; nhóm thì phát quang đường đi, sửa sang lại các bậc lên xuống khu nước giọt; nhóm thì đi tìm ống lồ ô (phun o) để thay máng nước (nang ia); nhóm chuẩn bị lễ vật để cúng...
Nhà rông là linh hồn, là không gian thiêng nên trong bất cứ lễ hội nào của làng, dọn dẹp nhà rông sạch sẽ là công việc bắt buộc. Thường thì thanh niên nam nữ sẽ đảm nhận công việc này. Công việc dọn dẹp khá khẩn trương để kịp cho việc tổ chức cúng lễ, bởi người Jrai quan niệm thời khắc buổi sáng là thời khắc của sự sống, của thần linh; thời khắc về chiều là thời khắc của cái chết, của thế giới atâu nên bao giờ cúng tế cũng trước khi mặt trời ngả về phía tây (qua 12 giờ trưa).
Khi nguồn nước đã được khơi thông, đại diện già làng (taha plơi) cũng là  thầy cúng giọt nước (yang rung) sẽ kiểm tra lại lần nữa việc sửa giọt nước. Và chính tay ông bắc lại máng nước mới (nang ia biyau), trang trí cây nêu cho nguồn nước của làng chứ thanh niên không được phép làm. Một cách cẩn thận, chu toàn để thần nước chứng giám cho sự thận trọng, thành kính của con người dành cho thần.
Điều này khác với nhóm Jrai Tơ buăn ở Đức Cơ hay Jrai Hdrung thành phố Plei Ku. Cây nêu (brui) như một biểu tượng để kết nối giữa con người với các vị thần linh, là nơi để Yang ia (Thần nước) chạm tới lễ vật được dâng cúng, thưởng thức lễ cúng, là nơi mời gọi các thần về chứng kiến và cùng chung vui với buôn làng. Vì mang sứ mệnh đặc biệt nên cây nêu được trang trí công phu hài hòa, sinh động, đẹp mắt như một tác phẩm nghệ thuật. Khác với hình ảnh cây nêu vẫn thường thấy, cao vút, cây nêu nơi giọt nước vùng Chư Păh lại mang biểu tượng của mặt trời (yang pôm), của sự sống, của sự sinh sản và phì nhiêu. Bởi mặt trời sưởi ấm, ủ ấm, làm cho lúa ra bông chắc hạt; soi sáng cho con người đường lên rẫy, xuống nước giọt.
Điều cốt lõi và sâu sắc nhất trong lễ cúng nước giọt của các nhóm tộc người Jrai chính là đề cao thông điệp gìn giữ toàn vẹn và bền vững không gian sống của mình. Lời khấn được coi là văn bản “cam kết” không thể bội tín, nhằm bảo đảm và hướng tới một đời sống xã hội cân bằng về mặt vật chất cũng như tinh thần trong mỗi cộng đồng. Những thông điệp gìn giữ môi trường sống hài hòa được phát đi dưới sắc thái tín ngưỡng và tâm linh ấy được thành viên trong cộng đồng tuân thủ, thực hiện nghiêm cẩn. Cứ nhìn vào thực tiễn sẽ thấy, những giọt nước của làng Kép (xã Ia Phí huyện Chư Păh), làng A (xã Gào, thành phố Plei Ku), hay làng Ghè (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ), trên địa bàn tỉnh Gia Lai, sở dĩ không trở thành phế tích là vì những cánh rừng đầu nguồn có chức năng giữ và điều tiết nước cho nguồn nước ở đây quanh năm trong lành, không bị xâm hại như nhiều nơi khác.

Điều cốt lõi và sâu sắc nhất trong lễ cúng nước giọt của các nhóm tộc người Jrai chính là đề cao thông điệp gìn giữ toàn vẹn và bền vững không gian sống của mình. 
Lễ vật cúng thần Nước luôn bắt buộc phải là một con heo đen (buei tăm), một con gà đen (manuk ak) và một ghè rượu (pai cheh/ge). Thần nước thích những vật màu đen là cách mà người làng lý giải. Khi nước đã trong và chảy vào máng, thầy cúng cầm gà và heo cúng đến chỗ nước giọt, đập mạnh vào đầu gà và heo để lấy tiết của những con vật cúng/hiến sinh hòa cùng với dòng nước trong lành.
do cung
Lễ vật được rửa sạch sẽ sau đó cắt phần đem ra để cúng. Ảnh: Minh Quế/ langvietonline 
Trong quan niệm của người Jrai, máu được hiểu là phương tiện truyền dẫn sự sống, chính vì thế trong những lần cúng tế cho thần linh “yang”, người Jrai thường dùng máu và gan con vật hiến tế để dâng cúng. Nghi thức hiến sinh này khác với nhóm người Jrai Tơ buăn vùng Đức Cơ và nhóm Jrai Hơdrung vùng Plei Ku.
Gan heo (tai buei), gan gà (tai manuk) còn sống được đặt quanh tai ghè; miếng gan chín đặt bên cạnh. Già làng (taha plơi) nói với chúng tôi: “Gan sống dành cho thần, còn gan chín dành cho người. Nguồn nước đầu tiên sẽ được dành cho ghè rượu cúng thần”. Rồi già làng đọc lời cúng:
Hỡi thần cây cối tre nứa, thần núi rừng hãy đến đây với chúng tôi cùng uống rượu ăn gan heo gan gà này. Hỡi thần suối Chan hãy băng qua rừng, thần suối Ai men theo bờ ruộng, thần suối Kleng đi theo hướng Đông, thần suối Tong Bră dọc theo khe núi, thần suối Pok hãy đến với giọt nước Ia Nguin của chúng tôi. Hôm nay chúng tôi làm lễ cúng dâng đến các vị thần gan gà gan heo và rượu tưới lên bến nước để cho dân làng có cuộc sống tốt, luôn luôn khỏe mạnh, con cháu người thiểu số chúng tôi luôn mạnh khỏe đừng ốm đau bệnh tật. Hãy cho chúng tôi nguồn nước trong veo, tràn trề.
Sau lời cúng, theo phong tục già làng cũng là thầy cúng là người sẽ uống kang rượu đầu tiên rồi mới đến những người cao tuổi và dân làng. Quanh ghè rượu, người dân mong cho cây lúa chắc hạt, không bị sâu bọ phá hoại, một vụ mùa bội thu; mong cho nguồn nước dồi dào quanh năm; mong cho một năm yên bình, một cuộc sống không bệnh tật. Ghè rượu cứ thế được mời nhau, chuyền tay cho đến lúc nhạt cũng là lúc lễ cúng nước giọt kết thúc.
Sau khi cúng xong, cũng là lúc nguồn nước mới xối trào trong vắt và mát rượi từ máng mới đổ về; cũng là lúc phụ nữ trong làng rủ nhau xuống nước giọt lấy nước về nhà nấu cơm đầu tiên và sinh hoạt cho mỗi gia đình. Họ xem đây là nguồn nước may mắn trong năm. Cũng vẫn là giọt nước đó nhưng hôm nay người dân cảm nhận nguồn nước như mới hơn, trong mát hơn, tinh khiết hơn và thanh sạch hơn mà Yang ia (thần nước) ban cho con người .
Cũng tổ chức lễ cúng nước giọt (ngă yang ia/kah yang ia) nhưng người Jrai nhóm Jrai Hơdrung làng A (Plơi Ring De) xã Gào, thành phố Plei Ku lại chọn thời điểm khác hơn. Tầm tháng 4 dương lịch (khoảng tháng 1 (balan sa) theo cách tính lịch của người Jrai), khi chuẩn bị xuống giống cho một năm mới  là lúc dân làng tổ chức lễ cúng bến nước. Người dân quan niệm đây là thời gian dọn dẹp bến nước, sửa lại nước giọt, đường xuống bến, đường đi rẫy để cầu xin thần nước cho một năm mưa thuận gió hòa; ban cho nguồn nước dồi dào để phục vụ canh tác, sản xuất; ban cho mùa vụ bội thu, dân làng no ấm, khỏe mạnh và đừng trách phạt, gây họa cho dân làng khi vô tình sửa nước giọt động đến nơi trú ngụ Yang ia (Thần Nước).
Thời gian chuẩn bị cho lễ hội này thường phải mất cả tháng vì không chỉ cúng nước giọt, người dân còn cúng thần nhà rông (ngă yang sang rông) như một quy định bắt buộc. Lễ  cúng cũng không có sự đồng nhất, nếu vùng Chư Păh là heo đen (buei tăm), gà đen (manuk ak) thì vùng Plei Ku lại là heo trắng tầm 20kg đến 30 kg. Ở đây người dân không cúng gà, cũng không đổ huyết heo xuống giọt nước.Còn ghè rượu cúng không phải được mua tùy tiện từ quán; cũng không phải của một gia đình nào mang đến mà là sự đóng góp cơm rượu của cả làng.Điều này thể hiện tính cộng đồng rất cao.
Ngay từ sáng sớm, già làng uy tín đã gọi mọi người tập trung tại đường xuống bến. Ở đây, ghè rượu lớn đã được trưởng thôn đặt ngay ngắn, người dân từ các nóc nhà tay cầm túi cơm rượu đã ủ lên men (cam pai) vui vẻ, cẩn thận đổ vào ghè rươu. Bởi họ biết đây là ghè rượu dành để cúng thần nước nên ai cũng chu đáo, tuần tự, không ồn ào chen lấn; không dám lơ là. Làng A (Plơi Ring De) có đến 180 hộ 820 khẩu nên bao giờ ghè rượu cúng cũng đầy đặn và thường có từ 3 đến 4 ghè cho lễ thức này.
Đổ cơm rượu (cam pai) xong, các nhóm thanh niên nhanh chóng dọn dẹp phát dọn đường xuống bến nước.Nếu vùng Chư Păh cả nam nữ cùng tham gia dọn dẹp nguồn nước, giọt nước thì vùng Plei Ku chỉ có nam giới mới được phép làm việc này. Nhóm dọn đường xuống giọt nước; nhóm khiêng heo; nhóm gùi ghè rượu cúng… Tất cả tấp nập, khẩn trương. Bởi họ cũng quan niệm như nhóm người Jrai vùng Chư Pah, thời gian cúng thần phải vào buổi sáng.
Giọt nước Ia Kruih mọi ngày vốn tấp nập hôm nay trở nên náo nhiệt hơn khi dân làng cùng phát dọn, sửa sang. Kể cả dùng máy bơm vòi xịt hiện đại để làm sạch nguồn nước.Đám thanh niên thích vậy để cho tiện, cho nhanh; còn người già thì không ý kiến gì. Nếu giọt nước ở vùng Chư Păh còn lưu giữ nét truyền thống, chưa bị mai một bởi bê tông hóa thì nước giọt vùng xã Gào đã được xây dựng lại gọn gàng, quy mô. Những người già hoài cổ vẫn kể lại hình ảnh giọt nước ngày xưa đẹp như thế nào khi xung quanh vẫn còn rừng bao phủ… Tuy nhiên điều làm chúng tôi chú ý là trong một loạt ống nhựa cắm vào thành bê tông để lấy nước thì có một ống ngắn hơn, cao hơn những ống còn lại và đặt phía dưới gốc cây như vị trí phân định, cắm mốc. Riêng ống nước này phụ nữ không bao giờ được lấy nước. Hỏi thăm già làng Siu Huy, ông cho biết đấy là giọt nước cúng thần Nước, chỉ có thầy cúng bến nước (Po kah yang) mới được phép đặt lễ vật và cúng ở tại đó mỗi khi làng làm lễ.
le cung
Già làng thực hiện lễ cúng. Ảnh: Ảnh: Minh Quế/ langvietonline 
Khi khu nước giọt đã sạch sẽ cũng là lúc con heo hiến sinh được thui mổ xong. Ở vùng Plei Ku, người dân không đổ tiết heo trực tiếp xuống dòng nước mà thầy cúng sẽ lấy một ít gan heo, tim heo sống hòa cùng rượu ghè, đặt trên tàu lá chuối, cẩn thận đặt tại ống nước nhỏ, nơi mà người làng quan niệm thần Nước ngự trị. Lúc này thầy cúng sẽ đọc bài khấn thần Nước:
Hôm nay dân làng Ring De chúng tôi đến đây sửa sang bến nước, chúng tôi xin mời tất cả các vị thần: Thần Ia Kruih, Thần Ia Breng, Thần Ia Grang, Thần Ia Ring,... đến đây cùng tụ họp với chúng tôi, chúng tôi xin dâng đến các vị Thần nước một con heo to và một ghè rượu lớn. Xin thần hãy phù hộ cho làng Ring chúng tôi nguồn nước trong vắt và tràn trề đầy máng, đầy ống, chúng tôi xin khấn thần cùng với rượu và gan heo cầu mong cho dân làng luôn vui vẻ bình yên để cho dân làng chúng tôi, con cháu chúng tôi luôn khỏe, đừng ốm đau bệnh tật, làm nương làm rẫy có lúa đầy kho có ngô đầy bồ, nuôi gà đầy đàn nuôi heo bò đầy chuồng, làm cà phê có được nhiều tiền, cho cuộc sống của dân làng chúng tôi từ già đến trẻ ai ai cũng vui cũng khỏe.
Xong lời khấn, thầy cúng quay trở lại nơi đặt ghè rượu, tiếp tục những nghi thức quen thuộc.lúc này không chỉ thần nước mà các thần lúa, thần rừng, thần sông cũng được mời về chứng kiến dân làng tổ chức lễ cúng giọt nước. Một ống nước sạch, một miếng gan, một miếng tim, miếng thịt bụng và phần đuôi heo để cúng thần. Thầy cúng bến nước của làng Rơ Châm Gun, sẽ đảm nhận khâu chuẩn bị lễ một cách cẩn thận, không vội vàng như để các yang chứng giám cho sự chu toàn mà con người dành cho thần.
Xong bài cúng, thầy cúng bến nước mới kính cẩn uống kang rượu đầu tiên, rồi mới đến các già làng cao tuổi khác.Trong khi đó phụ nữ trong làng cũng đã chuẩn bị sẵn những bầu nước hứng đem về nhà để nấu bữa cơm mới, để tấp nập chuẩn bị cho công việc trỉa lúa của gia đình.Thịt heo được đám thanh niên làm thành nhiều món như nướng, nấu canh, thịt nhồi ống… thành thục, khéo léo. Kang rượu được chuyền tay. Rộn ràng. Uống cho nhạt rượu để ngày hôm sau làng còn tổ chức lễ cúng nhà rông. Như cách dân làng trình báo cho vị thần tối linh thiêng của làng con người vẫn tuân thủ phép tắc từ ngàn đời.
chia cho nguoi dan
Già làng chia cho mọi người cùng hưởng lễ. Ảnh: Minh Quế/ langvietonline 
Giọt nước của nhóm Jrai Tơ buăn làng Ge xã Ia Dơk vùng Đức Cơ mang nhiều ấn tượng vì nó được nép mình dưới tàn cây đa (phun bruk) cổ thụ hơn 200 tuổi như lời những người già trong làng kể lại. Hơn tất cả những loại cây khác, cây đa là loại cây tối thiêng, biểu tượng của sức mạnh và sự sống. Trong khung cảnh của đại ngàn bao la, sâu thẳm, nơi có những khu rừng thiêng, những rẫy lúa, nổi bật lên một khối xanh thẳm, cành lá tỏa rộng ra bốn bề, rễ cây chằng chịt mặt đất. với con mắt nhìn mọi vật luôn mới mẻ nhạy cảm, đầy sức tưởng tượng, luôn ngạc nhiên và sợ hãi của người Jrai thì cây đa quả là nơi thần linh cư ngụ.
Lễ cúng nước giọt (pơkra pên ia) của người Jrai vùng Đức Cơ tổ chức vào khoảng tháng 10, tháng 11 dương lịch khi lúa trên nương trĩu bông mẩy hạt; khi người làng chuẩn bị vào mùa thu hoạch; khi kết thúc một năm trồng trỉa; khi sắp bước vào chuỗi ngày ăn năm uống tháng nghỉ ngơi của dân làng. Những tưởng khi rẫy café bạt ngàn, khi rừng cao su che phủ hút tầm mắt, con người dần quên lễ thức của tổ tiên thì không. Thực hành nghi lễ hằng năm vẫn hằn lòng trong tâm thức con người.
Thời gian tổ chức lễ nơi đây khác rất nhiều so với vùng Jrai Chư Păh, Jrai Plei Ku.Lễ vật cũng vậy. Nếu 2 vùng kia, heo cúng hoặc phải đen tuyền, hoặc phải trắng hoàn toàn thì heo, gà cúng ở đây màu nào cũng được. Việc tổ chức lễ cúng nước giọt được chuẩn bị cả tháng trước.Phụ nữ tranh thủ làm những ghè rượu ngon. Đàn ông lên rừng tìm ống lồ ô về làm cơm lam, nướng thịt…
Bắt đầu vào hội, từ sáng sớm già làng phân công cắt cử người dọn dẹp đường xuống nước giọt; chặt tre làm cây nêu (luk ia); khiêng heo cúng xuống bến nước… Và chỉ nam giới mới đảm nhận công việc này, kể cả nấu nướng; phụ nữ chỉ đến uống rượu chứ không tham gia việc tổ chức cúng nước giọt là quy định của làng.
Giọt nước làng Ge khá rộng gồm 4 giọt phụ và một giọt chính (pên yoăk). Giọt nước chính (pên yoăk) nằm cách biệt hẳn, được xây dựng bê tông kiên cố. Đây là nơi thường để cúng hằng năm nên người dân ít đến đây lấy nước.Thực tâm họ vẫn muốn gắn mình với những gì thân thuộc hơn là văn minh mà xa lạ, ngoài mình.Nếu giọt chính chỉ có thầy cúng, già làng và những người trung niên chuẩn bị thì giọt phụ là sự tập trung đông đủ của trai làng.Họ dọn dẹp, vui đùa; họ tranh thủ làm heo, nấu các món truyền thống; như cách để lấy lòng/ làm đẹp lòng các thiếu nữ đến tham dự lễ.
Tại giọt chính, thầy cúng và các già làng tỉ mẩn, chăm chút cho việc làm cây nêu.Cây nêu cho lễ cúng nước giọt vùng Đức Cơ không mang biểu tượng mặt trời như vùng Chư Păh mà vươn cao mạnh mẽ như biểu tượng của cây vũ trụ. Tùy theo mức độ lớn nhỏ của lễ hội và con vật hiến sinh mà người Jrai dựng cây nêu lớn nhỏ khác nhau (cây nêu cúng nước giọt là luk ia; cây nêu cúng lúa rẫy là gai bak; cây nêu cúng trâu có 4 trụ xung quanh là gong ga) nhưng bao giờ cây nêu cũng được chia làm 3 tầng: Tầng dưới cùng (phần tiếp đất) là nơi cúng tế thần linh, nên tầng này được làm khá chắc chắn. Đây là nơi dành cho thầy cúng thực hiện nghi thức cúng Yang, tạ ơn Yang đã ban cho làng sự an lành, ấm no, khỏe mạnh; đồng thời, khấn xin Yang cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, nảy nở, cầu cho một năm mới phát triển và bình yên. Tầng ở giữa là nơi trú ngụ của thần linh, đặc biệt là thần nước, thần lúa, nên tầng này được trang trí khá đẹp, chia làm 4 cánh cong vút, tỏa ra 4 hướng được gắn nhiều tua màu trắng tượng trưng cho hình cây lúa, bông và hạt lúa. Còn ở tầng trên cùng như mở ra không gian rộng thông quan giữa con người và thần linh.
Khi máng nước đã được thay mới, khi giọt nước đã sạch sẽ là lúc các già làng và thầy cúng (po mnuih soi) cẩn thận dựng cây nêu bên cạnh nguồn nước. Thầy cúng lại chuẩn bị 5 ống tre, trong đó gồm một ít huyết gà, huyết heo, ít rượu cúng (rượu ghè), gan gà, gan heo cắt nhỏ rồi tự tay mình đổ từng ống huyết vào từng giọt nước. Vừa đổ thầy cúng vừa báo với Thần nước (Yang ia) hôm nay dân làng làm lễ hiến sinh heo to, gà lớn cho thần.
Sau khi đã đổ đều 5 ống tại 5 giọt nước, thầy cúng quay lại bến chính bắt đầu cho nghi thức cúng thần Nước. Ở đây ghè rượu cúng chỉ cắm một cần duy nhất cùng một ít gan gà, gan heo dắt quanh tai ghè như tượng trưng cho thần Nước đang thưởng lễ. Lời khấn được ngân nga:
Hôm nay dân làng chúng tôi đến đây sửa sang bến nước,  chúng tôi xin dâng đến các vị Thần nước một con heo to, một con gà lớn và một ghè rượu. Xin thần hãy phù hộ cho dân làng chúng tôi nguồn nước trong vắt và tràn trề đầy máng, xin khấn thần cho dân làng luôn vui vẻ bình yên, đừng ốm đau bệnh tật, làm nương làm rẫy có lúa đầy kho có ngô đầy bồ, nuôi gà đầy đàn nuôi heo bò đầy chuồng
Khác với vùng Chư Păh và Pleiku, ở làng Ge sau bài khấn của các già làng, các gia đình cũng phải cử người đại diện cho gia đình mình đọc lời khấn mời thần Nước. Kết thúc bài khấn, thầy cúng mới cắm thêm các cần rượu khác. Lúc này mới là lúc con người thưởng lễ. Thầy cúng được uống kang rượu đầu tiên rồi mới đến đại diện người lớn tuổi trong làng. Chỉ những người lớn tuổi mới được dùng ghè rượu cúng này còn những người trẻ tuổi thì tuyệt đối không can dự. Phần lễ bao giờ cũng được quy định kết thúc vào buổi sáng. Còn phần hội, người làng mang thêm rượu ghè, rượu trắng ra giọt nước vui chơi có thể kéo dài đến chiều tối.Nhộn nhịp.Sau khi cúng giọt nước, phụ nữ trong làng đã chuẩn bị sẵn những bầu nước, vui mừng hứng lấy nguồn nước trong lành gùi về nhà chuẩn bị cho bữa cơm của gia đình.
Cũng như vùng xã Gào thành phố Plei Ku, người Jrai vùng Đức Cơ cũng sẽ tổ chức lễ cúng thần nhà Rông (pơkra sang rông) sau khi cúng nước giọt như sự trình báo cho vị thần quyền uy của làng biết sự tuân thủ trật tự truyền thống của mình. Một cách làm đẹp lòng thần linh. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét