(HBĐT) - Mùa này, về xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc) không chỉ có hương chè shan tuyết ngào ngạt mà nơi xóm nhỏ dưới tán rừng ấy còn luôn có nụ cười ấm áp...
Chè shan tuyết cổ thụ đang trở thành một thứ đặc sản - món quà mà bất cứ ai đến xóm Sưng cũng muốn mang theo về.
Nụ cười của "người ở rừng”
Thú thực, nếu không tò mò với câu chuyện của đồng chí Đinh Công Báo, Bí thư Huyện uỷ Đà Bắc thì có lẽ tôi cũng chưa đủ quyết tâm để về Sưng. Trong câu chuyện, đồng chí Bí thư Huyện uỷ cứ nhắn nhủ: Về Sưng đi! Ở đây vẫn còn vẹn nguyên bản sắc văn hoá dân tộc và nhiều thứ độc đáo lắm. Độc đáo nhất là cả xóm đều nằm gọn dưới tán rừng nguyên sinh...
"Vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, khi chưa đắp đập ngăn sông xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình, xóm Sưng chính là điểm cao nhất của huyện Đà Bắc có người sinh sống. Chính vì ở trên cao, đường sá đi lại khó khăn, muốn lên xóm Sưng chỉ duy nhất bằng cách đi bộ theo những con đường mòn xuyên rừng, leo dốc núi dựng đứng đến sưng đầu gối. Có lẽ vì thế nên người ta mới đặt tên cho xóm là xóm Sưng”, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Cao Sơn lý giải thêm. Đó là chuyện xưa, nay xóm vẫn ở dưới chân núi Biều quanh năm mây phủ. Về Sưng bây giờ không còn là con đường mòn xuyên rừng, dốc núi ngửa mặt. Thay vào đó là con đường bê tông xe ô tô vào tận trung tâm xóm. Mang câu chuyện của Bí thư Huyện ủy Đà Bắc về với xã Cao Sơn, một lần nữa chúng tôi được đồng chí Khương Mạnh Thu, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Đúng là ở Sưng vẫn còn gìn giữ được nguyên vẹn bản sắc văn hoá truyền thống từ hàng trăm năm của đồng bào dân tộc Dao. Không chỉ gìn giữ mà hiện nay bản sắc văn hoá này đang được phát huy một cách tích cực, hiệu quả trong xây dựng đời sống văn hoá mới. Để phát huy lợi thế này, xã cũng đã xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề số 02/NQ-ĐU về "phát triển du lịch cộng đồng ở xóm Sưng”. Đến nay được xem là một hướng đi đột phá, tạo bước chuyển, góp phần nâng cao đời sống người dân ở đây.
Theo con đường bê tông ấy, chúng tôi ngược dốc về núi Biều với đồng bào dân tộc Dao dưới tán rừng nguyên sinh. Đúng như chuyện kể của đồng chí Bí thư Huyện ủy. Lên đến Sưng mới thấy nó đẹp, còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ xa xưa. Đón chúng tôi là nụ cười của Lý Sao Mai - người con gái đẹp nhất bản và cái nắm tay thật chặt của những người mình chưa từng gặp nhưng cứ như đã từng quen.
Thật ấm áp!
"Homestay ở rừng”
Thú thực, cho đến bây giờ, tôi chưa có một chuyến đi nào có nhiều hứng khởi và thú vị như chuyến đi về Sưng. Hứng khởi là bởi đã lâu lắm rồi tôi mới về nơi còn gìn giữ được nét hoang sơ, nguyên bản với sự thân thiện, gần gũi của đất, của rừng và của con người nơi đây. Trò chuyện với chúng tôi, Lý Văn Nghĩa, Trưởng xóm Sưng cho biết: Hiện nay, cả xóm có 75 nóc nhà với 364 nhân khẩu. Trong đó, một số hộ làm dịch vụ du lịch "homestay” như nhà Lý Văn Thu, Đặng Văn Xuân, Đặng Văn Nhất... Tuy vậy, ở đây anh vẫn có thể đến và ở lại bất cứ nhà ai. Ở đâu, anh cũng được tiếp đón bằng sự chân thành, cởi mở. Bởi chúng tôi là người ở rừng nên cứ có khách đến nhà là vui lắm, phấn khởi lắm.
Theo lời mời, chúng tôi xin nghỉ lại nhà ông Lý Hồng Si là người có uy tín trong làng, trong xóm. Do vậy, ông Si được coi là một "pho sử” sống của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Sau bữa cơm tối thắm đượm tình thân, cả chủ và khách đều quây quần bên bếp lửa bập bùng với ấm chè shan tuyết đượm hương. Đây là loại chè được hái từ những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên đỉnh núi Biều rồi được sao tẩm theo phương pháp cổ truyền càng làm cho câu chuyện giữa chủ và khách thêm cởi mở, thân thiết. "Các chú về Sưng mùa này ngoài đặc sản là mây núi thì còn có một thứ đặc sản mà hiếm nơi nào có đó là những triền đồi bạt ngàn hoa. Mùa này, còn có cả những bông hoa chè cổ thụ trắng muốt, tinh khôi” - ông Lý Hồng Si chia sẻ. Góp chuyện với chúng tôi Lý Sao Mai chia sẻ: Về Sưng còn có nhiều thứ để các anh trải nghiệm, khám phá. Ngoài đặc sản chè shan tuyết cổ thụ được chế biến sao tẩm theo phương pháp cổ truyền thì du khách còn được thưởng thức một số món ăn truyền thống như thịt chua, gà đồi, rượu hoãng, cơm nương... Đó là những sản vật do chính người dân tự làm, tự sản xuất nên luôn giữ được sự thanh khiết, ngọt lành. Mùa này, về với xóm Sưng, du khách còn có thể thăm hang bà chúa Hoàng Lan để nghe một câu chuyện đẹp về tình người; thăm thú, chiêm ngưỡng vẻ đẹp như một bức tranh của núi rừng hoang sơ với những chân ruộng bậc thang lúa xanh mướt đang thì con gái. Sau mùa gặt, những chân ruộng ấy lại vàng rực mùa hoa cải đẹp đến nao lòng... Khung cảnh ấy, trải nghiệm ấy dành cho bất cứ ai một lần về Sưng.
Còn với chúng tôi, ngay lúc này, bên bếp lửa bập bùng của đêm tĩnh lặng là câu chuyện về cuộc sống, về ý thức giữ rừng của đồng bào người Dao nơi đây. Để hàng trăm năm qua, cuộc sống của người dân vẫn yên ả dưới tán rừng cổ thụ xanh mát này như một tặng phẩm của tự nhiên dành cho cuộc sống nơi này. Trò chuyện với chúng tôi về chuyện giữ rừng, Lý Văn Nghĩa chia sẻ: Ở đây, từ thời các cụ đến giờ đều duy trì truyền thống giữ rừng quanh làng, quanh xóm. Nhờ vậy, đến nay, ở Sưng vẫn còn những cây gỗ quý cổ thụ hàng trăm năm tuổi như cây chò chỉ ngay đầu xóm có đường kính hơn 2 m hay như cây đinh, muồng to bằng 1 - 2 ôm người lớn... Cả cánh rừng quanh xóm từ hàng trăm năm qua chưa bao giờ bị xâm hại.
Ông Lý Hồng Si cho biết thêm: Người Dao là người ở rừng cho nên người ta không có ruộng làm, người ta phải lên rừng, dựa vào rừng. Khi lập làng thì đều phải có rừng để người dân dựa vào. Từ ý thức đấy, người ta biết giữ và quản lý rừng. Ngày trước, chưa có quy ước nhưng người ta vẫn giữ được rừng. Khi có đường rồi, chúng tôi vẫn học theo lời răn dạy xưa cũ để giữ rừng. Cũng có một số xóm người Dao không tuân thủ lời dạy của người xưa nên để mất rừng. Bây giờ, chỉ xóm nào còn có rừng thì xóm đấy mới còn cái nét văn hoá nguyên bản xưa cũ.
"Từ xưa đến nay, trong tất cả các cuốn sách cổ của người Dao đều dạy về đạo lý giữ rừng. Giữ rừng là giữ cho con người, giữ cho cảnh quan thiên nhiên, tôn trọng cuộc sống của mình. Bởi có rừng con người mới tồn tại được như các cụ xưa vẫn răn dạy con cháu "Sơn sơn xuất đắc nhân” (có rừng thì mới có người)” - già Lý Văn Hình (70 tuổi) cho biết thêm.
Chính nhờ có rừng, bản người Dao trên đỉnh núi Biều luôn được bình yên. Nhờ giữ được rừng, người Dao nơi đây vẫn gìn giữ được những nét văn hoá nguyên sơ được các cụ truyền lại. Và cũng chính nhờ có rừng, xóm Sưng đã trở thành điểm đến, du lịch cộng đồng hấp dẫn trên bản đồ du lịch của tỉnh. Điều đó được minh chứng bằng hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước mỗi tháng. Trong số đó, chủ yếu là du khách nước ngoài. Có dịp, hãy về với Sưng để một lần được "homestay ở rừng” để rồi yêu mến mảnh đất này với sự thân thiện, gần gũi của đất, của rừng và của con người nơi đây như chúng tôi đã từng được trải nghiệm...
Mạnh Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét