By Hoài Nam
Anh Việt
Nhạc sĩ Anh Việt tên thật là Trần Văn Trọng, sinh năm 1929 tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Song thân của ông rất yêu thích và sành về cổ nhạc, cho nên Anh Việt cũng chịu ảnh hưởng từ nhỏ. Tuy nhiên, khi lớn lên ông lại thiên về âm nhạc cải cách, tức tân nhạc. Là một người yêu nước, trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại miền Nam, Anh Việt đã khởi đầu sự nghiẹp âm nhạc với những sáng tác nặng tình non sông đất nước.
Thế nhưng, tới năm 1951, không hiểu vì thời thế thay đổi hay do nhận định của bản thân, ông đã gia nhập quân đội Quốc Gia, theo học Khoá 1 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, tức là ở chiến tuyến đối nghịch với các nhạc sĩ ở miền Nam đi theo kháng chiến như Nguyễn Mỹ Ca, Lê Trực, Hữu Nghĩa, Võ Hoà Thanh v.v. Vì thế chúng tôi xin chia sự nghiệp âm nhạc của Anh Việt ra làm hai giai đoạn rõ rệt, và trong bài kỳ này chúng tôi chỉ đề cập tới những sáng tác của giai đoạn trước khi ông gia nhập quân đội Quốc Gia.
Năm 1945, khi cuộc kháng chiến chống Pháp khởi phát tại miền Nam, Anh Việt lúc ấy mới 17 tuổi, đã sáng tác bản nhạc đầu tay có tựa đề “Bến Kiên Giang”, nói lên tâm trạng của những người trai đã phải bỏ mảnh đất hiền hoà lên đường kháng Pháp. Những người trai thế hệ mà sau này sẽ được nhắc tới trong những bài “Tiếng Còi Trong Sương Ðêm” của Lê Trực, và “Ông Lái Ðò” của Hiếu Nghĩa. Trong vòng 5 năm tính từ 1945 tới 1950, Anh Việt đã sáng tác tổng cộng 18 ca khúc, đa số có nội dung diễn tả tâm trạng đau xót của thế hệ, hoặc những bản hùng ca nói lên tinh thần bất khuất của dân Việt trước ách thống trị của thực dân. Như các bản: “Một Chuyến Ði”, “Ai Xuôi Biên Thùy”, “Chiều Trong Rừng Thẳm”, “Tiếng Sóng Bạch Ðằng” v.v.
Thế nhưng, ở đây chúng ta đang nói tới tình ca, và trong lãnh vực này Anh Việt phải được xem là một trong những tác giả được yêu mến nhất của làng tân nhạc trong Nam…
Nhạc phẩm “Bến Cũ” của Anh Việt được sáng tác vào năm 1946, khi ông mới 18 tuổi. Vào những năm cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950, “Bến Cũ” rất được thính giả yêu chuộng qua hai tiếng hát Ngọc Bảo và Tâm Vấn trên Ðài Phát Thanh Hà Nội. Tiếp theo là bản “Lỡ Chuyến Ðò” sáng tác năm 1947, đã được những ca sĩ thời danh của cả ba miền như Anh Ngọc, Minh Trang, Mạnh Phát, Minh Diệu, Trọng Nghĩa, Ngọc Hà, gửi tới thính giả toàn quốc qua làn sóng điện của các đài phát thanh Huế, Pháp Á và Sài Gòn. Có điều đáng nói là ngày ấy thính giả yêu nhạc ở miền Bắc, nếu không có dịp tìm hiểu, không mấy ai biết Anh Việt là một nhạc sĩ sinh trưởng trong Nam. Bởi vì nhạc tình của ông tuy cũng viết về những cuộc chia ly, những nhớ nhung xa cách, những ước vọng một ngày thanh bình trở về chốn cũ, nối lại tình xưa như các nhạc sĩ đương thời, nhưng sao vẫn phong phú, dịu dàng, thơ mộng như nhạc tiền chiến. Những bản như “Bến Cũ”, “Lỡ Chuyến Ðò”, được Anh Việt sáng tác tại Kiên Giang vào những năm 1946, 1947, thì không thể nói ông chịu ảnh hưởng của dòng nhạc tiền chiến ngoài Bắc. Chỉ có thể giải thích bởi vì Anh Việt sẵn có một tâm hồn nghệ sĩ, cộng với những rung động tự nhiên của một trái tim, thêm chút giang hồ phong sương và tình quê hương đất nước, cho nên không hẹn mà gặp, những tình khúc của ông đã hoà nhập vào dòng nhạc tiền chiến lúc nào không hay…
Lâm Tuyền
Nhạc sĩ thứ hai của miền Nam nổi tiếng với những bản nhạc tình trước năm 1954 là Lâm Tuyền. Nói về thân thế, trong khi chúng ta được biết rất nhiều về Anh Việt thì hầu như lại chẳng biết gì về Lâm Tuyền. Người yêu nhạc chỉ được biết ông sanh ở miền Nam, sinh hoạt âm nhạc ở Sài Gòn, sau năm 1975 ở lại, để rồi qua đời vào khoảng cuối thập niên 1980.
Với một nhạc sĩ đã để lại cho đời những ca khúc tuyệt vời như “Khúc Nhạc Ly Hương”, “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”, “Tiếng Thời Gian”, “Tơ Sầu”, “Trở Về Dĩ Vãng” v.v. Cái sự không biết – hay biết quá ít ấy, quả là một sự vô tình đáng buồn và đáng trách.
Trong khi đó người ta lại biết khá rõ về sự nghiệp âm nhạc của ông. Người Hà Nội biết tới Lâm Tuyền lần đầu vào những năm 1951, 1952 qua phim “Bến Cũ”, nhờ trong phim này Hoài Trung đã hát bản “Tiếng Thời Gian” của ông. Cũng như bản “Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa” của Tô Vũ sáng tác vào năm 1946, bản “Tiếng Thời Gian” của Lâm Tuyền sáng tác vào đầu thập niên 1950 đã được xem là một sự chuyển hướng, nếu không muốn nói là cách mạng trong nền nhạc tình Việt Nam.
Từ cấu trúc âm thanh mới đưa tới những âm điệu mới, từ âm điệu mới đưa tới đòi hỏi cách đặt lời ca mới, và đó cũng chính là những chuyển hướng quan trọng mà chúng ta sẽ thấy trong nhạc tình của Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương sau này.
Nhận xét chung của người yêu nhạc là nhạc tình của Lâm Tuyền lãng mạn quá, từ lãng mạn trở nên mông lung, dịu vợi, bao la, dạt dào như biển khơi, cao vút như mây trời. Sau “Tiếng Thời Gian”, từ Hòn Ngọc Viễn Ðông xa xôi Lâm Tuyền đã cống hiến thính giả Hà Nội những tình khúc để đời khác, như “Khúc Nhạc Ly Hương”, “Tơ Sầu” v.v. Trong khi đó, với thính giả ở Huế và Sài Gòn, thì bản tình ca của Lâm Tuyền được yêu chuộng nhất lại là bản “Hình Ảnh Một Buổi Chiều” – một sáng tác do ông viết nhạc và Dạ Chung Hoàng Vĩnh Lộc đặt lời.
Có người nói rằng đa số các ca khúc của Lâm Tuyền đều do Dạ Chung đặt lời, thực hư ra sao không ai có thể khẳng định. Chỉ biết chắc chắn một bản, đó là “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”. Bởi vì trong lần xuất bản đầu tiên, phía dưới tựa đề bản nhạc, ngoài hàng chữ “lời Dạ Chung, nhạc Lâm Tuyền”, còn có mấy hàng như sau: “Anh không giữ trong tay một kho tàng hay danh vọng nào cả, anh chỉ có giữ hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm mái tóc em.” Ký tên “Dạ Chung, tự Hoàng Vĩnh Lộc.”
Dạ Chung là một thi sĩ. Ông đặt lời cho bản nhạc này của Lâm Tuyền rồi tự mình trình bày. Thính giả của các đài phát thanh Pháp Á và Sài Gòn năm xưa hẳn vẫn chưa quên được tiếng hát trầm ấm thiết tha của Dạ Chung – hát mà nghe như thi sĩ đọc thơ của chính mình.
Trở lại với Lâm Tuyền, sự vô tình đáng buồn và đáng trách của người đời không chỉ thể hiện qua sự biết rất ít về tác giả, mà còn là sự hờ hững trước sự nghiệp của ông. Theo quan sát của chúng tôi, sau năm 1975 các nhà làm băng nhạc, CD, DVD ở hải ngoại hầu như đã quên rằng vào thời vàng son của nền nhạc tình đúng nghĩa, ở miền Nam còn có một tác giả nổi tiếng là Lâm Tuyền. Quanh đi quẩn lại chỉ thấy ba CD ở hải ngoại của Kim Tước, Lệ Thu và Khánh Ly là có hát bản “Tiếng Thời Gian”, “Tơ Sầu”, “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”, và một CD của Lê Dung ở trong nước với bản “Khúc Nhạc Ly Hương”.
Thậm chí cả tới cái chết của Lâm Tuyền chúng ta cũng không biết ông mất năm nào, trong hoàn cảnh nào. Quả thật người đời chúng ta đã quá vô tình với một nhạc sĩ đã cống hiến trọn cuộc đời cho âm nhạc.
HN
Australia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét