Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

Văn Giảng, Châu Kỳ

By Hoài Nam
Trong bài trước trong loạt bài 70 Năm Tình Ca chúng tôi đã đề-cập tới những tình-khúc tiêu-biểu sáng-tác trước năm 1954 của các nhạc-sĩ miền Bắc sau ngày di-cư vào Nam – như Phạm Duy, Hoàng Trọng, Ngọc Bích v.v… Kỳ này chúng tôi xin nói về các nhạc-sĩ ở miền Trung.
Nhạc-sĩ đầu tiên phải nhắc tới là Văn Giảng, một trong những tên tuổi hàng đầu của nền tân-nhạc đất Thần-Kinh cùng với những Nguyễn Văn Thương, Ngô Ganh, Nguyễn Hữu Ba, Châu Kỳ, Ưng Lang v.v…
Tên thật là Ngô Văn Giảng, sanh năm 1924 tại cố-đô Huế, ông được xem là một trong những nhạc-sĩ có trình-độ nhạc-lý cao nhất của Việt-Nam. Từng tu-nghiệp tại nhạc-viện Hạ-Uy-Di (Hawaii) Hoa-Kỳ, và giữ chức giám-đốc trường Quốc-Gia Âm-Nhạc Huế, rồi giáo-sư trường Quốc-Gia Âm-Nhạc Sài-Gòn, Văn Giảng tham-gia sinh-hoạt âm-nhạc rất sớm, nhưng sự-nghiệp tình-ca tương-đối đến muộn hơn các nhạc-sĩ cùng thời vì cuộc hành-trình âm-nhạc của ông được phân-định từng bước rõ-rệt.

van-giang-chau-ky3
Vợ chồng nhạc-sĩ Văn Giảng, 1949

Theo hồi-ký “Nhạc Tiền-Chiến” của Lê Thương, sinh-hoạt đầu tiên của Văn Giảng là tham-gia hoà nhạc với các nhạc sĩ bạn Nguyễn Văn Thương, Lê Quang Nhạc vào khoảng năm 1942-43, khi ông mới 18-19 tuổi. Sau đó, vào năm 1944, nối gót Thẩm Oánh tác-giả bài A-di-đà Phật ở ngoài Bắc, Văn Giảng đã cùng nhạc-sĩ Nguyễn Hữu Ba khởi-xướng và phát-triển nền Phật-nhạc tại cố-đô Huế. Những sáng-tác về tôn-giáo của ông được ký dưới bút-hiệu Nguyên Thông. Còn bút-hiệu Văn Giảng thì dành  cho những bản hùng-ca, thúc giục lòng ái-quốc, viết về quê-hương, như các bản “Thúc Quân”, “Ðêm Mê-Linh”, “Xa Quê” v.v…
Có thể nói trong Văn Giảng có ba con người. Con người thứ nhất là một Văn Giảng đáng kính, người thầy tận-tuỵ trong làng nhạc. Con người thứ hai là một Nguyên Thông đáng quý với những dòng nhạc vương tỏa ánh đạo-hoàng. Thế còn con người thứ ba? Xin thưa, đó chính là Thông Ðạt đáng yêu của những tình-khúc bất-hủ.
Ai có về bên bến sông Tương,
nhắn người duyên dáng tôi thương.
Tháng với ngày mờ nhuốm đau thương,
tâm hồn mơ bóng em luôn,
mong vài lời em ngập hương
Thu nay về vương áng thê lương,
vắng người duyên dáng tôi thương,
mối tình tôi vẫn cô đơn…

van-giang-chau-ky2
Bìa bản “Ai Về Sông Tương” của Thông Đạt

Bài “Ai Về Sông Tương” của Văn Giảng được sáng-tác năm 1949 dưới bút-hiệu Thông Ðạt, cảm-hứng nhân một lần đứng trên cầu Trường-Tiền nhìn dòng sông Hương hữu-tình mà chạnh lòng nhớ cố-nhân. Nguyên-nhân nào đã khiến ông đổi tên sông Hương thành sông Tương có lẽ đa-số quý độc-giả cũng có thể đoán ra. Ðó là do tích nàng Lương Y đời nhà Chu bên Trung-Hoa, gặp Lý Sinh nên duyên vợ chồng nhưng rồi bị chia cách, nhớ thương sầu khổ, nên làm bài thơ với bốn câu kết như sau:
Quân tại Tương-giang đầu
Thiếp tại Tương-giang vĩ
Tương-tư bất tương-kiến
Ðồng-ẩm Tương-giang thủy
Tạm dịch:
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Cùng uống nước sông Tương
Nhớ nhau nhưng chẳng thấy
Do bài thơ này, về sau các thi-văn-nhân thường mượn hình ảnh sông Tương để diễn-tả nỗi nhớ thương của trai gái yêu nhau mà bị xa cách. Chẳng hạn, thi-hào Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều:
Sông Tương một dải nông sờ
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia
“Ai Về Sông Tương” của Thông Ðạt đã trở thành một trong những tình-khúc được yêu chuộng nhất của nền tân-nhạc Việt-Nam. Ngoài ra ông còn sáng-tác một tình-khúc nổi tiếng khác, đó là bản “Ðôi Mắt Huyền”. Sau khi định-cư tại thành-phố Melbourne, Úc-Ðại-Lợi, vào thập-niên 1980, nhạc-sĩ Văn Giảng đã mở lớp dạy nhạc, tiếp-tục đem hết khả-năng và tâm-huyết để truyền-thụ cho các thế-hệ mai sau.

van-giang-chau-ky1
Tác-giả Châu Kỳ thời còn trẻ

Nhạc-sĩ nổi tiếng thứ hai của đất Thần-Kinh trước năm 1954 là Châu Kỳ. Sanh năm 1923, tức là lớn hơn Văn Giảng một tuổi. Trong khi Văn Giảng sinh-hoạt hoà nhạc trước khi bước sang lãnh-vực sáng-tác, thì Châu Kỳ lại chọn nghiệp cầm-ca. Ông đã từng hát cho đài phát-thanh Huế và thu một số đĩa nhạc tuy nhiên đã không mấy thành-công về mặt thương-mại. Nhưng khi bước sang lãnh-vực sáng-tác, ông đã nổi tiếng ngay. Và các tình-khúc của ông đã được người Hà-Nội đặc-biệt ưa chuộng. Ngày đó, tên tuổi của Kim Nga, một nữ-ca-sĩ trẻ đang lên và rất được ái-mộ, đã gắn liền với bản “Khúc Ly-Ca” của Châu Kỳ. Sau năm 1954 Kim Nga ngưng tiếng hát, nhưng hơn nửa thế-kỷ sau những người ngày ấy xa rời Hà-Nội khi mới biết yêu hẳn vẫn còn nhớ mãi tiếng hát của người nữ-ca-sĩ nổi tiếng một thời có bản “Khúc Ly-Ca”.
Nhưng sáng-tác phổ-biến nhất, được nhiều người yêu chuộng nhất của Châu Kỳ trước năm 1954 lại là bản “Trở Về”, được ưa chuộng bởi nó có nhiều chất thơ, đầy nét lãng-mạn, dung-dị và dễ hát. Về nội-dung, “Trở Về” là tiếng thở-than cho quê-hương điêu-tàn, cho hạnh-phúc nát tan, cho tình yêu chia cách, và mong ước một ngày về. Ngày ấy, bản “Trở Về” không chỉ được hầu hết các ca-sĩ ngoài Bắc như Quách Ðàm, Thanh Hằng, Thanh Hiếu trình bày trên các đài phát-thanh, mà còn được nhiều thí-sinh chọn để hát trong các buổi tuyển lựa ca-sĩ. Có lẽ không thua gì bản “Bóng Chiều Xưa” của Dương Thiệu Tước, từng được xem là bản tủ của các mầm non văn-nghệ ở Hà-Thành:
Về đây nhìn mây nước bơ vơ
Về đây nhìn cây lá xác xơ
Về đây mong tìm bóng chiều mơ
Mong tìm mái tranh chờ
Mong tìm thấy người xưa…
Nơi xưa, ôi giờ đây nát tan
Ðò vắng không người sang
Thôn xóm trông điêu tàn
Xa xa, nghe tiếng chim kêu đàn
Nghe suối reo bên ngàn
Dường như oán như than!
Sự nghiệp âm-nhạc của Châu Kỳ sẽ được nối tiếp sau năm 1954. Tuy nhiên, chỉ nói về những ngày xưa cũ mà thôi thì ngoài những sáng-tác riêng, tên tuổi của ông còn được nhắc tới trong một tình-khúc để đời khác. Ðó là bản “Mưa Rơi” của Ưng Lang, một đồng-hương Huế của Châu Kỳ. Bản này Ưng Lang viết nhạc, Châu Kỳ đặt lời. Theo ký-ức của một số người, ngày ấy ở bìa sau bản “Mưa Rơi” do nhà xuất-bản nhạc Tinh-Hoa ấn-hành lần thứ nhất, có liệt-kê thêm năm sáu sáng-tác khác của Ưng Lang nhưng hầu như không thấy ai hát bao giờ. Rất có thể ông đã không phổ-biến, hoặc chỉ phổ-biến hạn-chế trong vòng thân quen. Vì thế trong vị-trí người thưởng-ngoạn chúng ta có thể liệt tên tuổi Ưng Lang vào hàng ngũ những nhạc-sĩ đã chỉ một lần ôm đàn.

van-giang-chau-ky
Bìa sau một bản nhạc của Ưng Lang do NXB Tinh-Hoa ấn-hành

Nói về số lượng, các nhạc-sĩ xuất-thân xứ Huế không thể sánh với các đồng-nghiệp đất Thăng-Long. Nhưng nói về chất lượng, hình như mỗi sáng-tác của người đất Thần-Kinh—từ Nguyễn Văn Thương, Văn Giảng, tới Ưng Lang, Châu Kỳ, và sau này là Trịnh Công Sơn, đều là những tác-phẩm để đời. Nếu có người nói rằng bản “Bướm Hoa” của Nguyễn Văn Thương là bản nhạc hay nhất viết về hoa và bướm, thì cũng có thể nói bản “Mưa Rơi” của Ưng Lang và Châu Kỳ là một trong những ca-khúc hay nhất viết về mưa. Nét nhạc dịu-dàng, lời hát thiết-tha, như thể hai tâm-hồn mơ-mộng lãng-mạn ấy đã thu cả trời đất vào lòng người.
Sau năm 1975, Châu Kỳ và Ưng Lang lựa chọn ở lại. Thỉnh thoảng người ta lại thấy Châu Kỳ say khướt ở một quán cóc nào đó, và khi say ông thường chửi đủ thứ. Trong đó có những thứ cấm-kỵ khiến ông bị bắt đi “cải-tạo” mấy lần. Ưng Lang thì ngược lại, dù tuổi đời đã 80 vẫn vui-vẻ, trẻ-trung. Chỉ những người thân-thiết mới biết ông cố vui-vẻ trẻ-trung để che giấu những nỗi buồn, chịu đựng muôn đắng cay để sống nốt kiếp người. Cho nên cũng khó lòng đoán biết giữa một Châu Kỳ say và một Ưng Lang tỉnh ai buồn hơn ai…
Mưa rơi …
Chiều nay vắng người
Bên thềm gió lơi
Mơ bóng ngàn khơi 
Mưa rơi …
Màn đêm xuống rồi
Mây sầu khắp nơi
Thương nhớ đầy vơi
HN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét