Hoài Nam biên soạn
Trần P Thảo chuyển văn bản
Trần P Thảo chuyển văn bản
Tuần này chúng tôi xin giới thiệu tiếp một số tình khúc tiêu biểu của hai năm 1945-46, khoảng thời gian nở rộ của tân nhạc Việt Nam.
Nói về sinh hoạt âm nhạc tại miền Bắc, một trong những cánh chim đầu đàn là nhạc sĩ Thẩm Oánh của nhóm Myosotis cùng với Dương Thiệu Tước ở Hà Nội. Tuy nhiên, trong khi Dương Thiệu Tước chủ trương soạn các ca khúc Việt hoàn toàn theo âm điệu Tây Phương, thì Thẩm Oánh cho rằng phải “theo ý nhạc Việt Nam và có cảm tưởng thuần tuý Á Ðông”, như ông đã viết vào năm 1948 trên tạp chí “Việt-Nhạc” do ông chủ trương.
Trong chiều hướng đó, Thẩm Oánh đã viết hai ca khúc “Cô Lái Ðò” và “Tiếng Hát Trong Phòng The” vào khoảng năm 1936-37, được xem là hai trong những ca khúc đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Thẩm Oánh cũng là người khởi xướng ngành Phật-Nhạc, và đã viết bài “A Di Ðà Phật”, được giới thiệu trong ngày khánh thành chùa Quán Sứ tại Hà Nội sau khi chùa được trùng tu vào năm 1942.
Về sau, vì những chức vụ quan trọng do ông nắm giữ, chẳng hạn như giám đốc Ðài Phát Thanh Hà Nội, cũng như những sáng tác tầm vóc của ông như nhạc kịch “Quán Giang Hồ”, “Thiếu Phụ Nam Xương”, hùng ca “Nhạc Việt Nam” v.v… các thế hệ đi sau hầu như đã quên mất rằng Thẩm Oánh là một nhạc sĩ đã từng viết tình ca từ buổi sơ khai của nền tân nhạc Việt Nam.
Ngoài bản “Tiếng Hát Trong Phòng The” (tình khúc đầu tay của ông nay đã thất truyền) Thẩm Oánh còn để lại nhiều sáng tác khác như “Nhớ Nhung”, “Chiều Tưởng Nhớ”, “Cô Hàng Hoa”, “Tôi Bán Ðường Tơ” v.v… Tất cả đều là những tình khúc mà thanh niên ở Hà Nội đã một thời yêu chuộng.
Tôi bán đường tơ
Ca ca, hát hát, điên điên, rồ rồ
Quên quên, nhớ nhớ, mơ mơ, hồ hồ
Thương vay khóc mướn, khéo vui cợt đùa…
Trong âm nhạc, có nhiều trường hợp bản nhạc nổi tiếng hơn tác giả, như bản “Cô Hàng Cà Phê” của nhạc sĩ Canh Thân. Trên thực tế, có khá nhiều người luôn miệng nghêu ngao bài hát này mà không hề biết tác giả là ai. Thời ấy, có thể nói hai bài “Cây Ðàn Bỏ Quên” của Phạm Duy và “Cô Hàng Cà Phê” của Canh Thân nổi tiếng và được yêu chuộng ngang nhau. Ðây là hai tình khúc đầu tiên theo khuynh hướng hiện thực của một bản tình ca, vốn chí lúc ấy chịu ảnh hưởng nặng nề của cả Ðường Thi Trung Hoa lẫn văn chương lãng mạn Pháp.
Ðiểm khác nhau giữa hai tác phẩm là trong khi Phạm Duy hiện thực một cách ngây ngô, dại khờ thì Canh Thân hiện thực một cách khôi hài, châm biếm. Có văn hoa chăng, thì cũng chỉ là văn hoa để làm nổi bật sự tương phản. Chẳng hạn ở trên thì “Lơ thơ tơ liễu buông mành”, xuống đoạn dưới là “vô duyên cái túi không tiền”. Thậm chí, cả cái bút hiệu Canh Thân của tác giả cũng được suy diễn có một ngụ ý châm biếm bởi vì, theo sự tin tưởng trong dân gian, những người tuổi Thân thường bị xem là có số lận đận, nhất là trên tình trường. Nhưng không phải vì thế mà bài “Cô Hàng Cà Phê” thiếu chất lãng mạn. Dù say đắm mùi hương lan thơm ngát từ người đẹp, dù mê mẩn đôi môi hé cánh hoa đào, trong giấc mơ chàng cũng chỉ dám mơ tưởng đến đôi cánh tay ngà cùng bàn tay ngọc…
Ở chợ Dầu có hàng cà phê, có một cô nàng be bé, xinh xinh.
Cô hay cười, hồn Xuân phơi phới, cứ xem dáng người mới chừng đôi mươi
Làn thu ba cô liếc nghiêng thành, mùi hương lan thơm ngát vương bên mình
Làm say mê bao gã thiếu niên đa tình
Mấy anh nho nhỏ thường đến ngồi, cười với cô…
Ðến cố nhạc sĩ Lê Thương cũng gọi hai năm 1945-46 là “cảnh nở rộ của tân nhạc Việt Nam”, thì chúng tôi cũng xin phép sử dụng chữ “nở” ấy theo nghĩa đen để nói về sự xuất hiện của một bông hoa mới trong ngành nhạc. Ðó là nhạc sĩ Tô Vũ. Một cách chính xác, chỉ có cái tên là mới, còn người thì cũ. Bởi Tô Vũ chính là Hoàng Phú, bào đệ của Hoàng Quý trong nhóm Ðồng-Vọng ở Hải Phòng. Tuy là hai anh em ruột, cùng xuất thân từ phong trào Hướng-Ðạo, nhưng khác nhau ở chỗ Hoàng Quý luôn xông xáo, quên mình vì âm nhạc, vì lý tưởng phục vụ tuổi trẻ. Còn Hoàng Phú lúc nào cũng trầm tư, ung dung, thư thái. Sự nghiệp âm nhạc của ông trong suốt mấy năm đầu chỉ có một bản nhạc duy nhất là “Ngày Xưa”, một bài hát hoài niệm lịch sử, cho dù khá phổ biến nhưng cũng không đủ sức tạo một chỗ đứng cho Hoàng Phú.
Nhưng ngay sau khi lấy biệt hiệu Tô Vũ, năm 1945, ông đã chinh phục cả một thế hệ với bản “Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa”. Một bài hát có thể gọi là một cuộc cách mạng trong cách viết nhạc tình. Ông không sử dụng những từ văn hoa, sáo ngữ. Ông không dàn dựng một chuyện tình lâm ly, đẫm lệ. Mưa ở đây không phải là cơn mưa phùn nhẹ phớt, không phải là những giọt mưa thu thánh thót, mà là mưa mùa Ðông, mưa tầm tã, mưa dầm dề khiến đường phố “trơn ướt, tiêu điều”. Bài hát cũng không nói tới một nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn. Bởi vì theo Tô Vũ, chỉ cần một tà áo hương nồng, một ánh mắt trìu mến là đủ để “sưởi ấm lòng anh”.
Người ta thích hát bản “Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa” bởi lời hát dễ hiểu và dễ hát. Người ta thích nghe “Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa” bởi vì những ý tưởng thật gần gũi, thật đời thường. Có lẽ vì những đặc điểm nói trên, tình khúc “Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa” đã không bị mai một, không bị quên lãng theo dòng thời gian mà năm sáu chục năm sau vẫn còn như mới, như cơn mưa mới đổ xuống chiều qua…
Em đến thăm anh một chiều Ðông,
Em đến thăm anh một chiều mưa
Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều
Em đến thăm anh, người em gái tà áo hương nồng
Mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh…
Cảnh nở rộ của ngành tân nhạc Việt Nam trong hai năm 1945-46 là sự nở rộ của trăm hoa đua sắc khoe hương. Trong khi Phạm Duy ngây ngô dại khờ bỏ quên “Cây Ðàn”, Canh Thân mơ bóng hình “Cô Hàng Cà Phê”, Tô Vũ mở toang tâm hồn khi “Em Ðến Thăm Anh”, thì Nguyễn Thiện Tơ lại đắm đuối nơi “Bóng Giáo Ðường”.
Người ta không biết Nguyễn Thiện Tơ sáng tác được bao nhiêu bài, chỉ biết khi đất nước chia đôi và ông lựa chọn ở lại Hà Nội, số sáng tác được ông phổ biến chưa đủ để đếm trên năm đầu ngón tay: “Nhắn Gió Chiều”, “Giáo Ðường Im Bóng”, “Qua Bến Năm Xưa”, và “Khúc Nhạc Canh Tàn”. Trong số bốn ca khúc nói trên, “Giáo Ðường Im Bóng” là bản tình ca nổi tiếng nhất.
Thời đó, người ta không có phương tiện để ghi nhận những thứ hạng của các ca khúc được ưa chuộng. Nhưng cho dù có khả năng làm công việc ấy, bản “Giáo Ðường Im Bóng” vẫn phải được đặt vào một vị trí riêng biệt, dành cho một thể loại đặc biệt mà Nguyễn Thiện Tơ là người đi tiên phong. Ðó cũng là vị trí của những bản tình ca sau này mượn bối cảnh hoặc lồng vào những hình ảnh, màu sắc, niềm tin tôn giáo. Như “Chùa Hương”, “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím”, “Em Hiền Như Ma Soeur”, “Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời”, “Em Lễ Chùa Này”, “Ðoá Hoa Vô Thường” v.v…
Trở lại với bản “Giáo Ðường Im Bóng”, chỉ cần nghe qua một lần, và không nhất thiết phải là con chiên Chúa, người ta cũng đủ nhận ra sự êm đềm của dòng nhạc, nét thánh thiện trong lời ca. Nhưng tuyệt vời nhất, theo suy nghĩ của chúng tôi, chính là ở chỗ hầu như toàn bộ nội dung của bài hát chỉ nói về cảnh sắc và không khí của giáo đường trong đêm Giáng Sinh. Phải đợi tới câu cuối cùng mới biết đây là một bản nhạc tình.
Nơi giáo đường im bóng, tôi thầm mong ngóng
Ðắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ
Lời hát trong bản nhạc chỉ nói về những rung cảm của nhân vật chính mà không cho biết kết cuộc của mối tình như theo lệ thường. Có những mối tình trong thơ nhạc người ta cho rằng “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Vì thế, sau khi bản “Giáo Ðường Im Bóng” trở nên nổi tiếng, tác giả đã đặt lời hai cho ca khúc này, mở đầu bằng câu “Tới chốn xưa nàng vắng bóng”, và kết bằng hai câu:
Tôi tiếc thời tươi sáng trôi cùng năm tháng
Trí óc âm thầm nhớ mắt nàng huyền mơ…
TPT – chuyển văn bản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét