Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Hệ thống sắc phong đình làng Mỹ Thôn

Làng Mỹ Thôn là một làng cổ còn có tên là làng Móng Mốt, xưa được bao bọc bởi dòng sông Móng cổ. Sông Móng bắt nguồn từ Thuận Thành về đến Ngụ, qua bãi Hà Trịnh, chảy xuống Văn Thai, qua Kênh Vàng rồi đổ ra sông Đuống.
Chính vì ở vào vị trí “trên bến dưới thuyền” mà từ ngàn xưa trên mảnh đất này, cư dân Việt cổ đã quần tụ về đây sinh cơ lập nghiệp, tạo lên những làng xóm trù mật, đông đúc. Thời cổ nơi đây vốn là trang An Khoái, thuộc tổng Xuân Lai. Nhưng địa danh của làng xã đã trải qua nhiều lần thay đổi, sáp nhập. Thời Bắc thuộc là huyện An Bình và Nam Định thuộc trấn Kinh Bắc. Đến năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) trang An Khoái có tên là thôn Thuần Mỹ thuộc xã An Khoái, huyện Gia Định, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc. Thời Nguyễn, thuộc tổng Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Nay là làng Mỹ Thôn, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Căn cứ vào kết quả khảo sát tại địa phương, đình Mỹ Thôn vốn được khởi dựng từ lâu đời để tôn thờ tam vị là: Phúc Tướng đại vương, Đô Thiên đại vương, Thạc Phụ đại vương. Các ngài có công giúp nước đánh đuổi giặc Ân, sau khi hoá được nhân dân bản thôn phụng sự thờ cúng. Theo các cụ cho biết thì đình xưa toạ lạc ở phía Tây của làng nằm ở đường Mả Ấn (đường có hình giống cái ấn) trên thế đất hình con Rồng. Do chiến tranh loạn lạc đình được chuyển về vị trí như hiện nay. Cũng theo nhân dân địa phương thì hiện đình nằm trên thế đất có hình báng súng, Đại đình và Hậu cung đều có hình cây súng bắn ra như để bảo vệ đình.
Đình xưa có quy mô to lớn gồm tòa Đại đình hình chữ Đinh, bộ khung gỗ lim chắc khỏe, chạm khắc trang trí cầu kỳ tinh xảo. Hệ thống cột với chu vi lớn, người ôm không xuể, ở giữa là lòng giếng, hai bên là hệ thống sàn gỗ. Phía trước đình có hai Dải vũ, hai bên cổng đình trang trí hình hai con nghê lớn. Hiện đình còn bảo lưu được một số chân tảng bằng đá xanh lớn, là dấu tích của ngôi đình trong lịch sử. Nhưng rất tiếc trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của nhà nước, đình đã bị đốt phá hoàn toàn, rất may là toàn bộ đồ thờ tự của đình đã được cất giữ chu đáo và mang về thờ ở Phủ thờ giữa làng. Hòa bình lập lại nhân dân địa phương đã góp công, góp của dựng lại ngôi đình như dáng vẻ hiện nay.
Trong đình hiện còn bảo lưu được nhiều tài liệu, hiện vật cổ quý như: Kiệu bát cống, ngai và vị của đức thánh, hoành phi, câu đối… Đặc biệt phải kể đến là 18 đạo sắc phong của các đời vua gia phong cho các vị thần từ năm Chiêu Thống thứ nhất (1786), đến năm Khải Định 9 (1924), cụ thể như sau: Có 2 sắc phong sớm nhất Chiêu Thống nguyên niên (1786), trong đó 1 sắc phong cho thần là: Đô Thiên đại vương, 1 sắc phong cho thần là: Thạc Phụ đại vương. Có 1 sắc niên hiệu Quang Trung 5 (1792) phong cho: Phúc Tướng đại vương. Có 1 sắc niên hiệu Bảo Hưng 2 (1802), phong cho Phúc Tướng đại vương. Có 2 sắc niên hiệu Minh Mệnh, trong đó 1 sắc niên hiệu Minh Mệnh 2 (1821) phong cho Thạc Phụ đại vương, 1 sắc niên hiệu Minh Mệnh 5 (1824) phong cho Phúc tướng đại vương. Có 4 sắc niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844), trong đó 2 sắc phong cho Phúc Tướng đại vương, 2 sắc phong cho Thạc Phụ đại vương. Có 4 sắc niên hiệu Tự Đức, trong đó 1 sắc Tự Đức 3 (1850) phong cho Thạc Phụ đại vương, 2 sắc Tự Đức 6 (1853), 1 sắc phong cho Phúc Tướng đại vương, 1 sắc phong cho Đô Thiên đại vương, 1 sắc Tự Đức 33 (1880) phong cho cả Phúc Tướng đại vương, Thạc Phụ đại vương, Đô Thiên đại vương. Có 1 sắc niên hiệu Đồng Khánh 2 (1890) phong cho cả Phúc Tướng đại vương, Thạc Phụ đại vương, Đô Thiên đại vương. Có 1 sắc niên hiệu Khải Định 9 (1924) phong cho cả Phúc Tướng đại vương, Thạc Phụ vương, Đô Thiên đại vương.
Về mặt nội dung, có 11/18 sắc phong nói rõ chuẩn cho Gia Bình huyện, An Khoái xã theo như cũ phụng thờ, 3/18 sắc nói chuẩn cho Lương Tài huyện, Trình Khê xã phụng sự thờ cúng như cũ. Qua đây, có thể khẳng định rằng, các vị thần được thờ ở đình làng Mỹ Thôn gồm có: Đô Thiên đại vương, Phúc Tướng đại vương, Thạc Phụ đại vương. Trong đó Phúc Tướng đại vương là nhân thần, Đô Thiên đại vương, Thạc Phụ đại vương là thiên thần. Các ngài được thờ ở đình làng và được triều đình nhiều lần sắc phong gia ban mỹ tự.
Về mặt văn bản thì các sắc này cho biết đình An Khoái và tên địa danh An Khoái có niên đại muộn nhất là năm Khải Định 9 (1924). Hiện nay làng có tên là Mỹ Thôn, thuộc xã Xuân Lai, huyện Gia Bình. Có 4/18 sắc không có tên làng, gồm 2 sắc niên hiệu Chiêu Thống (1786), 1 sắc niên hiệu Quang Trung 5 (1792), 1 sắc niên hiệu Bảo Hưng 2 (1802).
Như vậy, dù không nhắc tới địa danh nhưng nội dung sắc vẫn ghi rõ phong cho các vị thần thờ ở đình làng Mỹ Thôn là: Phúc Tướng đại vương, Đô Thiên đại vương và Thạc Phụ đại vương. Qua đó chúng ta có thể đoán định được rằng, đình làng Mỹ Thôn ít nhất được xây dựng từ năm Chiêu Thống thứ nhất (1786).
Về mặt hình thức có 10/18 sắc còn nguyên vẹn. Đặc biệt là những sắc còn nguyên vẹn này đa số là những sắc có niên đại muộn. Ví dụ, sắc Tự Đức 33 (1880), sắc Khải Định 9 (1924)… Đây là những sắc còn giữ được màu sắc đẹp, chữ rõ nét, viền mép sắc chưa bị sờn. Có 7 đạo sắc được phong vào các năm Chiêu Thống 1 (1786), Tự Đức 3 (1850), Tự Đức 6 (1853), Thiệu Trị 4 (1844), Đồng Khánh 2 (1887) đã bị sờn rách mép giấy, nhưng vẫn đọc được và có thể đoán định được nội dung những chữ đã mất. Có 5/18 sắc không có dấu ấn triện, gồm 1 sắc Quang Trung 5 (1792), 1 sắc Bảo Hưng 2 (1802), 1 sắc Minh Mệnh 5 (1824), 2 sắc Thiệu Trị 4 (1844).
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay 18 đạo sắc phong này đang được bảo quản gìn giữ một cách hết sức thô sơ, thiếu khoa học, sắc được cuộn nhỏ lại và để vào một chiếc ống nhựa. Khi chúng tôi tiến hành sao chép in chụp thì đã có hiện tượng giấy bị ẩm mốc, bong tróc nhũ và hoa văn rồng mây vẽ trên giấy. Nếu không được quan tâm và có biện pháp bảo quản kịp thời, những sắc phong này sẽ bị hư hại, xuống cấp nhanh chóng trong nay mai. Thiết nghĩ đình làng Mỹ Thôn là một trong những di tích giữ được nhiều sắc phong nhất trên địa bàn huyện Gia Bình, với số lượng sắc phong quý hiếm này cần được chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Ninh quan tâm và có phương án gìn giữ bảo quản. Vì đó là nguồn sử liệu chân thực cho biết hành trạng về nhân vật được thờ và lịch sử của ngôi đình. Đây thật sự là tài sản văn hiến vô giá của địa phương và di tích mà nếu bị mai một sẽ rất khó có thể phục dựng. Hy vọng trong thời gian tới cơ quan chuyên môn có điều kiện sẽ nghiên cứu kỹ hơn về 18 đạo sắc phong này nhằm góp phần phát huy những giá trị to lớn của di tích đình làng Mỹ Thôn cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguồn: Phạm Văn Thưởng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét