(Kiến Thức) - Được thành lập năm 1872, hội quán Nghĩa Nhuận là nơi sở hữu các tác phẩm điêu khắc gỗ hết sức tinh xảo và độc đáo.
Tọa lạc tại 27 đường Phan Văn Khỏe, phường 13, quận 5,TP HCM, hội quán Nghĩa Nhuận (còn gọi là đình Nghĩa Nhuận) là một di tích lịch sử đáng chú ý của vùng đất Chợ Lớn xưa.
Được thành lập năm 1872, hội quán này nguyên là đình thôn Tân Nhuận thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình. Sau khi chuyển đổi thành hội quán của Hội Nghĩa Nhuận, nơi đây thờ Quan Công là vị thần chính nên còn có tên là miếu Quan Đế.
Hội quán Nghĩa Nhuận gồm hai khu nhà riêng biệt trên khuôn viên khoảng 2.000 mét vuông. Phần trước là điện thờ, gồm tiền điện và chính điện và hai dãy nhà phụ hai bên. Phía sau là nghĩa từ và các khu nhà phụ.
Tiền điện có bàn thờ Tả Thần môn và ngựa Xích Thố bài trí đối xứng với bàn thờ Hữu Thần môn và Chiến sĩ trận vong.
Sân thiên tỉnh nằm giữa tiền điện và hậu điện.
Từ tiền điện qua sân thiên tỉnh thì vào chính điện.
Giữa chính điện có khám thờ Quan Đế với tượng quan Đế bằng gỗ cao khoảng 80cm, ngồi trên ngai.
Hầu trước khám thờ là tượng Quan Bình và Châu Xương bằng gỗ cao.
Bên trái khám thờ Quan Đế là gian thờ Thần Thành Hoàng bổn cảnh. Bên phải là khám thờ Bà Thiên Hậu.
Nhìn chung cách thức bài trí thờ cúng ở hội quán đơn giản nhưng không kém phần tôn nghiêm. Số lượng hoành phi, câu đối tương đối ít nhưng khá mới lạ với các mảng chạm cá hóa long, lẳng hoa...
Nét nổi bật nhất của hội quán Nghĩa Nhuận chính là nghệ thuật chạm gỗ mang phong cách Việt Nam nửa cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20
Có thể gặp các tác phẩm chạm gỗ ở khắp nơi trong hội quán: trên tất cả các vì kèo, bao lam cửa, bao lam khám thờ, hương án, câu đối..
.
Ấn tượng nhất phải kể đến bức bình phong sơn son thếp vàng, chạm nổi hai mặt các đề tài Bát Tiên quá hải, cầm kỳ thi họa, mai điểu, nho sóc ... viền chung quanh là lưỡng long tranh châu, phụng hoàng, chân đỡ bình phong là 4 kỳ lân ở góc và 2 con rùa ở bên dưới tạo cho bình phong vẻ sinh động.
Bên cạnh nghệ thuật chạm khắc gỗ, nghệ thuật chạm khắc đá ở hội quán cũng rất đáng chú ý với các cột đá chạm nổi câu đối, chân kê cột hình bát giác chạm mai, trúc, bầu rượu, túi thơ...
Cặp sư tử chầu hai bên cửa là một tác phẩm điêu khác đá hoàn mỹ.
Trong hội quán còn có một sô hiện vật giá trị như lư trầm bằng đồng đúc ba con rồng nâng quả cầu, bộ binh khí, cặp hạc đứng trên lưng rùa...
Trang trí gốm sứ trên nóc mái hội quán.
Ao bán nguyệt trước sân hội quán.
Có thể nói, hội quán Nghĩa Nhuận không chỉ là di tích của làng Tân Nhuận xưa mà còn thể hiện sự giao lưu văn hóa Hoa - Việt ở vùng đất đông đảo đồng bào Hoa - Việt chung sống
Tuy có vài thay đổi qua những lần trùng tu, hội quán vẫn giữ được vẻ cổ kính với những chi tiết kiến trúc độc đáo, hiện vật giá trị
Hội quán Nghĩa Nhuận đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia
Quốc Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét