Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Người miền Trung ở Sài Gòn, nhớ quê thì tới chợ Bà Hoa để nghe những "chi, mô, rứa, hè" thật thân thương...

Có một ngôi chợ tồn tại ở Sài Gòn gần 50 năm qua, được xem là quê hương thu nhỏ của người dân xứ Quảng: chợ Bà Hoa. Dân Sài Gòn đi chợ Bà Hoa để khám phá, còn dân Quảng tha hương đôi khi đến đây chỉ để hoài vọng quê nhà


Người miền Trung ở Sài Gòn, nhớ quê thì tới chợ Bà Hoa để nghe những chi, mô, rứa, hè thật thân thương... - Ảnh 1.
ào thập niên 1960 của thế kỷ trước, cư dân từ các vùng Điện Bàn, Duy Xuyên của Quảng Nam hội tụ về vùng Bảy Hiền (nay thuộc quận Tân Bình) ở Sài Gòn, đem theo nghề dệt truyền thống. Từ một chốn đất rộng người thưa, vùng Bảy Hiền bắt đầu đông đúc, nhộn nhịp khi làng dệt phát triển mạnh, trở thành nơi cung cấp vải vóc chính cho thành phố. Như tìm được nơi lý tưởng để an cư lập nghiệp, nhiều gia đình xứ Quảng từ Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Ngãi… cũng đổ về đây lập nghiệp, tạo thành một cộng đồng người Quảng lớn nhất Sài Gòn.
Không chỉ tạo nên làng dệt Bảy Hiền lớn nhất thành phố, những con người đất Quảng còn đem cả nết ăn ở, văn hóa, ẩm thực… đậm chất Quảng về với Sài Gòn. Khi những đặc sản xứ Quảng được vận chuyển vào, các hàng bê thui, mì Quảng mọc lên ngày một nhiều dù thời đó, khách hàng chủ yếu vẫn chỉ là những người gốc Quảng.
Trong số những người sinh sống ở khu Bảy Hiền, có một người phụ nữ tên Hoa, là người gốc Bắc di cư vào Nam từ năm 1954. Yêu nếp sống và ẩm thực xứ Quảng, bà Hoa đã mua miếng đất trũng rồi đổ đất xây nên ngôi chợ, phân lô và cho mọi người thuê để buôn bán. Đến thập niên 70, chợ Bà Hoa đã trở thành một nơi chuyên kinh doanh các mặt hàng đặc sản chính gốc Quảng.
Người miền Trung ở Sài Gòn, nhớ quê thì tới chợ Bà Hoa để nghe những chi, mô, rứa, hè thật thân thương... - Ảnh 4.
Những người sinh sống và buôn bán nhiều năm ở chợ cho biết, ban đầu chợ Bà Hoa có cả 4 mặt tiền. Sau này do sự phát triển đô thị ở quận Tân Bình, chợ bị lùi sân dần trong đường nhỏ Trần Mai Ninh, và được đổi tên là chợ Phường 11. Tuy nhiên người ta vẫn nhớ đến ngôi chợ này với cái tên gần gũi thân thuộc là chợ Bà Hoa.
Khi nhắc đến bà Hoa xây chợ Quảng, ai cũng chia sẻ bằng một sự kính trọng, dù rằng người dân trong chợ cũng không rõ bà còn sống hay đã mất. "Ở đây ai cũng biết ơn bà Hoa, bả xây cái chợ này mà. Sau Giải Phóng thì bà đi Mỹ, lâu lâu mới ghé về đây thăm hỏi mọi người. Mấy năm gần đây không thấy bà về, người ta bảo có lẽ tuổi già sức yếu nên bà mất ở Mỹ luôn rồi", chú Trần Năm, 46 tuổi, người dân sống ở đây cho biết.
Người miền Trung ở Sài Gòn, nhớ quê thì tới chợ Bà Hoa để nghe những chi, mô, rứa, hè thật thân thương... - Ảnh 5.
Chợ Bà Hoa là nơi bán tất cả các loại thực phẩm, món ăn đặc trưng của miền Trung.
Hiện chợ có khoảng hơn 20 gian hàng chuyên bán các loại thực phẩm từ bánh ú, bánh ít, đến những món ăn vốn gắn liền với ký ức của nhiều người miền Trung xa quê. Đi dọc hai bên hiên chợ, khách luôn bị thu hút bởi cái mùi thơm béo đặc trưng tỏa ra từ các bếp lò của những người đang ngồi nướng bánh tráng đặc sản. Cách đó là những quầy hàng bánh Thuẫn cũng được đổ khuôn nướng tại chỗ. Món bánh Thuẫn là một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Trung nhưng hầu như không có chợ nào ở Sài Gòn bán nhiều loại bánh này như chợ Bà Hoa.
 Đi dọc khu chợ, bạn sẽ bị thu hút bởi cái mùi thơm béo đặc trưng từ những bếp lò lúc nào cũng đang bận rộn nướng những mẻ bánh mới. 
Ngoài ra, ở chợ cũng có đủ các mặt hàng mắm nổi tiếng của người miền Trung, như mắm ruốc con được người bán đưa từ Quảng Nam vào, hay mắm cà pháo Dì Cẩn của Đà Nẵng, mắm tôm chua từ Huế…
Đến chợ Bà Hoa thì nhất định không nên bỏ qua món mì Quảng ở đây. Có rất nhiều quầy hàng làm, cắt tại chỗ và bày bán cho khách. Mì đúng gốc Quảng có sợi trắng hoặc vàng, được làm từ bột nghệ chứ không dùng hóa chất hay phẩm màu. Cô Nga, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam, có thâm niên gần 10 năm bán mì Quảng ở chợ nói rằng, không hiểu sao người Sài Gòn ăn mì Quảng như ăn bún bò, hủ tiếu. Nghĩa là họ yêu cầu rất nhiều nước lèo chứ không phải ăn khô nước như người Quảng.
Người miền Trung ở Sài Gòn, nhớ quê thì tới chợ Bà Hoa để nghe những chi, mô, rứa, hè thật thân thương... - Ảnh 7.
Người miền Trung ở Sài Gòn, nhớ quê thì tới chợ Bà Hoa để nghe những chi, mô, rứa, hè thật thân thương... - Ảnh 8.
Người miền Trung ở Sài Gòn, nhớ quê thì tới chợ Bà Hoa để nghe những chi, mô, rứa, hè thật thân thương... - Ảnh 9.
hìn chung, người xứ Quảng đôi khi mặc cảm với giọng nói của mình vì bị người dân xứ khác nhạo lại, hoặc gặp khó khăn trong giao tiếp ứng xử, nhưng người Quảng ở chợ Bà Hoa thì lại rất tự hào với giọng nói của xứ mình. Đối với họ, cái giọng Quảng mộc mạc ấy là của ông bà, cha mẹ, là những bài hát ru bằng chất giọng quê kiểng đã theo họ từ ngày còn nằm nôi cho đến lúc phải tha hương lập nghiệp xứ người. "Đi đâu giao tiếp với người Sài Gòn hoặc dân xứ khác, nếu họ không nghe thì chúng tôi sẽ nói chậm lại, chứ không cố gắng chỉnh giọng cho giống dân thành thị, vì đây là "đặc sản" quê hương mình mà", một chú bán hàng trong chợ tự hào chia sẻ.
Thật ra không riêng gì người đất Quảng ở vùng Bảy Hiền, mà niềm tự hào của những người Quảng còn được thể hiện trong âm nhạc, văn chương. Như ca sĩ Ánh Tuyết đã hát một loạt tình khúc Bolero bằng giọng Quảng Nam quê mình trong album Duyên Kiếp, và nói rằng đó là cách mà cô muốn làm để tôn vinh tiếng Quảng. Và rằng, "hát giọng Quảng để dành cho người Quảng, người cần học nghe tiếng Quảng, người yêu tiếng Quảng, cảm tình đặc biệt với xứ Quảng và cả người chỉ yêu... một người Quảng". 
"Nhớ chiều nồ em đến tham anh, hơ bên đường phố đõa lên đèng..."– Khi nghe câu hát đầu tiên trong Mưa chiều kỷ niệm của Ánh Tuyết, thú thật tôi đã phải bật cười, không phải cười cợt mà vì cái câu hát quen thuộc ấy sao bây giờ lại dễ thương đến thế, nó như chứa đựng hết cái tình, cái tâm của một cô gái gốc Quảng. Khi hát giọng Quảng, Ánh Tuyết đã hát đúng những âm ngữ "rất Quảng" như "chiều nồ" (chiều nào), "xô xiếng" (xao xuyến), "chẻng thấy đao" (chẳng thấy đâu).
Người miền Trung ở Sài Gòn, nhớ quê thì tới chợ Bà Hoa để nghe những chi, mô, rứa, hè thật thân thương... - Ảnh 11.
Người Quảng ở chợ Bà Hoa rất tự hào với giọng nói đặc trưng của xứ mình.
Và chắc bạn vẫn còn nhớ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một người con xứ Quảng cùng với óc hài hước của mình, đã không ngại "tự trào" về ngôn ngữ quê hương trong tác phẩm "Quán gò đi lên" của ông. Trong truyện, vì cái giọng Quảng đặc sệt của con Cúc mà độc giả được một phen cười chảy nước mắt khi nó bảo con Lệ lấy "cái bao" mà lại nói thành: "Chị kiếm cho em cái bô!". Đến khi con Lệ đem cái bô ra thật thì con Cúc mới ré lên: "Trời, lấy cái ni đựng bánh bèo cho khách răng được?"
Người miền Trung ở Sài Gòn, nhớ quê thì tới chợ Bà Hoa để nghe những chi, mô, rứa, hè thật thân thương... - Ảnh 12.
"Mua chi cô?", "Cái đây boa ngòn!", "Đậu ni mua về náo xong en ngon lốm hĩ?"… Cái thổ âm, thổ ngữ của dân xứ Quảng, dù qua bao nhiêu năm ở Sài Gòn thì người ta vẫn giữ tròn vẹn trong từng câu mời chào khách đi chợ. Người dân chợ Bà Hoa không hề có ý định chỉnh giọng, sửa giọng, họ vẫn giữ nguyên phương ngữ quê mình như một niềm tự hào không gì có thể sánh được. Họ rất sảng khoái khi kể những mẩu chuyện trớ trêu cũng từ cái giọng "lồm reng", "rứa hĩ" của mình đã khiến nhiều người xứ khác lúng túng.
Người miền Trung ở Sài Gòn, nhớ quê thì tới chợ Bà Hoa để nghe những chi, mô, rứa, hè thật thân thương... - Ảnh 13.
Chợ Bà Hoa cũng là nơi khắc họa rõ nét tính cách của người dân xứ Quảng nhất: Cần cù, chịu khó nhưng cương trực, thẳng thắn, lại rất lạc quan, vui tính và trọng tình nghĩa, dù sống trong cảnh cực khổ, đói rách nhưng họ luôn tin vào tương lai của chính mình, thành thật và chất phác. Đó cũng là lý do ở đây người bán không bao giờ nói thách. Hàng nào dở họ sẽ nói dở, khách ưng thì mua, hàng nào ngon thì niềm nở giới thiệu với giá bán hợp lí, để khách không phải mặc cả qua lại.
Người miền Trung ở Sài Gòn, nhớ quê thì tới chợ Bà Hoa để nghe những chi, mô, rứa, hè thật thân thương... - Ảnh 14.
Một anh bạn người Hà Nội của tôi, trong chuyến ghé thăm chợ Bà Hoa đã gặp cụ Rớt, 77 tuổi, bán hàng ở chợ hơn 30 năm qua. Anh hào hứng kể lại: "Bà cụ người Quảng Nam, vui tính hóm hỉnh lắm, lúc nào cũng phì phèo thuốc lá và còn trêu tôi, bà tên Thị Rớt nhưng cứ thích được gọi là… Mộng Rớt. Khi tôi đưa máy chụp ảnh, bà nói: "Để ta làm doáng choa con trua chụp, nhớ lên bố chiều ni hĩ" (Để tao làm dáng cho con trai chụp, nhớ lên báo chiều nay đấy). Nói rồi cụ lại rít thuốc, và phì cười, an yên tự tại trong ngôi chợ mà cụ xem như ngôi nhà ở quê mình".
Người miền Trung ở Sài Gòn, nhớ quê thì tới chợ Bà Hoa để nghe những chi, mô, rứa, hè thật thân thương... - Ảnh 15.
Cụ Rớt, năm nay 77 tuổi - đã bán hàng ở chợ Bà Hoa ngót 30 năm rồi.
Có rất nhiều người như cụ Rớt, bám lấy ngôi chợ Bà Hoa này từ thuở khai sinh lập địa, khi người thế hệ trước ra đi, con cháu họ lại tiếp quản quầy hàng của gia đình mình và duy trì những món đặc sản truyền thống xứ Quảng để bán cho bà con đồng hương lẫn người thành thị. Bởi, không có gì thú vị hơn khi sống ở Sài Gòn phồn hoa náo nhiệt nhưng vẫn được hít thở hương vị quê nhà, vẫn được tìm lại những hình ảnh làng quê bình dị trong từng góc chợ như thế.

 
Thẩm Quỳnh Trân
Hoàng Việt
 
Bích Liên, Quỳnh Trân, Hoài Thiên
 
Tố Linh, Hoàng Nguyễn
Theo Trí Thức Trẻ29/10/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét