Khuê Văn Các, chợ Đồng Xuân, cột cờ…, các công trình biểu tượng của Hà Nội đều được xây dựng dưới thời Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành, khởi công từ những năm 1804-1805.
Nguyễn Văn Thành là khai quốc công thần của vua Gia Long, có quân công hạng nhất, từng được giao giữ chức Khâm sai Chưởng Tiền quân, Bình Tây đại tướng quân, tước Quận công. Về văn nghiệp, ông nổi tiếng ở vai trò Tổng tài soạn thảo Hoàng Việt luật lệ (thường được gọi là bộ luật Gia Long) và Tổng tài biên soạn Quốc triều thực lục. Trong số nhân vật dưới thời vua Gia Long, hiếm có vị quan nào văn võ toàn tài như vậy.
Nguyễn Văn Thành sinh năm 1758, tại Gia Định, quê gốc ở Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Đại Nam thực lục, bộ sách ghi chép sự tích các nhân vật nổi bật thời nhà Nguyễn (Sơ tập, quyển 21), nêu rõ: "Thành trang mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ". Từ năm 1773, ông cùng cha là Nguyễn Văn Hiền theo chúa Nguyễn Phúc Thuần chống lại quân Tây Sơn, sau đó theo phò Nguyễn Ánh cho đến khi thống nhất đất nước năm 1802.
Tượng Tổng trấn Nguyễn Văn Thành tại một ngôi miếu thuộc Đại Nội Huế. Ảnh: wikipedia
Nhiều câu chuyện được chép kể về công trạng của Nguyễn Văn Thành, như khi phụ tá cha đi lấy thóc ở Sông Cầu (Phú Yên), bị quân Tây Sơn phục kích, ông lùi lại sau trận, sai người đội thóc giơ đòn gánh lên làm vũ khí, treo áo làm cờ, đánh trống hò reo giả làm quân cứu viện, khiến quân Tây Sơn phải lui binh.
Năm 1787, Nguyễn Ánh bị đánh thua, phải chạy ra đảo Thổ Chu, bị hết lương ăn, Nguyễn Văn Thành đem quân cướp thuyền buôn của Hạ Châu đi qua. Bị lái buôn chống cự rất dữ, ông cũng bị vài vết thương nhưng vẫn cố nhảy lên cướp được thuyền gạo mang về cho quân ăn.
Trong những chiến dịch cuối cùng của Nguyễn Ánh đánh lại nhà Tây Sơn, Nguyễn Văn Thành được trao quyền Tiết chế, từ Nguyễn Huỳnh Đức trở xuống đều chịu quyền sai khiến. Vua Gia Long lên ngôi, ông được giao giữ chức Tổng trấn Bắc thành, cai quản toàn bộ các tỉnh miền Bắc từ Ninh Bình trở ra, với lời phủ dụ "Việc Bắc Thành đều giao cho ngươi cả". Ông cai quản Bắc thành cho đến năm 1810.
Khi nhậm chức, ông “phủ trăm họ, chiêu dụ hào kiệt, những Hương cống Tiến sĩ đời Lê đều đến cửa, ông lấy lễ hậu đãi, nên ai cũng vui làm việc”. Trong những công việc cụ thể, ông cho quy hoạch lại thành Thăng Long, trong Hoàng thành, lấy cửa Đoan Môn, điện Kính Thiên làm chuẩn, phía trước dựng cột cờ gọi là kỳ đài cao một trăm thước ta (40 m), lấy đó làm hiệu lệnh trong quân.
Cột cờ bắt đầu dựng năm 1805, mãi đến năm 1812 mới hoàn thành. Kiến trúc cột cờ bao gồm ba tầng đế và một thân cột, hiện vẫn được coi là một trong những biểu tượng của Hà Nội.
Về việc hoạch định phố phường, ông chia các doanh, vệ ngang dọc như bàn cờ, đặt ngôi chợ lớn ở cửa chính Đông (chợ Đồng Xuân ngày nay), phân chia quán xá, đường đi thật vuông, thẳng. Chợ lúc đầu chỉ làm bằng tre gỗ, mãi đến thời Pháp thuộc mới được xây bằng gạch với những hồi tường vòm hiện nay.
Ông cũng cho tu bổ Văn Miếu, xây thêm Khuê Văn Các, với kiến trúc đặc sắc dạng cổ lầu, tầng gác bên trên là những kết cấu bằng gỗ, bốn góc có hàng lan can bằng gỗ tiện, mái ngói được nâng bởi những giá gỗ đơn giản, vững chắc mà thanh thoát. Cửa và thanh gỗ tạo hình sao Khuê tỏa sáng, tượng trưng cho văn học. Đây cũng là biểu tượng đặc trưng cho thành phố Hà Nội.
Khuê Văn Các, biểu tượng của Hà Nội.
Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cũng là người đề cập đến quy định “nhiệm kỳ” cho quan lại: “Thành dâng sớ, xin định 3 năm làm 1 khóa, quan phủ huyện 3 năm không có lỗi điệu bổ chức khác. Đến 6 năm mới xét giỏi kém định truất nhắc”.
Sử nhà Nguyễn khen ngợi Nguyễn Văn Thành là người "Biết chữ, hiểu nghĩa sách, biết đại thể, ở trong chư tướng vua trọng Thành hơn cả, không cứ việc lớn việc nhỏ đều hỏi để quyết đoán. Mỗi khi ông đến chầu, vua cho ngồi thong dong hỏi han, ông cũng đem hết sức hiểu biết tiềm tàng, tình hình ngoài biên, sự đau khổ của dân, kế hoạch nhà nước, mưu kế việc binh, biết điều gì là nói hết, cũng nhiều bổ ích".
Về tài cầm binh, Tiền quân Nguyễn Văn Thành là vị tướng "phân tích kỹ lưỡng, đâu là điểm mạnh, đâu là thế yếu, rồi mới quyết đoán, lúc tiến, khi lui nhằm giảm thiểu hao tổn tướng sĩ”.
Khi lâm trận, ông “dụng binh mưu lược rồi mới đánh cho nên ít khi thua”. Đến khi đảm đương công việc Tổng trấn Bắc Thành thì được khen là “không động đến lời nói nét mặt mà trộm giặc đều yên, bày mưu chốn miếu đường, bày tâu sự nghị đều được thi hành, có thể gọi là người có mưu giỏi trị nước”.
Năm thứ 7 (1808), Bắc Thành tứ trấn trộm giặc nổi dậy như ong, ông sai thuộc tướng chia đường tiến đánh, ở trong thành chỉ lưu lính vài trăm người, 2 thớt voi, và nói với bộ thuộc rằng chỉ bấy nhiêu quân voi xem giặc có dám đến không. Quan quân tiến đánh lớn nhỏ 36 trận mới dẹp yên được. Ông làm sách công trạng dâng lên vua, được thưởng 20.000 quan tiền.
Tuy văn võ toàn tài, có nhiều công trạng như vậy, nhưng Nguyễn Văn Thành cùng cả gia đình lại chịu kết cục bi thảm, nguyên nhân cũng bởi không biết chiều ý nhà vua.
Khi được triệu về kinh, do lỡ lời khi bình luận về việc chọn huyệt mộ cho vua Gia Long, vua bắt đầu không thích ông, sau này khi gặp chuyện của con trai là Nguyễn Văn Thuyên, vua mới đem các lời nói ấy ra để luận tội.
Khi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu mất, vua muốn hoàng tử Đảm (sau là vua Minh Mạng) làm chủ tang (hoàng tử là con ruột của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu họ Trần, chỉ là con nuôi Thừa Thiên Cao hoàng hậu họ Tống), Nguyễn Văn Thành đã ngăn cản. Ông muốn lập Hoàng tôn Đán, con hoàng thái tử Cảnh, lên làm thái tử, trong khi vua muốn lập hoàng tử Đảm, nên càng khiến nhà vua khó chịu.
Năm 1815, con của ông Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên, vì một bài thơ ý nghĩa mập mờ bị vu cho là có ý phản nghịch, bị môn hạ tố giác với quan Bộ Hình là Nguyễn Hữu Nghị, rồi tố cáo với Lê Văn Duyệt. Duyệt vốn có hiềm khích với Nguyễn Văn Thành, nên tố lên vua. Lúc đó, vua cho sự việc chưa rõ ràng, nên chưa xử.
Đến năm 1816, nhân việc nắm áo vua van nài xin xử lý rõ ràng sự việc bị quần thần hãm hại, Nguyễn Văn Thành mới bị vua ghét, cấm vào chầu. Vua giao Lê Văn Duyệt tra tấn Thuyên, Thuyên sợ phải nhận tội, cha cũng phải nhận tội theo. Vua nghĩ Nguyễn Văn Thành là đại thần, thu ấn cho về ở nhà riêng. Năm sau, ông lại bị hậu duệ vua Lê là Diên tự công Lê Duy Hoán vu cha con Nguyễn Văn Thành rủ mưu phản, nên bị nhốt vào ngục, rồi uống thuốc độc tự tử, thọ 60 tuổi.
Lúc này vua mới xem tớ biểu trần tình của Nguyễn Văn Thành để lại mà khóc, tha cho các con, cho tiền lụa hậu để an táng.
Mãi đến khi vua Tự Đức lên ngôi (1847), vua mới xuống chiếu rửa tội cho Nguyễn Văn Thành để khuyến khích người có công.
Lăng mộ của Nguyễn Văn Thành ở Thủy Phương, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế, tuy không đồ sộ nhưng vẫn giữ được những nét hoa văn chạm trổ tinh xảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét