Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Kênh đào giúp người Pháp khai khẩn Nam Bộ

Người Pháp đào kênh phục vụ cả quân sự và kinh tế


Với hệ thống kênh đào được thi công trong khoảng 80 năm, người Pháp đã tạo nên sự chuyển biến kinh tế, xã hội rõ rệt cho vùng Đồng Tháp Mười.
Lục tỉnh Nam Kỳ đầu thế kỷ 19 là vùng đồng bằng phần lớn ngập nước. Nhiều vùng ở Tây Nam Bộ ngập mặn, nhiễm phèn, đất rộng mà không canh tác được. Vua chúa nhà Nguyễn và nhất là người Pháp đã dùng sức lao động của người dân Việt Nam để làm nên một hệ thống kênh dẫn nước khổng lồ, đan kín đồng bằng Nam Bộ. Chính hệ thống kênh đào này đã thau chua, rửa mặn, hồi sinh cho cả một vùng đồng bằng rộng lớn, phát triển nông nghiệp. Ngoài chuyện phục vụ người Pháp khai thác thuộc địa một cách triệt để, hệ thống kênh đào cũng đã làm nên một vùng đồng bằng sông Cửu Long mênh mông sông nước và tràn trề sức sống đến tận ngày nay. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu loạt bài nghiên cứu của tác giả Trần Hữu Thắng, Giảng viên Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh về hệ thống kênh đào thời Pháp thuộc ở vùng Đồng Tháp Mười.
Với đặc thù về điều kiện tự nhiên: vùng trũng, nước úng, chua - phèn, vào mùa lũ lụt cả đồng bằng bị ngập, thực vật chủ yếu là lau sậy và rừng Tràm. Vì thế, để khai hoang, các bậc tiền nhân người Việt phải tìm ra phương thức hữu hiệu nhất để chinh phục vùng đất hứa. Thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn, đã đào kênh Bà Bèo, kênh Lợi Tế, kênh Bo Bo, nhằm phục vụ an ninh - quốc phòng.
Sau này, những kênh đào buổi đầu khai phá đó, đã trở thành tuyến thủy lộ quan trọng. Từ đây, Đồng Tháp Mười đã được khai hoang nhưng vùng đất này vẫn còn hoang sơ, ít người biết đến.  
Người Pháp đào kênh phục vụ cả quân sự và kinh tế - 1
Bản đồ hệ thống song ngòi, kênh rạch Nam Bộ
Sau khi chiếm được Nam Kỳ, tư bản Pháp đầu tư vốn phát triển hạ tầng để phục vụ cho hoạt động khai thác. Trong đó, luôn có một khoảng ngân sách vốn đầu tư cho công việc đào, vét kênh rạch ở Nam Kỳ mà chủ yếu là vùng Tây Nam Bộ. 
Với hệ thống kênh đào được thi công trong khoảng 80 năm, người Pháp đã tạo nên sự chuyển biến kinh tế, xã hội cho vùng Đồng Tháp Mười. Chỉ riêng trong nông nghiệp, công việc “dẫn thuỷ nhập điền”, “thau chua, rửa phèn, tháo úng” ngày càng có hiệu quả hơn trước, đất đai tươi xốp, màu mỡ dần. Công cuộc khai hoang được đẩy mạnh, dẫn đến diện tích đất canh tác không ngừng được mở rộng, năng suất và sản lượng lúa cũng tăng và hình thành lên một vựa nông sản mới cung cấp cho Sài Gòn - Chợ Lớn. 
Hệ thống kênh đào vùng Đồng Tháp Mười thời thuộc Pháp nhiều hơn về số lượng, chú trọng hơn về giao thông thương mại. Giao thông nội thủy bắt đầu nối liền với các vùng lân cận, làm cho địa thế cô lập của “vùng trũng” dần dần được xoá bỏ, tạo điều kiện cho vùng Đồng Tháp Mười tiếp nhận thêm nguồn nhân lực, vật lực và văn minh từ những đô thị lớn như Cần Thơ, Mỹ Tho, Tân An, Sài Gòn - Chợ Lớn.
Người Pháp đào kênh phục vụ cả quân sự và kinh tế - 2
Làng nổi trên sông ở Châu Đốc - An Giang
Cấu tạo địa hình: Đồng Tháp Mười được phân ra 3 vùng: vùng cao bên bờ sông Tiền, có độ cao từ 1,5m - 2,0m (từ Hồng Ngự xuống Tiền Giang); vùng trung tâm, có độ cao từ 0,4m - 0,75m (huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hoá, thị xã Kiến Tường, Tân Thạnh, Thạnh Hoá, gò Tháp Mười thuộc các huyện tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang); vùng giữa sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây, độ cao từ 0,3m - 0,4m, riêng dãy phù sa cổ phía Bắc cao từ 2,0m - 4,0m thuộc các huyện Đức Huệ và Thủ Thừa. Do cấu tạo địa hình như vậy, nên Đồng Tháp Mười mang tính chất một “đồng lụt kín”.
Thổ nhưỡng: hầu hết đất đai bị nhiễm phèn. Đây là điều bất lợi rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp - trồng trọt, cũng là một trong những trở lực tự nhiên chủ yếu đã kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười trong nhiều thế kỉ. Sông ngòi - kênh rạch, Đồng Tháp Mười có sông Tiền bao boc̣ phía Tây và phía Nam. Có sông Vàm Cỏ Đông bao bọc phía Đông và sông Vàm Cỏ Tây nằm giữa bồn trũng Đồng Tháp Mười. Phia Bắc là các rạch Sơ Hạ - Cái Cò - Long Khốt nối tiếp nhau kéo dài từ sông Tiền đến sông Vàm Cỏ Đông.
Ngoài ra, còn có một hệ thống kênh rạch thiên nhiên chằng chịt nối liền với các sông lớn. 
Chế độ thủy văn: dòng chảy vùng Đồng Tháp Mười phụ thuộc vào sông Tiền và hệ thống sông Vàm Cỏ. Chế độ dòng chảy trong vùng này rất phức tạp và chia thành hai mùa rõ rệt, là mùa kiệt và mùa lũ.
Người Pháp đào kênh phục vụ cả quân sự và kinh tế - 3  
Bản đồ địa hình vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Những đặc điểm tự nhiên trên đã quy định tính đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười mà nổi bật lên là các yếu tố: nước - mưa - lũ lụt - chua phèn.
Từ đây, đặt ra cho con người phải tìm ra những biện pháp nhằm khai hoang, cư trú và sản xuất có hiệu quả nhất. 

Quá trình đào, vét kênh rạch của Pháp ở Đồng Tháp Mười

Sau khi chiếm được Nam Kỳ người Pháp đã vạch ra một kế hoạch đào bới (Dragages) bắt đầu từ năm 1886 đến năm 1895.

Với mục đích: “phát triển giao thông để duy trì trật tự an ninh trong các tỉnh, giúp cho việc trao đổi buôn bán và chuyên chở thóc gạo và nếu không có kênh giao thông dễ dàng, không có thuộc địa hóa, vì an ninh đi song đôi với giao thông”. Vì thế, sau khi chiếm được Nam Kỳ người Pháp đã vạch ra một kế hoạch đào bới (Dragages) bắt đầu từ năm 1886 đến năm 1895.
Sau đó, trong nhiều thập kỉ là những kế hoạch đào, vét kênh rạch từ năm 1896 đến năm 1906. Chương trình đào kênh năm 1910 - 1938, chương trình đào kênh tại Nam Kỳ năm 1945... Để chuyên môn hoá hoạt động này, Chính phủ Pháp đã tổ chức đấu thầu và trúng thầu là những công ty tư nhân.
Quá trình đào, vét kênh rạch của Pháp ở Đồng Tháp Mười - 1
Bản đồ kênh đào Bảo Định
Vét, nâng cấp rạch Bến Lức và kênh Bảo Định trong năm 1866 đến năm 1867:
Năm 1866, để thực hiện ý đồ "vừa đánh, vừa khai thác", theo lệnh đô đốc Dupré, hai tàu cuốc nhỏ đi theo hải quân đến nạo vét, mở rộng rạch Bến Lức và kênh Bảo Định. Trong năm 1867, người Pháp đã hoàn tất mở rộng kênh Bảo Định và đặt tên là Ayorro de la Poste (kênh Bưu điện). Toàn bộ kênh dài độ 30 km, ngang khoảng 30 m, sâu 7 - 9 m.
Kênh Tổng Đốc Lộc - Nguyễn Văn Tiếp:
Từ 1895 - 1897, Trần Bá Lộc (năm 1865, được Pháp thăng chức chủ quận Cái Bè) đã tự đầu tư đào con kênh dài 45 km, rộng 10m, nối từ Rạch Ruộng phía sông Tiền Giang ăn thông đến kênh Bà Bèo, nơi tiếp nối là phía Bắc rạch Cai Lậy. Năm 1899, Trần Bá Lộc tiếp tục bắt dân đào dài thêm 32 km. Những năm sau đó, chính phủ Pháp tiếp tục đầu tư đào tiếp kênh này.
Kênh Lagrange - Dương Văn Dương:
Từ 1899 - 1903, Lagrange là Tham biện Tân An điều hành đào con kênh, nối sông Vàm Cỏ Tây ở đầu phía Đông và kênh Phước Xuyên, kênh Đông Tiến ở đầu phía Tây tại ngã tư gãy Cờ Đen. Năm 1925 - 1927, hãng thầu Pháp là Monvéneux tổ chức nạo vét với quy mô lớn. Sau nhiều lần nạo vét, kênh có chiều dài 45 km, rộng 40 m, sâu 4 m. Kênh được đặt tên là Lagrange, ngoài ra còn có tên khác như kênh Ông Lớn, kênh Cùng.
Quá trình đào, vét kênh rạch của Pháp ở Đồng Tháp Mười - 2
Kênh Tháp Mười
Kênh Tháp Mười
Đoạn nằm trong địa phận Cao Lãnh dài 17 km đào năm 1901 (12). Năm 1922, từ Rạch Chanh, người Pháp cho vét thẳng lên kênh Bà Bèo. Đồng thời, xuất phát từ khoảng giữa kênh Tổng Đốc Lộc (đầu rạch Cái Nứa), đào thẳng tiếp tục về hướng tây Đồng Tháp Mười, đổ ra sông Tiền, dài khoảng 60 km. Đoạn kênh này đi ngang qua khu phế tích Gò nên gọi là kênh Tháp Mười.
Từ năm 1897 - 1904, trong vùng Đồng Tháp Mười đào nhiều kênh:
Năm 1897, đào kênh Cai Bắc; năm 1898, đào kênh Ba Điền với độ sâu 1,5m; năm 1900, đào kênh Cái Tôm, kênh Bến Kè, kênh Năm Ngàn; năm 1903 - 1904, đào kênh kênh 12, nối Mộc Hóa với Cai Lậy, kênh này rất hữu dụng trong giao thông và thoát nước úng ra sông lớn.
Tư bản Pháp đẩy mạnh vét kênh cũ, đào kênh mới:
Do nguồn lợi quá lớn từ kênh đào mang lại nên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer càng ra sức đẩy mạnh việc đào kênh. Ngày 8/9/1900, ra Nghị định thành lập Hội nghiên cứu kế hoạch đào kênh, và coi việc nạo vét kênh rạch là thượng khẩn. Năm 1901, thành lập Công ty đào sông và các việc công chính Đông Dương. Tháng 2 - 1904, Công ty Kỹ nghệ Pháp tại Viễn Đông trúng thầu.
Năm 1907, Tổng thanh tra công chính Đông Dương A.Pounyanne đưa ra một kế hoạch đào, vét và mở rộng các kênh: Lagrange, Tổng Đốc Lộc, Đá Biên (Thạnh Phước, Thạnh Hóa, Long An), Phú Sửu, Tân Châu - Vàm Cỏ, cù lao Sung, cù lao Tây - Vàm Cỏ. 
Công việc đào kênh ở Đồng Tháp Mười được xúc tiến mạnh hơn từ sau hàng loạt dự án điều tra, nghiên cứu của những chuyên gia thủy lợi: dự án nghiên cứu các con sông ở Tân An của Gaudary (1907); dự án nghiên cứu Đồng Tháp Mười của Bolliet và Saraudy 1907); dự án nghiên cứu Đồng Tháp Mười của Gơri Pâyxơ và Baydi (1910); dự án mở rôṇg và hoàn thiện các kênh phía hạ lưu Hồng Ngự của Benaberg (1916).

Tư bản Pháp thủ tiêu đồn điền của người Việt


Chính quyền thuộc địa tạo cơ hội cho điền chủ người Pháp chiếm hữu ruộng đất nhằm gạt bỏ những điền chủ người Việt ở đất Nam Kỳ “nặng ơn” với triều Nguyễn và sẵn sàng giúp đỡ nghĩa quân kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Về lâu dài, Chính quyền thuộc địa Pháp tính đến phương án thủ tiêu đồn điền người Việt với nhiều lí do:
- Về chính trị, chính quyền Pháp muốn kiểm soát chặt chẽ an ninh, chính trị và về lâu dài là thủ tiêu bộ máy hành chính triều Nguyễn thay thế bằng hình thức cai trị kiểu nhà nước thực dân ngay trong mỗi làng xã, thôn xóm, đồn điền của người Việt.
- Về mặt kinh tế, chính quyền thuộc địa tiến tới nắm quyền và đặt ra các loại thuế đánh vào nông dân trong các đồn điền, thay cho chính sách cấp vốn, miễn thuế khá thoáng cho người dân an cư lạc nghiệp của các vua Nguyễn. Đồng thời, tạo cơ hội cho điền chủ người Pháp chiếm hữu ruộng đất nhằm gạt bỏ những điền chủ người Việt ở đất Nam Kỳ “nặng ơn” với triều Nguyễn sẵn sàng giúp đỡ nghĩa quân kháng chiến chống Pháp xâm lược.
Tư bản Pháp thủ tiêu đồn điền của người Việt - 1
Bản đồ lục tỉnh Nam Kỳ thời Pháp
Hơn nữa, hình thức đồn điền người Việt còn mang yếu tố lạc hậu đó là sở hữu ruộng đất còn manh mún, sự chuyển nhượng chưa thoáng, chưa coi trọng cải tiến kĩ thuật về ứng dụng máy móc, canh tác cũng như tăng năng suất nông sản. Với phương thức sản xuất tư bản tiến bộ hơn nhiều mà thực dân Pháp du nhập vào sẽ khó còn cơ hội cho sự tồn tại của đồn điền với những địa chủ người Việt.
- Về quân sự, nông dân ở các đồn điền là “quân đồn điền” và thường làm “nòng cốt trong các đội địa phương quân kháng Pháp ở Nam Kỳ” mà điển hình là Quản cơ Trương Định đã chỉ huy đội quân đồn điền của ông đánh Pháp (1859 - 1864), rồi đến Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) lập căn cứ ở Đồng Tháp Mười để khởi nghĩa đánh quân Pháp (1862 - 1866).
Tư bản Pháp thủ tiêu đồn điền của người Việt - 2
Thiên Hộ Dương - Đốc Binh Kiều dấy binh đánh Pháp ở Đồng Tháp Mười
Với chủ ý xóa bỏ đồn điền do triều Nguyễn lập nên, chính quyền thuộc địa đã ban bố nhiều văn bản như: Sắc lệnh tháng 7/1888 (Jean Antoine Constans) và Sắc lệnh ngày 18/8/1896 của Toàn quyền Đông Dương (Paul Armand Rousseau ) “cho phép người Pháp được chiếm đoạt đất của nông dân với những điều kiện hết sức rộng rãi, thủ tục khai báo xin chuyển nhượng rất đơn giản”. Điều này đã dẫn tới sự hình thành tại vùng Đồng Tháp Mười những địa sản lớn, có khi lên tới vài ngàn ha.
Chỉ trong địa phận tổng Mộc Hoa (nay phần nhiều là đất thuộc huyện Vĩnh Hưng, huyện Tân Hưng, thị xã KiếnTường, huyện Mộc Hóa, huyện Tân Thạnh và huyện Thạnh Hoá), năm 1903 - 1904, Thiémoge và Aubertin làm chủ 5.660 ha ở thôn Tân Lập, Lê Phát Tân sở hữu 6.300 ha ở các thôn Tuyên Thạnh và Nhơn Ninh, Emmanuel Paure đứng tên 2.600 ha ở thôn Bình Châu, còn Jeanmerat chiếm 6.659 ha ở các thôn Bình Hiệp và Bình Đoàn.
Tư bản Pháp thủ tiêu đồn điền của người Việt - 3
Người làm công trong một đồn điền ở Mỹ Tho
Khoảng 1905 - 1909, thôn Thạnh Hòa (nay thuộc xã Thạnh Phước) có 1.225 ha đứng tên vợ chồng trạng sư Paris, 1.111 ha là tài sản của Vinson, 1.000 ha thuộc quyền sở hữu Mairano, và 1.052 ha đươc̣ đăng kí bởi Lê Văn Tước. Năm 1903, Giraud chiếm 900 ha ở thôn Ninh Nhơn, năm 1905 Parnaud sở hữu gần 500 ha ở thôn Tuyên Bình, năm 1908  Hứa Thị Nhàn làm chủ 548 ha ở thôn Thủy Đông, hay năm 1906, Bise đứng tên 409 ha ở các thôn Tân Đông và Thủy Đông, năm 1909 Võ Văn Quan có 600 ha ở thôn Tuyên Thạnh và năm 1916, Léon Liotard đăng ký 577 ha ở Tân Lập.
Năm 1911, cũng ở tổng Mộc Hoá, nhiều điền chủ Pháp chiếm hữu từ 500 ha đến 700 ha, hay cả ngàn hécta, mà điển hình là L. Bélugeaud (kinh lý hữu thệ), sở hữu 500 ha ở làng Hưng Điền - Gò Thằng Tây (hiện nay gồm hai xã: xã Hưng Điền A thuộc huyện Vĩnh Hưng và xã Hưng Điền B thuộc huyện Tân Hưng, tỉnh Long An). Tính đến năm 1913, trong cả nước điền chủ người Pháp đã chiếm 470.000 ha. 

Người Pháp chiếm đất và tăng năng suất lúa


Sắc luật tháng 11 - 1928 của Chính phủ Pháp không giới hạn sở hữu ruộng đất của các cấp chính quyền thuộc địa nên người Pháp đã chiếm đoạt ở Việt Nam 850.000 ha, bằng 1/6 diện tích đất trồng trọt.
Riêng một số huyện thuộc vùng Tân An, điền chủ Pháp chiếm khá nhiều ruộng đất. Chẳng hạn trước đó, vào năm 1893, Mougeol chiếm 1.425 ha ở xã Lương Hóa (huyện Bến Lức) và Lamote chiếm 716 ha ở Tân Tạo. Năm 1894, điền chủ Fereira chiếm 550 ha ở xã An Ninh (huyện Đức Hòa) và năm 1896, La Mouroux chiếm 2.040 ha ở xã Đức Hòa.
Còn ở Cái Bè, hệ thống kênh Tổng đốc Lộc với “mục đích rõ rệt là mở một đồn điền lớn ở phía Nam... và dùng kênh để tháo nước trong đồng ra Tiền Giang cho đồn điền khỏi bị ngập...” vô tình đã giúp thực dân Pháp thực hiện được ý đồ khai thác vùng ven vùng Đồng Tháp Mười.
Người Pháp chiếm đất và tăng năng suất lúa - 1
Hệ thống kênh đào ở An Giang
Và Sắc luật tháng 11 - 1928 của Chính phủ Pháp không giới hạn sở hữu ruộng đất của các cấp chính quyền thuộc địa nên người pháp đã chiếm đoạt ở Việt Nam 850.000 ha, bằng 1/6 diện tích đất trồng trọt. Năm 1930, chỉ tính riêng ở Long An nơi có nhiều huyện nằm trong vùng đồng Tháp Mười số chủ đất trên 50 ha có 306 người chiếm 1,1% người có ruộng, nhưng lại chiếm hữu tới 54.377 ha, khoảng 28% toàn bộ ruộng đất ở đây.
Từ những con số trên cho thấy rằng: rất nhiều đồn điền ruộng lúa do người Pháp đứng tên ngày càng nhiều, tạo nên sự cạnh tranh giữa những điền chủ người Pháp và các điền chủ người Việt.
Trong cuộc cạnh tranh này chắc là ưu thế thuộc về người Pháp, bởi lẽ họ có cả chính quyền thuộc địa hậu thuẫn. Tuy vậy, cũng có nhiều điền chủ người Việt lâp̣ đồn điền ở Đồng Tháp Mười như Lê Phát Vĩnh, Lê Thị Bình, Đặng Chánh Đạo, Quận Tấn, Cai Dậu, Cả Tiền, Cả Cốt, mà tiêu biểu trong đó là Hội đồng Bền.
Người Pháp chiếm đất và tăng năng suất lúa - 2
Những con kênh được đào đầu thế kỷ 20 ở Nam Bộ
Năm 1927, Trương Văn Bền tiếp tục mở rộng lãnh địa kinh doanh khi lập Công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười trên diện tích 18.000 ha với 3.000 tá điền. Năm1931, Trương Văn Bền xây dựng cơ sở xay lúa gạo ở vùng ĐồngTháp Mười để chuyên chở lên Chợ Lớn xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong trồng trọt, người xưa có câu: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nước ở đây không những đủ về lượng mà còn phải đạt về chất. Vùng Đồng Tháp Mười là nơi “rốn phèn”, nước úng, thối, phù hợp với cỏ lác (Plaine des Joncs). Nhờ vào vai trò “dẫn thuỷ nhập điền” và "thau chua, rửa phèn, thoát úng” của hệ thống kênh đào đã làm thay đổi chất lượng nguồn nước.
Để khẳng điṇh điều này, trong Địa chí tỉnh Mỹ Tho năm 1902 viết: “Chính các con kênh vừa làm cho đất đai phì nhiêu, vừa thoát nước cho các cánh đồng ngập lụt, vừa giúp cho việc vỡ hoang được nhanh chóng... ”. Trong đó, hệ thống kênh đào do công sức nhân dân Thủ Thừa, Bến Lức, Cái Bè, Cai Lậy, Mộc Hóa, Cao Lãnh, Sa Đéc... đã đem lại lợi ích to lớn.
Người Pháp chiếm đất và tăng năng suất lúa - 3
Xóm làng điển hình của người Việt bên dòng kênh ở miền Nam xưa
Kênh chính (hiện nay trong thủy lợi gọi là kênh cấp 1) dùng cho việc giao thương nông sản hàng hóa và tăng cường khả năng tiêu nước vào mùa lũ. Hệ thống kênh phụ (kênh cấp 2) lấy nước từ các kênh chính và sau đó xả phèn; cùng đó là những thuận tiện khác như vận chuyển, thoát úng. Hệ thống kênh đào này đã tạo điều kiện cho việc khai hoang được thuận lợi hơn. Từ đó, khâu quyết định đến tăng năng suất cây lúa phần nào được giải quyết.
Thêm nữa, chính quyền Pháp còn chú trọng sử dụng phân bón. Họ nghiên cứu, thí điểm và đưa vào bón phân hoá học, phân xanh (ủ từ thực vật) trên Đồng bằng sông Cửu Long, vốn xưa nay dựa vào phù sa sông Mê Công. Vấn đề cải tiến giống lúa để tăng năng suất đã đặt ra cấp bách cho một nền nông nghiệp có sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản.
Để đạt được nó, người Pháp đã lập ra Vườn bách thảo (1864), Hội nông nghiệp và kĩ nghệ Nam Kỳ (1865), Nha canh nông và thương mại Đông Dương (1898), Nha canh nông Nam Kỳ (1899), Phòng thí nghiệm phân tích hóa học nông nghiệp và kĩ nghệ tại Sài Gòn (1898), Sở khí tượng (1897)... Các phòng, cơ quan này chuyên nghiên cứu về đặc tính đất đai, khí hậu, chế độ nước, phân bón, giống; giải quyết những vấn đề kĩ thuật phục vụ cho việc khai thác nói chung, trồng trọt nói riêng. 

Người Pháp thừ nghiệm nhiều cây trồng khác


Để đa dạng cây trồng, khai thác hết tiềm năng đất đai, sức lao động của con người và đem về nhiều lợi nhuận, chính quyền thuộc địa đã thử nghiệm và trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao.
Nhiều giống lúa đã được người Pháp du nhập từ Mỹ, Myanmar, Nhật Bản, Ấn Độ, bắc Trung Quốc, miền Bắc (Việt Nam) và Campuchia để thử nghiệm hầu hết các tỉnh ở Nam Bộ. Từ 1910 - 1913, có khoảng 700 giống lúa được thu thập trong phòng thí nghiệm (Laboratoire). Liên tiếp nhiều năm 1920, 1921, 1922, 1923..., các chuyên gia và kĩ sư người Pháp đưa giống lúa Huêky số 3601, số 1741 vào thử nghiệm và trồng thí điểm ở Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Sa Đéc, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Tân An...  
Việc thử nghiệm được thực hiện bởi ông Nguyễn Hào Nhơn (Phụng Hiệp) trong năm 1922 - 1923, với giống Huêky số 3601 đã thu về từ 2.500 kg đến 3.000 kg/1ha. Nhìn chung, các loại giống mới được thử nghiệm về sau cũng không mang lại kết quả khả quan bởi do, nhiều vùng mà trong đó có Đồng Tháp Mười điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, lũ lụt, chua - phèn..., rất phức tạp nên những giống mới này không phát huy được ưu điểm.
Người Pháp thừ nghiệm nhiều cây trồng khác - 1
Người Pháp và người làm công Việt Nam đào kênh Chợ Gạo.
Bằng kinh nghiệm từng trải và hiểu rõ vùng Đồng Tháp Mười, nông dân cũng tìm tòi, thử nghiệm các giống lúa mới để tăng năng suất. Khoảng năm 1901, ông Phan Văn Vàng đem giống lúa nổi (Riz Flotant) có thể “mọc khi nước ngập từ 4m - 5m, trong điều kiện nước lên ngày không quá 5 cm - 6 cm” từ Crachiê (Campuchia) về quê trồng thử, và viêc̣ phổ biến nhanh chóng giống lúa này đã làm thay đổi bản đồ nông nghiệp Nam Kì nói chung và vùng Đồng Tháp Mười nói riêng. Với những đặc điểm sinh học của nó, lúa nổi mau chóng trở thành một giống lúa mới thích hợp cho Đồng Tháp Mười, hay nói như các nhà chuyên môn, đây là một tiến bộ về giống nhưng tạo ra một cuộc cách mạng về hệ thống sản xuất.
Những công trình thủy nông đã góp phần tăng năng suất lúa, thì các phương tiện kĩ thuật khác như chọn giống, dùng phân bón, chế độ độc canh được thực dân Pháp nỗ lực sử dụng. Năm 1929, Cục lúa gạo được thành lập (do sáng kiến của Yves Henry và Toàn quyền Pasquier) nhằm hướng tới hiện đại hóa các phương pháp trồng lúa mà chủ yếu bằng cách dùng phân bón hoá học.
Người Pháp thừ nghiệm nhiều cây trồng khác - 2
Bến thuyền tấp nập ở Châu Đốc, An Giang
Tính đến năm 1935, trên bản đồ trồng lúa của Đồng Tháp Mười, năng suất giống lúa nổi (Riz Flotant) được cải thiện rất đáng kể. Nhiều cánh đồng gần hệ thống kênh đào ở Cai Lậy, Cái Bè và Cao Lãnh năng suất dự tính đạt 40 - 60 giạ/1ha; vùng Hồng Ngự năng suất từ 80 - 100 giạ/1ha; vùng Mộc Hoá, Thạnh Hoá, Thủ Thừa năng suất trung bình 40 - 60 giạ/1ha.
Nông nghiệp vùng Đồng Tháp Mười thời thuộc Pháp, cây lúa vẫn được coi là cây trồng độc canh. Nhưng để đa dạng cây trồng, khai thác hết tiềm năng đất đai, sức lao động của con người và đem về nhiều lợi nhuận, chính quyền thuộc địa đã thử nghiệm và trồng nhiều cây khác có giá trị kinh tế cao, chẳng hạn như:
- Cây bông (Le coton): đầu thế kỉ XX, dưới thời thuộc Pháp, diện tích bông ở Đông Dương lên tới 25.000 ha. Trong đó, Trung Kỳ chiếm 7.000 ha, Nam Kỳ chiếm 2.000 ha, Campuchia có 10.000 ha, số còn lại là ở Bắc Kỳ.
Kể từ năm 1923, các chuyên gia nông nghiệp người Pháp đã cố gắng thử nghiệm trong vùng đất đỏ và đất xám, phía Đông của vùng Đồng Tháp Mười. Các kết quả thu được rất khả quan.
Các chất xơ sản phẩm đạt đến 25-26 mm chiều dài và tương tự như sợi của nước Mỹ. Và có thể khẳng định, ở Đồng Tháp Mười, trên tất cả các vùng đất dọc theo theo tuyến sông, rạch thiên nhiên và kênh đào phù hợp với trồng bông.

Kênh đào biến Đồng Tháp Mười thành vùng màu mỡ


Quá trình thay đổi sở hữu đất đai hầu như đi cùng với sự ra đời của những kênh xáng. Yếu tố này là dấu hiệu sự xâm nhập của kinh tế tư bản chủ nghĩa vào nông thôn Việt Nam, phá vỡ hình thái kinh tế phong kiến.
Ngoài cây lúa, chính quyền thuộc địa đã thử nghiệm và trồng nhiều cây khác có giá trị kinh tế cao, chẳng hạn như:
- Cây dứa (Cocotier): việc trồng dứa không phổ biến và bị phân mảnh nhỏ nhưng cũng có nhiều cánh đồng diện tích mỗi mảnh từ một ha trở lên, đặc biệt là trên cả hai mặt của kênh 12 (huyện Tân Thạnh và huyện Thạnh Hóa thuộc tỉnh Long An ngày nay), ở phía đông nam vùng Đồng Tháp Mười và trong khắp khu vực của nó. Trái dứa dùng để nấu nước đường (ngâm đường), nước dứa ép...
Ngày nay, với hệ thống thủy lợi hoàn thiện hơn nên cây dứa được trồng nhiều nơi trong vùng Đồng Tháp Mười mà diện tích trồng dứa lớn nhất thuộc về huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang). Với diện tích trung bình từ 12.000 ha đến 16.000 ha, sản lượng đạt trên 200.000 tấn/1năm.
- Khoai tây: có nguồn gốc từ Đông Ấn, nó có nhiều màu sắc khác nhau: vàng đỏ, tím hoặc “nâu đỏ”... được trồng xung quanh vùng Đồng Tháp Mười.
- Cao su (caoutchouc): Cây cao su Hevea brasiliensis đem từ Mã Lai về trồng ở Đông Dương năm 1897 (ở Sài Gòn). Năm 1905 cạo mủ, thấy sản xuất được nên bắt đầu phát động trồng nhiều nơi. Khí hậu là yếu tố đáng lưu ý, sự phong phú cũng như màu mỡ lạ thường của đất ở Đông Dương mà đặc biệt là Nam Kỳ với loại đất xám là điều kiện hoàn hảo cho cây trồng này phát triển. Nhưng đất này chưa phải là duy nhất để trồng cây cao su.
Kênh đào biến Đồng Tháp Mười thành vùng màu mỡ - 1
Nhà máy chế biến cao su của hãng Michelin ở Đồng Nai
Đất phù sa được bồi đắp bao quanh vùng Đồng Tháp Mười, cũng có vẻ phù hợp với cây có biệt hiệu “vàng trắng” này. Trong thực tế, người Pháp đã thử nghiệm trồng một ngàn mẫu ở phía Bắc kênh Trà Cú Thượng, phía Đông của Bình Thạnh, song không thành công.
Cùng đó, các cây sắn, mía cũng được trồng nhiều nơi trong vùng Đồng Tháp Mười với diện tích và sản lượng không đáng kể.
Trước thế kỉ XX, Đồng Tháp Mười được biết đến là nơi hoang hóa, chua - phèn, ngập úng vào mùa mưa và lũ lụt, thưa người. Phải khẳng định rằng, đây là vùng có tiềm năng về trồng lúa, chăn nuôi và khai thác sản vật từ thiên nhiên (cá, rừng tràm, mật ong...).
Kênh đào biến Đồng Tháp Mười thành vùng màu mỡ - 2
Dưới triều Nguyễn, Đồng Tháp Mười đã được khai hoang nhưng chủ yếu diễn ra ở vùng ven nơi có điều kiện thuận lợi về giao thông, gần các đô thị như Tân An và Mỹ Tho. Thời kì thuộc Pháp, vùng Đồng Tháp Mười có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là trong nông nghiệp. Các công trình thủy nông được người Pháp đầu tư với quy mô lớn, tạo nên bước độ phá, mang lại nhiều thành quả trong khai hoang và làm chuyển biến kinh tế, xã hội vùng đất chua - phèn.
Trong suốt thời gian thống trị (1867 - 1954), với chính sách kinh tế của thực dân Pháp vẫn là khai thác thật nhanh làm giàu mau chóng cho chính quốc. Từ đó, công việc đào kênh ở Đồng Tháp Mười cũng thể hiện chủ trương “dễ làm trước”. Vì thế, số lượng kênh đào ở Đồng Tháp Mười rất khiêm tốn so với các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Gò Công, Mỹ Tho...
Tuy nhiên, hệ thống kênh đào thời kì này đã tác động làm thay đổi diện mạo vùng Đồng Tháp Mười. Trong đó, kênh đào trở thành công cụ giúp người Pháp khai hoang có hiệu quả hơn. Trước tiên vẫn là sự tăng nhanh về diện tích đất canh tác, chất lượng đất được cải thiện do được “thoát úng, thau chua, rửa phèn”.
Quá trình thay đổi sở hữu đất đai hầu như đi cùng với sự ra đời của những kênh xáng. Yếu tố này là dấu hiệu sự xâm nhập của kinh tế tư bản chủ nghĩa vào nông thôn Việt Nam, phá vỡ hình thái kinh tế phong kiến. Nông dân bị mất đất, đời sống cơ cực, tương lai đen tối, không lối thoát. Đây là những nguyên nhân tạo nên mâu thuẫn giữa nông dân bản xứ với chủ nghĩa thực dân.
Kênh đào biến Đồng Tháp Mười thành vùng màu mỡ - 3
Những chuyển biến kinh tế nông nghiệp vùng Đồng Tháp Mười diễn ra trong trồng trọt và cả chăn nuôi. Nhưng qua thực tế khai thác của tư bản Pháp, chúng tôi nhận thấy rằng, nghề chăn nuôi chủ yếu là theo truyền thống đó là chăn thả theo đàn và khai thác có sẵn trong thiên nhiên. Nông nghiệp trồng lúa vẫn là ưu tiên hàng đầu để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu đem về lợi nhuận cho tư bản chính quốc.
Tuy còn nhiều hạn chế trong thái độ về nghiên cứu, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi để khai thác vùng Đồng Tháp Mười, song sự chuyển biến trong kinh tế nông nghiệp của vùng là mặt tích cực đáng ghi nhận. Kênh đào trở thành khâu đột phá trong khai hoang và phát triển vùng Đồng Tháp Mười. 
Trần Hữu Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét