Đến Lý Sơn mùa này, tỏi hiện diện khắp mọi nơi, từ mái nhà xuống ngõ phố, từ cánh đồng tới những con đường.
Tỏi Lý Sơn có kích thước nhỏ vừa, màu trắng, mùi vị thơm cay dịu ngọt và có nhiều tác dụng chữa bệnh
Lý Sơn nổi tiếng với nghề trồng tỏi khiến “gia vị” này trở thành một đặc sản nổi tiếng nhất của đảo. Mỗi năm, người dân huyện đảo Lý Sơn chỉ trồng được 2 vụ tỏi (từ tháng 9 năm trước tới tháng 2 năm sau), sau đó trồng hành hoặc ngô, vừng… Người dân nơi đây thực hiện phương châm "không cho đất nghỉ, đất ngừng tay ta". Nếu như ngày thường, du khách tới đảo sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng tỏi xanh bạt ngàn thì tới mùa thu hoạch du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác khá mới lạ.
Thứ củ này chẳng những đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở địa phương mà đã trở thành một món thực phẩm gia vị nổi tiếng được ưa chuộng trên cả nước
Khi cây tỏi bắt đầu ngả vàng cũng là khi báo hiệu mùa thu hoạch tỏi chính thức bắt đầu. Cách thu hoạch tỏi tuy khá dễ dàng, nhưng cách phơi và phân loại tỏi lại mất khá nhiều thời gian. Cây tỏi nhổ cũ, giũ sạch đất, cắt rễ, chột và lấy củ đem phơi. Người nông dân thường thu hoạch nguyên cây và sau đó mang về nhà cắt và giữ lấy phần củ. Với phần thân, có người ủ thành phân bón nhưng cũng có người đem… đốt. Chính vì vậy, trong cái khói thoang thoảng mùa này có mùi của tỏi.
Khi cây tỏi bắt đầu ngả vàng cũng là khi báo hiệu mùa thu hoạch tỏi chính thức bắt đầu
Sở dĩ tỏi ở đây ngon nổi tiếng bởi được trồng với một quy trình rất đặc biệt cùng với nguồn tài nguyên từ cát biển rất nhiều khoáng chất là nguồn dinh dưỡng vô tận.
Theo người nông dân tại đây, tỏi sau khi thu hoạch về là phơi ngay, phơi từ khoảng 18-20 nắng với điều kiện là nắng tốt. Phơi đến khi nào tách củ, thấy bên trong vỏ khô giòn, để củ dịu nhiệt mới đưa vào bảo quản. Tuyệt đối không cho vào bảo quản khi củ tỏi còn nóng. Cách bảo quản là để nơi khô ráo và thoáng mát.
Theo người nông dân tại đây, tỏi sau khi thu hoạch về là phơi ngay, phơi từ khoảng 18-20 nắng với điều kiện là nắng tốt
Cứ sau mỗi mùa thu hoạch, người dân đảo Lý Sơn lại cào bỏ lớp cát cũ, thay thế bằng lớp cát mới có nhiều khoáng chất từ biển, chuẩn bị một vụ mùa trồng tỏi mới.
Tới Lý Sơn thời điểm này du khách đừng ngạc nhiên khi thấy tỏi khắp mọi nơi. Trên cánh đồng, sau khi thu hoạch xong người trồng tranh thủ phơi tỏi ngay tại đây. Dưới cái nắng, cát trắng và bạt ngàn tỏi sau khi thu hoạch, người sàng, người sẩy. Nhiều du khách đến đây gọi đùa rằng trong vị ngon của tỏi, ít nhiều có vị mặn của những giọt mồ hôi của người nông dân.
Tỏi được phơi kỹ lưỡng trên mái nhà, trên sân, trong hiên. Tỏi ngự trị trên bờ rào, hiên nhà
Không chỉ vậy, tỏi theo bước chân người trồng về nhà. Tỏi được phơi kỹ lưỡng trên mái nhà, trên sân, trong hiên. Tỏi ngự trị trên bờ rào, hiên nhà. Với người dân Lý Sơn, tỏi là một phương thuốc chữa bệnh diệu kì. Theo anh L.V.Q cho biết: “Tỏi trị bệnh cho trẻ con cực hay. Bé nhà mình mỗi khi cảm sốt hay nghẹt mũi dùng tỏi để xông. Khi bị đứt tay, sử dụng tỏi để cầm máu khá tốt”.
Tỏi trở thành thức ăn kèm phổ biến trên Lý Sơn
Thời gian thu hoạch tỏi kéo dài trong khoảng hai tuần. Sau đó tỏi đem phơi khô hoặc bán tươi cho thương lái. Vụ đông xuân năm nay huyện đảo Lý Sơn trồng hơn 300 ha tỏi, ước tính mỗi ha nông dân thu hoạch từ 45 đến 60 tạ, cao gấp 2-3 lần năm ngoái. Những năm trước, 1kg tỏi tươi chỉ có giá từ 10.000 đến 12.000 đồng, nhưng nay đã lên đến 40.000- 80.000 đồng; còn mỗi ký tỏi khô giá 90.000-120.000 đồng. Tỏi một tép (tỏi cô đơn) có giá đắt nhất. Tới thời điểm cận Tết, tỏi càng được giá.
Xuất phát từ nhu cầu thương lái thu mua để kịp đưa loại nông sản ở đảo này lên chuyến tàu sớm đưa vào đất liền tiêu thụ nên chợ tỏi họp 4h-7h sáng
Ở Lý Sơn, sau khi tỏi được phơi khô, người nông dân sẽ đem tỏi ra bán ngay tại phiên chợ tỏi trên đảo. Xuất phát từ nhu cầu thương lái thu mua để kịp đưa loại nông sản ở đảo này lên chuyến tàu sớm đưa vào đất liền tiêu thụ nên chợ tỏi phải họp 4h-7h sáng. Đây là phiên chợ đặc trưng nhất trên đảo, chỉ dành riêng cho nông dân buôn bán tỏi với các thương lái.
Với 300 ha tỏi, mỗi năm sản lượng của huyện đảo Lý Sơn khoảng 1.800 tấn tỏi khô. Không chỉ bán tỏi khô, người dân đảo Lý Sơn còn bày bán " tỏi ngồng non" cho du khách mang về đất liền chế biến thành món ăn. Mỗi bó tỏi ngồng non này có giá 20.000-25.000 đồng. Trong thời gian gần đây, món gỏi lá tỏi trở một đặc sản mà du khách khá thích thú.
Đến với Lý Sơn, ngoài ngắm cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng, du khách còn được khám phá ẩm thực tươi ngon là các món hải sản, rong biển và đương nhiên, không thể thiếu tỏi, vừa ăn, vừ mang về làm quà.
Anh Thư
Tới Lý Sơn xem người dân làm du lịch chân chất, nhiệt thành
Anh Thư 8:0 18/5/2018
Trong thời gian gần đây, Lý Sơn trở thành một điểm du lịch được đông đảo người yêu thích, đặc biệt những khách yêu thích loại hình du lịch biển đảo. Lượng du khách đến đảo ngày một tăng, đi kèm theo đó các hình thức du lịch cộng đồng (homestay) cũng khá phát triển, thu hút nhiều hộ dân tham gia.
Homestay là một hình thức du lịch được đông đảo du khách ưa thích khi tới với Lý Sơn
Theo thông tin từ Phòng văn hóa thông tin huyện đảo Lý Sơn, lượng du khách đến với Lý Sơn năm sau luôn cao hơn năm trước từ 200 đến 300%. Ví dụ như trong nửa đầu năm 2018, huyện đảo đã đón hơn 80 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Vào những ngày cao điểm, Lý Sơn đón khoảng 8-10 nghìn lượt khách.
Để đáp ứng nhu cầu này, người dân và các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà nghỉ, khách sạn để phục vụ nhu cầu du khách. Thống kê sơ bộ toàn đảo có khoảng hơn 30 nhà nghỉ, khách sạn. Đi kèm với đó, nhiều hộ dân trên đảo cũng đã mở loại hình kinh doanh du lịch homestay với khoảng 53 hộ, tập trung chủ yếu ở xã An Vĩnh.
Khoảng cách giữa chủ homestay và du khách dường như được xóa nhòa
“Mình lựa chọn loại hình homestay vì nhiều yếu tố. Mình thấy người dân trên đảo vô cùng hiếu khách. Cùng ăn cùng sinh hoạt thật là thú vị. Ví dụ như chủ nhà của mình, cô Phụng giao nhà cho bọn mình rồi đi trồng tỏi cả ngày. Chiều chiều bọn mình cùng với con của cô đi dạo quanh đảo cũng rất thú vị”, bạn Mỹ Lan bày tỏ.
Theo chia sẻ của cô Mỹ Phụng, chủ homestay Mỹ Phụng ở xã An Vĩnh, Lý Sơn thì “Nhà mình ở gần cầu cảng. Ban đầu, khách tới đảo không có chỗ ở nên xin mình ngủ nhờ. Sau mình mạnh dạn đầu tư cho thuê hẳn phòng của nhà luôn với giá khoảng 50-80 nghìn đồng/1 ngày. Nhất là khi có điện, mình trang bị thêm điều hòa, có wifi thì phục vụ khách càng chu đáo hơn. Đây cũng là một nguồn thu của gia đình mình ngoài việc trồng tỏi. Con cái nhờ vậy cũng được đầu tư học hành tốt hơn”.
Ngoài cung cấp dịch vụ lưu trú, các chủ homestay ở đây còn cung cấp nhiều dịch vụ khác.
Nét đặc biệt và sự lôi cuốn của các homestay ở đây đó chính là sự hiếu khách và thân thiện của các chủ cơ sở. Họ hỗ trợ khách chân thành và nhiệt tình trong quá trình khách đến đảo du lịch. Khoảng cách giữa khách du lịch và người bản địa gần như xóa nhòa. Không chỉ cung cấp dịch vụ cho thuê nơi nghỉ, cung cấp xe máy, liên kết hỗ trợ cho thuê xe du lịch, đặc sản, vé tàu… các chủ homestay còn cung cấp dịch vụ nấu ăn cho các đoàn khách.
“Trước đây, người dân Lý Sơn cho rằng người lạ vào nhà ngủ, đi khắp nơi... đó là điều kiêng kỵ. Chồng mình trước đây đi biển, giờ đã chuyển nghề lái xe túc túc du lịch. Sau đó, gia đình mình vay vốn mở homestay. Những năm đầu triển khai mô hình du lịch cộng đồng (homestay), nhiều người đã xúi chủ nhà cứ tiễn khách là phải cúng gà để “xả xui”. Nhưng ngày nay đã khác rồi. Mình ở nhà nấu ăn, dọn dẹp và hỗ trợ khách. Thu nhập cũng nhàn hơn. Anh em họ hàng nhà mình đi biển đánh bắt hải sản, mình thu mua về chế biến cho khách. Vừa tươi, vừa rẻ, khách yêu thích mà anh em mình cũng có thêm thu nhập.”, chị Liên, chủ một homestay cho biết.
Nét thu hút của loại hình homestay đó chính là sự đón tiếp nồng hậu
Homestay ở Lý Sơn được nhiều du khách quan tâm, lựa chọn bởi tính gần gũi, dân dã và chi phí phải chăng. Tuy nhiên, nhìn chung dịch vụ homestay ở Lý Sơn còn sơ sài, chưa có sự phong phú, đa dạng. Mặc dù đã được ngành du lịch địa phương hỗ trợ bằng nhiều cách như: tập huấn nghiệp vụ đón khách, an ninh và phòng cháy chữa cháy, lắp đặt bảng hiệu, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đón khách… nhưng các dịch vụ mang tính độc đáo, trải nghiệm và “rất Lý Sơn” như: Cùng người dân tham gia trồng hành, tỏi, câu cá, lặn biển cùng ngư dân… chưa được tính tới và áp dụng.
“Tôi có một người con đang học ở TP.HCM. Em ấy lập facebook đăng tải hình ảnh về Lý Sơn, về những đoàn khách tới nhà tôi. Sau đó, em ấy còn đi quảng cáo ở các diễn đàn du lịch, chính vì vậy, lượng khách tìm đến ở nhà tôi cực kỳ ổn định. Ngoài cung cấp dịch vụ lưu trú, tôi còn cung cấp dịch vụ ăn uống và phối hợp cùng anh em ở đây để phục vụ du khách tốt hơn. May mắn là khách rất ủng hộ”, cô Thuần, một chủ homestay khác cho biết.
Các dịch vụ phục vụ du lịch khác cũng được phát triển
Ngoài cung cấp dịch vụ homestay, nhiều người ở đây cũng cung cấp các dịch vụ khác như: xe túc túc, xe du lịch, các dịch vụ ăn uống, buôn bán hải sản, đặc sản… Chính sự thân thiện, giá cả phải chăng nên du khách khá hài lòng khi đến Lý Sơn. Đây được xem là một loại hình “du lịch xanh” lý tưởng đối với du khách yêu thích khám phá văn hóa bản địa, đặc biệt là một nơi có nguồn tài nguyên du lịch dồi dào như Lý Sơn.
Đến Lý Sơn để ngắm bình minh đẹp nao lòng bên thềm chùa Đá trời sinh
Phong cảnh đảo Lý Sơn được ví như một bức tranh thủy mạc, nhưng hoàn hảo nhất phải nói đến vẻ đẹp của bình minh, khi những tia nắng sớm đầu tiên chảy lên từng ngóc ngách của đảo cũng chính là lúc chùa Hang ló diện, rũ bỏ lớp áo hiu quạnh sau một đêm dài.
Đến huyện đảo nhỏ Lý Sơn vào một ngày hè oi bức, du khách không khỏi xuýt xoa trước không gian đầy mùi gió biển mát lạnh phả vào mặt, cái nóng, cái mệt của chặng đường dài dường như bốc hơi nhanh trong nháy mắt.
Du khách muốn ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của Lý Sơn phải chịu khó dậy từ sáng sớm để đón bình minh. Tại đảo này có vô số điểm để ngắm mặt trời, nhưng có một góc ở chùa Hang sẽ khiến du khách như lạc vào một chốn thần tiên, trong veo, tĩnh lặng, bình yên dịu kỳ đến mức cả tâm hồn như được gột rửa.
Chùa Hang nằm sâu trong hang núi đá, nơi có mạch nước chảy ra từ những bãi núi đá phủ đầy rêu phong. Nét trầm mặc, cổ kính của chùa Hang gắn liền với nhiều truyền thuyết thần bí, cộng với vẻ đẹp đầy nguyên sơ của nó khiến cho du khách cảm thấy nơi này thật trang nghiêm. Mặc dù đảo Lý Sơn có 4 ngôi chùa nhưng chùa Hang là nơi có phong cảnh đẹp nhất, được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia.
Chùa Hang nằm sâu tít trong hang núi đá, có hình dáng như hàm con ếch, bên trong thờ cúng rất nhiều vị thần. Chùa hướng ra phía bắc nên mỗi khi biển động, gió thổi mạnh tạo nên những âm thanh lúc thì huyền bí, kỳ quái, lúc thì du dương thánh thót.
Sau khi dạo một vòng quanh chùa Hang cũng vừa lúc mặt trời ló dạng sau những rạng đá, những tia nắng ấm áp đầu tiên chiếu qua đỉnh tượng Quan âm, cũng là lúc biển đông lặng sóng, yên tĩnh, gió thổi mặn nồng mùi biển khơi, chân dẫm lên từng bãi cát mịn êm, nước trong lành mát rượi sảng khoái. Giây phút ngắm Lý Sơn thanh bình chỉ ngắn ngủi trong vài phút, mặt trời lên cao rất nhanh, ánh nắng gắt cũng là lúc du khách sẽ phải quay trở lại đất liền.
Vùng biển ở đây vẫn đậm nét hoang sơ đầy đá, rêu, cây cối tốt tươi hai bên bờ. Điều ngạc nhiên là dù nằm ngay sát biển, thế nhưng ngay lối vào hang chính lại có mạch nước ngọt. Du khách có thể uống để cảm nhận từng nhịp thở của hòn đảo Lý Sơn nhỏ bé này.
Theo PHAN HẰNG. Ảnh: NGUYỄN VĂN PHÚC (Dân Việt)
Chùm ảnh đảo Lý Sơn tuyệt đẹp trong nắng Hè
Những ngày tháng 7, Lý Sơn trời trong xanh, biển mát lành. Đây cũng là mùa du lịch cao điểm khi hang ngàn du khách liên tục ra hòn đảo tiền tiêu của tổ quốc nghỉ dưỡng và tham quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét